Đức Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng trần vào thời nhà Thương bên Tàu.
Đức Thái Thượng Đạo Tổ, còn gọi là Đức Thái Thượng Đạo Quân, là Đấng do khí Tiên Thiên hóa sanh thuở chưa tạo Thiên lập Địa.
Tiên Thiên Khí hóa,
Thái Thượng Đạo Quân.
(Kinh Tiên giáo)
Đức Thái Thượng Đạo Tổ là Ông Thủy Tổ của Đạo Tiên. Ngài có pháp lực vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần để độ những người có duyên phần, khi trở về cõi Thượng Thiên. Theo sách Tam Hoàng Thiên Kinh, Đức Thái Thượng hiện xuống cõi trần rất nhiều lần, kể ra sau đây :
Vào thời Thái cổ nước Tàu :
- Đời Thiên Hoàng Thị, Ngài là Bàn Cổ.- Đời Địa Hoàng Thị, Ngài là Vạn Pháp Thiên Sư.- Đời Nhơn Hoàng Thị, Ngài là Đại Thanh Tử.- Vào thời Thượng cổ, cũng ở nước Tàu :- Đời vua Phục Hy, Ngài là Huất Hoa Tử.- Đời vua Thần Nông, Ngài là Xích Tùng Tử.- Đời vua Huỳnh Đế, Ngài là Quảng Thành Tử.- Đời vua Thiếu Hạo, Ngài là Tùy Ưng Tử.- Đời vua Chuyên Húc, Ngài là Xích Tinh Tử.- Đời vua Nghiêu, Ngài là Vụ Thành Tử.- Đời vua Thuấn, Ngài là Y Thọ Tử.- Đời vua Hạ Võ, Ngài là Chân Hành Tử.- Đời vua Thành Thang, Ngài là Tích Tắc Tử.
Đến đời vua Võ Đinh nhà Thương (1324 trước Tây lịch), Đức Thái Thượng Đạo Tổ mới giáng sanh xuống trần là Lão Tử. Việc giáng sanh của Ngài rất huyền diệu phi thường.
Theo truyền thuyết kể lại, vào đời vua Bàn Canh nhà Thương (1461 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc Nữ vừa được 8 tuổi, con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn, thấy trên cây lý có một trái chín thật ngon, cô liền hái ăn. Ăn xong, cô cảm thấy mỏi mệt và có thai.
Cha của Ngọc Nữ thấy sự lạ kỳ, liền toán quẻ Âm Dương, đoán biết có một vị Đại Tiên giáng trần trong bụng con gái của mình, nên mừng rỡ và nuôi con gái rất kỹ.
Nàng Ngọc Nữ chịu mang thai như vậy mãi cho đến già mà không đẻ. Đến năm Ngọc Nữ 80 tuổi, tức là đã mang thai ngót 72 năm, lúc đó đã qua 3 đời vua nhà Thương là : Vua Bàn Canh, vua Tiểu Tân, vua Tiểu Ất, và bắt đầu đời vua Võ Đinh (1324 trước Tây lịch), Bà Ngọc Nữ thấy trăng tỏ, bèn đi dạo chơi nơi vườn. Khi đi ngang cội cây lý ngày xưa thì đứa con từ trong bụng theo nách mẹ nhảy ra ngoài. Bà Ngọc Nữ giựt mình kinh hãi, coi lại nách mình liền lại như thường. Đứa con nhảy ra, đã ở trong bụng mẹ 72 năm nên đầu tóc bạc trắng, nên mới gọi là Lão Tử (Con già). Lúc đó là giờ Sửu ngày 15 tháng 2 âm lịch năm Canh Thìn.
Lão Tử chỉ cây Lý bảo rằng đó là họ của Ngài. Ngài xưng hiệu là Lão Đam, tự là Bá Đương, lại mỗi bên tai có 3 lỗ nên còn gọi Ngài là Lý Nhĩ. Ngài có miệng rộng, răng thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao lớn như chẻ hai, trên trán có đường nhăn như 3 chữ Tam Thiên. Cội cây Lý, nơi giáng sanh của Đức Lão Tử, ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở, ngày nay thuộc tỉnh An Huy, tỉnh Hồ Nam.
