Hồ Đắc A-Trang
Nguyễn Văn Trường
Trong bài này chúng tôi cố gắng nói lên sự quan trọng và cần thiết của đức tính khiêm cung cho những người tu học. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh trên một xác quyết, nghe qua như là một nghịch lý. Đó là: Khiêm Cung mà không phải là khiêm cung mới thật sự là khiêm cung.
1. Định nghĩa.
1.1. Tu học.
Tu là sửa, sửa sao cho cuộc sống bản thân mỗi lúc mỗi thích nghi với môi trường, với bối cảnh. Nói rộng hơn, tu là cải thiện bản thân. Cải thiện là làm cho cuộc sống của mình tốt hơn, dễ chịu hơn, thoải mái hơn, đại loại như vậy.
Tu là sửa, sửa sao cho cuộc sống bản thân mỗi lúc mỗi thích nghi với môi trường, với bối cảnh. Nói rộng hơn, tu là cải thiện bản thân. Cải thiện là làm cho cuộc sống của mình tốt hơn, dễ chịu hơn, thoải mái hơn, đại loại như vậy.
Quá trình cải thiện là một quá trình liên tục, không ngưng nghỉ, suốt cuộc đời. Trong cỏi ta bà này, không có cái thiện rốt ráo, hoàn mỹ, tuyệt đối.
Học là học với người xưa, người nay, ở sách vở, kinh kệ, ở kinh nghiệm bản thân. Trong học có hỏi, có nghĩ suy, biện bạch, đổi trao và thực hành.
Học là học với người xưa, người nay, ở sách vở, kinh kệ, ở kinh nghiệm bản thân. Trong học có hỏi, có nghĩ suy, biện bạch, đổi trao và thực hành.
Tri và hành là hai yếu tố chánh yếu của việc học. Xưa có thuyết tri dị hành nan, có thuyếùt tri nan hành dị, và cũng có thuyết tri hành hợp nhất. Trong thực tế, giữa tri và hành không mấy khi không có khoảng cách. Nhờ cái khoảng cách ấy, mà ta thấy được rằng hoặc biết chưa đến nơi đến chốn, hoặc trong ta còn thiếu nhiều đức tánh để thi hành được những gì ta nghĩ cần thiết cho việc cải thiện. Cải thiện có thể là bằng cách tu sửa bản thân, tạo điều kiện cho cái khoảng cách ấy thu hẹp lại.
1.2. Khiêm cung
Khiêm cung là một đức tính.
Khiêm là khiêm tốn, khiêm nhường. Ngầm hiểu một sự nhún nhường, nhũn nhặn.
Cung là cung kính. Ngầm hiểu một sự tôn trọng tha nhân, tôn trọng môi trường sống, cùng là dành cho tha nhân và môi truờng một sự lưu tâm chú ý đặc biệt. Tôn trọng không có nghĩa là che dấu một tự ti hay tự tôn mặc cảm bằng một lớp áo ngoài khiêm nhường trong xử thế. Tôn trọng là xác nhận tha nhân, ngoại vật có quyền tồn tại, có những nét đặc thù, bất khả xâm phạm. Nói riêng, mình và người bình đẳng, không hơn, không kém.
Đức khiêm cung biểu hiện trong lời lẽ, cử chỉ, thái độ, hành vi, thậm chí trong cách đi đứng ăn mặc, nói chung trong nếp sống hàng ngày của con người. Làm mình nhỏ bé, không nhằm để che dấu một mặc cảm mà thật lòng thấy mình nhỏ bé trước cái bao la và phức tạp của vủ trụ, thì đó có thể là dấu hiệu cụ thể của tính khiêm cung.
Đối nghịch với đức khiêm cung là tính cao ngạo, kiêu căng, hãnh diện quá mức về mình. Thấy mình cao hơn, hay hơn người, giỏi hơn người, rồi ngạo mạn, kiêu căng, xem trời bằng vung, là một tâm thức giới hạn việc học hỏi và tu sửa. Đã hay, đã tốt, đã giỏi, đã đúng, con người đến được như thế là cùng, thì học hỏi làm chi nữa, tu sửa làm chi nữa. Thiếu đức khiêm cung là một rrở ngại lớn cho việc tu học.
