Monday, 30 April 2012

Cái Thâm của Chệt Cộng, Cái Ngu của Việt Cộng

Thứ năm, 18 Tháng 8 2011 23:20 

alt
Việt Cộng: 

1.   Người bơi vượt sông Dương Tử

Vào những năm cuối của thập kỷ 60, lũ trẻ trên dưới mười tuổi ở miền Bắc chúng tôi đều được kết nạp vào Ðội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Mỗi tuần có giờ sinh hoạt, do các anh chị đoàn viên thanh niên phụ trách. Nội dung thường là nói về công ơn trời biển mà Ðảng và Bác đã mang lại cho tuổi thơ, nói về những nỗi thống khổ của trẻ em miền Nam đang phải quằn quại, đớn đau duới gót giầy đinh của bọn Mỹ- Ngụy, nói về tinh thần chiến đấu kiên cường của miền Nam – Thành đồng của tổ quốc, v.v.Tuy vậy, những câu chuyện khô khan, lặp đi lặp lại, mang đậm tính tuyên truyền thường không mấy lọt tai bọn trẻ trâu tinh nghịch, ngoại trừ những bài hát, bài đồng dao có vần có điệu. Tôi nhớ có “Bài ca Hữu Nghị”, không biết ai là tác giả, nhưng đến giờ còn thuộc:
“Việt Nam Trung Hoa
Núi liền núi, sông liền sông
Chung một biển Ðông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông.
Chung sông, tắm cùng một dòng, anh nhìn sang đấy, tôi nhìn sang đây
Sớm sớm nghe tiếng gà gáy trưa …”
Lời kết cũng là điệp khúc của bài hát:
“Chung một ý, chung một lòng
Ðường ta đi màu cờ hồng cách mạng
Nhân dân ta ca Hồ Chí Minh Mao Trạch Ðông” 

Bọn trẻ tuy tiều tụy, gầy ốm, còi xương, suy dinh dưỡng, những vẫn gân cổ lên gào đến vỡ thanh quản điệp khúc:
“Hồ Chí Minh Mao Trạch Ðông
Ðêm đêm, chúng tôi hát, hát say mê, hát cuồng nhiệt như những người lên đồng, hát trang trọng, thành kính và sùng bái như những người hát thánh ca.

Cùng Mao chủ tịch bơi qua sông. Ảnh Google


Sau bài hát các anh chị phụ trách kể những câu chuyện rất li kỳ về Bác Hồ – Vị cha già dân tộc, và về Bác Mao – Người cầm lái vĩ đại. Trong đó, câu chuyện Mao chủ tịch bơi vượt sông đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến tụi trẻ nhà quê chúng tôi. Chuyện kể rằng, vào ngày 16 tháng 7 năm 1966, mặc dù Bác Mao đã ở tuổi 73, nhưng Bác đã bơi 15 km chỉ trong vòng 65 phút, vượt qua sông Dương Tử, dòng sông hùng vĩ nhất Á châu. Bằng một ý chí phi thường Mao chủ tịch đã chống chọi với sóng gió, khống chế được dòng nước chảy; bằng một sức khoẻ vô song, Mao chủ tịch đã làm chủ được thiên nhiên; bằng một kỹ thuật bơi điêu luyện, Mao chủ tịch đã thiết lập lên một kỷ lục bơi lội mới, bỏ xa những tay bơi đường dài hàng đầu của thế giới.
Rồi những câu chuyện về những thành tựu vĩ đại của nền kinh tế Trung Quốc qua những chiến dịch “Ðại nhảy vọt” “Diệt chim sẻ” hay “Luyện thép” do Mao chủ tịch khởi xướng.  Người dân miền Bắc khi đó từ cụ già đến trẻ con đều được bảo rằng: “Trung Quốc là hậu phương bao la của Việt nam, với dân số 700 triệu, chỉ cần mỗi người nhịn một bữa, là đủ lương thực 1 năm cho Việt nam. Thế nên chúng ta không sợ đói, cứ yên tâm mà đánh Mỹ, đánh cho đến ngày thắng lợi, dù còn một người cũng đánh.” 
Lũ trẻ nhà quê chúng tôi khi nghe chuyện, chỉ còn biết há hốc miệng ra, nuốt lấy từng lời, thán phục, nguyện theo gương của Bác Mao, học tập Bác Mao, coi hiểm nguy chỉ là những trò chơi, nhìn bom rơi trên đầu cũng giống như những trái bàng chín rụng, đi vào chốn nguy hiểm mà như đi trẩy hội.

