Saturday, 9 March 2013

Vài ý kiến về bài viết của bác sĩ Phạm Hồng Sơn (Việt Hoàng)

Chọn cỡ chữ
“ ...Anh Ba Sàm là một trang mạng có uy tín vì vậy không nhất thiết phải phản ứng nặng nề và gay gắt như vậy trước một ý kiến trái chiều và thẳng thắn, nhất là khi ý kiến đó xuất phát từ một người thuộc phe dân chủ và đáng kính như bác sĩ Phạm Hồng Sơn...”

Hai phần bài phỏng vấn của phóng viên Quốc Phương đài BBC với bác sĩ Phạm Hồng Sơn: “Góp ý hiến pháp: Hơn một sự ngộ nhận” và “Thẳng thắn với đảng và thành thật với mình” đã gây ra một sự tranh cãi lùm xùm trong dư luận cộng đồng mạng. Đặc biệt là sau khi bài viết nhận được những lời bình luận khá nặng nề và gay gắt từ một trang điện tử lề trái nổi tiếng là Anh Ba Sàm, vốn xưa nay vẫn được tiếng là đa nguyên và trung lập. Việc Anh Ba Sàm chuyển hướng từ trạng thái trung lập sang việc ủng hộ cho một nhóm người hay một tổ chức nào đó là chuyện bình thường, nhất là khi dư luận Việt Nam đang dần dần chấp nhận chuyện đa nguyên, đa đảng.

Tôi đã đọc kỹ bài của bác sĩ Phạm Hồng Sơn với thái độ trân trọng và khách quan vì tôi kính trọng bác sĩ Phạm Hồng Sơn lẫn Anh Ba Sàm, nhưng thật sự là tôi không thấy có việc “dùng từ ngữ mập mờ” hay thái độ “miệt thị và xuyên tạc bản chất việc làm của những người khởi xướng Kiến nghị 72…của bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Có lẽ Anh Ba Sàm nổi giận vì câu của bác sĩ Phạm Hồng Sơn: “Theo tôi, một cách thẳng thắn, nếu bàn đến xây dựng hay ủng hộ việc cải cách hiến pháp với chính quyền Việt Nam hiện tại là một việc làm kỳ cục, gần như vô ích hoặc hết sức ảo tưởng”, cũng chính câu này được tác giả NC Phương nhắc lại trong bài viết của mình. Độc giả Trung Kiên của trang Anh Ba Sàm bình luận: “Thiển nghĩ, với lời nói trên đây của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, không phải ông coi thường hay phủ nhận nỗ lực của những người đang đấu tranh và vận động sửa đổi một số điều trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhất là bỏ điều 4 Hiến Pháp, mà vì ông (PHS) không còn chút tin tưởng nào vào thiện chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là những người “không bao giờ thượng tôn pháp luật”. Một khi nhà cầm quyền đã không có thiện chí và không tôn trọng luật pháp, thì cho dù nhân dân có góp ý với họ cũng chỉ bằng thừa, là vô ích! Theo tôi hiểu, bác sĩ PHS đã nhấn mạnh nhiều lần câu “thượng tôn Pháp luật” là để nhắm vào nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chớ không phải với những người đang đấu tranh cho dân chủ!”.

Tôi đồng ý với độc giả Trung Kiên. Chính bác sĩ Phạm Hồng Sơn cũng đã nói rất rõ ràng: “cá nhân tôi rất lo lắng cho những người có thiện ý tiến bộ thực sự đó vì đảng hoàn toàn chủ động trong việc này và đảng có rất nhiều cách thức, nguồn lực để tận dụng ngược trở lại như lèo lái, thậm chí mua chuộc. Những thủ đoạn nhằm tận dụng trở lại đó của ĐCSVN thì chính bản thân tôi và nhiều thân hữu của tôi đã phải trải nghiệm. Về chính quyền, thú thật tôi không có kỳ vọng gì vào việc góp ý để họ thay đổi hay lắng nghe. Và nếu họ trở nên biết lắng nghe thì những gì mọi người đã nói trong khoảng 5 năm qua thôi cũng đã quá đủ để họ biết cần phải làm gì để đất nước thoát khỏi tình trạng lâm nguy hiện nay”.

