Wednesday 6 June 2012

Nga - Trung vừa hợp tác, vừa cạnh tranh?

thứ tư, 6 tháng 6, 2012
Lãnh đạo Nga - Trung trong buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác
Tuần này,Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba của Nga, ông Vladimir Putin của Nga đi thăm Trung Quốc trong ba ngày để ký các thỏa thuận chính trị và thương mại giữa hai quốc gia nhân Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, ra đời năm 2001).
Tuy đang đề cao liên hệ với Trung Quốc như một đối tác lớn, nước Nga cũng tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh theo bình luận trong bài sau của hãng thông tấn AFP:
Khi Nga mở cửa một cây cầu trị giá cả tỷ đô la ở bờ biển Thái Bình Dương của họ vào mùa hè này, Tổng thống Putin mong chờ đông đảo người dân địa phương sẽ hào hứng đến dự khai trương.
Nhưng ông cũng sẽ trông chờ sự chú ý ở cách đó không xa từ Trung Quốc, đất nước không chỉ ngày càng là đối tác thương mại và chính trị quan trọng của Moscow mà là đối thủ đang cạnh tranh để kiểm soát nguồn tài nguyên của vùng Siberia thưa thớt dân cư của họ.
Chính mối lo ngại về đối thủ này đã làm Moscow tập trung đầu tư vào kinh tế và quốc phòng ở khu vực Viễn Đông.

Đổ nhiều tiền của

Tổng thống Putin, người gặp các lãnh đạo Trung Quốc hôm thứ Ba ngày 5/6 trong chuyến công du đến Bắc Kinh sau khi ông trở lại vị trí quyền lực tối cao ở Điện Kremlin, đã đổ rất nhiều tiền của vào khu vực Vladivostok kể từ khi vùng này được chọn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - APEC 5 năm trước đây.
Cây cầu nối liền với một hòn đảo có 5.000 dân này với nhịp giữa dài 1,1 km có thể là cây cầu dài nhất thuộc loại này trên thế giới. Cây cầu này thể hiện sự khẳng định mạnh mẽ ý định của Moscow.
"Nếu Peter Đại đế còn sống đến giờ này ông sẽ dời thủ đô đến Vladivostok chứ không phải St Petersburg."
Dmitry Trenin, Trung tâm Carnegie ở Moscow
Cây cầu nối giữa Vladivostok, cảng chính của Nga trên bờ Thái Bình Dương, và đảo Russky, nơi mà 20 năm trước đây các binh sỹ đã phải chết đói vì chính phủ trung ương không gửi nổi khẩu phần lương thực đến vùng biên giới xa xôi này.
Ngày nay, mặc dầu một số người đặt câu hỏi về tính hiệu quả khi các chính trị gia quan liêu đổ tiền thuế của dân vào khu vực này thì động thái này của chính phủ Nga cho thấy ý chí của Kremlin muốn tập trung phát triển vùng lãnh thổ – nơi ông Putin phải cân bằng các cơ hội và các mối nguy đến từ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
“Nếu Peter Đại đế còn sống đến giờ này ông sẽ dời thủ đô đến Vladivostok chứ không phải St Petersburg,” Dmitry Trenin, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Carnegie ở Moscow, bình luận về cuộc Tây tiến vào trung tâm châu Âu của vị Sa hoàng vào thế kỷ 18.
“Thái Bình Dương cũng giống như Biển Baltic vào thế kỷ 18. Đó là nơi tập trung các hoạt động,” ông nói, “Nhưng Nga cần phải chú ý nhiều hơn nữa vào vùng Viễn Đông so với thời gian gần đây.”
Ở cấp độ địa phương, nhất là ở những vùng sát với biên giới Trung Quốc và xa Moscow thì ảnh hưởng kinh tế ngày càng mở rộng của Trung Quốc đang được người dân ở đây cảm thấy rõ rệt khi mà hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc chất đầy trên các kệ của các cửa hàng và người dân Nga sang bên kia biên giới để mua sắm quần áo và các mặt hàng tiêu dùng.