Do đó, trong Kinh Tiên giáo có câu :
Nhị ngoạt thập ngũ,Phân tánh giáng sanh.
Nghĩa là : Ngày 15 tháng 2,
Chiết chơn linh giáng sanh xuống cõi trần.
Đức Lão Tử có giáng cơ cho biết năm giáng sanh của Ngài trong 4 câu thơ sau đây :
LÝ đào mầm tược tượng long lân,LÃO luyện đơn thành nhị xác thân.TỬ phủ ngồi tu lo nấu thuốc,GIÁNG sanh Thương đợi Võ Đinh quân.
Khoán thủ 4 chữ : Lý Lão Tử giáng, và câu thơ chót có nghĩa là : Giáng sanh vào thời nhà Thương, đợi đến vua Võ Đinh mới chào đời.
Hết thời nhà Thương, qua đến thời nhà Châu, đời vua Thành Vương (1115 trước Tây lịch), Lão Tử có ra làm quan Trụ Hạ Sử tại Tàng Thư Viện nhà Châu để có cơ hội nghiên cứu Thái Cực Đồ. Ngài độ được Từ Giáp là người giữ Tàng Thư Viện, và sau đó, hai thầy trò từ chức để đi dạo các nước Thiên Trúc và Tây phương. Đến đời vua Châu Khương Vương, nối tiếp vua Thành Vương, Lão Tử trở về, đặng 3 năm thì Ngài lại đi giáo đạo miền Tây vức. Ngài ngồi xe trắng trâu xanh do Từ Giáp đánh xe, khi đến ải Hàm Cốc, quan Doãn giữ ải tên là Hỷ (nên thường gọi là Doãn Hỷ) coi Thiên văn biết có một vị Đại Thánh sắp đi qua ải, nên chuẩn bị mặc triều phục nghinh tiếp. Khi thấy Đức Lão Tử tới, biết Ngài là Thánh nhân nên tôn Lão Tử làm thầy, xin theo học đạo.
Nguyên Ông quan Doãn Hỷ nầy là chơn linh của Nguơn Thủy Thiên Tôn giáng trần. Khi Bà mẹ có nghén Ông thì chiêm bao thấy một đoạn lụa đỏ từ Trời sa xuống vấn quanh mình, sau sanh ra Doãn Hỷ thì thấy sen mọc quanh nhà trổ bông. Ngài lớn lên, con mắt sáng như sao, râu dài, tướng tốt, có tài xem Thiên văn. Khi làm quan Doãn giữ ải Hàm cốc, Doãn Hỷ nhìn lên bầu Trời thấy một vầng mây tím bay ngang từ huớng Đông qua hướng Tây, Ngài biết đó là điềm có Thánh nhân sắp đi qua ải về hướng Tây, nên chuẩn bị chu đáo để nghinh tiếp.
Do đó, trong Kinh Tiên giáo có câu :
Tử khí đông lai,Quảng truyền Đạo đức./
Nghĩa là : Vầng khí mây màu tím từ hướng Đông bay tới,
Rộng truyền Kinh Đạo Đức.
Nhắc lại, khi Lão Tử đến ải Hàm Cốc, thấy Doãn Hỷ có lòng thành nên bằng lòng ở lại ải ngót 3 tháng để dạy đạo cho Doãn Hỷ. Khi thấy Đức Lão Tử chuẩn bị ra đi thì Doãn Hỷ bạch thầy xin cho biết danh tánh và tình nguyện đi theo thầy.
Đức Lão Tử đáp :
- Ta sanh ra đã nhiều đời, tên họ có biết bao nhiêu mà kể. Hiện thời, người đời gọi Ta là Lão Tử. Ngươi có lòng muốn theo Ta, song ngươi mới tu luyện còn non, chưa từng biến hóa thần thông, thì theo Ta sao đặng. Ngươi cứ tu hành theo phép đã dạy cho lâu thì sau nầy cũng được như Ta, đi đâu cũng đặng.
