Wednesday, 25 April 2012

Con đường của Bụt

Con đường của Bụt

Thích Nhất Hạnh
Con Đường Của Bụt là chủ đề của khoá tu An Cư Kiết Đông năm 2008 - 2009. Đây là con đường Bụt đã đi, và chúng ta đang đi theo sự hướng dẫn của Ngài. Con đường ấy sẽ giúp chúng ta chuyển hóa những khổ đau, đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc: tại sao chúng ta cần học lại về con đường của Bụt trong khi nó đã được đề cập rất rõ ràng trong kinh luật luận? Lý do thật đơn giản: vì thế giới đang đi tới một trật tự mới – trật tự toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, giáo dục... Và tất yếu, nền luân lý đạo đức cũng không thể nào tách ra khỏi quỹ đạo này. Một trật tự toàn cầu cần có một nền đạo đức được chấp nhận của toàn thể nhân loại. Bởi vì, mỗi châu, mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi nhóm dân đều có nền văn hóa, nền đạo đức với những giá trị và tiêu chuẩn riêng. Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta cần đi tới sự công nhận những giá trị chung. Và những người tu tập theo đạo Bụt cần phải nói lên tiếng nói từ trái tim của mình để cống hiến cho nền đạo đức toàn cầu hóa này. Cụ thể, chúng ta sẽ đóng góp những gì?
Năm 1993 tại Chicago, đã diễn ra một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề đạo đức toàn cầu. Trong hội nghị này, một nhà thần học người Đức đã đưa ra một văn bản chuyên môn về đạo đức toàn cầu. Khi đọc những tài liệu này, có thể tuệ giác của chúng ta sẽ được xúc chạm phát sinh ra những cái thấy. Và những cái thấy đó sẽ được đem đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu.

Trong tiếng Việt có chữ đạo đức, luân lý. Chữ luân lý dùng để dịch cho chữ morality, và chữ đạo đức cũng có thể dịch là morality hay ethic. Luân lý là một từ Hán - Việt. Luân là cách hành xử giữa người với người sao cho trọn vẹn, sao cho có hạnh phúc, và sao cho vắng mặt của sự khổ đau. Có một từ liên quan đến chữ luân mà chúng ta cũng rất hay dùng là nhân luân. Nó có nghĩa là đạo đức của con người. Chữ lý là những nguyên tắc, luật lệ căn bản cho những hành động. Luân lý có thể là cách nói tắt của luân thường đạo lý. Chữ thường có nghĩa là chung, những nguyên tắc hành xử giữa con người với con người được áp dụng chung cho tất cả mọi người, và được mọi người chấp nhận. Đạo là con đường. Và lý ở đây ngoài nghĩa trên còn có thêm một nghĩa nữa là lý luận. Như vậy, luân thường đạo lý có thể hiểu là những nguyên tắc luân lý đưa tới một con đường bằng những lối hành xử giữa con người và con người, và được chấp nhận bởi tất cả mọi người. Đây là quan điểm của người Á Đông. Người Á Đông còn quan niệm về đạo đức như sau: Đạo là con đường, đức là những tính tốt như: sự thành thật, lòng nhân từ… Do vậy, đạo đức có thể hiểu là con đường đức hạnh. Những đức hạnh mang lại cho ta những con đường. Con đường giúp ta tránh những đau khổ, và không làm cho người khác đau khổ. Con đường làm cho ta có hạnh phúc, và giúp cho người khác có hạnh phúc.
Khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài cũng đã nghĩ đến con đường. Thành đạo có nghĩa là sự giác ngộ hoàn toàn, là sự giải thoát. Chữ thành đạo này không chỉ có nghĩa là con đường mà còn có nghĩa là thấy chân lý, thấy được sự thật; là sự thực hiện thành công sự thật; là một tuệ giác lớn. Đạo là tuệ giác và cũng là con đường để đi đến tuệ giác đó.

