Sunday 3 June 2012

Khổ nạn đạo đức ở Việt Nam


Trăn trở vấn đề sa sút đạo đức ở Việt Nam
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-01-12

Thời gian gần đây, vấn đề sa sút đạo đức khiến dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội ở Việt Nam ngày càng được nêu lên theo từng nỗi lo âu của những nhà có tâm huyết với quê hương, dân tộc. Thực trạng đó ra sao?

Cần một cuộc tự vấn

Nếu ngày xưa – cách nay hơn một thế kỷ - nhà thơ Trần Tế Xương than phiền và báo động tình trạng xã hội VN lúc đó suy đồi về đạo đức, khi:

Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng


Thì ngày nay, tình hình đạo đức sa sút trong nước đang gây nhiều bất an, trăn trở cho những người có tâm huyết với quê hương.

Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa.
Nhà văn Nguyên Ngọc

Chẳng hạn như, nhà văn Nguyên Ngọc qua bài “Cần một cuộc tự vấn” đã thẳng thắn đề cập tới “một trạng thái chán chường sâu sắc và mênh mông về đạo đức xâm chiếm mọi con người”. Theo cái nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc thì tâm trạng chán chường trước sự sa sút về đạo đức ấy phát sinh từ một “căn bệnh” cứ “vây kín quanh mình, “va vào đâu cũng gặp” dưới “mọi kiểu trắng trợn hay tinh vi”, đó là sự giả dối. Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích:

“Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?”

Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng không tránh khỏi âu lo khi căn bệnh giả dối ấy “đang thống trị xã hội” VN, mà chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng thiếu trung thực của nền giáo dục nước nhà. Nhà văn Trần Mạnh Hảo cho biết:

“Sự giả dối tồn tại ở xã hội VN lâu rồi. Ngay trong lãnh vực giáo dục, ông phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách các mặt văn hóa - giáo dục cũng khẳng định là tình trạng thiếu trung thực trong giáo dục là bệnh lớn nhất tại VN. Mà giáo dục là gì?


Một số người tranh nhau lượm tiền của người đàn ông bị nạn ngày 16/06/2011. Courtesy TTO.

Giáo dục là dạy cho con người trở thành người. Nó dạy cho con người phải có đạo đức. Mà cái đầu tiên của đạo đức là chân thật. Giả dối thì trái ngược lại, là phản giáo dục. Xã hội nói chung bao gồm hệ thống giáo dục. Rất nhiều cán bộ cao cấp về hưu như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, phó Thủ tướng Trần Phương cũng khẳng định điều đó rồi. Vừa rồi nhà bác học toán học Hoàng Tụy cũng vừa viết một bài rất hay góp ý cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tái cấu trúc xã hội. Theo GS Hoàng Tụy thì không thể nào tái cấu trúc xã hội. Bởi vì tái cấu trúc là những bộ phận rời. Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.

Một nhà giáo dục luôn quan tâm cho vận nước, dân tộc là GS Hà Văn Thịnh từ Huế cảnh báo rằng tình trạng giả dối ở VN giờ lan tỏa từ “A đến Z”, khi cảnh nhiễu nhương, tự tung tự tác đang hoành hành xã hội VN. GS Hà Văn Thịnh nói:

Điều đầu tiên tôi nghĩ là tôi trách bộ GD - ĐT của VN vốn lâu nay toàn dạy đạo đức, giáo dục công dân v.v…trên mây trên mưa, toàn giáo điều mà chẳng thiết thực gì.
GS Hà Văn Thịnh

Trong bản chất xã hội VN có sự giả dối, vô cảm, ích kỷ, sự tàn nhẫn. Đó là tất cả những gì biểu hiện của văn hóa VN hiện nay. Nói ra chẳng ai thích đâu. Nhưng đó là sự thật. Vì sao? Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được. Tôi ví dụ 1 tỉnh mà có 2 trạm công an ở đầu tỉnh, cuối tỉnh chặn xe lại để lấy tiền. Một xã hội như vậy làm sao không loạn được.”
Xuống cấp chưa từng thấy

Hồi cuối tháng rồi, vào một buổi chiều cuối năm, khi “giá rét và nỗi buồn” “tràn ngập tâm hồn khiến nỗi lòng chùng xuống”, TS Nguyễn Xuân Diện đã phóng bút bài “Chiều cuối năm nhìn lại”, qua đó ông không quên lưu ý tới “ những vụ giết người cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời càng ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc án, quyết liệt” hơn. Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng có cái nhìn tương đồng về việc xã hội VN ngày nay – mà theo lời ông, “xuống cấp chưa từng thấy”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo cho biết:

“TS Nguyễn Xuân Diện nói thế là chính xác bởi vì điều đó có rất nhiều người đã khẳng định rồi. Ngay cả nghị viên Quốc hội VN Dương Trung Quốc cũng nói rằng thế hệ chúng ta là thế hệ mất gốc.


