Sunday 29 July 2012

NS Quỳnh Hợp: Tổ quốc lâm nguy lòng người sao bình lặng được!

Trước tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện này, mỗi công dân Việt Nam đều mong muốn biểu cảm lòng yêu nước của mình. Dù là nhạc sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên thì những tác phẩm ra mắt là những cảm xúc chảy ra từ tim và có khả năng làm hàng triệu trái tim Việt Nam cùng thổn thức.
Trong những ngày vừa qua, trái tim cả nước đều hướng về Biển Đông, nơi biển trời tổ quốc đang trong cơn sóng dữ. Hòa cùng các nhân sĩ trí thức yêu nước, những tướng lĩnh công an quân đội và nhân dân Việt Nam cùng thể hiện tình yêu tổ quốc tha thiết, cùng sự lo lắng trước mối an nguy của dân tộc. Mỗi người mỗi cách thể hiện tình yêu ấy.
Cũng chưa bao giờ trên các diễn đàn văn học nghệ thuật, mạng Internet lại nở rộ các tác phẩm văn thơ, ca nhạc, tiểu phẩm, đọc rap... về chủ đề biển đảo và ca ngợi tình yêu quê hương đất nước như hiện nay. Sức lan tỏa đầy uyển chuyển và mạnh mẽ này tiếp thêm cho mỗi người dân Việt bao xúc cảm dâng trào.
Những ngày qua, cư dân mạng xôn xao cùng bài thơ của nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Tổ quốc nhìn từ biển. Trong hàng ngàn người đồng cảm với bài thơ có nhạc sĩ/nhà báo Quỳnh Hợp, hiện đang công tác tại Đài tiếng nói nhân dân TPHCM. Không chỉ góp phần đưa Tổ quốc nhìn từ biển vang xa hơn bằng việc lập tức phổ nhạc và thu âm cho bài thơ. Quỳnh Hợp còn được biết là nhạc sĩ quen thuộc với nhiều sáng tác về chủ đề biển đảo.
Có lẽ không có dịp nào thích hợp hơn để nói về sức mạnh uyển chuyển của nghệ thuật trong việc chuyển tải thông điệp, và vai trò - trách nhiệm của văn nghệ sĩ/trí thức với tổ quốc thiêng liêng bằng thời điểm này.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng đồng ý như vậy.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp với bản nhạc Với Trường Sa do chị phổ nhạc
Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước Là một nghệ sĩ - nhà báo, hẳn chị không bỏ qua những diễn biến trên Biển Đông thời gian này. Chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?
Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam không thể không quan tâm đến tình hình Biển Đông thời gian vừa qua. Mỗi người một cách thể hiện, là nghệ sĩ tôi thể hiện sự quan tâm của mình qua âm nhạc, cụ thể là những ca khúc viết từ đầu tháng 6 đến giờ như: Tổ Quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến), Đảo bão (thơ Nguyễn Trọng Tạo), Nơi ta viết tình ca (thơ Đoàn Vũ Vinh), Kỷ niệm Trường Sa & Hoa của đảo (thơ Dương Tự Trọng), Đảo chìm (lời Trần Đăng Khoa)... những ca khúc ấy khơi gợi nhiều điều: Cội nguồn, lòng yêu quê hương đất nước, ý chí bất khuất, kiên định gìn giữ phần lãnh thổ thiêng liêng của cha ông  -  dải đất mỏng mảnh hình chữ S.
Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà báo Nguyễn Việt Chiến khi được giới thiệu lần đầu trên báo Thanh Niên đã được đông đảo nhân dân đồng cảm, hưởng ứng. Cảm xúc của chị khi đọc bài thơ này thế nào khiến chị đã gần như ngay lập tức phổ nhạc đưa ra công chúng?
Khi đọc bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển từ một đường link trên internet, bài thơ đã dâng trào trong tôi một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha với dải đất hình chữ S của mình với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh.