Không chỉ riêng bác sĩ Phạm Hồng Sơn mà rất nhiều người cũng cho rằng việc “kiến nghị” hay “góp ý” với đảng cũng chỉ vô ích. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và mới đây nhất là Báo Quân Đội Nhân Dân đã nhanh chóng phản hồi “thiện chí” của “Bản kiến nghị 72” và chỉ đích danh 72 vị trí thức khởi xướng: “hiện nay đang có một số phần tử cơ hội chính trị, được các thế lực thù địch phản động tiếp sức đang lợi dụng công việc quan trọng này để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những quan điểm sai trái, những luận điệu phản động được họ soạn thảo thành những tài liệu xấu mạo danh, nặc danh, thậm chí họ còn soạn ra hẳn một dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khác với Bản dự thảo Hiến pháp duy nhất do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội công bố tổ chức lấy ý kiến nhân dân… phát tán trên internet nhằm kích động, lôi kéo người dân; lợi dụng việc đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Nếu bản kiến nghị của 72 vị nhân sĩ đáng kính thay từ “Kiến nghị” thành “Tuyên bố” thì mọi sự sẽ khác. Ở đây không nói về cách dùng chữ nghĩa mà là tư duy Xin-Cho, nó vẫn còn ngự trị trong tư tưởng của những vị trí thức khả kính.

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nếu có sai sót thì đó là quá thẳng thắn. Phải rất thẳng thắn và trung thực mới phát biểu “Với tư cách là công dân, ta không nên trông mong ở chính quyền, kể cả chính quyền dân chủ”.  Lập luận về tinh thần “thượng tôn luật pháp” của bác sĩ Phạm Hồng Sơn hoàn toàn khoa học và nghiêm túc. Tôi đã định không lên tiếng, nhưng đến khi Anh Ba Sàm cho đăng tiếp bài của tác giả NC Phương với lối suy diễn và đả kích dữ dội bác sĩ Phạm Hồng Sơn (“Vài lời với Phạm Hồng Sơn”) thì rõ ràng sự việc đã được đẩy đi quá xa. Quyền tự do ngôn luận và sự đa nguyên chính trị cần được bảo vệ, lắng nghe, trao đổi với tinh thần bao dung và thiện chí. Anh Ba Sàm đã quá lo lắng vì sợ bài viết của bác sĩ Phạm Hồng Sơn ảnh hưởng đến phong trào dân chủ chăng? Tôi thì không nghĩ vậy. Dân trí của cộng đồng mạng nói riêng và dư luận Việt Nam đã đủ trưởng thành để phân biệt đâu là thật đâu là giả. Việc “ép đảng tự khỏa thân” tôi nghĩ không cần thiết vì đảng đã “khỏa thân” từ lâu rồi. Tác giả NC Phương viết:
Ý nghĩa của “thượng tôn pháp luật” được cả thế giới xem như một nguyên tắc khái quát để quản trị xã hội, xem nó như mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng.

-“Thượng tôn pháp luật” là một nguyên tắc cho quản lý xã hội, nguyên tắc ấy nhấn mạnh vào việc đề ra các điều luật để điều chỉnh hành vi con người trong xã hội, thay vì thực hiện các phán xét bằng mệnh lệnh của các cá nhân có quyền.

-Đồng thời, “thượng tôn pháp luật” cũng là định hướng – mục tiêu để xây dựng một xã hội công bằng, nhưng bản thân nó không phải là “phương tiện”. Nên nhớ rằng, hiến pháp và các chế tài pháp luật chỉ là “phương tiện” để đảm bảo cho cái nguyên tắc – định hướng – mục tiêu “thượng tôn pháp luật” trở thành hiện thực mà thôi.