Tôn giáo cũng có thể dịch là tông giáo. Tông là truyền thống, tông phái. Chữ tôn giáo theo cách hiểu của Tây phương có dính líu tới Thượng Đế và niềm tin nơi đấng Thượng Đế. Nhưng tôn giáo không hẳn cần phải có niềm tin nơi một đấng hay một truyền thống nào đó. Chữ giáo có nghĩ là dạy. Có khi tôn giáo cũng được dịch là đạo – đạo ở đây chỉ có nghĩa là con đường. Nếu dùng chữ đạo để dịch cho chữ religion thì chưa chính xác. Vì chữ religion có hàm chứa yếu tố đấng tạo hoá, mà chữ đạo không hàm chứa ý nghĩa về một đấng tạo hóa.
Trong đạo Bụt, ý niệm về con đường rất rõ. Bài giảng đầu tiên của đức Thế Tôn hướng về năm người bạn đã từng tu khổ hạnh với Người, năm anh em ông Kiều Trần Như, đã đặt nền tảng cho cả một nền đạo đức. Bài giảng đó còn được gọi là Chuyển Pháp Luân Kinh. Trong bài giảng này, Ngài đề cập đến Bốn sự thật mầu nhiệm (tứ diệu đế) và con đường của Tám sự hành trì chân chính (Bát chánh đạo). Cụ thể, Ngài nói về khổ đau của con người và cách chuyển hoá khổ đau đó. Chuyển pháp luân kinh có thể gọi là căn bản cho một nền đạo đức Phật giáo. Kinh đó rất thực tế, không là triết học mà là đạo đức học.

Khổ Đế dưới cái nhìn mới
Tứ diệu đế là bốn sự thật cao quý mầu nhiệm, còn được gọi là Tứ thánh đế - “Bốn sự thật thánh thiện”, hay Tứ chân đế, bốn sự chân thật không giả dối. Sự thật thứ nhất (khổ đế) công nhận có những khổ đau hiện thực trong cuộc đời. Ngay trong lời dạy đầu tiên của Ngài, chúng ta đã có thể nhận thấy đức Thế Tôn rất thực tế. Ngài không dùng thời gian để nói về những vấn đề siêu hình không ích lợi cho đời sống của con người như vấn đề vũ trụ vạn hữu, ai đã tạo ra thế giới này v.v… Ngài đưa chúng ta về với hiện trạng của bản thân chúng ta và hiện trạng của xã hội. Điều này rất cần thiết với mỗi chúng ta. Bởi muốn giải quyết những bức xúc, những khó khăn của chính mình, ta cần phải biết nhìn lại bản thân, nhận diện những khổ đau đang có mặt và những nguyên nhân đã dẫn đến những khổ đau đó. Nhiều người khi nghe Ngài giảng khổ đau là một sự thật, đã tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng: tất cả đều là khổ. Họ dùng hết thời giờ của mình để chứng minh tất cả là khổ: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ và chết cũng khổ. Từ cách hiểu như vậy họ đã dẫn đến sự phân chia khổ đau thành ba loại : khổ khổ, hành khổ, hoại khổ.

1. Khổ khổ: Là tự thân của cái khổ, ví dụ: đau răng là khổ, mất người thương là khổ.
2. Hành khổ : Hành là hiện tượng, tất cả các hiện tượng do nhân duyên tập hợp lại đều gọi là hành, thí dụ: bông hoa là một hành, vì bông hoa được tạo nên từ rất nhiều nguyên nhân. Trong kinh nói “chư hành vô thường”, đây là một sự thật. Không có cái hành hay sự vật nào mà không vô thường. Không những cái đau răng của ta vô thường mà cái răng của ta cũng vô thường. Họ nói đau răng đã khổ mà không đau răng cũng khổ, hễ có răng là có khổ. Răng đau cũng khổ rồi mà răng chưa đau cũng khổ vì trước sau gì thì nó cũng đau. Ý tưởng này hơi cưỡng ép. Nếu các hành là khổ thì có cái gì là không khổ nữa?