Dù biết nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ bài thơ nhưng tôi nghĩ, mỗi tác giả sẽ có cảm nhận và thể hiện vào tác phẩm của mình một cách khác nhau. Sau 2 ngày nghiền ngẫm Bài thơ và trong khoảng 3 giờ tôi đã  hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu "Tổ Quốc đang bão giông từ biển".
Trong bài hát, tôi chọn những câu thơ không có chữ "nếu" để bày tỏ cảm xúc một cách trực diện nhất trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, khơi gợi lòng yêu nước của hàng triệu trái tìm Việt Nam đang hướng về Biển Đông trong những tháng ngày nhạy cảm này.
Điều khó nhất khi phổ bài thơ là phải chọn sao được những khổ thơ phù hợp với những tình hình biển đông thời điểm hiện nay. Trong bài thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dùng nhiều chữ "nếu"... nhưng khi đưa vào ca khúc tôi chỉ dùng chữ "Nếu"  1 lần duy nhất để biểu đạt được ý chí, tình yêu của hàng triệu trái tim Việt Nam với Tổ Quốc Việt Nam vào bất cứ thời khắc nào "neo mình đầu trên ngọn sóng cả"
Bài hát Tổ Quốc nhìn từ biển ra mắt đúng lúc diễn biến ở biển Đông căng thẳng đã khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước, kêu gọi mọi người Việt Nam hướng về Biển Đông, về những vùng có đảo ngoài khơi như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Trường Sa...
Bài thơ có câu 'Trong hồn người có ngọn sóng nào không?' rất day dứt, chị cảm nhận thế nào về những con sóng (trong hồn người Việt, trên Biển Đông)?
'Trong hồn người có ngọn sóng nào không?' là câu hỏi lớn khi đất nước lâm nguy. Đưa câu đó vào bài hát tôi đã phải rất đắn đo và... sau nhiều lần cân nhắc tôi đã để câu thơ đó kết đoạn 2. Câu thơ đã khơi gợi tình yêu Tổ Quốc trong mỗi trái tim Việt Nam khi "sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa" hỏi rằng trong những hồn người hôm nay liệu có ngọn sóng nào không?
Cả khổ thơ:
Nếu Tổ Quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn chưa thể yên lòng
Sóng lớp  lớp đè lên thầm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Bốn câu thơ bi hùng ấy có thể xem là hay nhất trong Bài thơ khiến người đọc cay xè mũi, rưng rưng... Nó đặt ra trách nhiệm cho cả những người lãnh đạo đất nước đến những người dân bình thường. Tổ quốc trước nguy nan, có biến cố thì trong lòng người có ngọn sóng nào không? Khi Tổ Quốc lâm nguy thì làm sao những người yêu nước lại có thể bình lặng được.
Đoạn coda có 2 câu kết oai hùng đầy khí phách "Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi"... khi Tổ quốc cần triệu người như một, cùng chung lòng gìn giữ quê hương.
Bìa album Trường Sa giữa trùng khơi sóng gồm 13 ca khúc do nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã cùng nhạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn chung tay sáng tác.
Tôi sẽ còn viết mãi về Trường Sa - Cùng 'Tổ quốc nhìn từ biển' mà những ngày này, có khá nhiều tác phẩm có thể chuyên hay không chuyên nghiệp, từ hát rap đến nhạc nhẹ... với chủ đề biển đảo, kích hoạt lòng yêu nước được ra đời. Là một nghệ sĩ/nhà báo, chị đánh giá sức lan tỏa của các tác phẩm này thế nào. Vai trò của các nghệ sĩ/trí thức trong việc mang thông điệp đến người dân, đốt nóng tình cảm, ý thức, sự đau xót của người dân khi thấy tổ quốc bị đe dọa?
Trước tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện này, mỗi công dân Việt Nam đều mong muốn biểu cảm lòng yêu nước của mình. Dù là nhạc sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên thì những tác phẩm ra mắt là những cảm xúc chảy ra từ tim và có khả năng làm hàng triệu trái tim Việt Nam cùng thổn thức.