2.   Tinh Thần Quốc Tế Cao Cả


Khi hiệp định Paris đã có hiệu lực, bom không còn rơi trên miền Bắc nữa. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng, miền Bắc thực sự bắt tay vào công cuộc xây dựng XHCH. Tất nhiên Trung quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đã đi đầu trong việc giúp đỡ miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH. Các chuyên gia Trung quốc mang trong mình một tinh thần quốc tế cao cả được gởi qua để giúp chúng ta xây dựng nhà máy, cầu đường, trường học. Trong đó có nhà máy sứ Hải dương sẽ được xây dựng đúng theo khuôn mẫu của nhà máy sứ Giang Tây nổi tiếng của Trung Quốc. Nhưng lạ thay, những sản phẩm của nhà máy như là chén, bát, tô, đĩa, ấm, chuyên, tách, đều bị móp méo, đậy vung không kín, bán chẳng ai mua, cho không ai lấy, làm sao có thể cạnh tranh nổi với đồ sứ Trung quốc.Mãi về sau, người ta mới phát hiện rằng nhà máy đã được xây dựng quá gần với đường xe lửa. Mỗi khi đoàn tàu chạy qua, những lò nung bị rung chuyển, dẫn đến những sản phầm đang nung bị móp méo, cong vênh. Việt Nam bị người đồng chí, người anh em Trung Hoa chơi cho một vố đau, đau như hoạn, đắng như ngậm bồ hòn mà vẫn phải khen là hữu nghị.
Ðầu năm 1974, nhà máy nhiệt điện Ninh Bình khánh thành. Ðây là biểu tượng cao cả của tình hữu nghị Việt – Trung. Khi nhà máy vận hành được một thời gian ngắn, thì người ta mới té ngửa ra rằng toàn bộ thị xã Ninh bình, và những vùng phụ cận ngập chìm trong bụi than mờ mịt suốt cả ngày đêm, kéo dài rất nhiều năm, không có phương cách nào cứu chữa. Dân cư trong vùng nghẹt thở, oán thán vô cùng.
Thêm nữa, nhà máy như một cái thùng không đáy, ngốn một lượng than đá khổng lồ mỗi ngày, lại quá xa nguồn cung ứng. Than phải vận chuyển từ Hòn Gai, Cẩm Phả tới Ninh Bình bằng cả đường sông và đường bộ rất tốn kém, làm giá thành rất cao. Rồi, than cháy không hết, thải ra một lượng than cám khổng lồ, đổ đi thì tiếc, bán mấy ai mua, qúa lãng phí nhiên liệu.
Mãi sau này, người ta mới biết rằng đây là một nhà máy đã quá cũ, công nghệ quá lạc hậu, lẽ ra nó phải được tháo bỏ để bán ve chai, nhưng Trung Quốc đã chuyển qua giúp Việt Nam duới danh nghĩa tinh thần quốc tế vô sản cao quý.  Song tất cả những điều bất cập trên, chẳng nghĩa lý gì so với sự tàn phá một thắng cảnh thiên nhiên quý hiếm của Viêt Nam.
Phía Tây Nam của thị xã Ninh Bình có một dải núi đá vôi tuyệt đẹp mang tên Ngọc Mỹ Nhân (còn có tên là núi Cánh Diều). Dải núi mang hình dáng của một người đàn bà đang nằm trong tư thế sản khoa, đầu ngả về hướng Phát Diệm, mặt hướng ra biển Ðông, hai chân mở rộng đạp lên Trường sơn, tóc xõa, ngực trần, lõa lồ, khêu gợi giữa cánh đồng lúa vàng bát ngát bao quanh. Một danh lam tuyệt hảo trong quần thể Non Nước, Ninh Bình.
Nhưng than ôi, cái nhà máy xấu xí, cũ kĩ đã được xây dựng đúng vào chỗ cửa mình của Ngọc Mỹ Nhân. Chiếc ống khói khốn kiếp nhìn giống như một dương vật cương cứng chọc thẳng lên trời. Tóc bị cắt trụi, ngực san bằng, chân chặt cụt.  Những hang động đá vôi đã được thiên nhiên ngàn năm kiến tạo cũng bị tàn phá tan hoang.
Người dân trong vùng còn đồn rằng mượn cớ xây dựng nhà máy, Trung Quốc đã lấy đi rất nhiều vàng bạc châu báu mà nghĩa quân Tây Sơn cất giấu trong những hang động trên đường ra Bắc vào Nam.