3. Hoại khổ: Cái gì cũng sẽ tàn hoại, khi tàn hoại nó là khổ mà chưa tàn hoại nó cũng là khổ như thường.
Người giảng những điều này chỉ muốn chứng tỏ lời Bụt là đúng, rằng tất cả đều là khổ. Nhưng Bụt không hề nói như vậy. Bụt chỉ nói là cái khổ đang có mặt và chúng ta phải tìm cách giải quyết những cái khổ.  Đừng nên hiểu lời Bụt dạy một cách quá giáo điều. Hiểu như thế thì rất tội cho Bụt. Do đó, khi giảng dạy về sự thật thứ nhất, chúng ta nên tránh cách hiểu: tất cả là khổ, mà nên hiểu: tất cả là vô thường hay vô ngã thì đúng hơn.
Trong xã hội, khi sinh ra một đứa con thì đó là một niềm vui. Tới ngày sinh nhật thì ta ăn mừng sinh nhật và hát bài Happy Birthday. Nếu nói sanh ra là khổ thì sao ta lại hát bài Happy Birthday, hay ăn mừng sinh nhật? Nói già là khổ. Nhưng đối với tôi, tôi thấy già cũng rất vui. Tôi già rồi nên tôi biết. Khi già thì trong người không có những năng lượng quá bồng bột, không có những bức xúc của tuổi trẻ. Già thì rất đằm, có thể sống sâu sắc được. Già hay lắm đấy.

Khi còn trẻ, ta như một dòng suối nhảy múa trên núi, thao thức muốn đi ra biển càng sớm càng tốt. Nhưng khi dòng suối chảy đến đồng bằng và hòa vào dòng sông thì tự nhiên nó sẽ chảy chậm lại. Khi đi chậm lại, ta cũng sẽ thấy mây trời hiện ra trong lòng mình. Đâu phải làm dòng suối mới vui, làm dòng sông cũng vui vậy. Và tuổi già cũng có rất nhiều điều kiện để ta sống vui phải không? Trong cuộc đời, ai mà không một lần bệnh? Nếu nói tôi không biết đến bệnh là gì thì hơi xa rời thực tế. Còn nhỏ mà ta không bị bệnh thì lớn lên hệ thống miễn dịch sẽ rất yếu, và ta có thể sẽ chết bất cứ lúc nào. Nhờ ta có những cảm sốt vặt vãnh khi còn nhỏ nên hệ thống miễn dịch của ta mới được rèn luyện để trở nên mạnh mẽ mà chống đỡ được với những con vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào. Cho nên, có bệnh không hẳn là điều tiêu cực. Vì không bệnh, tham dục sẽ nổi lên. Bệnh có thể là trợ duyên cho sự tu tập của ta.
Còn vấn đề chết thì sao? Nếu không có chết thì làm sao có sống được? Nếu già không chết, lấy chỗ đâu cho con cháu sống? Thử tưởng tượng nếu trên trái đất toàn những ông bà già năm trăm, sáu trăm tuổi chống gậy lọm khọm vừa đi vừa ho sù sụ thì chán chết. Trong cơ thể, nếu không có tế bào chết đi thì những tế bào mới không thể sinh ra được. Cho nên cái chết rất cần thiết cho ta. Nếu ta chết với tuệ giác là chết mà không chết thì sự chết của ta không phải là khổ.