Nói chung, nói tu học hay khiêm cung là nói quan hệ giữa cá thể người tu học và môi trường, là xác quyết không thể tách rời cá thể ra khỏi môi trường.
Mình và môi trường chung quanh tuy hai mà là một. Cái ly nước trước mặt tôi, tuy khác khoảng không gian chung quanh nó, khác một cách rõ ràng, cách biệt. Cái này không là cái kia. Nhưng nếu không có khoảng không gian bao quanh, thì không thể nào thấy được cái ly. Vậy, cái ly không là không gian bao quanh, nhưng không gian bao quanh xác định cái ly. Và ngược lại. Cái này do cái kia mà hiện hữu, cái này là nhân và cái kia là quả và ngược lại.
Vì vậy, nên nói: cái ly và không- gian- bao- quanh- nó là tương khắc mà cũng tương sinh.
Cũng tương tự, mình và môi trường, ta và môi trường, tôi và môi trường sống của tôi, là hai thực thể bất khả phân, tương khắc đồng thời cũng tương sinh.
Cho nên, mọi thay đổi trong bản thân đều có khả năng tác động trên môi trường, và mọi thay đổi môi trường đều có ít nhiều ảnh hưởng trên những cá thể sống trong môi trường đó.
Ở đây, chúng ta cũng xác quyết lòng muốn cải thiện bản thân của người tu học bình thường trong một bối cảnh bình thường.
Những truyền thuyết như Hứa Do, Sào Phủ, Bá Di, Thúc Tề những trường hợp đặc thù đại diện cho sự trung thành mù quán hay cho một sự khư khư ôm giữ các tiên kiến, sẽ không được đặt ra trong bối cảnh bài này.
Những tư tưởng như lánh đời tìm đạo, đi vào thâm sơn cùng cốc, cũng không đăt ra vì quá đặc thù riêng lẻ, gần như không có. Nghĩ cho cùng, những người xuất gia, các tu sĩ giòng kín ngày nay chỉ có thể là những cá thể sống trong một tổ chức cộng đồng thu hẹp của các giòng tu.
1.3. Đạo?
Tu học cũng ngầm hiểu là tầm Đạo, đi vào Đạo, và có thể có mục tiêu là đạt Đạo.
Về việc này, nói chuyện trên trời thì dễ. Mua indulgences, ấn tống, góp công, góp của xây chùa, thánh đường, rồi đạt đạo, được phước báu cho người hoặc cho mình: hoặc ta tin, hoặc không tin, không có chi phải bàn cãi.
Chuyện con người mới khó. Người xưa vẫn than: làm người khó! làm người khó! Khó vì nó phức tạp vô cùng tận, khó vì bể dâu tang điền, vì “không một ai tắm được hai lần cùng trong một giòng sông”, vì giòng đời không ngừng trôi chảy, đổi thay, không điểm đến. Cũng khó là vì ta kiểm nghiệm được, không phải nói dối, nói cho qua mà được.
Mục tiêu của chúng ta hôm nay là mượn đề tài làm duyên, để bàn về cái đạo làm người.
Khiêm cung để tu học. Tu và học làm người. Lúc nào cũng đạt và lúc nào cũng không đạt.
Để khai triển cái học làm người, tôi xin mượn từ ngữ và một cách nhìn của Phật gia. Tôi vẫn nghĩ, dầu là vay mượn trong Phật gia, những điều nêu sau đây không mâu thuẫn, với đức tin của các tín hữu Công Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, và có thể nhiều tôn giáo khác. Trái lại trong một giới hạn nào đó, chúng có thể giúp cho quí vị tín hữu này thấy trung thực những giới hạn của thế gian, trong đó có chính mình, và theo đó sống thật hơn, và sống thêm một kích thước khác của tâm linh, trong đó có niềm tin, tin ở con người, tin ở sự toàn mỹ của Đức Phật, của Đấng Chí Tôn, của Đức Chúa Trời.
