Suốt đời đấu tranh cho bình đẳng
Ông Stéphane Hessel không những được người Pháp mà còn nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ không chỉ vì tác phẩm best seller “Hãy Phẫn Nộ” mà còn vì ông là một con người suốt đời đấu tranh cho bình đẳng, cho nhân quyền.“Động lực cơ bản của sự nổi dậy là phẫn nộ” khẳng đề ngắn ngủi trong quyển sách của Stéphane Hessel cũng là động lực cho Sylvie Crossman và Jean-Pierre Barou của nhà xuất bản Indigènes ở Montpelier đồng ý in quyển sách khô khan chỉ có 32 trang này vào tháng 10 năm 2010. Lúc đầu, nhà xuất bản nhỏ bé ở miền Nam nước Pháp này chỉ in 8.000 quyển với giá 3 euro một quyển, nhưng rất nhanh sau đó, nó trở thành một best seller (sách bán chạy nhất), trong vòng 3 tháng đã bán được trên 300.000 quyển và cho tới hôm nay, khi tác giả nằm xuống, quyển sách nhỏ bé đã được bán trên 4 triệu quyển ở trên 35 quốc gia và dịch ra trên 30 thứ tiếng. Ở Pháp, người ta đã không ngần ngại gọi đó là “hiện tượng Hessel”.
Cuộc đời của Stéphane Hessel trải qua trong một quá khứ đầy biến động của nước Pháp. Sinh ra ngày 20 tháng 10 năm 2017 ở Berlin, qua Pháp năm 8 tuổi lớn lên tại Pháp trong một gia đình gốc Ba Lan - Do Thái - Đức, năm 1941, Stéphane Hessel đến đã bỏ trốn đến Luân Đôn (Anh Quốc) để tham gia lực lượng kháng chiến của tướng Charles de Gaulle. Sau đó ông nhảy dù trở lại nước Pháp. Năm 1944, ông bị phát xít Đức bắt giam ở nhà tù phát xít nổi tiếng Buchwall, bị kết án tử hình, ông tráo căn cước của một người tù vừa chết bị án nhẹ hơn và vượt ngục. Sau chiến tranh, ông trở thành đại sứ của Pháp ở Liên Hiệp Quốc. Ông cũng là đồng soạn giả của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 cùng với Eleanor Roosevelt - phu nhân của Tổng thống Franklin D.Roosevelt và René Samuel Cassin - giải Nobel Hoà Bình 1968 - Ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân quyền tại Đức nói:
Ông già gân Stéphane Hessel đã qua đời ở tuổi 97 và để lại cho chúng ta một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi và một di sản tinh thần đáng kể cho Nhân quyền. Vũ Quốc Dụng“Cả đời Hessel gắn bó với bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Ông cho biết ông luôn mang theo mình, bản tuyên ngôn vĩ đại này và kêu gọi chúng ta phải hỗ trợ một cách mạnh mẽ cho nó. Ông già gân Stéphane Hessel đã qua đời ở tuổi 97 và để lại cho chúng ta một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi và một di sản tinh thần đáng kể cho Nhân quyền. Ý kiến về quyền phổ quát của Hessel đã được khẳng định trong Hội nghị Nhân quyền quốc tế họp ở Vienne năm 1993 mà năm nay chúng ta sẽ làm lễ kỷ niệm 20 năm. Hội nghị này cũng khẳng định việc can thiệp của quốc tế khi xảy ra vi phạm nhân quyền ở một quốc gia. Hội đồng Nhân quyền LHQ hiện xem xét các vi phạm nhân quyền ở các quốc gia trên toàn thế giới bất kể các quốc gia này có ký kết tham gia vào các công ước nhân quyền hay chưa.”
Thị trưởng thành phố Paris Bertrand Delanoë từ biệt Hessel với những lời như sau “ông đã để lại cho mọi người một gia sản vô giá: đó là sự chiến đấu để bảo vệ giá trị phổ quát của con người và quyền tự do bất khả xâm phạm.”
