Tuesday 31 July 2012

Tuyên truyền là gì ?

Tuyên truyền là gì ?
“Việt Nam xâm chiếm nhiều đảo nhất, có nguy hại lớn nhất, hơn nữa có thái độ kiêu ngạo nhất, ảnh hưởng xấu nhất.”
“Trước đây, Việt Nam đã nhất nhất thừa nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.”
“Trên lĩnh vực quân sự, đáng tiếc rằng Việt Nam đã làm những việc gây phản ứng mãnh liệt như xâm chiếm nhiều đảo mới, giam giữ ngư  dân và tàu đánh cá Trung Quốc.”

Những câu chữ đó xuất phát từ đâu vậy?
Xin thưa: đó là những phát biểu của giới cầm quyền Bắc Kinh, những người chúng ta đã và đang – trớ trêu thay – gọi là bạn.
Bạn đọc có thể kinh ngạc tại sao trên thế giới này có những kẻ trơ trẽn đến dã man biến nạn nhân thành hung phạm, ngang ngược biến trắng thành đen, bất chấp thực tế biến không thành có, v.v. như thế.
Đây không phải là lần đầu những luận điệu như trên xuất hiện trên giấy trắng mực đen; mà những luận điệu như thế này đã được rao truyền trong dân chúng Trung Quốc từ mấy chục năm qua.

Chúng đã góp phần nhào nặn nên một thế hệ người Trung Quốc xem Việt Nam là một thuộc địa của chúng, người Việt Nam xảo quyệt và vô ơn.
Kể ra thì đó cũng là một thành công lớn của những tác giả giàu trí tưởng tượng nhưng thâm thần bệnh hoạn.
Nhưng lí giải thế nào về “hiện tượng” đó?
Nói “hiện tượng” thì oan cho chữ này quá (bởi vì những câu chữ tôi trích trên đã trở thành quán tính trong suy nghĩ chứ chẳng có gì ngạc nhiên), nhưng thôi thì hãy tạm dùng chữ đó để bàn chuyện vậy.
Tôi nghĩ chỉ có thể giải thích cái sản phẩm chữ nghĩa quái thai trên đây của nhà cầm quyền Trung Quốc bằng hai chữ:

Tuyên truyền
Nhưng nhắc đến tuyên truyền hay propaganda mà không nhắc đến Nhà văn George Orwell thì quả là một thiếu sót.
Trong tác phẩm nổi tiếng 1984, Orwell viết một cách tiên tri về xảo thuật tuyên truyền như là một vũ khí … chống công dân.
Ông mô tả nhiều loại hình tuyên truyền, trong đó có loại hình doublethink (suy nghĩ kép).
Đó là cách biến trắng thành đen, biến đen thành trắng, và nói một cách càng trơ trẽn càng tốt.
Đó là kiểu nói “Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, ngu dốt là sức mạnh” (“WAR IS PEACE. FREEDOM IS SLAVERY. IGNORANCE IS STRENGTH”.
Ngày nay, những gì Orwell viết quá ứng nghiệm với những gì tôi trích dẫn ở trên.
Người Việt chúng ta cũng có những câu để mô tả tình trạng loạn chuẩn trên.
Vừa ăn cướp vừa la làng hay Gái đĩ già mồm có thể hiểu là một cách tuyên truyền theo nghĩa của Orwell.
Tôi nghĩ chúng – những kẻ ngồi ở Bắc Kinh viết ra những dòng chữ trên – không ngu xuẩn đến độ không biết đó là vô lí, nhưng logic ở đây không thành vấn đề; vấn đề là tuyên truyền.

Vậy thì câu hỏi đặt ra: làm sao chúng ta nhận dạng ra tuyên truyền?
Tôi nghĩ đặc điểm số 1 để nhận ra một bài viết là tuyên truyền hay không là xem xét tính ngụy biện của nó.
Thật vậy, tuyên truyền dựa vào ngụy biện là chính, vì ngụy biện dễ thu hút khán giả.
Có nhiều hình thức ngụy biện đã được mô tả trước đây.
Những hình thức ngụy biện mà giới tuyên truyền hay sử dụng là lợi dụng cảm tính, tấn công cá nhân, khái quát hóa tùy tiện, và lợi dụng quyền lực.