Hai nữ sinh đánh nhau giữa chốn đông người tại Hà Nội. Những học sinh khác thì vô tư nhìn bạn bị đánh một cách tàn nhẫn.

Mà mất gốc là mất những giá trị tốt đẹp của VN. Còn xã hội VN hiện nay, về mặt đạo đức, xuống cấp chưa từng thấy. Tình trạng này đầy tràn những mặt báo “lề phải”: Ngày nào cũng cướp, cũng giết, cũng có những tội phạm xã hội khủng khiếp. Nó tràn lan, không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà cả hệ thống như vậy rồi. Ngay cả cán bộ cao cấp, người ta nói là không dám ra đường, ban đêm sợ cướp, sợ các thứ. Chưa bao giờ cuộc sống ở đất nước VN mất an ninh như thế.”

Trong tình hình “đạo đức xuống cấp tột cùng” – nói theo lời nhà văn Trần Mạnh Hảo, thì có lẽ 2 từ ngày càng phản ánh đậm nét thực trạng xã hội là “vô cảm”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo nhận thấy trong xã hội VN bây giờ, con người ngày càng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại giưã lúc cảnh “ăn cướp đã trở thành hiện tượng đương nhiên”. Ông nói:

“Đúng là người ta giờ bị mắc bệnh vô cảm. Mà còn hơn vô cảm nữa khi xảy ra vụ có người đang trả tiền và họ bị cướp tiền làm tung tóe ra đường phố thì đám đông nhảy vào cướp tiền đó. Đấy là tình trạng còn hơn vô cảm nữa, tức là sự ăn cướp đã trở thành hiện tượng đương nhiên trong xã hội. Ngay báo lề phải của nhà nước cũng gọi là trong xã hội VN hiện giờ, con người không còn cảm xúc trước những đau khổ của đồng loại nữa. Tức vô cảm. Khi đồng loại đau khổ, bị cướp, bị giết cũng không ai thương cảm nữa. Đạo đức xúông cấp tới tột cùng. Con người không còn hướng thiện được nữa. Đó là điều nguy hiểm vô cùng cho dân tộc VN.”

Trước hiện trạng như vậy, có lẽ người ta không khỏi thắc mắc về cội nguồn của vấn đề. Theo phân tích của GS Hà Văn Thịnh thì có 3 nguyên nhân:

Người ta giờ bị mắc bệnh vô cảm. Mà còn hơn vô cảm nữa khi xảy ra vụ có người đang trả tiền và họ bị cướp tiền làm tung tóe ra đường phố thì đám đông nhảy vào cướp tiền đó.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo

“Điều đầu tiên tôi nghĩ là tôi trách bộ GD-ĐT của VN vốn lâu nay toàn dạy đạo đức, giáo dục công dân v.v… trên mây trên mưa, toàn giáo điều mà chẳng thiết thực gì. Điều thứ 2 tôi nghĩ đến là xã hội VN giờ loạn quá rồi. Nó sai lầm, hư hỏng. Nói chung là đáng buồn toàn diện. Mà tình trạng như vậy ảnh hưởng đến toàn xã hội. Điều thứ 3 là VN trải qua hàng chục năm chiến tranh như vậy, sự tha hóa đạo đức của toàn xã hội là điều có thực. Mà điều này nếu không nhìn thấy sẽ không giải quyết được. Bởi vì hiện nay tệ nạn nhiều quá, ghê gớm quá. Tôi muốn dùng từ gọi là “đạo đức suy đồi, văn hóa suy đồi”. Nhưng những từ đó người ta không chấp nhân đâu, chỉ cho là “xuống cấp” thôi.”

Thế còn giải pháp thì sao? Trong tình hình phức tạp như hiện nay, có lẽ các nhà có tâm huyết với dân tộc – và cả giới chức hữu trách nếu thực lòng với quê hương – khó mà tìm ra giải pháp hữu hiệu tức thời cho nan đề xã hội, đạo đức ở VN. Nhưng nhà giáo Nguyễn Thượng Long ở Miền Bắc tin rằng:

“Tôi nghĩ thay đổi được những hiện trạng xấu như thế này cần tới nỗ lực rất toàn diện. Đó là nỗ lực chung của xã hội, của tôn giáo, của đạo đức, của sư phạm, của giáo dục, của các mối quan hệ trong xã hội, của các giá trị truyền thống và các giá trị hiện tại. Nói chung phải có sự tôn trọng và hài hoà trong xã hội.”

