Wednesday, 6 March 2013

'Thẳng thắn với Đảng, thành thật với mình'_ PHS3

6-3-13
Cập nhật: 13:38 GMT - thứ bảy, 2 tháng 3, 2013

Lãnh đạo Việt Nam
Bác sỹ Sơn lưu ý khi chưa đưa điều 4 vào Hiến pháp, Đảng cộng sản vẫn nắm giữ chặt quyền lực lãnh đạo của họ
Nhà vận động cho dân chủ, nhân quyền và cải tổ chính trị ở trong nước, Bác sỹ Bấm Phạm Hồng Sơn, cho rằng sửa hiến pháp là một thủ thuật mà ông gọi là "phương thức kinh điển" của các thể chế và các nhà độc tài khi họ muốn "duy trì," "cố thủ" quyền lực.
Ông cũng cho rằng người dân, kể cả giới trí thức, giới bất đồng chính kiến trong nước, muốn đấu tranh để đạt được dân chủ, nhân quyền thực sự, cũng như giành lại quyền lực đích thực của nhân dân, cần có sự thay đổi 'chủ động' và 'căn bản' từ tư duy tới chiến lược, chiến thuật trước đảng cộng sản.
Mở đầu phần II cuộc Bấm phỏng vấn bằng bút đàm với BBC, bác sỹ Sơn bình luận về một luồng ý kiến cho rằng có thể "có ai đó đang lèo lái và thi triển ý đồ" phía sau lần đưa ra sửa đổi Hiến pháp hiện tại, theo hướng có thể "dùng" lần tu chỉnh như một dịp để "kéo dài thời gian, tạo lợi thế chính trị cho mình" hay thậm chí "đánh lạc hướng xã hội và dư luận."
BS. Phạm Hồng Sơn: Đặt vấn đề như vậy đã chính là câu trả lời nếu bỏ đi các dấu hỏi, bớt đi dăm chữ và thêm vào chữ “Đảng cộng sản Việt Nam” (ĐCSVN). “Sửa hiến pháp” luôn là một phương thuốc kinh điển của mọi kẻ độc tài trong thời dân chủ mỗi khi chúng muốn tiếm quyền, củng cố lại quyền lực hay vượt thoát khủng hoảng. Chỉ cần xem qua dư luận vài tháng nay thì thấy phương thuốc đó còn khá hiệu nghiệm, gần như tất cả các vấn đề nghiêm trọng khác của đất nước đã bị mờ hoặc biến hẳn trên truyền thông, cả của Đảng lẫn của dân, trước các núi thông tin về hiến pháp – một bản văn chưa bao giờ được ĐCSVN tôn trọng.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói như thế thì dễ gây hiểu lầm hoặc làm tổn thương những người thật lòng muốn tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tiến bộ thực sự. Nhưng cá nhân tôi rất lo lắng cho những người có thiện ý tiến bộ thực sự đó vì đảng hoàn toàn chủ động trong việc này và đảng có rất nhiều cách thức, nguồn lực để tận dụng ngược trở lại như lèo lái, thậm chí mua chuộc. Những thủ đoạn nhằm tận dụng trở lại đó của ĐCSVN thì chính bản thân tôi và nhiều thân hữu của tôi đã phải trải nghiệm.

'Góp ý nào ấn tượng?'