Những gì chúng ta thấy từ bọn đầu não Bắc Kinh cho thấy đặc tính số 1 của tuyên truyền: lợi dụng cảm tính.
Thật vậy, tuyên truyền lợi dung tối đa cảm tính, chứ không phải tri thức và logic.
Những gì tuyên truyền nói là vô lí, hoàn toàn không có logic.

Chả thế là Hitler (một tên ác ôn nhưng là một nhà tuyên truyền có tài) từng nói đại khái rằng nếu bạn nói láo, thì đừng nói láo nhỏ nhặt, bởi vì người ta sẽ nhận ra ngay đó là lời nói láo; nên nói láo thật lớn, nói láo những gì người ta không thể tưởng tượng nổi.
Và, cứ tiếp tục nói láo cho đến khi nào người ta tin đó là sự thật.
Tức là, nói láo càng nhiều, càng to tát, thì càng có hiệu quả.

Chẳng hạn như bọn Bắc Kinh đang rêu rao rằng Việt Nam tấn công tiến chiếm hải đảo của chúng, và gieo một sự hận thù trong người Trung Quốc.
(Cũng chẳng khác gì trước đây Mĩ cho dàn dựng một y tá người Kuwait xuất hiện trước Quốc hội Mĩ nói rằng quân lính Iraq quăng trẻ em sơ sinh vào lò thiêu và ăn sống, nhưng sau này người ta mới biết cô ấy là con gái ông đại sứ Kuwait tại Mĩ và màn kịch được dàn dựng bởi một công ti PR).
Đó là một lời nói láo cực kì vô lí không ai có thể tưởng tượng nổi một Việt Nam bé nhỏ tấn công một nước khủng lồ như Trung Quốc.
Nhưng đó là xảo thuật truyên truyền mà những kẻ làm tuyên truyền ở Bắc Kinh đang vận dụng rất bài bản.

Đặc điểm thứ hai của tuyên truyền là tấn công cá nhân.
Tiếng Anh gọi là name calling.
Tiếng Latin là ad hominem.
Thật ra, đó là một hình thức ngụy biện phổ biến nhất và có khi có hiệu quả nhất.
Chẳng hạn như ở phương Tây, khi giới chính trị gia không thuyết phục được thượng nghị viện thông qua một đạo luật nào đó, họ tìm cách nói xấu thượng nghị sĩ, kiểu như ông ấy là người không đàng hoàng, ăn chơi đàng điếm, dù những chuyện cá nhân như thế nếu có thật chẳng liên quan gì đến đạo luật.
Hay khi không tranh luận không lại đối phương, người ta bắt đầu phao tin nói xấu về nhân cách, nhân thân của đối phương, tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu.
Nhãn hiệu có thể là phát xít, cộng sản, phản động, v.v.
Đó chẳng những là ngụy biện mà còn là hình thức tuyên truyền rất hạ cấp.
Nó còn là triệu chứng của sự thiếu tự tin, không dám lí luận, mà phải dùng đến những trò phi chính thống.
Tuyên truyền rất thích ngụy biện dưới hình thức tấn công cá nhân.

Đặc điểm thứ ba của tuyên truyền là khái quát hóa.
Khác với tấn công cá nhân (mà trong đó người ta gắn cho đối phương một nhãn hiệu tiêu cực), khái quát hóa tìm cách gắn cho sự việc một nhãn hiệu cao sang.
Những nhãn hiệu này có thể là văn hóa, văn minh, dân chủ, công bằng, bác ái, tự do, vinh quang, anh hùng, danh dự, công lí, tình thương, hòa bình, khoa học, v.v.

Có thế lấy ví dụ về việc nghiên cứu sự vận hành của nhà nước vốn chỉ là một việc làm mang tính hành chính nhưng người ta cố tình gắn cho việc làm một danh hiệu cao quí là khoa học: khoa học chính trị.
Theo đà đó, bất cứ việc làm gì của giới hành chính cũng đều trở thành khoa học. Tuyên truyền do đó đánh tráo khái niệm bằng cách khái quát hóa một cách tùy tiện.

