LTS: Bài viết nằm trong loạt bài đặc biệt 'Kinh tế của người Việt ở Quận Cam' do báo Người Việt thực hiện, nhân tưởng niệm biến cố 30-04-1975 và đánh dấu 37 năm cộng đồng Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ. Mời quý độc giả bấm vào đây để đọc loạt bài này.
Ẩm thực là thước đo kinh tế
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER - Sự trì trệ kinh tế ảnh hưởng rõ nét trên sinh hoạt ăn uống của người Việt Nam tại Little Saigon, California. Trong khi nhiều người tiết kiệm, dè sẻn cho những chi tiêu liên quan đến ẩm thực trong thời khó khăn, đa số thừa nhận, từ nhiều năm qua, khuynh hướng ẩm thực của người gốc Việt tại đây không chỉ là “ngon, rẻ,” mà đang rõ ràng hiện diện thêm khuynh hướng thanh lịch, sang trọng nơi các nhà hàng, quán ăn.
Chủ nhân “Volcano Tea House” tươi cười: “Khách nhiều, không thể ngơi tay!” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt) |
“Ăn, với tôi bây giờ, không chỉ là ăn ngon, ăn no, mà còn là một cái thú thưởng ngoạn trong ẩm thực.” Ðó là lời nói vui chân tình của ông Henry Hùng, một chuyên viên địa ốc nhưng nay “đang nghỉ vì nhà cửa chưa lên được,” như lời ông nói.
“Thú thưởng ngoạn” ấy như thế nào? Chủ nhân một quán “Bistro” trong thương xá Fortune ở thành phố Garden Grove cho biết: “Khách hàng của chúng tôi đi ăn có khi không chỉ nhắm vào thức ăn. Nơi chốn và không khí của phòng ăn phải tạo ra được một khung cảnh trang nhã, không ồn ào, hỗn tạp. Thiết trí và trang trí phòng ăn phải hài hòa, trang nhã, đơn giản không cầu kỳ nhưng phải có cái rất riêng.”
Quan sát quán “Bistro” này. Quả thật, có những cái “rất riêng.” Một bảng hiệu có cái tên dân dã - “Lúa” - chênh vênh trên một khoảng tường trước cửa, đưa dắt người ta đến những cánh đồng lúa nơi quê hương đã xa biền biệt từ 30 Tháng Tư ngày ấy. Toàn bộ mặt tiền của quán là kính xám mờ, che giấu bên trong một phòng ăn sang trọng. Vài bộ bàn ghế trước hiên nhà gợi nhớ những quán “Cà phê Hiên” của một thời Sài Gòn hoa lệ. Chủ nhân, một người đẹp đất thần kinh, khoe: “Ðể cho khách sống trong không khí gia đình, chúng tôi đem nguyên cả bếp ra phòng ăn để khách trực tiếp nhìn thấy đầu bếp nấu những món ăn tươi mà mình chọn tại chỗ.”
Tuy bếp nấu chiếm gần nửa căn phòng, phòng ăn vẫn giữ được sự tinh khiết, sạch sẽ khiến khách, dù ở góc cạnh nào, cũng không cảm thấy khó chịu.
Một chủ quán khác, nổi tiếng về món nem Nha Trang, nay mở thêm tiệm thứ hai trên đường Trask trong thành phố Garden Grove, thì quan niệm rằng “món ăn phải là đặc sản.”
“Phải là đặc sản, và phải do những tay nghề vững, hiểu biết ngọn ngành món đặc sản này. Nói về nem thì ở Việt Nam nổi tiếng nem Thủ Ðức, nem Nha Trang, Ninh Hòa, nhưng mỗi loại có những thi vị riêng mà khách không sành ăn lắm cũng nhận biết được ngay.”
Ðến thức uống thì tuổi trẻ hải ngoại không còn giống thế hệ trước, là cà phê, cà phê, và... cà phê! Ngày nay, các quán cà phê phải kèm nhiều thức uống cùng phương tiện giải trí khác để lôi cuốn khách hàng trẻ tuổi. Chẳng hạn, hầu hết các quán cà phê đều phải thiết trí nhiều màn hình lớn với âm thanh thật tốt để phục vụ khách mê túc cầu. Có quán cung cấp “free Internet” để khách hàng trẻ “chat” hay cùng nhau học hỏi sau giờ học ở trường...
Vài năm gần đây, bỗng rộ lên các quán nước sinh tố “kiểu Mỹ” được tuổi trẻ gốc Việt ưa thích.
Ở quán nước “Volcano Tea House,” mới khai trương trong khu thương xá chợ Ðồng Hương, khách hàng trẻ xếp hàng dài chờ mua cho được thức uống mình thích. Những thứ nước ép trái cây đủ loại được pha chế thêm chút cà phê, chút sữa tươi, chút ca cao hay chocolate được trình bày trong một cái ly đẹp mắt với những tên gọi kiểu cách, chẳng hạn “Tango Mango,” “Passion Twist,” “Kiwi Kiss,” “Honey Chrysanthemum”...