Về hưu, Stéphan Hessel là một khuôn mặt quen thuộc trong những cuộc biểu tình cho nhân quyền, biểu tình bênh vực người di dân, bênh vực Palestine mặc dầu ông gốc Do thái. Có thể nói ở đâu có phẫn nộ, có bất công, ở đó có ông. Ông đã đứng ra bảo vệ quyền sống của người Palestine ở dải Gaza và vùng Tả ngạn sông Jordan và chống lại cái mà ông gọi là tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại của Israel. Ông đã kêu gọi tẩy chay, không đầu tư và cấm vận đối với Israel. Lập trường khá cực đoan của ông đã gây tranh luận sôi nổi và khiến ông bị phản đối không ít tại Pháp. Ở Pháp, nhất là Đức - là nơi xảy ra cuộc diệt chủng 6 triệu người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã - người ta dễ bị dán nhãn là “kỳ thị người Do Thái” khi mở miệng chống Israel. Dù có thể không đồng ý với lập trường của ông trong vấn đề Israel nhưng chúng ta cũng phải cảm phục thái độ lội ngược dòng can đảm của người gốc Do Thái này đối với Israel. Ở đây bản chất phản kháng Hessel đã lộ rõ nhất.
Nhà ngoại giao Hessel không phải là triết gia, cũng không là nhà văn chuyên nghiệp, “Hãy Phẫn Nộ!” không phải là tác phẩm sắc sảo về tư tưởng, hay một tuyệt tác văn chương. Nhưng “ Indignez-vous” được đón nhận nồng nhiệt vì nó đáp ứng được một nhu cầu cần thiết trong 1 chế độ độc tài, một xã hội bất công: đó là nhu cầu phẫn nộ. “Indignez-vous” được hầu hết thế giới đón nhận và được xem là tư tưởng cốt lõi cho những cuộc cách mạng gần đây trong thế kỷ 21. Nhà báo Từ Thức, tác giả bài “Hãy Nổi Giận” hay “Hiện tượng Hessel ở Pháp” lý giải:
“Tư tưởng của ông không có gì là mới lạ hết. Ông ấy đưa ra một điều hết sức là hiển nhiên nhưng mà nó đáp ứng được nhu cầu phải đạp đổ mọi chuyện bất công để xây dựng một xã hội tốt hơn, thứ hai nữa, ông ấy tiêu biểu cho một tinh thần đạo đức trong một xã hội vật chất. Con người ông ấy là một con người đạo đức. Suốt đời ông ấy tranh đấu cho Nhân quyền. Mặc dầu ông ấy đã 95 tuổi rồi nhưng các tờ báo Pháp vẫn cho ông ấy là 1 trong những người trẻ tuổi nhất của nước Pháp. Hessel là người bắt cầu giữa thế hệ cũ với thế hệ mới và ông ta đã thổi một luồng gió mới cho cái tinh thần bi quan của dân Pháp.”
Hãy biết nổi giận
Trong “Indignez-vous”, Hessel kể lại những kinh nghiệm thực tế của ông trong Hội Đồng Quốc Gia Kháng Chiến, khi ông tham gia Kháng Chiến Pháp chống lại Đức quốc xã, lúc đó việc kết hợp mọi thành phần ở trong vùng bị chiếm đóng của Pháp: các phong trào, các đảng phái, các công đoàn lao động là cần thiết. Giai đoạn này là nền tảng của quyết định tham gia vào chính trường của ông sau này. Theo ông Vũ Quốc Dụng, bản chất phản kháng trong thời gian này đã được ông mang theo trong suốt cuộc đời hoạt động về sau:“Hessel không phải là một lý thuyết gia mà còn là một nhà hành động không biết mệt mỏi cho Nhân quyền. Khi hoạt động Hessel đã giữ bản chất phản kháng của một kháng chiến quân như thời ông kháng chiến để chống lại Đức Quốc Xã. Với quan niệm “Con người phải dấn thân để cải thiện thế giới”, Hessel kêu gọi thế hệ trẻ phải biết nổi giận, phải bất tuân dân sự và phải bỏ thái độ bàng quan trước những bất công xã hội cũng như là những cái bất công trên thế giới.”