3.   Những cấm thành bị sạt lở


Cuối thập kỷ 70, những cấm thành tưỏng chừng vô cùng kiên cố, nay bỗng bị sạt lở bởi những cơn địa chấn chính trị Việt –Trung, làm lộ ra một phần sự thực hào nhoáng của mối tình “Vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Cả hai bên thi nhau chửi rủa, bôi nhọ, tố cáo, thề nguyền, răn đe. Trung Quốc chửi lãnh đạo Việt Nam là những tên “tiểu bá”, “vừa chiếm được miền Nam, đã vội xưng Ðế xưng Vương”; “những tên vô ơn bạc nghĩa”; “ăn cháo đá bát” “lũ du côn của phương Ðông”  và răn đe rằng “ ai tốt với Trung Quốc 1, Trung Quốc sẽ tốt lại 10, ai đểu với Trung Quốc 1, Trung Quốc sẽ đểu lại 100”, và thề sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”.Ngược lại Việt Nam thì chửi Trung Quốc là “bọn bành trướng bá quyền” “bọn Maoist và chủ nghĩa Mao”; “bọn cực đoan đại Hán” “chủ nghĩa chauvin nước lớn”; “chủ nghĩa hai con mèo” “kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội” “bọn diệt chủng” “bè lũ 4 người” “đánh Mỹ trên lưng người Việt”, “âm mưu chia cắt Việt Nam lâu dài”, “kẻ thù truyền kiếp của chúng ta”….
Mọi chi tiết được khai thác và sử dụng như là những bằng chứng để buộc tội đối phương.
Khi đó tôi đang là sinh viên trong một trường Ðại học ở Hà Nội. Cán bộ tuyên huấn xuống tận từng chi đoàn, từng lớp, phổ biến các tài liệu về tội ác của Mao.  Trên dưới 40 triệu người Trung Hoa đã bị giết trong “Cách mạng văn hóa”. Mao đã bí mật thủ tiêu hoặc đày đoạ Lâm Bưu, Bành Ðức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ. Do những chính sách sai lầm của các chiến dịch “Ðại nhảy vọt”, “Diệt chim sẻ”, “Luyện thép” của Mao, mà hàng chục triệu người chết đói vào những năm đầu thập kỷ 60. Tất nhiên, sự kiện Mao 73 tuổi,  bơi 15 cây số trong vòng 65 phút vượt qua sông Dương Tử  ở Vũ Hán vào ngày 16 tháng 7 năm 1966 cũng được phơi bày.  Sự thực, Mao chỉ nhảy xuống nước ở điểm xuất phát, trình diễn mấy màn bơi, hướng dẫn cho một phụ nữ cách bơi ngửa, rồi kín đáo lẻn chui vào trong khoang kín một chiếc tầu đã được ngụy trang cẩn thận, đậu gần đó. Tầu từ từ tiến đến đích, cách đích vài thước, Mao tụt xuống nước trình diễn màn bơi ngửa, bơi bướm, bơi tự do, trong tiếng hò reo như sấm dậy của đám hồng vệ binh.
Toàn bộ màn ảo thuật bơi vượt sông Dương Tử của Mao đã lọt vào mắt của một nhà báo người Cuba. Giờ đây Việt Nam phơi bày ra những bằng chứng về sự vĩ cuồng và dối trá, đê tiện và độc ác của Mao. Có người còn so sánh Mao với Hitler hoặc Pol Pot.
Khi nghe xong chuyện, tôi bàng hoàng, chua chát nhận ra rằng tuổi thơ của tôi đã lớn lên trong dối trá, học hành trong dối trá, nói viết ra điều gì cũng toàn dối trá. Tôi chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than hỡi những nhà đạo đức học, có gì mất đạo đức hơn khi một người thầy biết đó là những điểu dối trá, mà vẫn dạy cho học trò của mình, và tôi cũng tự hỏi tại sao Mao được so sánh với Hitler, Pol Pot mà Ðảng ta lại làm ngơ để cho người ta xếp Hồ Chí Minh đồng nghĩa với Mao Trạch Ðông trong điệp khúc của bài hát trên. Lẽ nào Bác Hồ lại ngang hàng với Hitler, Pol Pot.

