Cập nhật: 04:59 GMT - thứ sáu, 1 tháng 3, 2013
Trong khi đang có kêu gọi gia hạn lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp 92, giới chức Hà Nội tuyên bố hoàn tất trước 7/3.
Quốc hội Việt Nam đang tổ chức đợt lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong ba tháng, từ 2/1-31/3/2013.Tuy nhiên, các lãnh đạo thành phố Hà Nội hôm thứ Tư 27/2 cho biết, tiến trình lấy ý kiến của người dân Thủ đô sẽ xong sớm trước thời hạn gần một tháng.
Thông báo trên được đưa ra trong buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội.
Báo Hà Nội mới, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, dẫn báo cáo nhanh của thành phố về tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân cho hay "14 quận, huyện của Hà Nội sẽ tổ chức xong trước ngày 28/2, những đơn vị còn lại chậm nhất vào 7/3 sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến".
Thông tin này gây quan ngại trong giới quan sát, vì nếu thủ đô Hà Nội - thành phố lớn thứ hai Việt Nam với hơn 6 triệu dân, thực hiện công việc lấy ý kiến một cách nhanh chóng như vậy, các thành phố khác có thể cũng theo gương.
Quá vội vàng
Blogger được nhiều người theo dõi, ông Huỳnh Ngọc Chênh, nói với BBC rằng việc thu thập ý kiến của giới chức Hà Nội tỏ ra "quá vội vàng".Ông Chênh nói điều này gây thất vọng, vì "người ta thấy rằng quá trình xin ý kiến nhân dân chủ yếu mang tính hình thức, chứ không thực chất".
Ông Huỳnh Ngọc Chênh là một trong những người đã ký vào Kiến nghị Sửa đối Hiến pháp do 72 nhân sỹ trí thức khởi xướng hồi tháng trước, được gọi ngắn gọn là Kiến nghị 72.
Bản kiến nghị này, đã được trao cho Quốc hội, đề xuất kéo dài quá trình xin ý kiến nhân dân cho tới cuối năm.
Với động thái của TP Hà Nội, dường như những người tổ chức lấy ý kiến kiên quyết hoàn tất tiến trình trước thời hạn.
Trong buổi làm việc với Hà Nội hôm 27/2, với hiện diện của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ông Nguyễn Sinh Hùng, người cũng là Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói "đây là đợt sinh hoạt chính trị và pháp lý rộng rãi trong toàn dân".
Ông nhấn mạnh: "Các ý kiến đóng góp thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, phải chọn lọc tinh hoa dân tộc đưa vào Hiến pháp".
Giới chỉ trích đặt câu hỏi với một thời hạn chóng vánh như vậy, làm sao có thể chọn lọc được "tinh hoa dân tộc" như kỳ vọng.
BBC
No comments:
Post a Comment