Monday, 30 April 2012

Hãy bước tới một ngày thống nhất thật sự

Sea Free - Tháng Tư lại về.
Với hàng triệu người Việt đang lưu lạc khắp năm châu, nó như là dòng thác đen cuốn họ về bóng tối của đêm dài viễn xứ.
Với hàng triệu người Việt khác, đó lại là dịp kỷ niệm ăn mừng thắng lợi, xem như một cuộc đổi đời vĩ đại.
Với dân tộc Lạc Hồng, đó là một bước ngoặt đáng kể trong hành trình xuyên suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm. Biến cố ấy đưa đất nước theo chiều hưng thịnh, suy vong hay quân bình dưới mặt bằng của nền văn minh đương đại? Xin tạm gác lại câu hỏi này để khỏi sa vào cuộc tranh luận còn chưa ngã ngũ giữa hai luồng ý thức, để đánh giá bản chất của chiến thắng mùa xuân 1975.
Nhận diện cuộc chiến
Ngày 30/4/1975, tôi chỉ là một thằng nhóc bảy tuổi. Tôi còn quá nhỏ để ý thức được nỗi đau chiến tranh, niềm vui hòa bình hay sự khác biệt hình hài của Tổ Quốc hai bên bờ vĩ tuyến.
Nhưng hình ảnh những ngày cuối cùng của cuộc chiến vẫn còn đọng lại đâu đó trong bộ nhớ, rồi nó trở thành chứng tích góp phần điều chỉnh nhận thức của tôi về cuộc chiến này.
Tuổi thơ tôi lớn lên dưới mái trường XHCN, vì thế những thuật ngữ "giải phóng miền Nam", "đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược"... được bộ máy tuyên truyền khắc mạnh vào đầu óc, vào nếp nghĩ với công cụ là những bài học lịch sử.
Vào quãng giữa thập niên 1980s, trên TV có trình chiếu bộ phim tài liệu tựa đề Việt Nam, thiên sử truyền hình. Tôi có ấn tượng khá mạnh với bộ phim vì nhiều lẽ. Thứ nhất, hình ảnh và âm thanh sống động gây hiệu ứng mạnh gấp nhiều lần những bài học trên trang sách, được in bằng thứ giấy đen nhẻm thời bao cấp. Thứ đến, lối tường thuật khách quan gây thiện cảm cho người xem. Họ không có cái kiểu một bề như sách giáo khoa tôi được học suốt mấy năm phổ thông. Chỉ toàn thấy quân ta thắng như chẻ tre, chả chết chả thiệt hai bao nhiêu, còn quân địch thì thua hết trận này đến trận khác, chết như rơm như rạ, con số nào cũng lên đến hàng nghìn hàng vạn.
Tự dưng thấy nó láo láo thế nào ấy. Và sau này, sức mạnh truyền thông hiện đại càng khẳng định cái linh cảm ấy.
Trở lại bộ phim truyền hình, đó là dạng tài liệu lịch sử nhiều tập. Tôi còn nhớ có một tập phim mang tựa đề Nước Mỹ nhận lãnh trách nhiệm. Nó giải đáp phần nào thắc mắc của tôi bấy lâu: "Người Mỹ đổ quân vào Nam Việt Nam làm gì, có phải là để xâm chiếm thuộc địa như thời thực dân thế kỷ XIX ?"
Đi theo cùng thời gian, tôi dần dần có hiểu biết về Chiến Tranh Lạnh (Cold War), một cuộc chiến gây ảnh hưởng không nhỏ đến phần lớn cư dân trên quả Địa Cầu kể từ sau Thế Chiến lần thứ hai.
Ba quốc gia, một kịch bản chia đôi
Người phương Tây có vẻ sòng phẳng và rạch ròi, với bức tường Bá Linh nằm giữa lòng nước Đức. Bờ Đông chịu sự cai trị hà khắc của phe Cộng sản, bờ Tây nằm dưới sự bảo trợ của thế giới Tự do.