Những người thực tập theo lời Bụt dạy cần phải uyển chuyển, khéo léo để có thể hiểu và áp dụng giáo lý của Ngài phù hợp với hoàn cảnh sống.  Ngày xưa không có hiện tượng hâm nóng địa cầu, không có nhiều căng thẳng, không có nhiều người bị bệnh tâm thần như ngày nay. Ngày xưa cũng không có nhiều bạo động và khủng bố cũng không có những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Lối sống của người xưa không gây tàn hại môi trường khốc liệt như ngày nay và cũng không có nhiều cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Đây là những nỗi khổ có thật của thời đại, những khổ đế mà ta phải nhận diện. Vấn đề ở đây không phải là đi tìm kiếm cái khổ mà là gọi đúng tên cái khổ đó. Ta biết khổ là có thật để tìm đường chuyển hoá chúng.
Tập đế
Sự thật thứ hai là Tập đế. Tập đế là nguyên nhân dẫn tới khổ đau. Muốn thấy được con đường thoát khổ thì phải thấy được những gốc rễ của khổ đau. Muốn chuyển hoá tình trạng hâm nóng địa cầu thì ta phải thấy được những nguyên nhân dẫn tới chuyện hâm nóng địa cầu: Đó là do cách ta tiêu thụ hằng ngày, sử dụng xe hơi, nuôi súc vật để ăn thịt, phá hủy rừng cây… Tất cả những cái đó đều góp phần làm nóng địa cầu. Và chỉ khi nào biết rõ những nguyên nhân dẫn đến cái khổ thì ta mới có thể chuyển hóa cái khổ hiệu quả được. Cái thấy này là một sự đóng góp rất thực tế cho nền văn hóa toàn cầu.
Rõ ràng, chủ trương của đạo Bụt không đòi hỏi phải có đức tin nơi một vị thần linh mà chỉ cần biết dựa vào tuệ giác của chính mình để chấp nhận sự có mặt của khổ đau, tìm ra nguyên của khổ đau và chuyển hóa khổ đau nơi mình và cuộc đời.

Hãy hiểu khổ đế như những nỗi khổ đau có thực của chính bản thân và thời đại
Chúng ta thường được học và hiểu về khổ đế như là cái khổ của sinh, già, bệnh và chết; như là sự ham muốn nhưng không được thỏa mãn yêu thương nhau mà phải xa lìa; ghét nhau mà phải gần nhau; như là khổ đau khi năm uẩn chống báng nhau… Đây là cách diễn tả về khổ đế của người xưa. Nó mang tính biểu trưng, tính hình thức. Nếu nói nguyên nhân xuất gia của thái tử Tất Đạt Đa chỉ vì thấy cảnh sanh, lão, bệnh, tử trong một chuyến du ngoạn qua bốn cổng thành thì quá sơ sài. Chúng ta được biết lúc đi xuất gia, thái tử đã 26, 27 tuổi rồi, lại là người rất thông minh, tinh thông triết học, lẽ nào lại không biết sanh, lão, bệnh, tử là gì? Trong "Đường Xưa Mây Trắng" tôi nói thái tử đi xuất gia là vì thấy trong dân chúng khổ và trong triều đình cũng khổ, vua cha khổ mà các quan đại thần cũng khổ. Tuy họ có quyền hành và địa vị nhưng họ vẫn khổ vì sự chia rẽ, tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau; vì chính họ cũng có những khó khăn không giải quyết được nên họ không thể nào giúp được cho người dân, để cho dân chúng lâm vào cảnh nghèo đói, bệnh tật. Từ thực tế ấy, Ngài thấy được rằng chính trị, quyền hành và địa vị không thể mang lại niềm an vui cho chính mình và cho đất nước. Do đó, Ngài muốn đi tìm hạnh phúc, an vui cho mình, cho những người xung quanh theo một hướng khác.
Ở thời đại này, khi đề cập đến khổ đế, ta cần phải trình bày sao cho khế hợp. Trong khóa tu với nội dung: "Đạo Phật Dấn Thân" được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp lễ Phật đản năm 2008, tôi có nói rằng khi nhắc đến khổ, trước tiên ta cần đề cập đến những nỗi khổ có thật trong thân và tâm của chính ta như: lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, bạo động, giận hờn, trừng phạt… Đó là những căn bệnh kinh niên. Không biết lo cái gì, sợ cái gì, nhưng cứ lo hoài, sợ hoài. Khi năng lượng của sự giận dữ xâm chiếm thì ta muốn đập phá, muốn trừng phạt và muốn làm cho người kia đau khổ, tại vì người đó đã dám làm cho ta đau khổ. Trong ta sẵn có năng lượng bạo động, bực tức, muốn phản ứng và muốn phá đổ.