Nói rồi, Đức Lão Tử truyền cho Doãn Hỷ quyển sách Đạo Đức Kinh gồm 5363 chữ, dặn rằng :
- Ngươi cứ theo sách nầy mà học, tu đúng phép 1000 ngày, rồi đi qua nước Thục, tìm Ta tại chợ Thanh Dương.
Nói xong, Đức Lão Tử lên xe trắng trâu xanh, Từ Giáp đánh xe, hiện hào quang đi về hướng Tây mất dạng. Doãn Hỷ ngó theo thầy, lạy tạ. Sau đó, Doãn Hỷ cứ học theo Đạo Đức Kinh mà tu, lâu ngày trở nên thông huệ, tự viết ra được một cuốn sách gồm 36 bài gọi là Kinh Tây Thăng.
Gần đến kỳ ước hẹn với thầy, Doãn Hỷ sửa soạn đi qua nước Thục để tìm thầy y như lời thầy đã dặn. Khi đến nước Thục, Doãn Hỷ hỏi thăm chợ Thanh Dương ở đâu thì không một ai biết cả.
***
Đức Khổng Tử - Giáo chủ Nho giáo
Đức Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sanh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551 trước Tây lịch), đời vua Châu Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công nămthứ 22, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là Tỉnh Sơn Đông nước Trung Hoa. Đức Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, 2 người nầy là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương (cũng còn gọi là nhà Ân).
au khi Châu Võ Vương diệt vua Trụ, mở ra nhà Châu, Ông Châu Công Đán cho Vi Tử Khải làm vua nước Tống, gọi là Tống Công, để trông nom việc tế tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất, em là Vi Tử Diễn lên thay.
Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử. Ngài lấy họ Khổng, bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống. Thúc Lương Ngột có người vợ cả họ Thi, sanh được 9 người con gái, một người vợ lẽ sanh được một con trai nhưng bị què một chân, tên là mạnh Bì, tự là Bá Ni. Năm Thúc Lương Ngột 70 tuổi, sợ không có người kế tự, mới sai người đến nhà họ Nhan để cầu hôn.
Họ Nhan có 5 người con gái đều chưa gả chồng, có ý chê Thúc Lương Ngột quá già, mới bảo với các con rằng :
- Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan Đại phu ở Châu Ấp đó không?
Bốn người con gái lớn đều làm thinh, người con gái út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng :
- Phép làm con gái, khi còn ở nhà thì theo lời cha, cha đặt đâu con xin ngồi đó.
Họ Nhan nghe con gái út nói thế thì lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột. Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên cùng nhau vào núi Ni Sơn cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu lá cây đều rung động lên cả.
Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ. Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy Thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng :
- Sau nầy, nàng sẽ sanh con Thánh, nhưng khi nào lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang. Đến khi nàng thức giấc tỉnh dậy thì biết mình có thai.
Một hôm khác, Trưng Tại mơ mơ màng màng như người chiêm bao, chợt thấy một Ông già đến đứng ở sân, tự xưng là Ngũ Tinh, dắt theo một con thú giống như con trâu con mà lại có một sừng, mình có vằn. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục xuống và nhả ra một cái ngọc xích, trên đó có thấy đề chữ : "Con nhà Thủy Tinh, nối đời Suy Châu mà làm vua không ngôi". Trưng Tại biết là điềm lạ, liền lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy.
Khi tỉnh dậy, Trưng Tại thuật điềm chiêm bao ấy cho chồng nghe.
Thúc Lương Ngột nói :
- Con thú ấy là con kỳ lân.
Gần đến sản kỳ, Trưng Tại hỏi hang núi Không Tang ở đâu?
Thúc Lương Ngột nói :
- Núi Nam sơn có một cái hang đá, tục gọi là hang Không Tang.
Trưng Tại liền sửa soạn đến đó ở và sanh đẻ trong hang Không Tang đúng theo lời Thần nhân mách bảo. Đêm hôm sanh ra Khổng Tử, có 2 con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở 2 bên sườn núi và có 2 vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại. Gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sản, bỗng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để cho Trưng Tại tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay.