Như tôi được biết thì chủ đề biển - đảo đang được các nghệ sĩ biểu cảm rất đa dạng. Ngoài Tổ Quốc nhìn từ biển còn có Bay qua biển đông viết theo phong cách rock của Lê Việt Khánh do nhóm M4U thể hiện rất được yêu thích nhất là các bạn trẻ với thông điệp: những người lính hãy giữ vững niềm tin, vững chắc tay súng và quyết không buông tay chèo, chúng tôi luôn hướng về các anh, mong các anh dẻo dai để bảo vệ biên cương, vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc".
Rồi Trường Sa - Tổ Quốc giữa trùng khơi (nhạc Lê Trung Tín/thơ Trương Nam Hương); Tác giả Trần Bắc Hải với Vòng tròn bất tử, Tấm bản đồ trong cuốn sổ tay và Góp đá xây Trường sa; Này người anh em (Trần Lê Quỳnh)... và còn nữa những ca khúc sắp ra mắt về đề tài Biển Đông sẽ là hành trang tinh thần, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu con người Việt Nam; khơi dậy lòng tự hào, tình đoàn kết, nhìn lại Tổ Quốc mình, nhìn lại chính mình và... cùng đất nước vượt qua những thử thách mới.
- Album ca nhạc "Trường sa giữa trùng khơi sóng" viết cùng nhạc sĩ - đại tá Nguyễn Hồng Sơn rất xúc động. Album ra đời trong hoàn cảnh nào, vì sao chị lại chọn Trường Sa là đề tài sáng tác?
Album Trường Sa giữa trùng khơi sóng ra đời rất ngẫu nhiên. Đó là lúc nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Hồng Sơn có chuyến công tác ra thăm quần đảo Trường Sa vào tháng 4/2010. Khi về có hát cho tôi nghe ca khúc Sức Sống Trường Sa phổ thơ của đại tá Đoàn Vũ Vinh (chánh văn phòng Quân Chủng hải Quân) cùng đi.
Có lẽ những cảm xúc từ bài hát này và những gì tôi nghe Ns Nguyễn Hồng Sơn kể lại sau chuyển đi đã cho tôi những cảm nhận sinh động về Bộ đội Hải Quân thời kỳ mới và tôi đã viết được ngay mấy bài như: Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa), Mùa xuân nơi Trường sa (thơ Nguyễn Hữu Quý), Nhớ đêm Trường Sa (thơ Thanh Yến), Với Trường Sa (thơ Hồ Tĩnh Tâm)... đó là những gì mình yêu mến, tưởng tượng và ước mong như thế... (phụ nữ mà).
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp
Khi có một số bài như thế, tôi và Ns Nguyễn Hồng Sơn quyết định ra mắt một album về đề tài này. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn viết thêm Phút lặng im trên biển. Tôi viết thêm "Giữa trùng khơi sóng phổ thơ Đoàn Vũ Vinh, Đảo chân mây (phỏng thơ Nguyễn Hồng Oanh) và chúng tôi gom tất cả những ca khúc cùng chủ đề để đưa vào album Trường sa giữa trùng khơi sóng. Điều đặc biệt hầu hết những ca khúc trong album được phổ từ thơ của những người lính đang tại ngũ như các đại tá Nguyễn Tiến Bình, Nguyễn Hữu Quý, Đoàn Vũ Vinh; thượng tá Đoàn Hoài Trung... còn lại là thơ của các nhà thơ nữ như Lê Thị Mây, Thanh Yến, Hồng Oanh...
Viết một chùm ca khúc về Trường Sa cũng là cách chúng ta sẻ chia, yêu thương, tin tưởng, động viên những người lính vững vàng nơi đầu sóng ngón gió.
- Chị có vẻ có nhiều sáng tác gắn với chủ đề biển đảo. Chị có nhiều cơ hội ra biển đảo thăm ngư dân và các chiến sĩ hải quân không, và có những ca khúc tặng riêng cho họ.
Tôi đã từng đến Côn Đảo, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Lý Sơn và đầu tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên tôi ra thăm Quần đảo Trường sa. Mỗi đảo ấy cho tôi những cảm xúc rất khác nhau để đưa vào tác phẩm. Đặc biệt là chuyến công tác ra Trường Sa... Tôi đã viết về những người lính đảo từ khi chưa đặt chân đến Trường Sa và khi đã đến tận nơi giữa trùng khơi sóng ấy,  trở về trong lòng vẫn còn dạo dạt những giai điệu muốn gửi những lời yêu thương, ân tình ra đảo.
- Bài hát Kỷ niệm Trường Sa  có câu 'thèm giọng nói em, thèm ánh mắt em/ thoáng nhìn thôi cũng đủ khóc rồi", hẳn chị phải nghe những lời tâm sự của các anh lính đảo. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm về họ?
Kỷ niệm Trường Sa là ca khúc phổ từ bài thơ cùng tên thơ của nhà thơ, đại tá công an Dương Tự Trọng khi anh lần đầu ra thăm Trường Sa. Câu hát đó đã nói lên tất cả "Thoáng nhìn thôi cũng đủ khóc rồi"...
Đúng là rất khó cầm lòng khi đặt chân lên đảo. Không chỉ nghe mà với những gì mình chứng kiến khi lên thăm các đảo, giữa trùng khơi sóng nước mênh mông như thế mới thấy những gì mình gửi trong những ca khúc chưa thấm gì với những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà những người lính đảo đang ngày đêm đương đầu trong sự thiếu thốn cả vất chất và tinh thần cho dù rằng Trường Sa hôm nay đã khác rất nhiều so với những gì được mô tả trong Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa.
Có 2 tác phẩm tôi và Ns Nguyễn Hồng Sơn viết chung là Sinh ra ở Trường SaTạm biệt Trường Sa...
Những ca khúc ấy không trưng trổ kỹ thuật sáng tác mà thuần túy cảm xúc được gói gém cẩn trọng trong một bố cục âm nhạc mạch lạc và biểu cảm đầy đặn chủ đề cần chuyển tải, nồng nàn cảm xúc cùng sự gặp ngỡ có duyên với tác giả thơ.
Nghe album, khán giả sẽ cảm nhận được những tình cảm yêu thương, sự nồng ấm, lắng đọng ẩn sâu trong những giai điệu được hai tác giả chúng tôi ghi nhận trước, trong và sau chuyến ra thăm đảo Trường Sa. Nói như nhà thơ Trần Đăng khoa thì "cái hòn đảo quái quỷ ấy không chịu buông tha tôi" và tôi vẫn còn đang viết tiếp.
Album Tổ Quốc nhìn từ biển sẽ mang đến cho âm nhạc về biển những âm hưởng hiện đại, gần gũi, vừa hào khí sục sôi, vừa trữ tình nồng ấm để mỗi người chúng ta đang trong hối hả theo guồng quay cuộc sống, dừng lại một lát, nghĩ về lịch sử, truyền thống cha ông và cảm thấy phải có ý thức, phải có trách nhiệm hơn với tổ quốc.
Tổ quốc nhìn từ biển: Thơ: Nguyễn Việt Chiến; Nhạc: Quỳnh Hợp; Trình bày: nhóm Artista
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-20-ns-quynh-hop-to-quoc-lam-nguy-long-nguoi-sao-binh-lang-duoc-

No comments:

Post a Comment