Hiện nay trong xã hội có rất nhiều năng lượng bạo động. Việc khủng bố vốn là bạo động nhưng chống khủng bố cũng bạo động không kém gì. Tôi còn nhớ, trong chuyến hoằng pháp tại Nam Hàn, tôi có tham dự một buổi diễn đàn hoà bình của tổ chức Liên Tôn. Lúc ấy, tình hình Iraq rất căng thẳng. Dù Mỹ chưa chiếm đóng Iraq nhưng mọi thứ chuẩn bị cho việc đánh chiếm Iraq đã sẵn sàng. Iraq có thể bị bỏ bom, có thể bị bao vây bất cứ lúc nào. Trong buổi thuyết trình ấy, tôi có nói là nếu là một người dân đang sống tại thành phố sắp bị chiếm đóng thì sẽ rất lo sợ, không biết bom sẽ dội xuống thành phố lúc nào. Những người dân phải sống trong tình trạng sợ hãi như vậy trong suốt một ngày thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất xấu. Huống hồ gì phải sống trong tình trạng ấy liên tục nhiều ngày nhiều tháng? Thành phố có thể chưa bị bao vây, chưa bị chiếm đóng, nhưng người dân đã lo lắng và sợ hãi rồi. Cái đó là bạo động, là khủng bố. Khủng bố và bạo động với chính mình. Như vậy, bạo động và khủng bố đến từ hai phía chứ không đến từ một phía như thông thường ta hay nghĩ. Bạo động có trong tất cả chúng ta. Người có nhiều bạo động thì khổ nhiều, người có ít bạo động thì khổ ít.
Bạo hành trong gia đình
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay của xã hội là hiện tượng bạo hành trong gia đình. Khi cha mẹ chống báng nhau, gia đình đổ nát thì những đứa con phải lãnh chịu rất nhiều bất hạnh và khổ đau. Chúng khó có thể phát triển toàn diện và bình thường về nhân cách được. Khi trưởng thành, đại đa số những người con ấy mất niềm tin vào cuộc sống lứa đôi. Trên thế giới, tỉ lệ ly dị của các cặp vợ chồng rất lớn. Ở Hòa Lan tỉ lệ ly dị lên tới hơn 50%.

Những rạn nứt trong đời sống gia đình, lứa đôi và sức ép của xã hội đã dẫn đến những hậu quả khá nghiêm trọng và rất thương tâm. Đặc biệt là tình trạng tự tử. Theo thống kê, ở Việt Nam, khoảng vài giờ đồng hồ là có một người tự tử. Ở Pháp, mỗi năm, có trên mười hai ngàn (12.000) người trẻ tự tử. Nghĩa là mỗi ngày, có khoảng ba mươi ba (33) thanh niên chết vì tự tử. Bên cạnh đó còn có chiến tranh, khủng bố, sự phá hoại của môi trường và sự hâm nóng của địa cầu. Đây là những cái khổ đang có thực trong đời sống và ta phải gọi đúng tên chúng. Ta phải hiểu rằng Khổ đế là những nỗi khổ đang đích thực có mặt. Đừng hiểu lầm ý Bụt mà khẳng định rằng cái gì cũng chỉ toàn là khổ đau. Ta cần phải phân biệt được rõ ràng hai vấn đề sau: Chấp nhận khổ đau đang có mặt, và xử lý khổ đau. Rõ ràng, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cần điều chỉnh lại cách nhận thức của mình về giáo lý khổ đế mà Bụt đã dạy. Ví dụ, chúng ta có thể nói cái bàn vô thường hoặc vô ngã thì được, chứ còn nói cái bàn khổ thì hơi khó nghe. Mình khổ chỉ khi nào mọi vật vô thường mà mình cho là thường, mọi vật vô ngã mà cho là ngã. Khổ là một thái độ, một sự phản ứng của ta với các hiện tượng chứ không phải là bản chất của sự vật. Ta đừng nên bị nhồi sọ bởi thái độ giáo dục: Đi tìm khổ như bản chất của vạn hữu. Nếu làm vậy, ta đang nghĩ oan cho Bụt. Bụt chỉ nói rằng, có khổ đau, đừng chạy trốn khổ đau, và phải nhận diện những khổ đau đó để tìm cách giải quyết.

