Friday 22 June 2012

Quốc hội TQ phản đối Luật Biển VN

22 tháng 6, 2012
Quốc hội Trung Quốc kêu gọi các nghị sĩ Việt Nam "sửa ngay lập tức" Luật Biển sẽ có hiệu lực vào năm sau.
Ủy ban đối ngoại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã gửi thư cho Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam.
Theo Tân Hoa Xã, lá thư kêu gọi Việt Nam "tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngay lập tức sửa sai và nỗ lực bảo vệ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước".
Lá thư nói Luật Biển của Việt Nam "vi phạm nguyên tắc đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được cũng như vi phạm các nguyên tắc của Tuyên bố ứng xử tại Nam Hải".
Lá thư nhắc lại Trung Quốc có chủ quyền "không thể tranh cãi" với Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều 1 của Luật Biển Việt Nam đã quy định về quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau trận hải chiến mà Việt Nam Cộng hòa thua cuộc.
Với 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển trong ngày 21/6, Trung Quốc lần đầu xác nhận thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa.
Trụ sở của chính quyền theo cấp mới này đặt trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, nằm trong quần đảo Hoàng Sa nhưng vẫn thuộc sự quản lý của thành phồ́ Tam Á, trên đảo Hải Nam.
Lời qua tiếng lại
Lính hải quân Việt Nam tuần tra ở Trường Sa
Luật Biển Việt Nam đã gây ra phản ứng hết sức mạnh mẽ từ Trung Quốc
Nhật báo China Daily đã dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc nhận xét rằng Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước.
Trong một bài báo được đăng trên trang mạng của báo này hôm thứ Sáu ngày 22/6, China Daily cho rằng Luật Biển Việt Nam đã ‘nhận vơ’ quyền tài phán đối với các hòn đảo thuộc sỡ hữu của Trung Quốc.
“Hành động của Việt Nam đã biến mối quan hệ Trung-Việt thành con tin và làm quan hệ (giữa hai nước) rất khó khăn,” China dẫn lời ông Nguyễn Tông Trạch, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, cho biết.
Ông Nguyễn phân tích rằng Luật Biển này không có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền mà Việt Nam tuyên bố với Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
Luật Biển này không có cơ sở pháp lý bởi vì nó vi phạm luật pháp quốc tế, bà Cung Ảnh Xuân, chuyên gia về luật pháp quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với China Daily.
Trong khi đó, từ Hà Nội, người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói Luật Biển Việt Nam thông qua là "hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".
Thông cáo trên trang mạng Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: "Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam."
"Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'".
Ông Nghị nói tiếp: "Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông."
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm '16 chữ' và tinh thần '4 tốt' vì lợi ích của nhân dân hai nước," ông tuyên bố.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120622_china_legislature_scs.shtml

***

No comments:

Post a Comment