Bàn về Tự Do (p. 1/2) - John Stuart Mill
Nguyên lý cao cả và quan trọng, điều mà mọi lập luận được trình bày trong các trang sách này đều trực tiếp hướng về, là tầm quan trọng căn bản và tuyệt đối của sự phát triển con người trong tính đa dạng phong phú nhất của nó.
Wilhelm von Humboldt, “Sphere and Duties of Government” (“Bổn phận và Phạm vi chi phối của Chính quyền”)Đề tài của tập tiểu luận này không luận về cái gọi là sự tự do của ý chí, một khái niệm không may lại đối lập với một học thuyết không chính danh là tính tất yếu triết học, mà về quyền tự do công dân hoặc quyền tự do có tính cách xã hội: bản chất và giới hạn của quyền lực khi mà nó được xã hội áp dụng một các hợp pháp đối với cá nhân.
Nhìn chung, vấn đề này ít khi được nói đến, và hầu như chưa được luận bàn, nhưng sự hiện diện tiềm tàng của nó đã tác động mạnh mẽ đến các cuộc tranh luận thực tế của thời đại, và điều này đã sớm khiến cho nó được nhìn nhận như là một vấn đề sinh tử của tương lai. Về phương diện nào đó, không có gì mới lạ khi biết rằng từ ngàn xưa, nó đã là vấn đề gây chia rẽ nhân loại; nhưng trong giai đoạn phát triển mà những dân tộc văn minh hơn của nhân loại hiện đang dự phần, nó đã tự bộc lộ dưới những điều kiện mới, và đòi hỏi một sự nghiên cứu có tính chất khác với trước đây và căn bản hơn.
I.
Mục tiêu của tập tiểu luận này là xác quyết một nguyên lý giản đơn được dùng để chi phối một cách tuyệt đối các giao dịch giữa xã hội với cá nhân theo phương thức cưỡng bách và kiểm soát, cho dù phương tiện được sử dụng có là vũ lực, dưới hình thức hình phạt hợp pháp, hoặc có là sự áp chế tinh thần của công luận. Nguyên lý ấy là sự tự vệ, cứu cánh duy nhất mà nhờ đó con người được bảo vệ, về phương diện cá nhân hay tập thể, khi quyền tự do hành động của bất cứ ai trong số họ bị sách nhiễu. Mục đích duy nhất mà quyền lực có thể được áp dụng một cách đúng đắn cho bất cứ thành viên nào của một cộng đồng văn minh, trái với ý chí của anh ta, là nhằm ngăn ngừa sự tổn hại đến người khác. Lợi ích, vật chất lẫn tinh thần, của chính anh ta không phải là một lý do chính đáng đủ để cho phép cưỡng bách hành vi của anh ta. Không thể nại ra những lý do như làm như thế là tốt hơn cho anh ta, hoặc sẽ khiến anh ta hạnh phúc hơn, hoặc theo ý kiến của người khác, làm như thế là khôn ngoan và đúng đắn, để, một cách hợp pháp, buộc anh ta phải hoặc không phải thực hiện một hành vi. Tất cả những điều này đều là những lý lẽ xác đáng có thể dùng để khiển trách, khuyên can, thuyết phục hay khẩn nài anh ta, nhưng không được dùng để ép buộc hoặc trừng phạt anh ta trong trường hợp anh ta làm ngược lại. Để biện minh cho hành động cưỡng buộc đó, hành vi mà người ta mong muốn ngăn chặn nơi anh ta phải được giả định là có thể gây nguy hại cho kẻ khác. Chỉ có hành vi nào mà vì đó, anh ta phải chịu trách nhiệm với xã hội thì mới là hành vi liên quan đến kẻ khác. Còn những hành vi chỉ liên quan đến chính anh ta, thì sự độc lập của anh ta là tuyệt đối và hợp pháp. Cá nhân có toàn quyền về thể xác và tinh thần; hay nói cách khác, về chính bản thân mình.