Lạng Sơn 1979. Ảnh Google


Ðến đầu năm 1979, mối tình Việt Nam – Trung Hoa đã lên đến điểm đỉnh của sự hờn căm. Những cuộc tắm máu đã diễn ra ở cả hai đầu đất nước. Những thanh niên nuớc Việt thế hệ của tôi, tưởng rằng thoát vòng bom đạn, nào ngờ vẫn bị ném vào lò lửa chiến tranh. Lần này không phải để chiến đấu chống bọn Ðế quốc Thực dân xâm lược, mà chiến đấu chống lại người “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, mà suốt tuổi thơ của chúng tôi được học, được ngợi ca, được tôn thờ, được yêu thương, được quý mến.
Trước khi lên đường ra trận, tôi có ghé thăm vị giáo sư già đã nghỉ hưu tại một căn nhà khiêm tốn trên đường Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.  Ông bảo: “thế hệ của tôi may mắn hơn thế hệ của các em rất nhiều”. Tôi chưa kịp hiểu, thì ông giải thích rằng khi ông tốt nghiệp Ðai học năm 1929, lương của ông là 120 đồng một tháng. Ông mua con gà hết 5 xu, nhưng còn bán được 2 xu lông. Khi tiễn tôi ra cổng, ông bảo, chủ nghĩa cộng sản là một tai họa cho dân tộc. Nhưng thà đi theo cộng sản Liên Xô, cũng vạn lần khá hơn cộng sản Trung Quốc. Ðây là một lựa chọn đúng của người lãnh đạo đất nước.
Hình như nhận định của ông cũng cùng với nhận định của nhiều người khác, kể cả những đảng viên. Những người có dịp đi học, hoặc làm việc với chuyên gia Liên Xô đều nhận thấy họ dễ chịu, thông thoáng, thành thật, và khoa học hơn. Còn những chính sách của Trung Quốc với Việt Nam thường thủ đoạn, áp đặt, hẹp hòi, thâm thù, xăm xoi, bần tiện, ganh tỵ, xỏ xiên, tham lam, đểu cáng, và ngụy biện.
Chuyện kể của ngài cựu thứ trưởng và bài báo của ông Tống Văn Công
Cách đây vài năm, tôi đến thăm gia đình một người quen, tình cờ gặp một người đàn ông đã lớn tuổi, nhìn vẫn khoẻ mạnh, có lối nói chuyện sắc sảo, pha chút khôi hài. Ông tự giới thiệu là Việt kiều Mỹ, và đã từng giữ chức thứ trưởng của một bộ trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Trong cuộc trò chuyện tào lao bữa đó, ông có kể vào khoảng những năm 1979, 1980, khi ông và gia đình đã định cư tại San Jose, California, thì người của Ðại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã nhiều lần đến thuyết phục ông đứng ra kêu gọi, tổ chức kháng chiến. Trung Quốc hứa sẽ cung cấp lâu dài, toàn diện như là vũ khí, tài chánh, hậu cần, căn cứ địa, chiến khu cho đến ngày thắng lợi.
Tháng 6 năm 2011, tôi đọc bài báo “Ngẫu nhiên Bình Minh 2” của ông Tống Văn Công. Trong đó tác giả nhắc lại câu chuyện xảy ra vào lúc 8:40 sáng 30 tháng 4 năm 1975 tại dinh Ðộc lập đại ý rằng Tướng Vanuxem, người Pháp, đã nói với bạn thân ông ta bấy giờ là tướng Dương Văn Minh rằng:
“Bắc Kinh sẵn sàng có hành động quân sự để cứu lấy Việt Nam Cộng hòa khỏi rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Ông là sứ giả mật của Bắc Kinh. Nếu Tổng thống Minh đồng ý cứ lên truyền hình kêu gọi quốc tế can thiệp, vì quân đội Bắc Việt đã xé hiệp định Pari, lập tức Bắc Kinh sẽ đổ bộ vào Việt Nam”.
Khi nghe câu chuyện của vị cựu thứ trưởng, tôi không tin, cho rằng ông này chỉ nổ cho vui, chớ không đời nào Trung Quốc dám muối mặt dùng Việt Nam Cộng Hòa  để bóp cổ thằng em “môi hở răng lạnh” của mình là Ðảng Công Sản Việt Nam. Nhưng nếu xâu chuỗi những sự kiện, bình tĩnh mà suy ngẫm, thì tôi tin câu chuyện của ngài cựu thứ trưởng Việt Nam Cộng Hòa và sự kiện mà nhà báo Tống Văn Công nêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy có một Việt Nam thống nhất,  vững mạnh, và đoàn kết.