Thưa quý vị, người ta thường nói rằng “Quê hương là chùm khế ngọt” – nỗi niềm gợi tính hoài hương đặc biệt nhắm vào những người Việt tha hương. Nhưng trong thực trạng xã hội như vừa nói, liệu quê hương có còn là “chùm khế ngọt” nữa hay không? Chúng tôi xin mượn lời của một người Việt sống ở nước ngoài, có bút hiệu là Thạch Đạt Lang, để kết thúc bài viết này, rằng: “Ba lần về Saigòn, chưa lần nào tôi tìm lại được quê hương của mình. Tất cả đều đã thay đổi, từ đường xá, kiến trúc, nhà cửa, dân số, môi trường sống… Nhưng điều quan trọng nhất chính là tình cảm, cách đối xử con người với nhau. Tôi không còn cảm giác thoải mái, bình an như xưa. Tôi đã trở thành một người xa lạ ngay chính trên quê hương mình.”

***

Khổ nạn đạo đức ở Việt Nam

Phản hồi “Trăn trở vấn đề sa sút đạo đức ở Việt Nam”

Bàn về đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng hiện nay của xã hội nước ta, chúng cháu rất trăn trở và không lý giải nổi là nguyên do từ đâu mà kinh khủng như thế.

Biêt bao nhiêu vụ đâm chém, mẹ giết con, chồng giết vợ, con giết cha, cháu giết bà, anh chị em tàn sát lẫn nhau, ngoài xã hội hơi tý là đánh, chém, giết. Rồi những vụ hiếp dâm cả trẻ nhỏ, hắt a xít vào người khác, giết cảnh sát, chống người thi hành công vụ, nổ mìn nhà công an, ăn cắp ăn cướp ngang nhiên lộng hành, lừa đảo, nói dối trắng trơn lan tràn, ăn tiêu hoang phí vô độ, hút sách, tham nhũng lan tràn, vô cảm, một số cán bộ lộng hành quá mức vv….Tất cả đều đăng tải hàng ngày trên các mặt báo đặc biệt là các báo công an, an ninh, pháp luật, báo mạng như mọi người đều thấy.

Thật đáng buồn! Nhưng qua theo dõi chúng cháu thấy các bác lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước hay nói rằng đó là nguyên do từ mặt trái của kinh tế thị trường.

Chúng cháu – thế hệ những người trẻ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” xin phép các bác lãnh đạo Đảng và Nhà nước giải thích cho chúng cháu hiểu vài câu hỏi như sau:

1. Thế nào là kinh tế thị trường và bản chất của kinh tế thị trường là gì?

2. Nếu nền kinh tế thị trường mà làm đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay sao Đảng và Nhà nước không bỏ nền kinh tế thị trường đi mà còn theo nó làm gì?

3.Thế các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây đã theo nền kinh tế thị trường từ rất lâu rồi thì đạo đức xã hội của các nước ấy sẽ phải xuống cấp trầm trong hơn gấp hàng trăm lần nước ta phải không ạ?

Chúng cháu trẻ người non dạ nên không hiểu lắm về kinh tế thị trường, kính mong các bác lãnh đạo giải thích giúp.

