Friday, 27 April 2012

Bất động sản hết ngon


(TNO) Song song với việc tăng tính thanh khoản bằng việc giảm giá bất động sản (BĐS), nhiều doanh nghiệp tìm cách rút khỏi thị trường này để chuyển sang đầu tư ở lĩnh vực khác.
Lời tuyên bố trước đại hội cổ đông sẽ giảm giá 50% một số dự án BĐS trong thời gian tới của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang gây được sự chú ý, tò mò của dư luận.
Chuyển sang đầu tư cao su, thủy điện
Trao đổi với Thanh Niên Online liên quan đến thông tin trên, ông Đoàn Nguyên Đức cho hay không phải mọi dự án đều được giảm giá 50% mà tùy từng dự án, từng vị trí sẽ có mức giảm giá cho phù hợp.
Theo đó, có dự án giảm 50% nhưng có dự án chỉ giảm 20%, thậm chí có dự án giảm 10%. Việc giảm giá này sẽ tập trung cho một số dự án BĐS xây dựng ở Q.2 và Q.7 (TP.HCM).
“Có dự án có cùng vị trí, điều kiện, có doanh nghiệp bán hơn 2.000 USD/m2 thì chúng tôi chỉ bán hơn 1.000 USD/m2. Cũng cần phải hiểu là sự giảm giá cần phải so sánh với các dự án tương đồng có cùng vị trí chứ không nên so sánh với mặt bằng chung của thị trường”, ông Đức nói.
Thị trường BĐS không còn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư - Ảnh: Trung Hiếu
Người đứng đầu Tập đoàn HAGL cho hay công ty hội tụ những điều kiện để đưa ra mức giảm giá gây sốc mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Đó là hầu hết đất dự án được HAGL mua từ lâu với giá rất rẻ. Ngoài ra, HAGL là một tập đoàn khép kín gồm có công ty cung cấp gỗ, đá, xây dựng… nên giá thành căn hộ cạnh tranh hơn các công ty khác.
Tuy nhiên có ý kiến nhận định việc lời tuyên bố giảm giá của người đứng đầu HAGL cũng xuất phát từ thị trường BĐS ế ẩm.
Ngay trong báo cáo tình hình kinh doanh BĐS của HAGL năm 2011 không mấy khả quan. Đặc biệt trong quý 4-2011, doanh thu bán căn hộ của HAGL chỉ đạt 950 tỉ, giảm nhiều so với mức hơn 2.300 tỉ đồng của quý 4-2010.
Giải thích vấn đề này, ông Đức cho hay hiện HAGL đẩy mạnh nhiều lĩnh vực trong đó chú trọng vào hai lĩnh vực cao su, khai khoáng. Đây là lĩnh vực đem lại lợi nhuận rất lớn mà HAGL đang muốn khai thác.
“Hiện lợi nhuận trong đầu tư cao su, khai khoáng đạt 50%, thậm chí 100% nhưng chúng tôi đang rất thiếu vốn. Trong khi đó, thị trường bất động sản chờ hoài mà không sinh lãi. Do đó buộc lòng chúng tôi phải bán giảm giá căn hộ. Nguồn tiền thu về sẽ được đẩy qua đầu tư cao su, khai khoáng, thủy điện”, ông Đức cho hay.



Việc giảm giá như đã nêu là bài toán riêng của HAGL và có thể sẽ không phù hợp với doanh nghiệp khác. Tôi tin nếu doanh nghiệp chỉ đơn thuần kinh doanh BĐS sẽ không dám giảm sâu mà sẽ kỳ vọng giá tăng cao. Còn chúng tôi không kỳ vọng mà bán để đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhiều hơn. Tôi tin nếu doanh nghiệp nào có tiềm lực, đa ngành nghề như HAGL cũng  theo cách chúng tôi  chọn.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL

Ông Đức cho biết khi thông tin giảm giá được nêu ra có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp của ông sắp phá sản, phải bán tháo dự án. Tuy nhiên động thái giảm giá nhằm để HAGL có tiền chuyển sang đầu tư ở lĩnh vực sinh lợi nhiều hơn. Quan trọng hơn thông tin giảm giá chắc chắc sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người có nhu cầu mua nhà.
Đã được dự báo từ trước
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) xu hướng giảm giá giống như HAGL là điều hợp lý và đã được dự báo từ trước. Hiện nhiều doanh nghiệp đang cần tiền mặt để trả lãi ngân hàng hay làm việc khác nên chuyện giảm giá là đương nhiên.
Doanh nghiệp thường áp dụng hai cách giảm giá. Thứ nhất là giảm giá bán trực tiếp. Thứ hai là giảm gián tiếp bằng cách tặng lãi vay ngân hàng, tặng xe, thanh toán linh động… Thông thường doanh nghiệp chọn cách giảm gián tiếp vì nếu giảm trực tiếp dễ ảnh hưởng tới thương hiệu.
“Theo tôi được biết có doanh nghiệp mua đất hết 200 tỉ đồng nhưng không có tiền xây dựng đành chấp nhận bán còn 120 tỉ đồng. Ở đây họ đã chấp nhận bán rẻ hơn 40% để lấy tiền mặt làm việc khác”, ông Đực nói.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho hay dù thị trường đang khó khăn nhưng nếu đưa ra giá hợp lý thì nhu cầu người mua vẫn nhiều. Điển hình như dự án An Tiến ở Q.7 (TP.HCM), cách đây hơn 3 tháng, HAGL giảm 20% từ 18 triệu đồng/m2 xuống còn 14,4 triệu đồng/m2, lập tức nhu cầu tăng vọt. Tất cả căn hộ được tiêu thụ hết trong vòng một tháng. Thậm chí mọi người còn tranh giành nhau.
Một chuyên gia phân tích nếu thị trường có giá bán rẻ thì nhu cầu mua vẫn còn nhiều. Nếu đưa ra giá hợp lý thì khi tung ra 1.000 căn, thậm chí 2.000 căn vẫn bán hết. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay không mong chờ giá tăng mà chỉ cần thị trường tăng tính thanh khoản cũng tốt cho doanh nghiệp lắm rồi.
Trung Hiếu

Tin khác


No comments:

Post a Comment