Đạo đức và suy thoái đạo đức
Xã hội càng phát triển thì lợi ích của từng cá nhân hay nhóm xã hội càng thống nhất với lợi ích cộng đồng. Chống lại chủ nghĩa cá nhân là đi ngược lại quy luật phát triển...
Cho đến tháng 4-1975, lợi ích chính trị của toàn dân tộc là yếu tố chủ đạo bao trùm toàn bộ các quan hệ xã hội, nên các chuẩn mực đạo đức phải tập trung vào việc định hướng cho mọi cá nhân hướng tới đáp ứng lợi ích này. Nhưng sau tháng 4-1975, lợi ích chính đáng của từng nhóm người, từng cá nhân từng bước nổi lên như một trào lưu xã hội tuy âm ỉ nhưng mạnh mẽ.
Thiếu một sự điều chỉnh toàn diện cần thiết về quyền lợi và nghĩa vụ, khung đạo đức của xã hội bao cấp kiểu thời chiến 1975–1985 đã bị xô lệch và mau chóng bị vô hiệu hóa trong thực tiễn xã hội. Không gian cấu trúc xã hội chính thống phục vụ chiến tranh cũ đã trở nên chật hẹp. Khung đạo đức phục vụ lợi ích chính trị của dân tộc thời chiến không phản ảnh được thực tiễn xã hội thời bình tan rã từng mảng lớn, nhưng cái vỏ bọc trật tự xã hội tức chính trị và pháp lý của nó vẫn còn nguyên vẹn. Mối đe doạ về "sinh mạng chính trị" đã đẩy nhiều người vào chỗ phải sống một cuộc đời hai mặt, đặc biệt là tầng lớp cán bộ đảng viên. Thói vô trách nhiệm và đạo đức giả lan tràn, tình trạng lệch chuẩn này tác động xấu tới sự hình thành nhân cách của nhiều thế hệ sinh sau 1975.
Nhưng từ 1986 trở đi, nhu cầu phát triển kinh tế trong ý nghĩa là một trào lưu xã hội lại tác động tới cuộc khủng hoảng ấy từ những khía cạnh khác, dưới những hình thức khác. Như một sự phản biện tiêu cực với thói đạo đức giả, khái niệm nhân cách bị đánh tráo. Nếu trước năm 1986 một đảng viên cấp trưởng phó phòng "lãnh thùng" của người thân từ các nước Âu Mỹ gửi về phải giấu giếm lén lút, thì từ 1986 trở đi anh (hay chị) ta đã có thể ngẩng đầu và thậm chí hiên ngang nhìn mặt mọi người.
Dư chấn của cuộc khủng hoảng đạo đức thời bao cấp còn chưa chấm dứt thì xã hội Việt Nam lại gặp cuộc khủng hoảng đạo đức thứ hai với hai đứa con hư của kinh tế thị trường là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Sự cộng hưởng của hai cuộc khủng hoảng ấy tạo ra cuộc khủng hoảng thứ ba với sức tàn phá bình phương. Hải quan làm luật, cảnh sát giao thông thu tiền mãi lộ, thẩm phán chạy án, giáo viên thi dạy giỏi dùng phao, trí thức mua bằng, quan chức bán quota, chạy dự án, chạy chức quyền, đục khoét công quỹ, sinh hoạt sa đọa... Tham nhũng trở thành quốc nạn.
Đề tài nghiên cứu "Sự suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục" của nhóm Nguyễn Trung Trực năm 2004 cho biết 54% số người được hỏi cho rằng sự suy thoái đạo đức lối sống cán bộ hiện nay là "nghiêm trọng và rất nghiêm trọng".
Nhưng điều lệ Đảng, luật Công chức đều quy định đảng viên và công chức nhà nước phải tu dưỡng đạo đức rèn luyện phẩm chất mà chống lại chủ nghĩa cá nhân! Những chuẩn mực ấy đã thể hiện một lối tư duy đi ngược lại quy luật phát triển của xã hội loài người và do đó không thể nào được thực hiện trong thực tế, nghĩa là có giá trị chế định. Bởi vì xã hội càng phát triển thì lợi ích của từng cá nhân hay nhóm xã hội càng thống nhất hơn với lợi ích của toàn cộng đồng, nên việc đặt lợi ích riêng với lợi ích chung vào một quan hệ đối lập giả tạo như vậy chỉ có thể đưa người ta tới chỗ lá mặt lá trái, nghĩ một đường nói một nẻo hay nói một đường làm một nẻo.
Và khi quan hệ đạo đức đã bị các tín điều chính trị và pháp lý lạc hậu hay duy ý chí làm cho méo mó, thì kết quả duy nhất chỉ có thể là sự nảy sinh của một nền đạo đức chính thống dung dưỡng thói đạo đức giả, trong đó nổi bật là sự dối trá và vô liêm sỉ lên ngôi.
***
Trong nỗ lực để thoát ly xã hội bao cấp hai mươi năm qua, con người Việt Nam đang từng bước tiến tới một trật tự xã hội khác, có những lợi ích và nhu cầu khác với thời gian 1954–1975 cũng như 1975–1985.
Nhưng những khiếm khuyết của hệ thống chuẩn mực xã hội cũ cả chính trị, pháp lý lẫn đạo đức vẫn chưa được điều chỉnh và bổ sung, nên không lạ gì mà dưới tác động nhiều mặt của sự thay đổi kinh tế và giao lưu với nước ngoài, nhiều chuẩn mực đạo đức cũ hoặc bị công nhiên phủ định, hoặc bị ngấm ngầm vi phạm, khiến cho hệ thống đạo đức cũ chỉ còn trên danh nghĩa nhưng hệ thống đạo đức mới vẫn chưa được xác lập.
Tình trạng "nền cũ đã đổ mà nhà mới chưa thành" này trình hiện trên cả ba phương diện ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức, nên kết quả là chúng ta đang có một nền đạo đức xã hội chủ nghĩa hữu danh vô thực với các quy phạm đạo đức không cần nhân cách hiện đã trở nên phổ biến. Điều này không chỉ là một đề tài suy ngẫm, vì như người ta đã thấy, các quy phạm đạo đức không cần nhân cách ấy đang đầu độc tất cả các môi trường kinh tế và xã hội, tư tưởng và văn hóa, khoa học và nghệ thuật, thông tin và giáo dục hiện tại ở Việt Nam.
CAO TỰ THANH
Sài Gòn tiếp thị Xuân 2009
Sài Gòn tiếp thị Xuân 2009
http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/www.tuoitre.com.vn/Dao-duc-va-suy-thoai-dao-duc/2408771.epi
***
- * Sưu tầm các bài viết đáng suy gẫm ..
***
- * Sưu tầm các bài viết đáng suy gẫm ..
No comments:
Post a Comment