BBC: Trong số các ý kiến đóng góp về đợt sửa Hiến pháp lần này, ông thấy có ý kiến nào, của ai, đáng chú ý vì tính thực tế, thực chất của nó?
"Chúng ta nên nhớ lại trước khi có Điều 4 Hiến pháp năm 1980 thì đảng vẫn hoàn toàn “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”"
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
Ngoài giới đấu tranh ly khai khỏi ĐCSVN, tôi thấy ấn tượng với ý kiến của hai người là ông Nguyễn Trung, đảng viên cộng sản, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và ông Nguyễn Huy Canh một đảng viên cộng sản. Ý kiến ấn tượng của ông Nguyễn Trung đối với tôi là ông đã đi đến nhận định rằng ĐCSVN đang “quyết cố thủ” tính “độc quyền toàn trị đối với quốc gia” và ông nêu quan điểm rõ rằng nếu hiến pháp chỉ sửa đổi sơ sơ như dự thảo thì nên dừng việc cải cách hiến pháp lại. Còn ý kiến gây ấn tượng cho tôi từ ông Nguyễn Huy Canh là ông khẳng định các hoạt động chính trị “không thể lý giải theo cách của các khoa học tự nhiên được.” Nhưng đáng tiếc tôi lại không đồng ý với các giải pháp đề nghị của hai người này. Ông Nguyễn Trung rất trông chờ vào chữ “tâm” của các lãnh đạo đảng, còn ông Nguyễn Huy Canh thì kỳ vọng vào việc luật hóa Điều 4. Sự vô ích của luật hóa Điều 4 (nếu có thể được luật hóa) đã được tôi chứng minh ở phần trên. Còn việc trông chờ vào thiện ý hay tâm nguyện của lãnh đạo lại là một tinh thần thụ động, ảo tưởng hết sức vô lý ở một người đã tự thừa nhận đảng của mình đang “cố thủ” sự độc tài.
Còn về tổng thể, tôi thấy đa phần ý kiến trong dư luận hiện nay vẫn là mang tính khuyến dụ đảng bỏ Điều 4 hay luật hóa Điều 4 với lý lẽ là nhằm để ĐCSVN trường tồn hay chính là giúp để đảng trong sạch hơn, có uy tín hay lấy lại uy tín với nhân dân hoặc bỏ Điều 4 là theo đúng tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh. Theo tôi kiểu khuyến dụ đó là không đúng, nhầm lẫn (hoặc thiếu thành thật) về bản chất hiện tượng và không chân thật nhìn từ vị thế của ĐCSVN. Vì nếu bỏ Điều 4 không thôi thì không hẳn đã tương đương với xã hội có đa đảng, có dân chủ, tự do hay ĐCSVN chấp nhận những điều đó. Chúng ta nên nhớ lại trước khi có Điều 4 Hiến pháp năm 1980 thì đảng vẫn hoàn toàn “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”. Còn về Hồ Chí Minh, tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng chính thực tế cầm quyền và những phát biểu của Hồ Chí Minh, đã được ghi lại trên các văn bản của ĐCSVN, đã minh chứng rõ rằng Hồ Chí Minh là con người mang tư tưởng độc tài quyết liệt nhưng khéo léo, xảo quyệt.
Còn việc đảng sẽ thấy người khuyến dụ kiểu đó không chân thật là vì ngay một chính trị gia thiếu kinh nghiệm nhất cũng phải hiểu rằng khi bắt đầu phải cạnh tranh với người khác cũng là bắt đầu phải từ bỏ việc kiểm soát tuyệt đối quyền lực. Mà đảng thì lại không phải là một tổ chức chính trị thiếu kinh nghiệm và chính đảng đã nhiều lần tuyên bố dứt khoát rằng không chấp nhận đối lập chứ chưa nói đến việc cạnh tranh. Vì vậy kiểu khuyến dụ đó chỉ có thể mang lại sự an toàn, tính ít đối đầu cho người nói chứ hoàn toàn không có tác dụng để đảng tin cậy vào người nói, sẽ không làm đảng tự từ bỏ độc quyền quyền lực. Mà khi ĐCSVN đã nghi ngờ, vì thấy vô lý, thì đảng sẽ càng phòng thủ và càng tìm ra nhiều cách để đối phó, chống chế, trấn áp cái nguy cơ mà thâm tâm đảng cảm thấy có thể bị giăng bẫy (vô tình hay cố ý) bởi chính những người thân cận với mình. Như vậy, lối khuyến dụ kể trên còn gây tổn hại cho lòng tin, vốn đã yếu, giữa người Việt với nhau.

'Sự chủ động của dân'

Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
Ông Sơn cho rằng công dân không nên "trông mong ở chính quyền" trong đấu tranh đòi hỏi "tự do, nhân quyền."
BBC: Theo ông, cả chính quyền, người dân và các giới cần nỗ lực theo hướng nào, nguyên tắc nào và cách thức ra sao để đảm bảo sớm có nhân quyền, tự do, dân chủ thực sự ở Việt Nam, không chỉ giới hạn ở việc sửa Hiến pháp lần này?
Về chính quyền, thú thật tôi không có kỳ vọng gì vào việc góp ý để họ thay đổi hay lắng nghe. Và nếu họ trở nên biết lắng nghe thì những gì mọi người đã nói trong khoảng 5 năm qua thôi cũng đã quá đủ để họ biết cần phải làm gì để đất nước thoát khỏi tình trạng lâm nguy hiện nay. Vì vậy, ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến sự chủ động của nhân dân – những người đang bị kìm kẹp.
Theo tôi trước hết nhân dân cần nhận thức rằng việc xây dựng dân chủ, giành và thực hiện các quyền tự do hay nhân quyền là một công việc phải luôn chủ động và là một quá trình lâu dài, liên tục, phải trải qua nhiều giai đoạn. Đó là công việc của chính mỗi người dân – những người đang bị trị - chứ không phải của bất cứ ai hay bất cứ quốc gia, tổ chức quốc tế nào, dù họ là người tài giỏi hay giàu mạnh, tốt bụng đến mấy. Với tư cách là công dân, ta không nên trông mong ở chính quyền, kể cả chính quyền dân chủ. Trong công cuộc tranh đấu đó, mỗi quốc gia gần như đều có những cách thức riêng để tiến tới tự do nhưng, theo tôi, có những nguyên tắc và những vấn đề chung không thể né tránh.
BBC: Ông có thể cho biết rõ thêm những điểm chung đó?
"Dĩ nhiên hiện nay không ai lại đi cổ vũ và ủng hộ cho đấu tranh vũ trang, bạo động nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc đấu tranh bất bạo động không phải hy sinh, mất mát"
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
Chẳng hạn như, nguyên tắc trả giá, hy sinh. Mọi tiến bộ của cá nhân hay xã hội đều buộc phải đi kèm với một cái giá nào đó. Dĩ nhiên hiện nay không ai lại đi cổ vũ và ủng hộ cho đấu tranh vũ trang, bạo động nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc đấu tranh bất bạo động không phải hy sinh, mất mát. Nhưng cái giá đó đắt hay rẻ, lớn hay nhỏ lại tùy thuộc quan niệm trong sự so sánh giữa các cặp giá trị như nhân phẩm-thân thể, tự do-nô lệ, lợi ích gia đình – tiến bộ xã hội hay quyền lợi đảng phái-chủ quyền dân tộc...
Hoặc một đặc điểm chung khác là chúng ta cần phải học và thực hành những đặc tính văn hóa dân chủ. Ví như nếu chúng ta muốn có tam quyền phân lập, muốn có đối trọng về quyền lực thì chúng ta không thể không thấy lợi ích từ sự hiện diện của những tổ chức, ý kiến khác biệt với mình. Nếu nhân dân muốn có một chính quyền biết đối thoại, lắng nghe dân chúng thì chúng ta không thể giữ thái độ im lặng, bất chấp hoặc xúc xiểm, trấn áp những phê bình, cảnh báo của người khác. Hay các đảng phái chính trị là cần thiết trong chế độ dân chủ nhằm vận động, tập hợp dân chúng trong việc cạnh tranh tìm ra lãnh đạo tối ưu và phòng chống độc tài nhưng chúng ta không nên nhầm cạnh tranh chính trị với đầu óc bè phái, cục bộ, quên mất cái mục đích tối thượng của cạnh tranh chính trị là giúp cho chân lý, điều hay lẽ phải không bị kẻ cầm quyền vùi dập chứ không phải là việc trung thành mãi mãi hay cứ cố bảo vệ cho người cùng nhóm, cùng đảng với mình bất chấp phải, trái. Nếu những nét văn hóa dân chủ cơ bản như thế chưa được thấm nhuần và trở thành phổ biến thì rất khó có thể đạt được một xã hội dân chủ, văn minh.

'Cần thẳng thắn hơn'

Một điểm quan trọng nữa là nhân dân cần thay đổi cách tiếp cận trong vận động, đấu tranh. Chúng ta cần thẳng thắn hơn với ĐCSVN và thành thật hơn với bản thân mình. Chúng ta sẽ không thể thuyết phục được người khác chấp nhận chân lý nếu chính chúng ta lại né tránh hay nói ngược với những sự thật hiển nhiên hoặc lại đặt chân lý xuống dưới an toàn. Nhân dân sẽ không thể đòi hỏi người khác phải dũng cảm rũ bỏ sự khống chế, mua chuộc của Trung Quốc khi chúng ta lại luôn cần một bình phong để che chắn cho chính kiến của mình. Làm sao có thể khiến độc tài đương quyền thức tỉnh “trở về với nhân dân” khi chúng ta cứ thản nhiên dùng hình ảnh, trước tác của cố lãnh tụ độc tài, cựu tướng lĩnh phi dân chủ vẫn một lòng theo Chủ nghĩa Marx-Lenin làm phông cho những kêu gọi, vận động dân chủ.
Trí thức nhân sỹ
Bác sỹ Sơn cho rằng các giới đấu tranh cho cải tổ chính trị, xã hội ở trong nước hiện nay cần thay đổi phương thức
Chúng ta sẽ không thể có một xã hội tôn trọng pháp luật (rule of law) nếu chúng ta vẫn giữ lối thuyết khách “làm như thế là có lợi cho Đảng, là giúp Đảng tránh sụp đổ chứ không phải lật đổ hay chống Đảng” thay cho việc minh định đơn giản rằng “cần phải làm thế vì pháp luật, vì công bằng”. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi người khác phải khí phách trước kẻ xâm lược khi chúng ta lại thế thủ trước họ bằng sự thừa nhận rất mù mờ “có thể có những kẻ lợi dụng để xuyên tạc nhưng không phải ai có ý kiến khác cũng đều là xuyên tạc, phản động.” Hoặc làm sao chúng ta có thể đòi hỏi lãnh đạo ĐCSVN phải biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của họ khi của cải của chúng ta đã đủ sống cho mấy đời con cháu mà chúng ta vẫn lo bị đảng cắt mất sổ hưu.