Nhận diện và chuyển hóa khổ đau
Nếu bị kẹt vào ý niệm mọi thứ đều là khổ, ta sẽ trốn chạy, sẽ đè nén, sẽ không dám đối diện với những khổ đau. Trong khi đó muốn chuyển hóa được khổ đau, ta phải nhìn sâu vào khổ đau để tìm ra cội rễ của những khổ đau này. Ví dụ, ta đang có sự căng thẳng trong thân, nếu không biết tại sao có những căng thẳng ấy thì làm sao ta có thể tự chữa trị cho chính mình? Nếu biết được căng thẳng là do ta quá bận rộn, do ta không an trú được trong giây phút hiện tại, do ta chưa có cơ hội để buông thư, thì ta sẽ có được giải pháp rất thích hợp cho chế độ nghỉ ngơi của chính mình. Còn ngược lại nếu mỗi ngày một ít, ta tự chất chứa, dồn nén những căng thẳng thì sau nhiều ngày, những căng thẳng bị dồn chứa ấy sẽ mang đến cho ta nhiều bệnh tật. Do vậy, khi có căng thẳng, ta cần phải cho phép mình được buông thư, hoặc dành thời gian để ngồi thiền, đi thiền thì những căng thẳng sẽ được thư giãn, không bị dồn nén nữa. Xã hội bây giờ ai cũng có căng thẳng, đó là sự thật thứ nhất. Sự thật thứ hai là cách ta tổ chức đời sống làm cho ta càng ngày càng bị căng thẳng. Đó là những sự thật về đạo đức mà không phải là những giả thuyết. Đó là thực tế.
Ta đã cùng nhau nhận diện và gọi tên những khổ đau của xã hội ngày nay. Những khổ đau này không có mặt riêng biệt. Chúng tương tức với nhau. Phần lớn các vấn đề xảy ra đều có liên quan đến sự căng thẳng. Nếu không căng thẳng, ta có thể giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh, không nóng nảy. Tất cả những cái khổ đều tương tức với nhau. Do đó, khi tìm ra được nguyên do của một cái, ta sẽ tìm ra được nguyên do của những cái khác. Ta cũng nên biết, mỗi khổ đau xảy đến từ nhiều nguyên nhân.

