Friday 1 June 2012

Biển đã dơ, sông khó sạch (Khuất Thu Hồng)

Thứ năm, 31 Tháng 5 2012 15:18
“...Nếu biển lớn ô nhiễm thì làm sao sông giữ mãi được sạch trong? Mọi chính sách dành riêng cho gia đình sẽ chẳng thay đổi được bao nhiêu nếu xã hội vĩ mô không thay đổi...”
 

SGTT.VN - Buổi sáng mỗi ngày, khu chung cư nơi tôi ở luôn xuất hiện tiếng rao của người bán báo. Qua giọng đọc vô cảm từ cái loa pin oang oang của họ, tôi lại được cập nhật về các vụ cướp của, giết người, hiếp dâm, tống tiền xảy ra ở chỗ này chỗ kia… Một ngày của tôi buộc phải bắt đầu với những thông tin về bạo lực như vậy!

Gia đình không còn là pháo đài bảo vệ các thành viên của nó.
Ảnh: Hồng Thái
Ngày nào cũng nghe, ngày nào cũng thấy các vụ án mới, ngày càng tàn nhẫn hơn, mất nhân tính hơn. Điều đáng sợ nhất là số lượng các vụ án gia đình ngày càng nhiều. Nào là con giết cha, mẹ giết con, cha lạm dụng tình dục chính con đẻ của mình, nào là vợ đốt chồng, chồng nhốt vợ vào chuồng chó, rồi chồng ép vợ xem clip sex của chính mình, chồng bắt vợ quay clip sex với người tình ba bốn lần để tống tiền bằng được… Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với gia đình Việt Nam? Điều gì đã khiến cho những người đàn ông hay đàn bà đó xuống tay với những người thân yêu của mình? Điều gì đã khiến cho những con người đó chà đạp lên luân thường, đạo lý, tàn phá tổ ấm chính mình?

Chưa có một nghiên cứu xã hội nào về các vụ án đó để phân tích sâu hơn về những động cơ của tội ác. Mâu thuẫn về kinh tế không phải là lý do của tất cả các vụ án gia đình. Theo tôi, có lẽ nguyên nhân chính là sự khủng hoảng trong quan hệ gia đình. Sợi dây tình cảm giữa các thành viên ngày càng trở nên lỏng lẻo. Tuy nhiên quan hệ gia đình không tự nhiên bị khủng hoảng. Sâu xa hơn nữa, điều này bắt nguồn từ sự khủng hoảng giá trị và niềm tin trong xã hội. Những giá trị trước đây được đề cao như lòng chân thành, tính trung thực, sự chăm chỉ, tính thẳng thắn, cương trực… không còn được coi trọng. Người ta thấy chẳng có lợi lộc gì, thậm chí còn thiệt thòi khi chân thành, thẳng thắn, trung thực vì những kẻ dối trá, lươn lẹo, lười nhác… lại có cuộc sống dễ dàng, suôn sẻ hơn. Lòng tin giữa con người với nhau đang giảm sút. Lòng tốt bị nghi ngờ, ai cũng trở nên cảnh giác hơn, ít nhường nhịn nhau hơn vì sự nhường nhịn không được ghi nhận mà chỉ thiệt thòi. Hãy thử nhường đường khi tham gia giao thông thì biết. Bạn sẽ đứng giữa đường cả ngày hoặc bị xe khác tông vào! Nếu bạn không chen vai thích cánh để lên máy bay thì đảm bảo khi bạn lên đến nơi, bạn chỉ còn nước ôm valy vào lòng vì khoang hành lý dành cho chỗ ngồi của bạn đã đầy ắp. Ở cơ quan công sở, những kẻ dốt nát nhưng thủ đoạn sẽ chiếm vị trí béo bở để trắng trợn kiếm lợi mà chẳng ai dám lên tiếng. Đi ra chợ với túi tiền lép, bạn sẽ nhận được ánh mắt khinh khỉnh của người bán hàng sẵn sàng ném những lời chát chúa vào mặt bạn nếu bạn dám mặc cả…