Stéphane Hessel là một con người suốt đời phẫn nộ. Ông kêu gọi giới trẻ hãy biết nổi giận, hãy biết phản kháng một cách ôn hoà. Nổi giận, theo Hessel, là điều kiện tối cần để con người còn là con người, để xã hội khỏi phá sản, đó cũng là ý tưởng trong bài thơ “Dự cảm” của nhà thơ Võ Trung Hiếu:
Người Việt Nam thấy rõ ràng rằng có một ngàn lý do để nổi giận và lý do ghê gớm nhất là Việt Nam trước cái hiểm họa bán nước. Nhà báo Từ Thức“Một đất nước lặng im là một đất nước hôn mê,
Một dân tộc lặng im là một dân tộc chết.”
Nhà báo Từ Thức nói: Để khỏi cái tự giết mình, “bất bình” là ý tưởng phản kháng khởi đầu trước khi đi đến hành động:
“Ông Hessel nói rất là đơn giản : cái bản chất của độc tài là bao giờ cũng tìm cách kìm kẹp con người, thì bổn phận con người là phải thoát ra khỏi sự kìm kẹp đó. Ông ấy nói : nếu mà con người buông thả, từ khước những chuyện bất bình, tức là chấp nhận chế độ độc tài đó, tức là đi vào cõi chết. Ông ấy nói: nếu con người muốn còn là con người, muốn còn cái nhân cách của mình thì trước hết phải bất bình. Hành động sau, nhưng mà khởi đầu là một sự bất bình.”
Stéphane Hessel nói nếu anh sống dửng dưng, hãy tìm một lý do để nổi giận. Lý do để nổi giận không ở đâu xa: những bất công xã hội, tham nhũng lộng hành, phá họai môi trường, đạo đức suy tàn. Với VN, khỏi cần tìm kiếm, những lý do để nổi dậy đếm không hết như nhà báo Từ Thức chia sẻ: độc tài, nhân quyền, tư do bị chà đạp, nhân công bị bán ra nước ngoài,sống như nô lệ, phụ nữ bị gởi đi bán dâm kiếm ăn, nông dân bị cướp đất, và hiểm hoạ đất nước sừng sững trước mắt.
“Ở những nước  Châu người ta tưởng là không có vấn đề gì, cuốn sách của Hessel làm cho người ta khám phá ra là Âu Châu cũng có vấn đề, người ta cũng khám ra là phải phẫn nộ, thì trong bối cảnh đó, cuốn sách của Hessel đóng môt vai trò rất quan trọng. Ông Hessel nói: với những người Âu châu, trong một xã hội thanh bình, anh tưởng rằng anh không có lý do để nổi giận, nhưng nếu anh nhìn chung quanh, anh sẽ thấy có rất nhiều lý do để nổi giận, thí dụ như người thì kiếm ra bạc tỉ, người chỉ có vài trăm euro. Bây giờ, ở Việt Nam thì nó đầy dẫy sự bất công, thứ hai là nô lệ, thứ ba là ở Việt Nam không có một Nhân quyền nào được tôn trọng hết. Không có một lý do nào mà ở thế kỷ 21 chỉ có một Đảng nắm sinh mệnh của 80 triệu người. Người Việt Nam thấy rõ ràng rằng có một ngàn lý do để nổi giận và lý do ghê gớm nhất là Việt Nam trước cái hiểm họa bán nước. Không cần phải khai diễn nữa, người ta cũng thấy chuyện nổi giận là chuyện phải có.”
Đầu thế kỷ 20, nhà triết học Jean Paul Sartre nói: mỗi người, với tư cách cá nhân, phải có trách nhiệm với xã hội (vous êtes responsables en tant qu’individus).
Thế kỷ 21, nhà nhân quyền Stéphane Hessel tố cáo: “Thái độ tồi tệ nhất là thái độ thờ ơ” (la plus mauvaise attitude est l’indifférence).
Trong bài hát “Triệu con tim, một tiếng nói” nhạc sĩ Trúc Hồ kêu gọi “Đừng thờ ơ, đừng làm ngơ…”. Chừng ấy nhắc nhở đã đủ chưa để đánh thức “Sự Phẫn Nộ” ở mỗi con người trong một xã hội độc tài, tràn ngập bất công?
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/author-time-4-outrage-stephane-hessel-died-ta-03012013130047.html
*
No comments:
Post a Comment