Hầu như không có giao tranh và đổ máu, ngoại trừ một số người bị bắn khi cố tìm cách vượt bức tường chạy sang bờ Tây. Các tài liệu mới đây còn cho biết có đến vài ngàn quân nhân Đông Đức đã quay súng tự sát vì không cam tâm xả súng vào người dân vượt tường chạy qua Tây Đức.
Bức tường Bá Linh đã đổ sập theo ý thức hệ Cộng sản, nước Đức thống nhất trong hòa bình, với nền kinh tế đứng hàng đầu châu Âu.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 chấm dứt mà không đem lại sự phân định thắng thua giữa hai luồng ý thức Cộng sản - Tư bản.
Vĩ tuyến 38N tạm thời làm ranh giới ngăn cách hai miền Triều Tiên. Hơn nửa thế kỷ trôi qua sau cuộc chiến, Nam Hàn vững vàng cùng đồng minh Hoa Kỳ và thế giới Tự do, với nền kinh tế phát triển dựa trên công nghiệp tự động hóa và nền kỹ nghệ tân tiến. Nền kinh tế Bắc Hàn gần như kiệt quệ, hằng năm phải nhận gạo cứu trợ từ miền Nam cũng như thực phẩm của Liên Hiệp Quốc. Mọi nỗ lực của Bình Nhưỡng dường như dồn hết vào con bài khủng bố hạt nhân: Tên lửa mang đầu đạn nguyên tử.
Ý thức hệ Cộng sản đã suy vong, nhưng đầu óc bảo thủ của giới lãnh đạo Bắc Hàn vẫn tiếp tục đưa nửa đất nước của họ vào con đường hủy diệt, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Kịch bản chia đôi của Việt Nam hàm chứa nhiều uẩn khúc, dưới ảnh hưởng của tình hình thế giới và vị trí địa lý đặc biệt ở cửa ngõ Đông Nam Á.
Sau ngày 27/3/1973, người Mỹ đã rút toàn bộ quân đội ra khỏi Nam Việt Nam. Rõ ràng, chiến tranh bây giờ chỉ còn là cuộc xung đột ý thức hệ giữa hai miền Nam - Bắc. Ngay cả trước đây, thực chất cuộc chiến cũng chẳng khác gì. Liên Xô và Trung Quốc đứng phía sau miền Bắc XHCN, chi viện tối đa các phương tiện chiến tranh và kinh tế. Mỹ đổ tiền vào miền Nam, có giai đoạn trực tiếp tham chiến cùng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. (Chính vì hành động sát cánh với bạn đồng minh Đông Nam Á này, người Mỹ phải hứng chịu áp lực của phong trào phản chiến từ trong nước và sự phản đối trên khắp thế giới. Bên phía Cộng sản đã tận dụng tối đa lá cờ chống ngoại xâm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, dồn người Mỹ vào thế phải rời bỏ chiến trường).
Mảnh đất hình chữ S bất đắc dĩ trở thành nơi thử nghiệm vũ khí của hai phe Cộng sản - Tư bản. Bom Mỹ rơi trên ruộng đồng miền Bắc và đạn pháo của Nga - Trung rót vào thôn xóm miền Nam. Chiến Tranh Lạnh diễn ra khắp hoàn cầu, nhưng máu xương người Việt lại đổ ra nhiều nhất.