Thúc Lương Ngột nói :
- Vì ta cầu tự nơi núi Ni sơn mà được đứa bé nầy, nên ta đặt tên cho nó là Khâu, tự là Trọng Ni.
Trưng Tại biết đứa con nầy sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con. Ông Khổng Tử có tướng lạ lắm : Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), có tánh ham học.
Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ngài sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học, Ngài chơi với trẻ hàng xóm, thích bày trò cúng tế.
Năm 15 tuổi, lập chí học tập.
Năm 19 tuổi, Ngài cưới vợ, vợ của Ngài là con của họ Thượng Quan nước Tống.
Năm 20 tuổi, vợ Ngài sanh đặng một con trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho Ngài một con cá chép (Lý ngư), nên nhân đó, Ngài đặt tên con là Lý tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn trọng vật của vua ban tặng. Về sau, Bá Ngư chết lúc 50 tuổi, chết trước Đức Khổng Tử. Con của Bá Ngư tên là Khổng Cấp, tự là Tử Tư, sau theo học với Tăng Sâm, rồi làm ra sách Trung Dung.
1. Đức tánh của Đức Khổng Tử :
Đức Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, Ngài cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Tánh Ngài ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh.
2. Thời kỳ tham chánh và dạy học :
Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gạt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.
Năm Ngài 25 tuổi thì chịu tang mẹ.
Năm 29 tuổi, Ngài học đàn với Sư Tương, ở nước Lỗ. Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ, cho 2 người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo Ngài học Lễ.
Đức Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Châu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò Ngài là Nam Cung Quát nghe vây, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho Ngài một cổ xe song mã và vài tên quân hầu cận để đưa Ngài và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.
Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì Ngài đến quan sát và hỏi han cho tường tận. Ngài đến gặp Trành Hoành để hỏi về Nhạc. Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng Tử còn tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ. (Xem trở lại Tiểu sử của Đức Lão Tử để biết việc đối đáp của 2 vị Thánh nhân). Đức Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ. Từ đó, sự học của Ngài càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng Ngài vào việc nước.
Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ngài theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây Ngài học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời Ngài tới để hỏi việc Chánh trị. Vua Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho Ngài, nhưng quan Tướng Quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho.
Năm sau, Ngài trở về nước Lỗ, thấy họ Quý dùng Dương Hổ để chuyên quyền, ý muốn tiếm đoạt. Ngài quay về quê lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó Ngài được 36 tuổi. Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định Công, Ngài được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, 4 phương lấy chính sự của Ngài làm khuôn mẫu.
Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 năm trước Tây lịch), Ngài phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ 3 khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước. Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình án. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.
Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong Ngài lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chánh trị trong nước. Ngài cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính.
Đức Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão :
Thiếu Chính Mão là một nịnh thần rất nguy hiểm dưới trào Lỗ Định Công. Bấy giờ, Đức Khổng Tử đang làm quan Tướng Quốc nước Lỗ. Quý Tôn Tư, một vị Đại Thần quyền thế trong triều, nhưng luôn luôn hỏi ý kiến của Đức Khổng Tử mỗi khi có một quyết định trong công việc trị nước. Nhưng phần Thiếu Chính Mão, khi Đức Khổng Tử nói ra câu gì thì liền gièm pha khiến cho người nghe phân vân và đôi khi bị mê hoặc.
Đức Khổng Tử mật tâu với Lỗ Định Công :
- Nước Lỗ không cường thịnh lên được là vì trung nịnh không phân biệt, thưởng phạt không nghiêm minh. Thí dụ như muốn trồng lúa tốt tất phải trừ bỏ cỏ xấu. Xin Chúa công cho đem các đồ phủ việt (dùng vào việc hình) trong nhà Thái miếu bày ra ở dưới Lưỡng quán để dùng vào việc hình. Lỗ Định Công thuận cho.