2. Vô thường. Vô Ngã. Không
2.1. Vô Thường
Trong một buổi thuyết trình, một vị bác sĩ cho biết rằng 98% toàn thể tế bào trong thân thể con người đều được thay thế trong vòng 5 năm.
Về tâm linh, thiết nghĩ, những lo âu, vui, buồn, hờn, giận, những kinh nghiệm ở trường đời, những suy tư—nói chung, tư duy và cảm xúc—là nhân và quả cho những đổi thay tâm linh không ngưng nghỉ.
Về tâm linh, thiết nghĩ, những lo âu, vui, buồn, hờn, giận, những kinh nghiệm ở trường đời, những suy tư—nói chung, tư duy và cảm xúc—là nhân và quả cho những đổi thay tâm linh không ngưng nghỉ.
Mỗi khoảnh khắc đều có những tế bào bị thay thế, có những tư tưởng, xúc cảm chết đi để phát sinh những tư tưởng mới, xúc cảm mới. Cuộc sống nhờ vậy mà tồn tại. Cuộc sống là một chuổi dài những tử sinh, sinh tử.
Nói rộng ra,
Tiên Đề 1: Mọi sự việc đều vô thường, hiểu trong cái nghĩa luôn luôn biến đổi, không một khắc giây ngưng nghỉ.
Nói rộng ra,
Tiên Đề 1: Mọi sự việc đều vô thường, hiểu trong cái nghĩa luôn luôn biến đổi, không một khắc giây ngưng nghỉ.
2.2. Vô Ngã
Ngã là tôi. Cái nhà của tôi, cái xe của tôi, vợ con tôi, cha mẹ tôi, gia đình tôi, tôi nghĩ thế nầy, thế khác, và còn lắm cái của tôi khác nữa.
Cái TÔI ấy có thể xác định bằng thể xác, trí tuệ, tâm linh của tôi, với những luân thường đạo lý, giá trị, cách sinh sống của tôi, nó chung là cả một tổng thể ít nhiều phức tạp, khó mà mô tả đúng thành lời.
Cái TÔI có thể được xác định bằng cái VŨ TRỤ BAO QUANH TÔI (VTBQT), gồm tha nhân, vạn vật và khí uyển bao quanh tôi. TÔI và VTBQT tương khắc, tương sinh. TÔI và VTBQT khác nhau nhưng xác định lẫn nhau.
Vì mọi sự việc đều vô thường, nên TÔI và VTBQT lúc nào cũng biến đổi, nói riêng trong khoảng trăm năm đời người.
Vậy, phải nhìn sự việc— thí dụ, nhìn TÔI và tha nhân, hoặc TÔI và VTBQT—trong quá trình biến đổi của sự việc.
Nói vô ngã là xác quyết lại rằng con người hay bất cứ sự việc nào đều không có cái TÔI bất biến cũng không có một VTBQT bất biến. Nói riêng, quan hệ giữa người với người, người với vũ trụ luôn biến đổi.
Trong cái nghĩa rõ ràng này, thì tiên đề 2 sau đây chỉ là một hệ luận của tiên đề 1:
Tiên đề 2: Mọi sự việc đều vô ngã.
Tiên đề 2: Mọi sự việc đều vô ngã.
Cũng tiên đề 2 mà nói một cách khác là:
Mọi sự việc đều không có tự tính.
Vô ngã hay không có tự tính là hai cụm từ đồng nghĩa. Nghĩa của chúng là: không có cái TÔI VĨNH HẰNG BẤT BIẾN cũng như không có cái VTBQT VĨNH HẰNG BẤT BIẾN và mọi quan hệ trong vũ trụ đều không ngừng đổi thay. Nhưng vô ngã không phủ định quá trình biến đổi. Trái lại, vô ngã xác quyết tính vô thường của sự vật và buộc phải nhìn sự vật trong quá trình biến đổi của nó.