Bát tà đạo, con đường đưa tới khổ đau
Có thể là từ trước đến nay chưa có ai nói khổ tập (nguyên nhân của nỗi khổ) là lề lối sống. Khổ đau là do lối sống của ta dựa trên những tà kiến. Ví dụ, nếu thấy ta và con ta là hai thực thể khác nhau mà không thấy được con ta là sự tiếp nối của ta, thì cái thấy này là tà kiến. Vì không thấy được sự thật tương tức nên ta còn có cái nhìn Nhị nguyên, kỳ thị cho rằng hạnh phúc của con không phải là hạnh phúc của mình, rằng khổ đau của con không phải là khổ đau của mình. Nhưng sự thật thì khi con ta khổ đau thì ta khó mà có hạnh phúc được. Tà kiến là không thấy được tính duyên sinh của vạn vật, không thấy được tính vô thường, vô ngã và tính tương tức của vạn vật. Trong con đường Bát chánh, con đường đưa tới sự diệt khổ, có chánh kiến. Còn tập đế là con đường đưa tới tà kiến. Người Palestin phải thấy nỗi khổ niềm đau của người Do Thái là nỗi khổ niềm đau của mình, và người Do Thái cũng phải thấy như vậy. Nếu có chánh kiến đó, hai bên sẽ cộng tác với nhau được, và hai bên đều có hạnh phúc. Trường hợp giữa cha và con, giữa người Mỹ và người Iraq, người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo cũng vậy. Nếu có tà kiến, chắc hẳn sẽ có tà tư duy. Vấn đề này liên quan đến đạo đức. Bởi đạo đức là khả năng phân biệt được giữa cái chánh và cái tà. Người Việt diễn tả chánh là thẳng, còn tà là nghiêng. Muốn có đạo đức thì phải có cái thấy rõ ràng về chánh và tà. Tà kiến là cái thấy sai lạc. Tổ Lâm Tế nói: "Người tu phải có chánh kiến" (cái thấy chân chánh). Nếu cái thấy sai lạc, tư duy của ta cũng sẽ sai lạc, tà tư duy, và tà tư duy sẽ đưa tới sự sợ hãi và bạo động. Ví dụ, nếu nghĩ rằng ta không giết kẻ kia trước thì chắc chắn kẻ kia sẽ giết mình, và vì vậy ta phải tìm cách giết kẻ đó trước. Cái này gọi là tà tư duy vì sự thật không phải như vậy. Đây chỉ là cái thấy lầm lạc do nghi ngờ và sợ hãi đem đến mà thôi. Khi có tà tư duy, sẽ dẫn tới:
• Tà ngữ: Lời nói sai trái
• Tà nghiệp: Thói quen xấu
• Tà mạng: Làm ăn không chân chánh, phá hoại môi trường, cướp đoạt cơ hội sinh sống của những người khác, nói dối để người khác tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe của họ.
• Tà tinh tấn: Siêng năng không đúng chỗ, cứ mê mải làm việc suốt ngày đêm, đến nỗi quên cả gia đình và bản thân mình nên bị dồn chứa căng thẳng, lo lắng.
• Tà niệm: Lúc nào cũng nghĩ tới chuyện làm giàu, làm sao để có nhiều quyền hành, danh vọng và sắc dục, không bao giờ có mặt trong giây phút hiện tại; chỉ chạy theo, trôi lăn theo đối tượng của dục.
• Tà định: Chỉ chăm chú vào những chuyện trái với cái thấy tương tức, mình và đối tượng của mình không liên quan gì đến nhau, đối tượng của mình rất nguy hiểm, mình phải tiêu diệt nó.
• Tà kiến: Cái thấy sai lầm.

Khi niệm hùng hậu thì sẽ đưa tới định. Nhưng nếu đối tượng của niệm là dục thì đối tượng của định cũng chính là dục. Có những người lúc nào cũng nghĩ tới chuyện làm sao để có nhiều quyền hành, với người ấy đối tượng niệm của họ là quyền hành. Khi đối tượng của niệm là giàu sang, danh vọng hay sắc dục thì cái niệm đó cũng đưa tới một thứ định nhưng là tà định. Khi có tà niệm và tà định sẽ đưa tới tà kiến. Chính vì có tà kiến mới có tà niệm và tà định. Chúng tương tức với nhau. Tà kiến nuôi tà niệm và tà định, rồi tà niệm và tà định lại nuôi tà kiến, cứ vòng vòng như vậy. Đây không phải là con đường bát chánh mà là con đường bát tà. Sở dĩ chúng ta có khổ đau là bởi vì chúng ta đi trên con đường tà đạo: con đường của tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà định, tà niệm và tà tinh tấn. Phần tà nhiều hơn phần chính.