Xin cảm ơn các bác rất nhiều.
Nguyễn Thành Luân

Phản hồi của Già Hồ Gươm
Bạn Nguyễn Thành Luân,
Tôi nay đã vào tuồi “thất thập cổ lai hy” nhưng cũng không thể lặng yên hưởng tuổi già khi thấy những cảnh trướng tai gai mắt chung quanh mình. Nhất là tình trạng suy đồi đạo đức, xuống cấp văn hóa ngày một trầm trọng, trong khi đó chính quyền các cấp, nhất là những cơ quan đòan thể có trách nhiệm trực tiếp về tại họa này hoàn tòan không tỏ ra lo âu thật tâm chịu trách nhiệm và tìm phương cứu chữa. Ở những nứơc văn minh, dân chủ, một chuyện nhỏ xẩy ra trong xã hội thì người bộ trưởng liên hệ tự động nhận trách nhiệm và xin từ chức. Còn người lãnh đạo cao nhất, dù thuộc đảng nào (vì dân chủ bao giờ cũng có nhiều đảng phái chính trị), vì do dân trực tiếp bầu ra, nên nếu chính quyền của ông ta không giải quyết được các tệ nạn xã hội, văn hóa, kinh tế, thì sẽ bị người dân “truất phế” bằng lá phiếu của họ, không cần nổi lọan để lật đổ như trong các nứơc độc tài. Ngòai ra, báo chí và các cơ quan truyền thông cũng không ngừng theo dõi, phản ánh các họat động của những người lãnh đạo quốc gia. Họ sẵn sàng đưa lên mặt báo những điều sai trái của chính quyền, kể cả của Tổng thống, Thủ tướng…. Người dân, bất cứ ai đều có quyền kiện nhân viên chính phủ, ngay cả người cao nhất, ra tòa nếu họ cho rằng người này vi phạm Hiến pháp, và luật pháp, hoặc có các hành vi thiếu đạo đức…Trong xã hội tự do, còn có những đòan thể của công dân luôn bảo vệ dân quyền và nhân quyền, chống lại mọi hành vi cường hào ác bá của chính quyền và những họat động thiếu đạo đức, tác hại đời sống trong sạch, yên ổn của người dân.
Tất cả các cơ chế này trong một đất nước dân chủ giữ cho nền kinh tế thị trường họat động trong khuôn khổ luật pháp và khuôn khổ đạo đức. Đồng thời ngăn chặn các hành vi tham ô nhũng lạm quyền thế của chính quyền, ngăn chặn việc câu kết giữa nhân viên có quyền lực với giới tài phiệt, đại gia. Chế độ chính trị ở nuớc ta hiện nay là chế độ độc tài, độc đảng. Không có cơ quan, người dân, báo chí nào dám đụng đến các cấp lãnh đạo trung ương hay địa phương. Nhân danh “đảng lãnh đạo” các ông nhà nứơc tha hồ tự tung tự tác, người nào sai lộ liễu quá thì bị thuyên chuyển hay phạt nhẹ vài năm, tù tượng trưng rồi được thả ngay…nhưng cũng chỉ là cấp chính quyên thấp mà thôi. Con người bao giờ cũng có hai mặt, mặt tốt, mặt thiên, và mặt xấu, mặt ác, vì con người cũng là một sinh vật, nên vẫn còn mặt “thú vật” trong mình. Nếu chế độ không dân chủ, không trong sáng (transparent), pháp luật không nghie minh công bằng với bất cứ ai, người dân, báo chí, không được tự do phanh phui cái ác, phê phán và truất quyền những nhân viên chính phủ, nhất là cao cấp nhất, nều họ làm sai…thì những kẻ có tiền và có quyền, rất dễ dàng câu kết với nhau để thủ lợi bất cần có hại cho ai và cho xã hội, đất nứơc. Hiện trạng suy thóai đạo đức, văn hóa hiện nay có nguyên nhân cỗi gốc là ở cơ chế chính trị độc tài đảng trị.

Kinh tế thị trường chỉ họat động lành mạnh trong một cơ chế chính trị thật sự dân chủ pháp trị. Mà chỉ có dân chủ thực sự khi có ít nhất hai đảng chính trị, một cầm quyền và một đối lập. Người cầm quyền luôn bị giám sát bới đảng đối lập, bởi báo chí tự do, và bởi người dân. Những người làm kinh doanh cũng bị giám sát như thế. Thiếu dân chủ thì kinh doan trở thành gian dối, hối lộ quan chức, tài phiệt câu kết chính phiệt, dân chúng trở thành nạn nhân mà không thể tố cáo và đòi thay đổi được. Kết quả là dân phải nổi dậy lât đổ chính quyền đó đi, như đã xẩy ra ở nhiều nước độc tài, dù chế độ độc tài kéo dài cả thế kỷ cuối cùng cũng bị lật đổ. Nếu không muốn phải nổi dậy lật đổ thì chỉ có cách hoặc là im lặng chịu đựng, hoặc là lên tiếng đòi thay đổi, dù bị tù đầy bắt bớ, vẫn không ngừng lên tiếng đòi hỏi dân chủ ôn hòa bất bạo động. Cuối cùng, kết qua chắc chắn sẽ có dân chủ mà không cần bạo loạn lật đổ, như vừa xầy ra ở Miến Điện.
Không có dân chủ thật sự (ngược với “dân chủ khẩu hiệu”) thì không có kinh tế thị trường trong sáng và lành mạng, không có văn hóa tươi đẹp và hướng thượng được.
Ông Già Hồ Gươm (16.1.2012)
 

No comments:

Post a Comment