Những tưởng hiệp định Paris sẽ mang lại một khoảng bình yên hiếm hoi, để người Việt hai miền tạm thời gác bỏ tranh chấp tư tưởng, dồn nỗ lực xây dựng quê hương. Nhưng không, tai ương lại đến với chủng tộc da vàng. Người Mỹ lùi một bước cho thế cờ chiến lược có độ sâu cả nửa thế kỷ. Phe Cộng sản lập tức khuếch trương lợi thế tạm thời. Gần tròn 1 năm sau hiệp định Paris, vào ngày 19/1/1974, Trung Quốc sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự đánh chiếm Hoàng Sa. Bắc Việt khẩn trương cho chiến dịch Hồ Chí Minh, phía miền Nam đã mất hậu thuẫn của đồng minh, không thể chống chọi với khối Cộng sản đang hừng hực sát khí. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, và thời khắc lịch sử đã điểm vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên sóng phát thanh của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Dưới đất, chiếc xe tăng mang nhãn hiệu Nga Xô húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, cờ phất hả hê, cả khối Cộng sản ăn mừng chiến thắng.
Trên trời, cầu không vận của quân lực Hoa Kỳ hối hả di tản tướng sĩ Cộng Hòa và cả dân thường ra biển hoặc xuôi Nam đến Phi Luật Tân, đến những nơi trên bản đồ còn chưa nhuốm sắc đỏ.
Ở giữa, máu của người Việt lại đổ thêm những giọt vô nghĩa cho cuộc chiến chứng minh tính đúng đắn của học thuyết Marx-Lenine.
Chiếc xe tăng T54 (do Nga Xô chế tạo) húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975
Hàng không mẫu hạm USS Midway (của Hoa Kỳ) đón người tỵ nạn Việt Nam
Đó sẽ là một mốc son đáng giá trong lịch sử,
NẾU kẻ chiến thắng nhận thức được thân phận mình nhỏ nhoi thế nào trong cuộc cờ của các siêu cường,
NẾU kẻ chiến thắng ý thức được nỗi mất mát lớn lao của cả dân tộc suốt mấy chục năm chiến sự triền miên,
NẾU kẻ chiến thắng nhìn nhận được lòng tự hào với vinh quang được - mất chỉ là trò trẻ con làm quặn lòng người mẹ Việt Nam thấy cảnh huynh đệ tương tàn...
Rõ ràng lịch sử không chấp nhận từ NẾU. Bởi lẽ, những người có trái tim chịu nhịp theo nỗi đau chung của đồng loại sẽ chẳng bao giờ cưỡng bức áp đặt tư tưởng cho kẻ khác bằng vũ lực. Khi đó, đời sống xã hội Nam Việt Nam hiện nay sẽ không hề thua kém Nam Hàn. Còn Bắc Việt có theo chân Bình Nhưỡng sở hữu lá bài hạt nhân hay không, cũng khó mà đoán trước được. Có lẽ, bây giờ người ta mới thấm thía nước lùi chiến lược của chú Sam năm xưa.
Nhiều lý lẽ biện minh rằng, Việt Nam chấp nhận tổn thất về nhân mạng và chậm tiến về kinh tế để đổi lấy sự thống nhất giang sơn.
Thế nhưng, từ "thống nhất" đã không còn mang ý nghĩa trọn vẹn của nó, khi niềm vui đoàn tụ của dân chúng hai bên bờ Bến Hải lại phải đánh đổi bằng nỗi đau ly tán của hàng vạn gia đình khác. Người chết trong trại tù "cải tạo", người vùi thây dưới biển sâu trên hành trình tìm Tự Do.
Khi những người tù cuối cùng được "học tập cải tạo" xong, nhằm quán triệt đường lối đúng đắn tất yếu của ý thức hệ Marxist, thì cũng là lúc người Cộng sản Việt Nam vừa nhận ra sai lầm và bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới! Mỉa mai làm sao tả xiết?
Khi những nhà tư sản ở Sài gòn bị đánh đuổi vừa ổn định cuộc sống trên đất khách quê người, thì ở quê hương Việt Nam, tầng lớp tư bản đỏ đã manh nha định hình và làm giàu nhanh gấp bội phần với chiêu thức tham nhũng, hối lộ, chiếm đất! Bất công thế nào hơn nữa?