2.3. Vọng Ngã
Nói thì dễ, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết ai ai cũng nghĩ có một một cái TÔI “trước sau như một”, bất biến. Cái Tôi ấy có thể là hình hài, tư cách, học thức, tài khéo, nói chung là một tổng thể giúp ta tự tin, làm việc, xử thế trong sinh sống hàng ngày. Đó chỉ là ảo vọng về tính bất biến của cái TÔI. Cho nên gọi nó là vọng ngã hay ngã vọng.
Vọng ngã là cần thiết.
Nhưng nó cũng là mầm, nguồn, nền tảng cho mọi phân biệt, so sánh, hơn thiệt, được thua, thương ghét, hờn ghen, vui thú, theo đó là nguồn và nền tảng của những xáo trộn và giông bảo tâm linh. Nói riêng, vọng ngã là cơ sở cho sự cao ngạo, kiêu căng. Một phương pháp để tránh không bị quanh quẩn trong trận đồ vọng ngã là hành vô trụ như sau đây.
2.4. Không và vô trụ
Nhận xét tiên khởi: Cái biết và đúng thế gian.
Một sự việc A xảy ra ở thời điểm T. Muốn nhận thấy nó, ta phải dùng giác quan, nếu là mắt, thì phải có thời gian t ánh sáng đi từ sự việc đó đến mắt ta, và phải có thời gian t’ chuyển cảm giác từ mắt đến não bộ. Nói cách khác là ta nhận thức được chỉ sau một tíc tắc là t+t’. Ở thời điểm T+t+t’ –thời điểm nhật thức sự việc A—thì sự việc đã khác đi rồi. Khi ta thấy được sự việc thì sự việc đã biến khác đi rồi. Vậy lúc nào ta cũng thấy các sự việc trong quá khứ .
Ngoài ra, ta bị giới hạn bởi khả năng của giác quan. Tùy góc nhìn vòng tròn mà ta thấy vòng tròn ấy là một vòng tròn, hay hình ellipse, hay một đoạn thẳng. Với mắt trần ta có thể thấy hai tinh tú là một. Vậy thêm một yếu tố sai lạc.
Nếu ta dùng dụng cụ để cho giác quan của ta được nối dài, để nhận thức của ta được chính xác hơn, thì ta cũng bị giới hạn bởi các dụng cụ. Bất cứ một đo lường nào đều gần đúng, nói cách khác là: ít nhiều không đúng. Đó là một đặc điểm của khoa học, và nói riêng của xác suất, mà càng ngày ảnh hưởng càng lan rộng, và ăn sâu trong đời sống.
Vậy, càng phải nghĩ rằng cái đúng chỉ trong giới hạn của những xác xuất, trong ước lượng của độ sai.
Vậy, tiên đề 3: Cái biết thế gian không đúng.
Cũng phải ghi là càng ngày xã hội loài người càng đậm nét tính đa văn hóa. Trong cái khối văn hóa lớn, thí dụ văn hóa Hoa Kỳ, có những nền văn hóa nhỏ Á, Âu , Đen, Trắng, Da Đỏ, có cái văn hóa của giới luật sư, kỷ sư, bác sĩ, thợ tiện, thợ nề, nghệ sĩ, mỗi ngành nghề có một ngôn ngữ, tập tục, nếp sống riêng, một luân thường đạo lý riêng. Và nếu tiếp tục, phân nhỏ mãi, thì ta sẽ thấy bất cứ cá nhân nào cũng mang một nền văn hóa cá biệt. Vì mỗi cá nhân có thể thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau: khu phố, tuổi tác, nghề nghiệp, họ hàng,...., nên những giá trị của nền văn hóa cá nhân là tổng thể của các nền văn hóa của các thành phần xã hội mà họ là thàønh viên.
Vậy, khi nói đúng thì phải hiểu rằng đúng tương đối với những giá trị văn hóa nào, ở thời điểm nào, đúng với ai, trong những giới hạn nào.
Vậy, tiên đề 4: Cái đúng thế gian là tương đối. Nói rõ hơn là: đúng đối với một thang giá trị cụ thể trong ở thời điểm cụ thể.
