Monday, 21 May 2012

Thước đo của tự do

Ông chủ lò bánh mì cố làm bánh mì thật ngon để bán được nhiều và giữ chân khách hàng. Không ai chờ đợi hay đòi hỏi lòng vị tha ở đây cả. Nhưng, hàng triệu người “vị kỷ” như thế lại tạo nên sự phồn vinh chung cho xã hội. Đó là nguyên tắc vận hành của nền kinh tế thị trường tự do. Nhiều người cũng đồng ý với nguyên tắc ấy, nhưng vẫn e ngại rằng sự tự do có thể bị lạm dụng, gây tổn hại đến người khác.
Từ “kinh tế tự do” đến “kinh tế thị trường xã hội”
Cách nhìn trước (phổ biến ở khu vực Anh – Mỹ) xem sự tự do sẽ khuyến khích hành vi tốt lành, độc lập với thiện ý chủ quan. Về lâu dài, cách hành xử tích cực ấy sẽ ngày càng được củng cố và nền đạo đức xã hội nhờ đó cũng sẽ vững mạnh.
Cách nhìn sau (các nhà tư tưởng lục địa Âu châu) tán đồng quyền tự do cá nhân, với lòng tin rằng con người về căn bản là tốt và sẽ sử dụng những quyền tự do cho điều tốt. Nhưng, khác với cách nhìn trước, ở đây, nhà nước có nhiệm vụ canh chừng, giảm thiểu hay dẹp bỏ kịp thời những hậu quả ngoài ý muốn của việc lạm dụng quyền tự do.
Chỗ mạnh của cách nhìn Anh – Mỹ là không vì việc có thể bị lạm dụng mà đi đến chỗ phủ định hay cản trở nguyên tắc tự do. Chỗ mạnh của cách nhìn Âu châu lục địa là ở chỗ không trọn tin vào năng lực tự điều chỉnh của cơ chế thị trường, với tên gọi là “bàn tay vô hình”. Do đó, hệ thống an sinh xã hội, khuôn khổ luật pháp chống độc quyền và cạnh tranh bất chính là những giải pháp bổ sung. Từ sau Thế chiến thứ hai, nhiều mô hình kinh tế khác nhau đã ra đời ở các lục địa nhằm điều hoà hai yêu cầu ấy. Có cái tương đối thành công, có cái thất bại, có cái đang được thử thách. Ở Tây Âu, mô hình đáng chú ý là nền “kinh tế thị trường xã hội”.
“Kinh tế thị trường xã hội” (soziale Marktwirtschaft) vốn là một khẩu hiệu từ năm 1949 của bộ trưởng Kinh tế và sau đó là thủ tướng CHLB Đức Ludwig Erhard, thoạt đầu đối lập với khẩu hiệu của đảng cánh tả: “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Nhưng đến năm 1959, cánh tả (đảng Xã hội dân chủ Đức) cũng tiếp thu nhiều yếu tố của chủ trương này vào trong cương lĩnh Godesberg nổi tiếng của đảng này, và từ năm 1990, “kinh tế thị trường xã hội” trở thành đường lối kinh tế chung của CHLB Đức và nhiều nước Tây, Bắc Âu. “Kinh tế càng tự do càng mang tính xã hội”, đó là tham vọng của mô hình này: kết hợp những quyền cố hữu của nền kinh tế thị trường (quyền tư hữu, tự do ký kết hợp đồng, tự do kinh doanh, tự do tiêu thụ, tự do lựa chọn nghề nghiệp, tự do tham gia thị trường và tự do cạnh tranh) với nhà nước pháp quyền và chế độ phúc lợi xã hội hiện là mô hình đang bị cuộc khủng hoảng kinh tế thử thách quyết liệt, nhưng dường như chưa thấy có khả năng thay thế.
Ôn lại lịch sử của công cuộc hiện đại hoá, bài học cho thấy: các quyền tự do kinh tế cũng như các quyền tự do dân sự khác, trước hết, đều phải lấy việc giải phóng và khẳng định cá nhân làm điều kiện tiên quyết.
Đếm đầu tốt hơn là... chặt đầu!
Tôi không đồng ý với bạn, nhưng tôi đấu tranh để bạn được nói
Voltaire