Đặc điểm thứ tư của tuyên truyền là lợi dụng thế lực.
Tiếng Latin gọi là ad verecundiam.
Trong xảo thuật này, cách làm phổ biến nhất là chuyển giao những hình ảnh quốc gia và nhân vật nổi tiếng đến sản phẩm tuyên truyền.
Chẳng hạn như huy động hàng ngàn người mặc quần áo và đứng xếp hàng thành một lá cờ tổ quốc thật to.
Thông điệp họ muốn gửi đến công chúng là họ là những người yêu nước, vì quê hương đất nước.
Nhưng đó chỉ là hình thức tuyên truyền tương đối … rẻ tiền.
Một đặc điểm tuyên truyền khác có liên quan là lợi dụng thẩm quyền.
Đây cũng là hình thức tuyên truyền khá phổ biến.
Chẳng hạn như khi quảng bá một ý tưởng điên rồ khó ai có thể chấp nhận được, người ta dùng đến những người có vị trí cao và bằng cấp cao trong xã hội.

Giống như khi viết bài, người ta trích dẫn những người với chức danh như “Giáo sư – Tiến sĩ” với hàm ý nói rằng ý tưởng đó được bậc đại trí thức đồng tình, dù ý kiến của vị đó chẳng liên quan gì đến vấn đề đang bàn.
Trung Quốc thường hay trưng bày công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng như muốn nói thủ tướng của Việt Nam đã công nhận, nhưng vấn đề là pháp lí quốc tế chứ chẳng liên quan gì đến công hàm đó.
Tuyên truyền nói cho cùng là một cách nhồi sọ.

Do đó, xảo thuật của tuyên truyền là lặp đi lặp lại những điều vô lí càng nhiều và càng lâu thì càng tốt.

Đó chính là lí tưởng của tuyên truyền: một lời nói láo nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành chân lí.
Đó cũng chính là những gì chúng ta thấy giới truyền thông Bắc Kinh suốt ngày này sang tháng nọ nói xấu Việt Nam và người Việt Nam, bất chấp những thỏa thuận gì đó giữa đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam và phía Trung Quốc.
Tóm lại, tuyên truyền là một phương tiện để the power that be (có lẽ dịch là thế lực?) gây tác động đến đám đông qua hình thức ngụy biện và nhồi sọ.
Goebbels, một guru về tuyên truyền thời Hitler, quan niệm rằng “tuyên truyền tự nó không phải là một cứu cánh, nhưng là phương tiện cho cứu cánh; nếu phương tiện giúp chúng ta đạt được cứu cánh thì phương tiện đó tốt.”
Cố nhiên, tội ác của Hitler và đồng bọn như Goebbels đã làm cho hai chữ tuyên truyền mang một nghĩa xấu.
Ấy thế mà ngày nay những đồ đệ của họ ở Trung Quốc có vẻ rất ham thích ứng dụng quan niệm đó của Goebbels.
Chúng ta phải sống với tuyên truyền.
Không có cách nào xóa bỏ tuyên truyền trong xã hội hiện đại.
Vấn đề không phải là tránh hay xóa bỏ tuyên truyền, nhưng vấn đề là phân biệt được thông tin nào là sản phẩm của tuyên truyền và thông tin nào sản phẩm của thực tế xã hội.
Tôi nghĩ những đặc điểm trên cũng giúp ích cho chúng ta trong việc phân định thông tin, và hiểu tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra cực kì trơ trẽn với những luận điệu vừa vô lí vừa ấu trĩ của họ.
Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn: http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1290-tai-sao-nha-cam-quyen-trung-quoc-tro-tren-
http://vietnamesecommunity.wordpress.com/2011/07/09/tuyen-truy%E1%BB%81n-la-gi/


***

Mấy suy nghĩ về công tác tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay
15:20' 12/7/2010

(TCTG) - Tuyên truyền là một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân, tạo nên sự thống nhất và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cỗ vũ quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng đã đề ra.


Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH ở nước ta. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên đã trưởng thành mọi mặt về phẩm chất chính trị; tư duy lý luận cũng như năng lực lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng… Đa số cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, trưởng thành trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền; phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói qua một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai. Không thích nghe nữa. Phải có lễ độ. 

Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua đã khẳng định hoạt động tuyên truyền của toàn Đảng đã góp phần quan trọng tạo nên các phong trào cách mạng, góp phần lập nên những chiến thắng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay thì công tác tuyên truyền lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Thực tiễn hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng mang tính lịch sử trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại…; đưa nước ta bước lên vị thế mới đưa nước ta chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Thời gian qua, công tác tuyên truyền cũng tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội và các sự kiện mang tính quốc tế. Có thể nói công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng và các ngày lễ lớn trên đã góp phần tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trên cơ sở đó tăng cường củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, nhằm làm nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ thời cơ, thấy rõ nguy cơ, thách thức của cách mạng Việt Nam; đoàn kết thống nhất để vượt qua những khó khăn trước mắt, thúc đẩy sự phát triển trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Mặt khác, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tích cực tự giác sáng tạo của quần chúng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn góp phần tích cực trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong xã hội hiện nay, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt hiện nay đất nước ta đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền thời gian qua còn những hạn chế, yếu kém: Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền còn ở mức độ. Việc tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa thường xuyên, chưa chú trọng đổi mới khâu quán triệt, học tập nên vẫn còn một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở, chưa coi trọng đúng mức việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Tuyên truyền các điển hình tiên tiến còn ít ; việc tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái còn thụ động, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống cán bộ tư tưởng và các nhà khoa học vào cuộc đấu tranh này.
Để công tác tuyên truyền được phát huy, thực sự có hiệu quả hơn, trong thời gian tới cần triển khai tập trung một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là cấp uỷ và ban tuyên giáo cấp uỷ các cấp đối với công tác tuyên truyền. Để đảm bảo cho công tác tuyên truyền hoạt động đúng hướng, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì phải có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp uỷ và ban tuyên giáo của cấp uỷ. Do đó, phải nâng cao nhận thức của cấp uỷ và thủ trưởng đơn vị đối với công tác này, lãnh đạo các cơ quan tuyên truyền cần xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, cấp uỷ các cấp hàng năm tổ chức kiểm tra chặt chẽ, đi đôi với việc sơ, tổng kết về công tác tuyên truyền.

Hai là, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc theo tinh thần thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Từ đó tiến hành đổi mới việc triển khai quán triệt và học tập nghị quyết; tài liệu học tập và phương thức truyền đạt nghị quyết cần bám sát đối tượng. Trước hết, trong năm 2010 cần tập trung tuyên truyền các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình mà Đại hội X của Đảng đã đề ra, đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cần nhận thức thống nhất trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền các điển hành tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước. 

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền miệng, lựa chọn đúng nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn thiết thực với nhu cầu thông tin của nhân dân, đúng định hướng tư tưởng của đảng và Nhà nước. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền có các giải pháp tư tưởng, thông tin kịp thời, nhất là trước những vấn đề lớn của đất nước có tính nhạy cảm, tránh gây tâm lý và bức xúc trong nhân dân.

Năm là, để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, trong đó cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, chú trọng đề cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trực tiếp là ngành Tuyên giáo, trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản thuộc quyền theo đúng các chủ trương, nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật. 

Sáu là, tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục của các bài viết, thu hút rộng rãi hơn sự tham gia tích cực của các cơ quan nghiên cứu, đội ngũ trí thức, các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh này. Chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch. 

Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác tuyên truyền có nhiệm vụ to lớn là giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Hơn lúc nào hết, công tác tuyên truyền của Đảng phải thực sự là cầu nối chuyển tải những thông tin của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
ThS Nguyễn Huy Ngọc