Có lẽ hầu như không cần thiết khi nói rằng nguyên lý này chỉ áp dụng cho những người đã trưởng thành về năng lực tinh thần. Chúng ta không nói đến trẻ con hoặc những người dưới độ tuổi mà luật pháp quy định là tuổi trưởng thành. Những ai vẫn còn đang nằm trong tình trạng chịu sự giám hộ của người khác đều phải được bảo vệ chống lại sự tổn hại do chính hành vi của mình cũng như là các tác động bên ngoài gây ra. Cũng với lý do tương tự, chúng ta không xét đến tình trạng lạc hậu của xã hội mà trong đó con người vẫn có thể được xem là chưa trưởng thành. Những khó khăn ban đầu trong tiến trình phát triển tự phát thường to lớn đến mức hiếm khi có được một sự chọn lựa phương tiện để vượt qua; và một nhà cai trị tràn đầy nhiệt tâm trong hành động hoàn thiện được bảo đảm quyền áp dụng bất cứ biện pháp thích hợp nào để đạt được mục đích, mà nếu làm ngược lại thì có lẽ không thể đạt được. Sự chuyên chế là một mô thức cai trị chính đáng khi đối phó với những kẻ dã man, miễn là cứu cánh của nó phải là việc hoàn thiện họ, và phương tiện sẽ được biện minh thông qua việc thi hành thực sự cứu cánh đó. Tự do, với vai trò là một nguyên lý, không áp dụng cho những hoàn cảnh trước khi nhân loại có thể được hoàn thiện thông qua sự thảo luận tự do và bình đẳng. Cho đến giai đoạn đó, đối với họ, không còn chọn lựa nào khác ngoài sự vâng phục tuyệt đối một đấng Akbar [1] hoặc Charlemagne [2] nào đó, nếu như họ may mắn tìm được. Nhưng khi con người có được khả năng tự dẫn dắt mình đến sự hoàn thiện bằng cách thuyết phục (điều này, từ lâu, đã được thực hiện tại tất cả các quốc gia mà chúng ta cần phải lưu tâm đến ở đây), thì sự cưỡng bách – hoặc là dưới hình thức ép buộc trực tiếp, hoặc là bằng hình phạt dành cho hành vi bất tuân – đã không còn là một phương tiện có thể chấp nhận đối với lợi ích của họ, và chỉ có thể được biện minh bằng sự an nguy của kẻ khác.
Hoàn toàn chính xác khi nói rằng tôi không thụ nhận bất cứ lợi điểm nào xuất phát từ ý niệm về cái đúng trừu tượng, như là một khái niệm không tùy thuộc vào tính hữu dụng, để áp dụng cho lập luận của mình. Tôi xem tính hữu dụng là một yêu cầu căn bản cho mọi vấn đề luân lý; nhưng nó phải là tính hữu dụng trong ý nghĩa rộng lớn nhất, được đặt nền tảng trên lợi ích lâu dài của một người với tư cách là một sinh thể tiến bộ. Tôi nghĩ rằng các lợi ích đó cho phép đặt sự kiểm soát từ bên ngoài vào các hành vi tự phát cá nhân khi mà các hành vi ấy can dự đến lợi ích của người khác. Nếu người nào thực hiện một hành vi gây nguy hại đến kẻ khác, sẽ có một vụ kiện sơ khởi [3] để trừng phạt anh ta bằng luật pháp, hoặc khi chưa thể áp dụng các hình phạt pháp lý, thì bằng những hình thức phản đối có tính chất phổ biến. Ngoài ra, có nhiều hành vi tích cực vì lợi ích của người khác mà anh ta có thể bị bắt buộc phải thực hiện; chẳng hạn như làm chứng trước tòa, đóng góp cho công cuộc quốc phòng hoặc cho các công việc chung khác có tính chất thiết yếu đối với lợi ích xã hội mà anh ta thụ hưởng sự bảo vệ; thực hiện những hành vi cứu tế cá nhân -- ví dụ như cứu mạng đồng loại, can thiệp để bảo vệ người không có khả năng tự vệ thoát khỏi hành vi ngược đãi -- hoặc những việc mà một người có nghĩa vụ phải làm, mà nếu không làm, sẽ chịu trách nhiệm trước xã hội một cách thích đáng.