Đức khiêm cung của người tu học trong lý thuyết
Thiết nghĩ, người tín hữu Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hão, hay bất cứ đạo giáo nào đều có thể dễ dàng chấp nhận các tiên đề nêu trên trong việc tu tập. Và nếu trong quá trình tu tập người tín hữu thấy, biết, hiểu và sống được như nêu trong các tiên đề trên, thì sẽ không còn một thang giá trị vững bền nào, một nền tảng vững bền nào là cơ sở cho sự cao ngạo của mình. Mọi giá trị đều tương đối trong thời gian và không gian, đều đổi thay từng sát na một, thì vin vào đâu để kiêu căng, cao ngạo. Vì vậy, tính cao ngạo tự nhiên rơi mất, triệt tiêu, và theo đó, bên ngoài nhìn vào thì thấy rõ người ấy khiêm cung trong tư cách, lời nói, cử chỉ, thái độ, hành vi, nhưng tự thân, người ấy không nghĩ, biết là mình khiêm cung trong đối xử. Đó là khiêm cung, mà không cần biết mình (hay không để ý) mình có khiêm cung hay không.. Thiết nghĩ đó là một trong những điều mà người tu học cần đạt đến.
Đức khiêm cung và thực tế tu học
Trong thực tế,
- Có người vì nghĩ rằng mọi sự việc đều vô ngã, cuộc sống vốn vô thường. Thôi thì, “nếm mùi đời cho đủ thứ mà chơi”, chơi cho đã, cho thỏa; đời người như bóng câu, thoắt một cái tuổi già sừng sựng ngay ngưởng cửa, theo đó, túng dục, phóng dục, ăn vội, ở thì, “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, hơn là ngọn đèn leo lét suốt thâm canh”, bất chấp luân thường đạo lý. Thế rồi làm con thiêu thân cho bản năng, làm hại cho bản thân, cho gia đình, cho xóm làng, và có khi một cách ý thức. Thường thì những người này bất cần tu học.
- Cũng có người đi tìm vô ngã trong một cách sống khổ hạnh, diệt dục, đè nén bản năng, bằng đức tin, bằng những giá trị tinh thần, điều này có khả năng tạo nên những xáo trộn tinh thần, mà có khi trầm trọng, và theo đó đem xáo trộn cho môi trường.
- Cũng có người nghĩ kiếp này ta trả nợ vay kiếp trước, hoặc cho vay để hưởng phúc lạc kiếp sau, nên bây giờ hy sinh mọi lạc thú, làm mất mình vì mọi người.
Và có thể còn nhiều trường hợp khác.
Chúng tôi không nêu lên những trường hợp này để bàn thảo. Chúng tôi mượn đó làm duyên để ghi rằng sống vô thường, vô ngã không có nghĩa là cố chấp, bám chặt cái ý niệm, tiên kiến rằng mọi sự việc đều không tự tánh.
Lấy cái học về vô thường, vô ngã, rồi áp dụng ý niệm học được cho sự vật để suy luận, thì chỉ là một trò chơi trí tuệ, như giảng một bài toán đố ít nhiều phức tạp, chớ không là tu, là tập, là hành động tu học.
Lấy cái học về vô thường, vô ngã rồi cắt xén, đục đẻo cuộc sống bản thân, sao cho nó thu gọn được trong ý niệm vô thường, vô ngã, theo kiến thức học hỏi—thí dụ học ở kinh luật, ở thầy, ở thiện tri thức— có thể là một việc điên rồ và nguy hiểm.
Theo ngón tay của Đức Phật ta thấy trăng, nhưng ngón tay của Đức Phật không là trăng. Cho nên, người tu học có học kinh luật, có nghe giảng dạy, nhưng chánh yếu vẫn là sống trực tiếp với cái đang xảy ra của sự việc, trực tiếp với giòng đời. Trăng nằm ngay trong giòng đời. Trăng không ở nơi những ý niệm già nua, khô cằn của kiến thức trong kinh luận. Thể thường, lúc nào trong tu học cũng có những ray rức, bâng khuâng, giữa vọng và chân, giữa vọng ngã và cái không tự tính của sự việc. Và điều này, có thể gây ra bi kịch. Do đó vui buồn, thương ghét là việc bình thường, không có gì phải trốn tránh. Tu học không có nghĩa là chạy trốn, mà là giáp mặt với cuộc đời.