Sáng hôm sau, Lỗ Định Công truyền cho các quan triều đình hội nghị để bàn việc phá thành ấp xem lợi hại thế nào. Các quan người nói nên phá, người nói không nên phá. Thiếu Chính Mão đón ý Đức Khổng Tử, nói rằng :
- Phá thành có 6 điều tiện :
1/. Để tôn trọng quyền vua không ai bằng.2/. Để tôn trọng cái quyền thế Đô thành.3/. Để ức quyền tư môn.4/. Để khiến cho kẻ gia thần lộng quyền không chỗ nương cậy.5/. Để yên lòng 3 nhà : Mạnh, Thúc, Quý.6/. Để khiến cho các nước nghe việc nước Lỗ ta làm mà phải kính phục.
Đức Khổng Tử tâu với Lỗ Định Công :
- Thành ấp nay đã thế cô còn làm gì được, huống chi Công Liễm Dương vẫn có lòng trung với vua, sao dám bảo là lộng quyền. Thiếu Chính Mão dùng lời nói khéo để làm loạn chánh trị, khiến vua tôi ly gián, cứ theo phép thì nên giết.
Các quan trong triều tâu :
- Thiếu Chính Mão là người danh giá ở nước Lỗ ta, dầu có nói lầm đi nữa cũng chưa đến tội chết.
Đức Khổng Tử lại tâu với Lỗ Định Công :
- Thiếu Chính Mão là người dối trá mà lại biện bác, làm cho người ta mê hoặc. Nếu không giết đi thì việc chánh trị không thi hành nổi. Xin Chúa Công cho đem phủ việt ra để trị tội. Đức Khổng Tử truyền cho lực sĩ trói Thiếu Chính Mão đem đến Lưỡng quán mà giết đi. Các quan trong triều đều sợ hãi, xám xanh cả mặt. Ba nhà : Mạnh, Thúc Quý, trông thấy cũng đều kinh sợ.
Từ khi giết xong Thiếu Chính Mão, Lỗ Định Công và 3 nhà Mạnh, Thúc, Quý mới một lòng nghe theo lời của Đức Khổng Tử. Nhờ vậy, Đức Khổng Tử chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chánh trị mỗi ngày một hay.
Ba tháng sau, phong tục biến cải cả : Các nhà buôn gà và heo không dám nhồi cám để dối người mua; trong khi ra đường, trai gái đi phân biệt nhau, không hỗn loạn, thấy của rơi ngoài đường thì không ai lượm, người nước khác du lịch đến nước Lỗ được tiếp đãi tử tế, không để cho thiếu thốn. Dân nước Lỗ có làm một bài ca để tán tụng công đức của Khổng Tử.
Bài ca ấy được truyền tụng sang nước Tề. Tề Cảnh Công lo ngại nói rằng :
- Nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu ắt nên nghiệp Bá, tất họa đến nước Tề, ta biết làm thế nào?
Quan Đại Phu Lê Di tâu rằng :
- Chúa Công lo nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu, sao không lập cách ngăn đi.
Tề Cảnh Công nói :
- Nước Lỗ giao quyền chánh trị cho Khổng Khâu, ta dùng cách gì mà ngăn trở được?
Lê Di tâu:
- Tính con người ta, hễ được cường thịnh tất sanh lòng kiêu mạn. Xin Chúa Công lập một Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Vua Lỗ mà nhận Bộ Nữ Nhạc tất sanh lười biếng mà chán Khổng Khâu. Bấy giờ tất Khổng Khâu phải bỏ nước Lỗ mà đi, Chúa Công mới có thể ngồi yên được.
Quả vậy, Lỗ Định Công, không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, nhận Bộ Nữ Nhạc thì mê say theo, bỏ bê việc triều chánh, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho Họ Quí. Đức Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, lại có thể bị hại vì lời gièm siễm của bọn gian thần.
Do đó, trong ngày Lễ Tế Giao, vua Lỗ không nhìn đến, cũng không đem phần thịt tế biếu cho các quan Đại Phu. Đức Khổng Tử nhân việc lỗi nhỏ của vua Lỗ mà xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.
No comments:
Post a Comment