Tất cả những điều đó đã từ từ nhào nặn, thay đổi tâm tính của mỗi chúng ta mà ta không nhận thấy, và qua mỗi chúng ta thẩm thấu vào gia đình của chúng ta. Sự căng thẳng, ức chế trong quan hệ xã hội có thể bùng nổ trong gia đình. Những đảo lộn giá trị xã hội dẫn đến sự xói mòn những giá trị gia đình. Những va chạm, tranh đoạt bên ngoài có thể lặp lại trong gia đình chúng ta một cách vô thức. Gia đình là nơi cá nhân trú ngụ nhưng có một quy luật tâm lý rằng gia đình cũng là nơi cá nhân cho phép mình bùng nổ. Gia đình không thể và không bao giờ là pháo đài, trái lại kết nối với xã hội như sông và biển. Nếu biển lớn ô nhiễm thì làm sao sông giữ mãi được sạch trong? Mọi chính sách dành riêng cho gia đình sẽ chẳng thay đổi được bao nhiêu nếu xã hội vĩ mô không thay đổi. Hãy trở về với những giá trị nhân bản thiết thực cho mỗi cá nhân và gia đình thay vì theo đuổi những hào quang ảo ảnh.

Thay vì tổ chức các lễ hội rùm beng, hãy mở các lớp học dạy kỹ năng sống. Thay vì hô hào rầm rộ và miệt mài theo đuổi các danh hiệu kỳ quan vật thể và phi vật thể, hãy tạo ra các diễn đàn về các giá trị sống lành mạnh. Thay vì phấn đấu để đào tạo mấy chục ngàn tiến sĩ, hãy đầu tư để cải thiện cuộc sống cho giáo viên để họ toàn tâm toàn ý hơn với học sinh. Hãy thay đổi tư duy giáo dục, thay vì nhồi nhét cho con trẻ học thuộc lòng những điều mà chúng có thể tìm được trên internet bằng một cú click, để cho chúng có nhiều thời gian học làm người với gia đình và bạn bè hơn. Truyền thông đại chúng hãy bớt lăngxê thooir phoofng các đại gia và người mẫu tiêu tiền như nước để không tạo ra những giá trị ảo cho những người trẻ. Thời lượng quảng cáo các sản phẩm tiêu dùng phải được tiết chế để không quảng bá sâu rộng cho chủ nghĩa tiêu thụ và khuyến khích lối sống dễ dãi hưởng thụ. Những người có ảnh hưởng đến công chúng phải là hiện thân của các giá trị tích cực thay vì hình ảnh của những kẻ tham nhũng, hối lộ hay sa đoạ, vô sỉ.
TS Khuất Thu Hồng(viện trưởng
viện Nghiên cứu và phát triển xã hội)
Nguồn:sgtt.vn/Loi-song
Khung trích dẫn:
Ly hôn tăng, bạo hành gia đình lan rộng

Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo 2011 của một số toà án, đặc biệt là ở các đô thị, số lượng án hôn nhân gia đình trong năm qua liên tục tăng cao: TAND TP.HCM tăng 1.255 vụ, TAND Đồng Nai tăng 911 vụ, TAND Hà Nội tăng hơn 800 vụ... Thống kê của TAND tối cao năm 2010 cho biết trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn do bạo lực gia đình. Số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước cho biết có trên 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hàng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.

Kết quả điều tra về gia đình Việt Nam (công bố năm 2010, lần đầu tiên một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành trên phạm vi cả nước) do bộ Văn hoá – thể thao và du lịch phối hợp thực hiện cùng Tổng cục Thống kê cho thấy tuổi thọ hôn nhân trung bình của các cặp vợ chồng từ 18 – 60 tuổi là 9,4 năm, ở các thành phố lớn chỉ còn tám năm. Tỷ lệ ly hôn ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Ly hôn nhiều nhất ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thấp nhất là vùng Tây Bắc. Ở các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, tỷ lệ người vợ chủ động ly hôn chiếm trên 50%, còn lại là người chồng đứng đơn hoặc hai bên cùng thuận tình chia tay. Tình trạng bạo hành gia đình cũng ngày càng phổ biến. Cứ bốn phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất hoặc tình dục thì một phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể, và hơn một nửa cho biết họ đã bị thương tích nhiều lần.
T.L.

No comments:

Post a Comment