Mua xong ly nước, các nam thanh nữ tú cầm đi đường, vừa uống vừa trò chuyện vui vẻ. Ít ai có dáng trầm ngâm ngồi uống ly trái cây này trong tiệm dù đã có sẵn bàn ghế được sắp đặt mỹ thuật. Cô Amx Nguyen, chủ nhân quán nước, vui vẻ cho biết: “Không hở tay được chút nào. Khách hàng cứ liên tục. Chủ trương của quán là ngon, tinh khiết, bổ dưỡng, lạ nhưng thích hợp với tuổi trẻ. Còn rẻ hay không thì... chưa biết.”
Gần kế bên lại có một quán chuyên bán Yogurt, chi nhánh của công ty Yogurtland. Cô Tiffany, phụ tá quản lý, cho biết: “Ở đây bán trái cây các loại kèm theo cả những món ăn chơi (Chip) làm bằng ngũ cốc được tẩm qua nhiều thứ như kem, sữa, cà phê, chocolate để vừa uống lại có cái nhai nữa.”
Nội thất được chủ nhân thiết kế giống như một hành lang chạy ziz-zag theo chiều dài của quán. Những tấm kính cách khoảng giữa lối đi cho người ta cảm giác cách biệt với bên ngoài. Ven theo tường là một dãy máy kem, nước uống tự động.
Ẩm thực, trong một vài khía cạnh, được “công nghiệp hóa” nhiều lắm; và khuynh hướng này phù hợp với tuổi trẻ ngày nay, hơn là với giới cao niên.
Ăn, thời kinh tế trì trệ
Ăn ngon và ăn sang có vẻ “chững” lại trong thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Hỏi 10 người thì cả 10 đều xác nhận suy trầm kinh tế hiện nay ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người trong cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Ðiều mà mọi người quan tâm nhất là sự cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội, từ y tế đến giáo dục. Một cụ già đang hưởng Medi-medi than thở: “Tôi không hiểu sao nhà nước lại không trả tiền làm răng. Ðâu có phải là thuộc lãnh vực thẩm mỹ mà hoàn toàn là về sức khỏe. Răng không có, ăn không được, trệu trạo nuốt sẽ sinh bệnh bao tử và tiêu hóa. Ðiều này có thể lại tốn tiền của chính phủ hơn nữa, gấp mấy lần chữa răng, trồng răng.”
Than về y tế và giáo dục, ít người nói về những điều “gần hơn:” Cuộc sống hàng ngày với hai ba bữa ăn.
Hỏi một phụ nữ trạc ngoài 40, bà Yến ở Westminster, về ảnh hưởng suy trầm kinh tế trong cuộc sống hàng ngày của bà, được trả lời: “Suy trầm hay không suy trầm thì hàng ngày gia đình chúng tôi cũng phải có hai bữa sáng sớm và chiều tối. Bữa ăn chiều đối với chúng tôi là quan trọng vì muốn tập cho các cháu quen sống với không khí đoàn tụ của gia đình. May mà hai vợ chồng tôi không lâm cảnh thất nghiệp nên cuộc sống cũng không thay đổi mấy.”
Anh Nguyễn Văn Nam, cư dân Westminster, vừa ra khỏi chợ Saigon City Super Market Place cùng hai cháu nhỏ, cho biết: “Kinh tế này có thế nào, theo tôi thì cộng đồng người Việt cũng ít bị ảnh hưởng trong cuộc sống lắm. Vẫn hay có nhiều người lâm cảnh thất nghiệp vì hãng xưởng đóng cửa hay giảm nhân viên, nhưng đã có tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ trong một thời gian, dư sức cho chúng ta tìm việc làm mới...”
Cái lạc quan của anh Nam không che lấp được thực tế là có nhiều người bị ảnh hưởng khá nặng nề, về mặt kinh tế. Tìm đến những nơi bán “food-to-go” để xem số khách hàng ra sao vì chính những nơi này đã là những người “nội trợ” cho nhiều gia đình gốc Việt. Một chủ nhân “food-to-go” phân tích: “Người Việt mình có nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm nên việc ăn uống trong ngày phó mặc cho các nơi bán food-to-go, ngon dở gì cũng phải chịu. Nhưng cũng còn hơn là ăn “cơm tháng,” đưa đến tận nhà. Còn cơm nhà hàng tuy có ngon miệng nhưng lại không ngon túi tiền, nhất là đang trong tình trạng thất nghiệp.”