Còn về cụ thể, tôi nghĩ, vì mọi nguồn lực và thời gian của chúng ta đều có hạn, chúng ta nên gắng tập trung vào những điều vừa thiết thực lại vừa có tính nền tảng (cả về hàn lâm lẫn thực tiễn) cho một xã hội dân chủ tự do trong tương lai như: quyền ra báo tư nhân, xuất bản tư nhân: Đòi hỏi phải cấp phép hay chính thức thừa nhận (hợp pháp hóa) các trang mạng như Anh Ba Sàm, Bauxite VN, Quê Choa,… các tờ báo “chui” như Tự do Ngôn luận, Tổ Quốc,… nhà xuất bản Giấy vụn,…; quyền tự do đi lại: Không được đưa người đến chặn ở nhà hay lần mò, theo rõi, đe dọa nhằm ngăn chặn sự di chuyển của người dân…; quyền được xuất nhập cảnh tự do: Không được lén lút đưa ra những đòi hỏi, áp lực hay cam kết này nọ rồi mới cấp hộ chiếu hay cho thông quan xuất nhập đối với mọi công dân; quyền tham dự các phiên tòa công khai: Đã là công khai thì mọi người dân phải được bình đẳng vào dự, nhất là người thân của bị cáo, báo chí; quyền gặp gỡ, nhóm họp hay xuống đường tuần hành một cách ôn hòa mà không cần phải xin phép…
"Một điểm quan trọng nữa là nhân dân cần thay đổi cách tiếp cận trong vận động, đấu tranh. Chúng ta cần thẳng thắn hơn với ĐCSVN và thành thật hơn với bản thân mình."
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn
Hoặc các vận động rất thiết thực như “Tuyên bố kêu gọi thực thi quyền con người và bãi bỏ Điều 88”, theo tôi, đang đi khá chủ động và đúng hướng nhưng đáng tiếc đến nay lại bị “cải cách hiến pháp” làm chìm đi mất. Những quyền như thế, phần lớn đều đã được qui định trong bản hiến pháp hiện hành, nếu được cải thiện dù ít hay nhiều cũng sẽ là cái thực, cái tốt ngay cho chúng ta hơn là nếu đạt được một bản hiến pháp tuyệt vời đến mấy thì nó vẫn mới chỉ là giấy.
Và có một cách thức nữa tôi muốn nêu ra ở đây vì nếu thực hiện được thì sẽ tạo ra một uy lực chuyển đổi về phía tiến bộ vô cùng lớn mà lại rất ôn hòa, nhẹ nhàng. Đó là quyền từ giã những chiếc thẻ màu đỏ một cách công khai của vài triệu người. Nhưng cho tới nay, ngoài vài người rất đáng kính đã thực hiện, rất tiếc chưa có nhiều người đáng kính khác tỏ ra có dấu hiệu sẽ thực hiện, kể cả những người đã đi tới nhận định cái tổ chức phát ra những chiếc thẻ đỏ đó đã “hư hỏng, suy đồi” hay nó đang “cố thủ độc quyền toàn trị đối với quốc gia.”
Điều cuối cùng, theo tôi, khi xem lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay với bao mất mát thương đau mà người Việt Nam chỉ được hưởng một chế độ chính trị tàn bạo, ngoan cố thì giới tinh hoa hôm nay cần phải mạnh dạn hơn trong việc khẳng định tư cách độc lập. Giới tinh hoa độc lập thì dân mới độc lập. Dân độc lập thì nước mới độc lập, tự do.
Mời quý vị đón theo dõi Bấm tại đây phần I cuộc trao đổi gồm hai phần với Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, nhà vận động cho dân chủ, cải cách chính trị, ''tù nhân lương tâm" ở Việt Nam được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman-Hammett về quyền con người năm 2008.

Thêm về tin này

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/03/130302_phamhongson_hienphap2.shtml

**

No comments:

Post a Comment