Cho nên, thấy, hiểu, biết, tiếp cận, kinh nghiệm sự diễn biến của sự vật trong mỗi thời lúc là việc tu học.
Trái lại, học để tích tụ kiến thức, tích tụ những kinh nghiệm, làm giàu kho tàng tri thức của mình, cũng cố và nới rộng các sở đắc của bản thân, hoặc lánh đời, thu hình trong am cốc hay trong một ảo ảnh đạo hạnh giới cấm nào đó, có khi là mầm và cơ sở cho cao ngạo. Một sự cao ngạo mà không thấy mình cao ngạo, mới là đáng sợ, vì nó được che dấu trong một lớp xử thế khiêm tốn, nhúng nhường, một tư cách mà không nghe một lời chê trách.
Như vậy,
Tu học là tu tập nhằm không cột con người—trong đó có mình— hay sự vật vào một thời điểm, vào một tiên kiến. Nói rõ hơn là: không chấp trước bấc cứ cái chi, bất cứ một giá trị nào, nói riêng, không chấp rằng mọi sự việc đều bất biến, cũng không chấp trước rằng mọi sự việc đều không có tự tính, mà phải nhìn thật, sống thật, bắt gặp sự việc trong quá trình diễn biến của nó. Nói cách khác, không bám giữ bất cứ một ý niệm nào, một chân lý nào, một thang giá trị nào. Chúng tôi thường gọi như thế là vô trụ, không trụ vào bất cứ cái chi, không trụ cả vào ý niệm vô trụ.
Có người bảo:”Vô trụ thật đơn giản, biết mọi việc đều là vọng (vô tướng) thì bám vào nó làm gì. Hãy bỏ vọng thì tự nhiên cái chân thật hiện tiền.”
Thiết nghĩ : cái thông tục, cái hằng ngày ta sống là vọng, Cuộc sống của ta là như vậy, là vọng, thì có thể bỏ vọng, vọng tưởng, vọng tâm, vọng tướng, được chăng? Thật là khó, vì cái không đúng, cái gần đúng, và vọng là đặc tính thế gian, là thân phận con người. Như vậy, lời khuyên rằng bỏ vọng tìm chân, cái chân thật rốt ráo, không có nghĩa là tìm cách triệt tiêu suy tư, triệt tiêu tình cảm, triệt tiêu những yếu tố đặc thù duyên khởi của vọng tâm. Lời nói đó cũng không có nghĩa là gột bỏ cá tính, kiến thức nghề nghiệp, triệt tiêu vọng ngã, vì việc làm này không khả thi.
Cho nên bỏ vọng tìm chân phải được hiểu trong cái nghĩa là không chấp, không chấp vô thường, không chấp bất biến, không bám tiên kiến, không khư khư ôm giữ những kiến thức vô hồn của sách vở, kinh luật, mà thật sự tiếp cận với cuộc đời—trong gia đình, ngoài xã hội, ở các giòng tu, chùa chiền, giáo xứ, vân vân. Ở mỗi thời lúc, có nắm bắt, có được, nhưng liền buông bỏ, không cố giữ, mà sống thật theo một chuổi vô tận tử-sinh và sinh-tử. Thiết nghĩ đó là tu tập, và cũng là tu học, học ở diễn trình của vọng ngã, của sự việc, học mà không tích lủy sở học và tập buông bỏ mỗi khi thụ đắc.