Củng cố hiện diện

Nỗi lo của Moscow, vốn đã xây dựng được đế chế của mình đối với vùng Siberia dân cư thưa thớt vào thế kỷ 19, là ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây đang thách thức sự thống trị của họ trên chính mảnh đất của họ.
“Nước Nga có một láng giềng mà ngày càng trở nên hùng mạnh về mặt kinh tế và vùng lãnh thổ phía đông của Nga đang ngày càng tập trung vào cực kinh tế ở sát bên cạnh này,” Trenin nói.
“Nói theo nghĩa đen thì đúng là khu vực này đang trở thành vệ tinh của nền công nghiệp đang lớn mạnh của Trung Quốc,” ông nói thêm.
Trong một nỗ lực đối phó với ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc, Moscow đã cố gắng củng cố sự hiện diện chính trị của họ ở khu vực. Tân chính phủ vừa ra mắt hồi tháng trước lần đầu tiên có một bộ trưởng phụ trách phát triển vùng Viễn Đông.
Moscow cũng thành lập một công ty nhà nước để khai thác tài nguyên ở khu vực này. Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận quan liêu do chính phủ chỉ đạo đối với mối quan hệ Nga – Trung cho thấy sự thiếu vắng một kế hoạch sắc nét hơn.
Cây cầu mới xây ở Vladivostock
Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với vùng Viễn Đông của Nga
“Putin hiểu được tầm quan trọng của việc đối phó với Trung Quốc do đó mà ông thành lập một bộ mới,” Pavel Baev, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo, nhận định.
“Nhưng ông không biết phải làm như thế nào,” Baev nói thêm.
Trong một nỗ lực gia tăng sự hiện diện của người Nga ở vùng biên giới Viễn Đông, nơi mà tranh chấp lãnh thổ đã giết chết gần 60 người vào năm 1969, Moscow đã tìm cách làm tăng dân số địa phương vốn đang giảm dần bằng cách cho dân từ các vùng khác trên khắp lãnh thổ của Liên bang Xô-viết trước đây di cư đến.
Những người dân này sẽ được tạo việc làm và cho tiền nhưng đổi lại họ phải chịu định cư ở những vùng xa xôi.
Chương trình này của chính phủ đã đưa khoảng 400 gia đình nói tiếng Nga từ những nước khác đến sinh sống ở Viễn Đông.

Phối hợp bỏ phiếu

"Về cơ bản, Trung Quốc sẽ bỏ phiếu theo Nga trong những vấn đề không ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng muốn Moscow ủng hộ họ khi họ cần."
Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu
Cả hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đều rời khỏi các cương vị lãnh đạo Trung Quốc vào cuối năm này. Tuy nhiên Putin đã tạo dựng được mối quan hệ với phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ thay thế Thủ tướng Ôn.
Putin và ông Lý đã có cơ hội nói chuyện với nhau hồi đầu năm khi ông Lý lặng lẽ đến thăm Moscow trong khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang có chuyến công du rầm rộ đến châu Âu.
Một trong các nội dung chính trong cuộc hội đàm hôm thứ Ba ngày 4/6 giữa lãnh đạo hai nước là tình hình bạo lực tại Syria và tương lai của tổng thống nước này Bashar al-Assad.
Cả Nga và Trung Quốc đầu là ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và họ đã từng làm tê liệt nỗ lực của các cường quốc phương Tây lên án chế độ ở Syria hoặc kêu gọi ông Assad từ chức.
Cách bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an cho thấy một công thức lặp đi lặp lại mà theo đó Trung Quốc luôn bỏ phiếu theo Nga và để cho Nga lên tiếng mạnh mẽ trong các vấn đề từ Syria cho đến Iran.
"Nga có thể nói về mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc như họ sẽ không bao giờ là đồng minh thật sự của nhau bởi vì Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga."
Một nhà ngoại giao ẩn danh phương Tây
Điều này khiến cho Nga giương mình ra trước sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và do đó che chắn cho Trung Quốc.
“Trung Quốc và Nga có một thỏa thuận ngầm về cách bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,” Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu, cho biết.
“Về cơ bản, Trung Quốc sẽ bỏ phiếu theo Nga trong những vấn đề không ảnh hưởng đến lợi ích của họ,” ông giải thích.
“Tuy nhiên Bắc Kinh cũng muốn Moscow ủng hộ họ khi họ cần,” ông nói thêm.
Trong khi hai nước này đồng thuận trên một mặt trận chung để cùng bảo vệ những lợi ích chung trên trường quốc tế thì quan hệ giữa hai láng giềng này cũng rất gai góc.
“Nga có thể nói về mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc như họ sẽ không bao giờ là đồng minh thật sự của nhau bởi vì Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga,” một nhà ngoại giao phương Tây ẩn danh nhận định.
“Nước Nga không tránh khỏi quan ngại về Trung Quốc,” nhà ngoại giao này nói thêm.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/06/120606_russia_china_rivalry.shtml

No comments:

Post a Comment