 http://tuyengiao.vn/Home/nghiepvu22/nghiepvutuyentruyen/2010/7/21861.aspx

***

Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm
Tuyên truyền là một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tạo nên sự thống nhất và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cỗ vũ quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương đã đề ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền; phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói qua một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai. Không thích nghe nữa. 
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dười sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Có thể nói công tác tuyên truyền đã góp phần tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tăng cường củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, nhằm làm nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.
Mục đích của tuyên truyền là không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tích cực tự giác sáng tạo của quần chúng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần tích cực trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chính công tác tuyên truyền và qua tuyên truyền đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình tốt trong đời sống xã hội. Và hiệu quả của việc tuyên truyền chính là những gương người tốt, việc tốt đã tác dụng trở lại, làm giàu cho đời sống tinh thần của nhân dân, của từng đơn vị, địa phương, tập thể. Những việc tốt, thiết thực, có hiệu quả thường được nhân rộng, lan rộng, có ảnh hưởng lớn đến các phong trào của quần chúng.
Để việc tuyên truyền có tác dụng lớn đối với xã hội, cộng đồng thì tuyên truyền phải trở thành nghệ thuật, nghĩa là, tuyên truyền đúng định hướng tư tưởng của đảng và Nhà nước, tránh gây tâm lý bức xúc trong nhân dân; tuyên truyền phải có sức thuyết phục, lay động lòng người. Tôi thấy, công tác tuyên truyền trên báo chí về việc kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân, các mảnh đời khó khăn, bất hạnh, gieo neo, cơ nhỡ … thường có sức lay động lòng người, làm cho lòng tốt nảy nở, kết trái, đơm hoa gieo mầm thơm cho toàn vườn hoa xã hội.
Suy ra từ đó, công tác tuyên truyền phải chú trọng đến từng đối tượng, lựa chọn đúng nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn thiết thực với nhu cầu thông tin của nhân dân, cộng đồng, xã hội. Công tác tuyên truyền phải thực sự là cầu nối chuyển tải những thông tin của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ sở.
Văn Anh


***

Tuyên truyền và nguy cơ phản tác dụng

Truyền thông (communication) là quá trình truyền thông tin từ (những) người gửi đến (những) người nhận thông tin. Môi trường giữa người gửi và người nhận được gọi là kênh hay phương tiện truyền thông. Có thể phân biệt nhiều loại truyền thông. Trong bài này chúng ta chỉ xét hai loại, truyền thông một chiều và đa chiều.

Tuyên truyền (propaganda) là một dạng đặc biệt của truyền thông và có lịch sử nhiều ngàn năm. Khái niệm tuyên truyền biến đổi với thời gian và thời cuộc.

Theo Từ điển Tiếng Việt-2009, Nhà xuất bản Đà Nẵng, tuyên truyền là "phổ biến, giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo".
Theo R. A. Nelson, tuyên truyền được định nghĩa một cách trung tính như một dạng truyền thông có hệ  thống, có chủ ý nhằm tác động đến cảm xúc, thái độ, ý kiến và hành động của một nhóm người xác định vì các mục đích tư tưởng, chính trị hay thương mại thông qua việc truyền các thông điệp một chiều, được kiểm soát trên các phương tiện truyền thông.
Nhóm người xác định ở đây có thể là nhóm khách hàng mục tiêu của một công ty, là tín đồ tiềm năng của một giáo phái, hay toàn bộ công dân của một quốc gia.
Trung tính có nghĩa là khái niệm không gắn với giá trị, thí dụ "tốt-xấu", "tiêu cực-tích cực", "chính xác-bóp méo", v.v.
Tuyên truyền mang mục đích thương mại ngày nay được gọi là quảng cáo. Có quảng cáo trung thực, nhưng cũng có quảng cáo lừa đảo. Để hạn chế mặt xấu của "tuyên truyền thương mại" các nước đều có các quy định quản lý hoạt động quảng cáo. Nhưng các khách hàng có thể học qua kinh nghiệm mua hàng của mình để "đánh giá" và họ có quyền "bỏ phiếu" bằng quyền lựa chọn mua hay không mua của mình.Nếu một công ty, tuyên truyền sai sự thật, không chính xác về sản phẩm hay dịch vụ của mình, tìm cách lừa khách hàng, thì có thể bị luật pháp trừng trị và dẫu cho luật pháp có kém thì sớm muộn vẫn bị khách hàng tẩy chay.
Tuyên truyền vì mục đích tư tưởng hay chính trị cũng vậy. Nhiều nước cũng có quy định để hạn chế mặt tiêu cực của loại tuyên truyền này nữa.

Xưa kia, thông tin chỉ có thể truyền qua lời nói, chữ viết, ký hiệu với tốc độ rất thấp và truyền thông có chi phí khá cao. Khả năng phản hồi, truyền thông đa chiều hạn hẹp. Và tuyên truyền có ý nghĩa lớn. Các tôn giáo, các đảng phái chính trị, các công ty đã tận dụng (và lạm dụng) rất hữu hiệu các công cụ tuyên truyền.
Ngày nay công nghệ hiện đại cho phép truyền tin với tốc độ gấp nhiều triệu lần so với 50 năm trước với chi phí không đáng kể. Truyền thông đa chiều trở nên phổ biến. Và khả năng phát hiện ra sự tuyên truyền không trung thực, bóp méo, vì mục đích của các nhóm lợi ích bất luận họ là ai, họ đưa ra các khẩu hiệu mỹ miều đến thế nào, là lớn hơn trước rất nhiều và nhanh hơn rất nhiều.