Cách tu học này bồi dưỡng cho cái đức khiêm cung cần thiết cho người tu học một cách rất tự nhiên. Vì lúc nào cũng quen buông xã những giá trị, những thụ đắc, cho nên có quen với sự khiêm cung. Có thể còn nuối tiếc, còn vướng mắc, và theo đó còn chút cao ngạo, nhưng rồi cũng hiểu, cũng thấy, rồi buông bỏ, nhờ vậy mà trở lại cái bình thường khiêm cung, nhờ vậy mà phá vở được bức tường chắn, nhà giam của các giá trị, của sự cao ngạo; nhờ vậy mà mở rộng tầm thấy biết, mở rộng kinh nghiệm tu tập, mãi không ngừng đổi mới bản thân. Nếu các thụ đắc tự lai tự khứ, tự đến rồi tự đi, tự sinh rồi tự diệt, thì như trên có nói, cơ sở cao ngạo mất đi, thì sự hiện hữu một sự khiêm cung mà không có gì là khiêm cung, là một khả năng thực có, dầu chỉ trong một khoảnh khắc.
Kết Luận
Kết luận 1
Chúng ta có mượn tính khiêm cung làm duyên, để đi vào cái đạo làm người. Chúng ta có nói đến vô thường, vô ngã, vô trụ. Đạo là đường, con đường đó là con đường không tiên kiến, không bám giữ, không củng cố ý niệm, không tích lủy sở đắc, đó là con đường buông xã những thụ đắc, không chấp trước, không chấp sau, không chấp phải, không chấp trái, cũng không chấp cái trung dung ở giữa, không chấp không, không chấp có, không chấp chân, không chấp vọng. Đó là con đường vô trụ, không trụ ở bất cứ cái chi, ngay cả ở ý niệm vô trụ, ý niệm về con đường vô trụ mà người tu học đang đi. Vậy thì, quả có ý niệm về một cách tu tập, có một đạo đấy, nhưng không bám, không trụ vào đấy, không đi theo, cũng không bỏ đạo, quá khứ, vị lai tụ vào một điểm nhất thời ngay trước mặt, như bọt biển, có rồi tan.
Khi mà sự việc chưa tự lai tự khứ, thì, khả năng bám víu, trụ vào cái Tôi của các sở đắc còn mạnh, động cơ cao ngạo còn nhiều, cơ sở cho cao ngạo còn vững, thì đức tính khiêm cung quá ư cần thiết, để không bị che lấp bởi các tường thành cao ngạo, để không bị giam cầm trong ngục tù vọng ngã. Khi ấy, còn mâu thuẩn, còn cao ngạo và khiêm cung. Khi ấy, nếu người tu học có thấy mình thật sự khiêm cung, thì hảy tự xét tận sâu bên trong, xem mình có ẩn dấu hay đè nén một sự cao ngạo nào đó hay không, vì rằng: cao ngạo mà tự mình không thấy là cao ngạo, mới thật sự là một cao ngạo nguy hiểm, và cao độ.
Kết luận 2
Khuất Nguyên đến bờ sông Mịch La, và than rằng: Đời đục, ta trong, nên ta không có đất sống. Rồi trầm mình mà chết.
Bá Di Thúc Tề khước từ ăn gạo nhà Châu vào hang sâu cùng cốc mà tuyệt thực.
Đó là những gương trong sáng của người xưa.
Đó cũng là những gương định kiến: kiên định trên một hệ thống giá trị, trên một nếp sống. Cho nên, không đất sống, hoặc chỉ sống bên lề đường đời.
Giòng đời đục chăng? trong chăng? Nếu nó đục, thì có nên chăng quậy nó lên, uống tận cái cặn sau cùng của nó?
Hình như lúc nào nó vẫn là nó, không ngừng chảy. Nhanh, chậm, ầm ầm như thác đổ hay lững lờ trôi, khi trong, khi đục, có vui, có buồn, có thương, yêu, ghen ghét, hờn ganh, phải chăng đó là những tỉnh từ mà tâm thức gắng cho nó. Im lặng được ồn ào vui buồn, phải trái, đó là hệ quả của việc hành trì vô trụ. Tập vô trụ là tu học, là tạo cơ may cho ta hiểu giòng đời hơn, và sống thêm một kích thước khác, hứa hẹn một cái gì mới, một khả năng bắt gặp cái chân thật rốt ráo, dầu chỉ trong khoảnh khắc.
Chúng tôi thành tâm cám ơn sự lưu ý của quí vị.
Houston, ngày 30 tháng 3, 2001
No comments:
Post a Comment