Sự ngã xuống của những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh càng trở nên vô nghĩa khi nhà nước Việt Nam trong thế quẫn bách vì nền kinh tế quốc doanh kiệt quệ, phải chìa cánh tay về phía những kẻ họ vừa mới đuổi đánh, học lại thứ ngôn ngữ mà họ vừa xem là tiếng nói phản động, xây dựng lại những giá trị tinh thần mà họ từng đả phá và bài xích khi mới tiến chiếm Sài gòn.
Một kịch bản, ba kết cục khác nhau
Sự cưỡng bức tư tưởng không thể giải quyết tranh chấp ý thức hệ.
Nó chỉ chuyển hóa từ dạng đối đầu này sang một dạng đối đầu khác, cho đến khi một trong hai phía nhận thấy sai lầm và tự nguyện thủ tiêu ý thức hệ mà họ đang theo đuổi. Đó chính là kết cục đẹp đẽ và có hậu của kịch bản ở nước Đức trong ngày bức tường Bá Linh sụp đổ.
Xung đột ý thức hệ ở bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết. Vĩ tuyến 38N được dùng làm vạch vôi phân định sân chơi để hai miền chứng minh tính đúng đắn cho hệ tư tưởng mình đang theo đuổi. Một học sinh trung học bình thường cũng có thể nhận thấy tỷ số đang nghiêng về phía nào trong trận cầu liên Triều.
Đối đầu tư tưởng trên bán đảo Đông Dương được giải quyết bằng vũ lực thông qua chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vĩ tuyến 17N trên bản đồ đã được xóa bỏ, nhưng ngăn cách trong lòng người Việt vẫn chưa dứt. Sự đối đầu không tiếng súng diễn ra chủ yếu giữa tầng lớp đảng viên Cộng sản nắm quyền và những người đã nhận thức sâu sắc tình hình đất nước.
Nhận thức ngày hôm nay
Mạng lưới toàn cầu và truyền thông hiện đại trở thành mặt trận chính yếu cho xung đột ý thức hệ thời nay. Ước muốn canh tân đất nước theo đường lối dân chủ đang vấp phải sự trấn áp quyết liệt của nhà cầm quyền Cộng sản. Trường phái bảo thủ dựa trên việc vá víu học thuyết Marx-Lenine đã lỗi thời bởi một vài thuật ngữ tạm bợ và mơ hồ như "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM"...
Thế triệt buộc trong nước đi của các nhà lãnh đạo Việt Nam khá rõ ràng.
Biến 1: Tiếp tục bưng bít thông tin, chấp nhận chính sách kìm hãm dân trí để đổi lấy sự ổn định chính trị tạm thời.
Biến 2: Mở cửa tư duy để đối thoại, sẵn sàng đối diện với các ý kiến chỉ trích trái chiều, cùng ngồi lại tìm kiếm một lối thoát khả dĩ cho tương lai Việt Nam.
Đất nước lại đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Người Việt Nam muốn thời gian sẽ cập nhật những gì vào pho sử ngàn năm? Hưng thịnh hay suy vong? Trường tồn hay nô lệ?
Quá muộn để nhận ra rằng: Cộng sản hay Tư bản chẳng qua chỉ là những hệ ý thức có thể biến đổi theo thời gian, chỉ có Tinh Thần Dân Tộc và Chủ Nghĩa Quốc Gia là vĩnh cửu cho muôn đời các thế hệ mai sau.
Khi đã nhận thức được vấn đề, thấy được cái đích cần bước tới, thì con đường chẳng phải ở đâu xa, nhưng nó cũng không hề có sẵn.
Những bước chân đầu tiên sẽ toạc máu vì gai góc đá nhọn, sẽ khó khăn vì chông chênh hiểm trở và đau đớn hụt hẫng với những hố hầm cạm bẫy...
Nhưng chắc chắn, con đường sẽ rộng mở khi có nhiều người dám dấn thân bước tới.
Sea Free

No comments:

Post a Comment