Nếu tuyên truyền (tất nhiên là vì mục đích của những người tuyên truyền) là đúng, trung thực và vì mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích của các khách hàng, của chính những người "bị tuyên truyền" thì họ tán thành, ủng hộ và làm theo. Ngược lại, thì tuyên truyền là "gậy ông lại đập lưng ông".

Rất đáng tiếc, tuyên truyền nhiều khi đã bị lạm dụng và vì thế ở hầu hết các nước trên thế giới ngày nay tuyên truyền là một từ mang hàm ý xấu. Việc tuyên truyền thương mại có cái tên quảng cáo có thể là một minh chứng, không nhà quảng cáo nào gọi mình là nhà tuyên truyền cả, rồi từ quảng cáo cũng có khi mang hàm ý xấu, họ gọi tuyên truyền là hoạt động "PR: quan hệ công chúng".  Ở hầu hết các nước người ta dùng từ tuyên truyền với nghĩa xấu.

Ở nước ta, từ tuyên truyền dường như vẫn được dùng quá nhiều so với mức cần thiết. Một thời tuyên truyền đã mang ý nghĩa tích cực và dường như người ta vẫn tự cho rằng họ dùng từ này theo hàm ý đó, khá khác so với thế giới ngày nay. Trong hội nhập ngày càng sâu việc sử dụng phổ biến thuật ngữ tuyên truyền có lẽ không hay, không mang lại hình ảnh tốt cho đất nước.

Trên con đường hội nhập ngày càng sâu với thế giới, để có thể làm "bạn với tất cả các nước", để phát triển đất nước, để đạt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh" chúng ta nên xem xét lại cách dùng từ tuyên truyền. Có lẽ do biết việc dùng từ "tuyên truyền" là hơi chướng đối với bạn bè nước ngoài, nên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới dịch tên mình sang tiếng anh là "Academy of Journalism Communication" chứ không phải là "Academy of Journalism and Propaganda).
Tuy nhiên, thuật ngữ, tên gọi rất quan trọng nhưng không phải là cốt lõi. Cái quan trọng nhất là phải hiểu được sự thay đổi của thế giới, phải thực sự tôn trọng người dân, "những người bị tuyên truyền", phải tạo điều kiện để nhân dân thực sự thấy mình là chủ của đất nước. Ta phải hiểu tuyên truyền là truyền thông một chiều, nó vẫn là một kiểu truyền thông quan trọng nhưng không thể phớt lờ tính đa chiều của truyền thông hiện nay.

Tận dụng tính đa chiều, tạo điều kiện cho người dân nêu ý kiến của mình, lắng nghe thông tin phản hồi, tôn trọng ý kiến của thiểu số, chấp nhận các chứng kiến khác nhau, thông tin trung thực và kịp thời, đấy là cách "tuyên truyền" hữu hiệu hơn cách "cổ điển" rất nhiều.

Đó là những chuyện chẳng khó hiểu, cũng chẳng cao siêu gì. Đáng mừng là một số vị lãnh đạo cấp cao cũng có cách nhìn đúng, hợp thời cuộc. Ý kiến của ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong phỏng vấn với báo Tuổi trẻ vừa qua là một thí dụ được dư luận hoan nghênh. Hy vọng việc làm của các vị lãnh đạo và các cơ quan nhà nước cũng vậy. Việc làm có sức nặng bằng ngàn lần lời nói và nói đi đôi với làm là một cách "tuyên truyền" hiệu quả nhất, còn ngược lại, lời nói không đi đôi với việc làm, thì lại phản tác dụng và cho kết quả ngược lại.
http://www.tuanvietnam.net/2010-01-23-tuyen-truyen-va-nguy-co-phan-tac-dung


***
Chuyen de 10 Cong tac tuyen truyen
- Saga - Truyền thông là gì?
- Tuyên truyền và nguy cơ phản tác dụng

***
***

No comments:

Post a Comment