4.   Những giọt nước mắt


Người ta đồn rằng, trong khi đi thị sát công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, ngồi từ trên máy bay trực thăng nhìn xuống Ngọc Mỹ Nhân, thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã khóc. Ông khóc cho mái tóc dài quyến rũ của Nàng đã bị cắt cụt. Ông khóc cho cặp vú to, căng tròn khêu gợi của Nàng đã bị san bằng như ngực đàn ông. Ông khóc cho cặp chân dài thon thả của nàng đã bị chặt cụt. Ông khóc cho âm đạo của Nàng đã bị phá tan hoang, và gắn vào đó là một chiếc ống khói xấu xi.Gần 4 thập kỷ đã qua, nhưng dấu vết của một sự tàn phá vẫn còn. Những người đã từng biết Ngọc Mỹ Nhân trước năm 1974, không ai có thể nhận ra Nàng nữa. Nàng đã bị các tay phẫu thuật lang băm ngưởi Trung Hoa cho chuyển giới tính. Giờ đây nhìn Nàng giống như một gã đàn ông dị hợm nằm tô hô giữa cánh đồng, với chiếc dương vật cương cứng dựng ngược lên trời.
Tháng 2 năm 1979, thị xã Lạng Sơn quê hương của nàng Tô Thị, bị người Trung Quốc tràn qua hủy diệt. Một cuộc hủy diệt của những kẻ phi nhân tính. Tàn bạo đến mức không ai có thể tàn bạo hơn. Dường như không còn một sinh vật nào sống sót nổi. Không một ngôi nhà nào còn đứng vững. Không một viên gạch nào mà không bị vỡ. Không một viên đá lát đường nào mà không bị lật tung.
Khi nhìn Lạng Sơn đổ nát, điêu tàn hẳn rằng ông Phạm Văn Ðồng lại khóc như ông đã từng khóc cho Ngọc Mỹ Nhân năm năm về trước. Thế mà những giọt nước mắt trên gò má ông chưa kịp ráo, Ông đã vội vàng cùng với các đồng chí của ông: Nguyễn Văn Linh và Ðỗ Mười lén lút vụng trộm đi Thành Ðô, để bắt tay, ôm hôn, tiệc tùng, thắm thiết với kẻ đã gây ra bao nhiêu thương đau tang tóc cho đất nước ông.
Tổng số đất trên biên giới phía Bắc đã mất vào tay người Trung Quốc gần đây là tương đương với diện tích của tỉnh Thái Bình. Nói cách khác, Trung Quốc đã nuốt trọn một tỉnh của Viêt nam, mà không tốn một viên đạn. Khi biết tin này, dưới suối vàng, hẳn rằng ông Phạm Văn Ðồng cũng khóc. Nhưng nước mắt của ông cũng không thể rửa hết được những lỗi lầm mà ông và Ðảng của ông đang gây ra cho dân tộc Việt nam.
Mới 20 năm thôn tình, kể từ sau cuộc gặp gỡ Thành Ðô, vậy mà xã hội Việt Nam hôm nay đã mang đủ dáng dấp của một xã hội thuộc địa đậm mùi, màu Trung Quốc. Rồi đây những nhà chép sử chân chính sẽ không ngần ngại xếp những người lãnh đạo của ÐCSVN thời kỳ hậu Lê Duẩn là “những kẻ cõng rắn cắn gà nhà”.
Ba ông Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Văn Linh và Ðỗ Mười chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc./.

Trần Hồng Tâm


No comments:

Post a Comment