“Hệ thống đơn giản và rõ ràng về sự tự do tự nhiên” (Adam Smith) trong đời sống kinh tế đi liền với phương diện chính trị nhằm giải phóng con người ra khỏi cấu trúc xã hội tiền – hiện đại. Đó là tiến trình xây dựng nhà nước thế tục (tách khỏi thần quyền), giới hạn quyền lực nhà nước bằng hệ thống các quyền căn bản của công dân, kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cơ chế phân quyền. Nhưng, trên hết và trước hết là thay thế sự biện minh cho quyền lực nhà nước bằng “thiên mệnh” hay “ân sủng của Thiên Chúa” bởi lợi ích thực tế của những cá nhân riêng lẻ. Đơn vị hình thành nên xã hội, nhà nước bây giờ là từng con người cá nhân, do đó, việc tôn trọng ý kiến, lợi ích của từng cá nhân rút cục dẫn đến chế độ dân chủ.
Nền dân chủ hiện đại khác với nền dân chủ cổ đại và các chế độ phong kiến đặc quyền thời trung đại cả về lượng, chất lẫn cơ chế thực hiện:
– Về lượng, nó mở rộng cho toàn dân, vì đặt cơ sở trên nguyên tắc bình đẳng của mọi nhân thân trong xã hội.
– Về chất, nó xác lập những quyền tự do cơ bản của nhân thân mà nhà nước không những không can thiệp mà còn tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của những cá nhân. Rồi ngay phạm vi cốt lõi này cũng ngày càng được mở rộng: bên cạnh những quyền tự do kinh tế, còn có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do báo chí, tự do lập hội, bí mật thư tín, tự do hoạt động khoa học, nghệ thuật v.v.. Các quyền này được khẳng định về mặt công pháp quốc tế trong hàng loạt công ước mà hầu hết các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã ký kết (công ước quốc tế và các quyền dân sự và chính trị; công ước về các quyền kinh tế và văn hoá, công ước về các quyền của trẻ em…). Với sự tham gia các công ước này, hầu hết các quốc gia trên thế giới (trong đó có nước ta) đã minh nhiên thừa nhận tính chất phổ quát và giá trị hiệu lực phổ quát của những quyền tự do cơ bản ấy, độc lập với hoàn cảnh và trình độ phát triển của mỗi nước.
– Cơ chế thực hiện chế độ dân chủ hiện đại chỉ có thể là nền dân chủ đại diện. Vấn đề là làm sao để nền dân chủ ấy thực sự mang tính đại diện và không lạm dụng quyền đại diện. Hơn hai trăm năm đầy những thăng trầm và thử nghiệm còn đọng lại hai công thức: phổ thông đầu phiếu và “kiềm chế và cân bằng”. Ngay từ năm 1748, Montesquieu (1689 – 1755) đã từng lập luận rất giản dị và đanh thép trong Tinh thần của pháp luật: “Cùng một người hay một cơ quan nắm cả quyền lập pháp lẫn hành pháp thì sẽ không có tự do, vì họ sẽ vừa ban bố vừa thực thi những đạo luật độc tài. Tự do cũng không thể có, nếu không tách quyền tư pháp ra khỏi quyền lập pháp và hành pháp. Quyền quyết định sinh mệnh và sự tự do của công dân ắt sẽ vô hạn, nếu quyền ấy lại gắn liền với quyền lập pháp, bởi bấy giờ quan toà sẽ thành kẻ ban bố pháp luật. Và quan toà cũng ắt sẽ thành kẻ áp bức nếu cho ông ta nắm cả quyền hành pháp!”
Quyền của thiểu số: thước đo của tự do
Nền dân chủ với nguyên tắc đa số là một bước tiến lịch sử. Nhưng, bản thân nguyên tắc đa số không tự động bảo vệ được sự tự do, vì nó dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ mị dân. Biết bao chế độ độc tài, phát xít lên cầm quyền hợp pháp bằng con đường đa số! John Stuart Mill (1806 – 1873) (Bàn về tự do và Chính thể đại diện, NXB Tri Thức) và Alexis de Tocqueville (1805 – 1859) (Nền dân trị Mỹ, NXB Tri Thức) là hai người lên tiếng cảnh báo sớm nhất về nguy cơ “độc tài của đa số”. Ngày nay, việc bảo vệ sự tự do và những quyền hạn chính đáng của thiểu số ngày càng trở thành thước đo đích thực cho chất lượng của một nền dân chủ.
Bùi Văn Nam Sơn






No comments:

Post a Comment