Friday 22 June 2012

Khủng hoảng châu Âu buộc Pháp – Đức phải tìm kiếm đồng thuận

Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012

Thủ tướng Đức Angela Merkel (hàng trong thứ hai trái sang) và tổng thống Pháp François Hollande (trái), tại cuộc họp của G20, ngày 19/06/2012
Thủ tướng Đức Angela Merkel (hàng trong thứ hai trái sang) và tổng thống Pháp François Hollande (trái), tại cuộc họp của G20, ngày 19/06/2012
Reuters
*

Đức Tâm
Công trái châu Âu, đẩy mạnh hội nhập về chính trị. Đó là hai chủ đề mà Pháp và Đức đã có những nhượng bộ lẫn nhâu để có thể nhanh chóng đạt đồng thuận, tìm ra được giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trả lời phỏng vấn tuần báo Đức Die Zeit, thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault thừa nhận rằng cần phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa và châu Âu phải hội nhập chính trị hơn nữa, thì mới có thể phát hành công trái châu Âu. Rõ ràng đây là một bước nhượng bộ của Paris. Bởi vì trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Pháp, ông François Hollande luôn cho rằng, một trong những giải pháp để thoát ra khỏi khủng hoảng nợ công và thúc đẩy tăng trưởng là châu Âu phải phát hành công trái chung. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp đầu tiên với thủ tướng Đức, Angela Merkel, tại Berlin, ngày 15/05, tân tổng thống Pháp vẫn nhắc lại quan điểm này.
Về phần mình, thủ tướng Đức cũng có nhân nhượng. Sau khi buộc phải đồng ý với Pháp về sự cần thiết là tăng trưởng đi cùng với kỷ luật ngân sách, Đức cho rằng có thể tính tới phát hành công trái châu Âu, nếu như khối này tiến xa hơn trong quá trình hội nhập chính trị.
Mới cách đây vài tuần, Berlin vẫn kiên quyết không chấp nhận ý tưởng phát hành công trái châu Âu. Còn Paris, từ nhiều năm qua, không muốn nghe nói đến nhất thể hóa chính trị, hướng tới liên bang châu Âu.
Thế nhưng, tình thế cấp bách cần phải có các giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã buộc Đức và Pháp phải rút ngắn thời gian thăm dò nhau, để tìm kiếm đồng thuận.
Các khó khăn kinh tế nghiêm trọng tại Tây Ban Nha, tình hình chính trị bấp bênh ở Hy Lạp cho thấy cuộc khủng hoảng có nguy cơ kéo dài và cần phải có những động thái mới, tích cực để trấn an thị trường tài chính quốc tế. Mặt khác, các đối tác ngoài châu Âu, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, liên tục gây sức ép, nhất là trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Los Cabos, Mêhicô vừa qua, khối G20 kêu gọi châu Âu nhanh chóng giải quyết khủng hoảng.
Một cố vấn thân cận với tổng thống Pháp François Hollande cho Reuters biết : « Điều khẩn cấp đầu tiên là Thượng đỉnh châu Âu vào các ngày 28 và 29/06 phải thành công ».
Dường như là một thông lệ, mỗi khi có sự thay đổi tổng thống tại Pháp hoặc thủ tướng ở Đức, thì giai đoạn đầu trong quan hệ song phương vẫn luôn luôn là quan sát nhau và bên này cũng như bên kia đều tìm cách áp đặt phong cách của mình. Trong giai đoạn đầu, Paris và Berlin đều hướng mắt về một đối tác thứ ba để tránh sự đối đầu song phương, nhưng cuối cùng, cả hai vẫn quay lại mô hình quan hệ truyền thống. Năm 2007, sau khi được bầu làm tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy đã hướng nhìn về nước Anh trong một thời gian. Năm 2012 này, khi ông François Hollande được bầu làm tổng thống Pháp, thủ tướng Đức Angela Merkel thường xuyên xuất hiện bên cạnh đồng nhiệm Ý Mario Monti. Trong khi đó, ông Hollande lại tìm kiếm các đối tác khác, đặc biệt là ở Nam Âu, để làm đối trọng.
Bà Claire Demesmay, thuộc Học viện chính sách đối ngoại Đức – DGAP, ở Berlin nhận định : « Đó cũng là một cách để bước vào đàm phán với Đức ».
Theo giới quan sát, trong tình thế dầu sôi lửa bỏng hiện nay, mỗi bên đều có những lý do chính đáng để chủ động tiến lại gần nhau hơn nhằm tìm kiếm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Pháp cũng như thủ tướng Đức đều rơi vào tình thế bất lợi, nếu để cho cuộc khủng hoảng ở châu Âu kéo dài. Ông Hollande không thể coi nhẹ một thực tế là một bộ phận cử tri Pháp và đa số ủng hộ tổng thống hiện nay bao gồm những người đã từng bỏ phiếu chống châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2005. Mặt khác, ông không thể để cho nước Pháp lại bị mất điểm tín nhiệm tài chính.
Trong khi đó, thủ tướng Merkel mong muốn giải quyết dứt điểm hồ sơ khủng hoảng châu Âu, trước khi có các cuộc bầu cử lập pháp tại Đức vào tháng 9 năm 2013.
Chính vì thế, sau khi ông Hollande nhậm chức tổng thống, trong một giai đoạn rất ngắn ngủi « khẩu chiến », cả Pháp và Đức đều nhanh chóng thiết lập các mối tiếp xúc, thương thảo ở mọi cấp độ, với hy vọng đạt được đồng thuận trong cuộc họp Thượng đỉnh bốn bên, Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha, vào ngày mai, ở Roma và sau đó tại Thượng đỉnh châu Âu, ở Bruxelles, vào cuối tháng Sáu này.
Tổng thống Pháp đã cho gửi tới Bruxelles và các đối tác châu Âu một dự thảo bị vong lục bao gồm nhiều đề xuất thể hiện rõ ý định làm dịu quan hệ Paris-Berlin. Trong văn bản này, Pháp cho rằng có thể phát hành công trái châu Âu trong vòng 10 năm nữa, chứ không phải ngay lập tức.
Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu, ông Bernard Cazeneuve, ngày 19/06 vùa qua trấn an rằng, Paris và Berlin đồng thuận về mục tiêu, nhưng bất đồng về phương pháp. Như vậy, từ nay đến Thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles, Pháp và Đức chỉ còn vài ngày nữa để xóa bỏ khác biệt này.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120621-khung-hoang-chau-au-buoc-phap-%E2%80%93-duc-phai-tim-kiem-dong-thuan

No comments:

Post a Comment