-Cần nhấn mạnh lần nữa, nếu một xã hội thiếu vắng các quy định pháp luật thì “thượng tôn pháp luật” không thể biết thượng tôn ai, thượng tôn cái gì”.
Tôi không phải là luật sư nên thấy cách diễn giải này rối rắm, khó hiểu và hình như theo ý tác giả thì “hiến pháp” hay “luật pháp” sinh ra để “trị dân” và “quản lý xã hội” là chính chứ không phải để chế tài những người lãnh đạo. Theo tôi, tinh thần “thượng tôn pháp luật” là yêu cầu và đòi hỏi bắt buộc đầu tiên và quan trọng nhất để một đạo luật có giá trị. “Thượng tôn pháp luật” cũng là sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền để cùng nhau xây dựng một qui tắc chung sống. Hiến pháp còn được gọi là “khế ước xã hội”, hay hiểu nôm na là “hợp đồng chung sống” giữa người dân và chính quyền. Vì vậy bản hợp đồng chỉ có giá trị sau khi cả hai bên (người dân và chính quyền) đồng ý với các điều khoản viết trong đó và nhất trí thực thi những điều đã cam kết, tức là cả hai bên đều tôn trọng hợp đồng, đồng ý “thượng tôn pháp luật”. Nếu một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận đã ký kết thì bản hợp đồng đó hết giá trị. Người dân, nếu không “thượng tôn pháp luật” thì bị chính quyền trừng phạt như bỏ tù chẳng hạn, thế nếu chính quyền không “thượng tôn pháp luật”, thì làm sao đây?

Câu hỏi “nếu một xã hội thiếu vắng các quy định pháp luật thì “thượng tôn pháp luật” không thể biết thượng tôn ai, thượng tôn cái gì?”, tôi xin trả lời: Nếu có luật mà vẫn không dùng luật thì viết luật để làm gì? Không có luật hay có luật mà vẫn không dùng đến nó thì tốt nhất là dùng luật rừng. Xưa đến giờ đảng vẫn dùng luật rừng đấy thôi? Như vậy đỡ khỏi tranh cãi và làm mất thì giờ của người dân. Đảng cộng sản từ xưa đến nay chưa tôn trọng luật bao giờ, vì nếu tôn trọng luật pháp thì họ phải để cho tòa án được độc lập và tôn trọng vai trò của giới luật sư. Người dân đói, ăn trộm con gà bị tù mọt gông trong khi lãnh đạo làm mất hàng tỉ đô thì không sao? Đây là luật gì? Ai mới là người cần “thượng tôn pháp luật”? Người Buôn Gió rất rõ ràng khi kêu lên “Thôi đã cầm quyền, và đã thấy đúng hết thì chấm dứt luôn cái trò lấy ý kiến. Tuyên bố chấm dứt việc lấy ý kiến ở đây và huỷ bỏ những ý kiến đóng góp trước đó, lý do vì giai cấp cầm quyền đã thấy đúng hết rồi không phải đóng góp là gì nữa cho mất thời gian tiền bạc, công sức. Nếu ai thắc mắc việc không lấy ý kiến thì cứ trả lời đơn giản. Đúng hết thì còn lấy ý kiến làm gì?

Không đồng tình với một ý kiến trái chiều là điều đương nhiên phải xảy ra hàng ngày, ngay cả giữa những người có cùng tư tưởng, sở thích. Tranh luận dân chủ không phải để bài xích hay chụp mũ nhau mà để tìm ra chân lý trong sự bất đồng ý kiến đó. Anh Ba Sàm là một trang mạng có uy tín vì vậy không nhất thiết phải phản ứng nặng nề và gay gắt như vậy trước một ý kiến trái chiều và thẳng thắn, nhất là khi ý kiến đó xuất phát từ một người thuộc phe dân chủ và đáng kính như bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Việt Hoàng

No comments:

Post a Comment