Food-to-go là những cửa hàng bán cơm và hàng chục loại món ăn thường ngày trong gia đình. Thích thứ nào thì “chỉ” thứ đó, tương tự “cơm chỉ” ở Sài Gòn. Một bữa ăn food-to-go có khi chỉ trên dưới $5 là no nê, trong khi ở nhà hàng tối thiểu cũng từ $6.99 trở lên chưa kể tiền “tip.” Do đó food-to-go được bà con “chiếu cố tận tình” từ sáng sớm. Bữa sáng thường là một khúc bánh mì kẹp thịt, một ly cà phê sữa đá, khoảng $3 trở lại. Bữa trưa thì “cơm chỉ” có thể dành thức ăn đến bữa chiều nên tốn kém vào việc ăn uống hàng ngày không quá $10 - trên dưới $300 một tháng - con số có thể chấp nhận được cho những túi tiền eo hẹp.
Chủ nhân một cửa hàng food-to-go trên đường Bolsa gần Phước Lộc Thọ tâm sự: “Kinh tế này làm lao đao nhiều người chứ kể gì bọn buôn bán nhỏ chúng tôi. Lập ra cái food-to-go này từ gần 15 năm nay, hàng chúng tôi đã có được một số khách quen thuộc. Có được số khách vững chắc nên chúng tôi ít khi có thức ăn dư nên thức ăn của chúng tôi lúc nào cũng tươi và nóng sốt, không hề có thức ăn hâm lại từ ngày hôm trước.”
“Thế mà trong thời gian qua, chúng tôi cũng mất đến 30% khách hàng. Hỏi ra mới biết, một số phải rời đi tiểu bang khác tìm việc làm. Một số thu nhỏ việc chi tiêu hàng ngày không hoang phí như trước. Nhiều khách hàng nói thực, trước thì mua cho đủ hai bữa nhưng nay thì dè sẻn, mua một phần ăn cho hai bữa. Nguyên nhân chính của những tiết kiệm này là tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp, giãn công hay bị giảm lương.”
Tương lai thí ít có ai dám tin rằng kinh tế sẽ khởi sắc phục hồi trong một thời gian ngắn, vì thế ai nấy đều phải “co cụm để mà sống thôi.”
Dạo quanh một vòng các chợ trong Little Saigon, thấy vào những ngày cuối tuần khách đi chợ vẫn tấp nập. Dù chợ có tới 10 quầy tính tiền, vào những ngày cuối tuần vẫn phải sắp hàng chờ ít ra cũng dăm mười phút. Nhưng để ý một chút thấy chợ nào cũng không đủ nhân viên tính tiền, thường thì chỉ có 6, 7 quầy làm việc. Phải chăng giới chủ chợ đã giảm nhân viên để thích ứng được tình hình khách hàng không còn được như trước?
Quản lý một ngôi chợ vào loại lớn của người Việt trong khu Little Saigon cho biết về tình trạng này: “Chúng tôi đang phải trải qua những thách thức trong thời buổi kinh tế suy trầm. Một mặt khách hàng giảm đi có tháng tới 30%, một mặt vẫn phải duy trì hàng hóa đầy đủ phẩm chất để giữ khách hàng. Theo chỗ chúng tôi hiểu, không chỉ có suy giảm khách hàng mà khách hàng đi chợ cũng dè sẻn hơn trước.”
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ai cũng hiểu là ảnh hưởng từ kinh tế Hoa Kỳ đang suy thoái chưa phục hồi. Thế nên có một số khách hàng phải rời bỏ California đi kiếm việc làm ở các tiểu bang khác. Ai còn trụ lại được ở California thì trước tình hình kinh tế này, khó mà không khỏi lo lắng cho ngày mai nên sự tiêu pha cũng đành phải rút bớt, không thể thoải mái được như trước.”
Nhiều người dân tại Little Saigon, vốn sống đã lâu trên nước Mỹ, từng kinh qua nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn, tỏ ra bình tĩnh hơn trước cơn suy thoái hiện nay. Họ tin rằng nền kinh tế rồi sẽ “tìm được lối ra,” tương lai rồi sẽ sáng sủa hơn. Những tính toán, dè sẻn rồi cũng là nhất thời. Ðiều quan trọng, theo ghi nhận chung, là khuynh hướng ngày càng rõ rệt của “ăn sang,” “ăn thanh lịch” nơi người dân tại đây.
Mà xét cho cùng, đó cũng là một trong các chỉ dấu của sự thăng tiến trong đời sống. Cộng đồng này đã ở đây từ gần 40 năm nay rồi còn gì!
Người Việt Nam mở nhà hàng trên đất Mỹ
Số nhà hàng: 2,854
Thu nhập một năm: $885 triệu
Số nhà hàng có nhân viên: 2,408
Số nhân viên: 861,963
Tiền lương tổng số nhân viên một năm: $244 triệu
(Nguồn: U.S. Census/2007 Survey of Business Owners, “full-service restaurants”)
–––––-
Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=147945&zoneid=1