Bát chánh đạo đưa tới hạnh phúc và bát tà đạo đưa tới khổ đau. Khi đi tìm nguyên nhân của khổ đau thì ta có thể đi tìm ngay trong nếp sống hiện tại của ta, những nguyên nhân này đến từ con đường bát tà.
Khổ là sự thật thứ nhất, khổ tập là sự thật thứ hai, khổ tập diệt là sự thật thứ ba. Diệt ở đây là sự chuyển hoá, sự tiêu diệt những nguyên nhân đưa tới khổ, sự vắng mặt của nếp sống tà đạo. Sự vắng mặt của tập cũng đồng thời là sự vắng mặt của khổ. Đây là sự tiêu diệt tận gốc rễ. Sự thật thứ ba, diệt, xác nhận rằng ta có thể chuyển hoá được nếp sống này. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta có tự do ý chí. Với chánh niệm ta sẽ đi tới chánh định và với chánh niệm và chánh định ta sẽ đạt tới chánh kiến. Theo đạo Bụt thì rõ ràng là con người có tự do ý chí. Chánh niệm trong bước chân và hơi thở là một sự thực tập rất cụ thể để chấm dứt sự trôi lăn, để nuôi lớn tự do. Sự thật thứ ba (khổ tập diệt) được cụ thể hoá bằng sự thật thứ tư: khổ tập diệt đạo. Có sự thật thứ tư thì ta thấy sự thật thứ ba có chân đứng. Sự thật thứ tư là khổ tập diệt đạo. Khổ tập diệt đạo là con đường đưa tới sự chuyển hoá, đưa tới sự tiêu diệt nguyên nhân của khổ đau. Thực tập con đường Bát chánh, ta sẽ đạt tới tự do và nhổ được gốc rễ của khổ đau.
Chánh niệm là dây cương
Có một người hay nổi giận khi nghe người khác nói những điều không vừa tai. Những lúc ấy anh không làm chủ được mình, để rồi sau đó thì hối hận, tự buồn, tự trách mình là tại sao biết rằng nói như vậy, làm như vậy sẽ không đẹp mà vẫn nói, vẫn làm. Đó là bởi vì không cưỡng lại được thói quen, ngựa theo lối cũ. Thấy vậy, một người bạn muốn giúp anh ta. Người bạn nói: "Hôm nay đi họp mình sẽ ngồi cạnh bạn, mình sẽ cầm tay bạn trong suốt buổi họp. Và nếu khi người ta nói những câu tưới hạt giống giận trong bạn, mình sẽ xiết chặt lấy bàn tay bạn, khi ấy bạn phải trở về với hơi thở và mỉm cười, mặc cho họ có nói gì". Hôm ấy anh ta đã không bùng nổ như mọi lần. Đó là do sự can thiệp của chánh niệm. Người bạn phải xiết tay anh bởi vì chánh niệm trong anh còn yếu. Nhưng sau vài lần có mặt của người bạn thì chánh niệm trong anh được nuôi lớn và từ đó anh không cần người bạn ngồi bên cạnh mình trong mỗi buổi họp nữa. Điều đó chứng tỏ rằng không gian trong anh đang lớn dần lên, anh bắt đầu có tự do trong các buổi họp. Điều này có được là do đâu vậy? Do chánh niệm. Đây là đầu dây mối nhợ. Nếu ta nắm được cái đó, ta sẽ có tự do. Bốn sự thật hay Tám con đường là sự đúc kết từ kinh nghiệm thực tập, chúng không đến từ một đấng Thượng đế, và cũng không phải do một tự viện đề ra. Bốn sự thật là một sự kiện đạo đức có thể được chấp nhận bởi bất cứ ai. Dù là Phật tử hay không phải là Phật tử thì đó cũng vẫn là sự thật. Dù ta có tin vào Bụt hay không tin vào Bụt thì đó cũng là sự thật. Ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên của mình, đức Thích Ca đã đề ra một nền đạo đức, một con đường. Nó rất thiết thực và không có tính siêu hình. Nó đưa chúng ta trở về với thực trạng của chính bản thân để mà hiểu, để mà thấy được con đường giúp ta chuyển hóa. Con đường này không dùng để suy nghĩ mà phải đem ra áp dụng. Mà hễ áp dụng thì sẽ có kết quả.

Trích sách: “Con đã có đường đi“

No comments:

Post a Comment