Nhưng có một khu vực ảnh hưởng, trong đó xã hội, khi được phân biệt với cá nhân, chỉ có quyền lợi gián tiếp; khu vực này bao hàm tất cả phần đời và cách xử sự của một con người mà chỉ tác động đến chính anh ta, hoặc nếu có đến người người khác, thì cũng với sự tự nguyện, sự ưng thuận và dự phần không xuất phát từ hành vi bị lừa mị của họ. Tôi dùng cụm từ “chính anh ta” với ý nghĩa “một cách trực tiếp” và “trong trường hợp đầu tiên”, bởi vì bất cứ điều gì tác động đến anh ta đều có thể tác động đến người khác thông qua anh ta; và sự phản bác dựa trên sự ngẫu nhiên này sẽ được xem xét sau. Vậy thì, đây là lãnh vực thích hợp đối với sự tự do của con người. Thứ nhất, nó bao gồm khu vực nội tâm của sự nhận thức, tự do tín ngưỡng trong ý nghĩa toàn diện nhất, tự do suy tư và cảm nhận, tự do tuyệt đối về việc bày tỏ ý kiến và xúc cảm đối với mọi đề tài, dù là có tính chất thực tế hay suy diễn, khoa học, luân lý hay thần học. Quyền tự do bày tỏ và công bố ý kiến hình như chịu sự chi phối của một nguyên lý khác, bởi vì nó tùy thuộc vào phần hành xử cá nhân có liên quan đến người khác; nhưng hầu như nó cũng có tầm quan trọng lớn lao như quyền tự do tư tưởng, và đa phần dựa vào cùng một lý lẽ, đồng thời trên thực tế luôn luôn gắn liền với quyền tự do tư tưởng. Thứ hai, sự tự do của con người bao hàm quyền tự do về cảm thụ thẩm mỹ và theo đuổi nghề nghiệp; quyền tự do hoạch định những dự tính của cuộc đời sao cho phù hợp với tính cách của mình; quyền tự do làm những gì mình thích mà không gặp phải trở ngại từ phía đồng loại, miễn sao điều ta làm không gây hại cho họ, dẫu rằng họ có nghĩ hành vi của ta là xuẩn ngốc, vô lý hay sai lầm. Thứ ba, từ quyền tự do này của mỗi cá nhân đưa đến quyền tự do, trong cùng một giới hạn với quyền tự do của mỗi cá nhân, kết hợp giữa nhiều cá nhân; tức là sự tự do liên kết vì bất cứ mục đích gì, miễn không gây hại đến kẻ khác: các cá nhân kết hợp với nhau được giả định là đã trưởng thành và không bị cưỡng ép hay lừa mị.
Không một xã hội nào, mà trong đó các quyền tự do này không được tôn trọng, lại được xem là có tự do, cho dù chính quyền của nó được hình thành dưới bất cứ hình thức nào; và không một xã hội nào hoàn toàn có tự do, khi mà trong đó các quyền tự do nói trên không tồn tại một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Tự do theo đúng nghĩa chính là tự do mưu tìm lợi ích riêng theo cách riêng của chúng ta, miễn là không tước đoạt lợi ích của người khác hoặc cản trở nỗ lực của họ trong việc đạt được lợi ích. Mỗi người đều có quyền bảo vệ một cách chính đáng sự khang kiện thể xác, tinh thần và tâm linh của chính mình. Con người sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu như để cho người khác được sống hạnh phúc theo cách của chính họ, hơn là buộc người khác phải sống hạnh phúc theo cách của mình.
II.
Người ta hy vọng cái thời mà sự bảo vệ “quyền tự do báo chí” cần được xem như là một trong các biện pháp an toàn chống lại sự nhũng lạm và chuyên chế của chính quyền đã trôi qua. Chúng ta có thể cho rằng hiện nay không cần thiết phải đưa ra bất cứ lập luận nào nhằm chống lại việc cho phép một cơ quan lập pháp hoặc hành pháp, khi chúng không có cùng quyền lợi với người dân, áp đặt ý kiến lên dân chúng và quyết định học thuyết hoặc lý lẽ nào mà họ được phép nghe theo. Bên cạnh đó, khía cạnh này của vấn đề đã được các tác gia tiền bối củng cố một cách thường xuyên và hiệu quả, cho nên cũng không cần phải đặt ra ở đây, (…) và nhìn chung, tại các quốc gia cai trị bằng hiến pháp, người ta sẽ không hiểu rằng chính quyền, dẫu hoàn toàn có trách nhiệm với dân chúng hay không, cũng sẽ thường xuyên cố gắng kiểm soát sự bày tỏ ý kiến, ngoại trừ khi thực hiện điều đó, nó tự biến thành một tổ chức không được công luận dung thứ. Vì thế, nếu giả sử rằng chính quyền hoàn toàn hòa hợp với dân chúng, thì cũng đừng bao giờ nghĩ đến việc có thể áp dụng được bất cứ quyền lực xuất phát từ sự ép buộc nào, trừ phi nó không đi ngược lại với những gì được cho là tiếng nói của người dân. Tuy nhiên, tôi phủ nhận quyền của người dân khi họ hành xử sự ép buộc như thế, kể cả việc họ tự mình hoặc thông qua chính quyền thực hiện điều đó. Tự thân quyền lực đó luôn luôn có tính chất bất hợp pháp. Chính quyền tốt nhất, cũng như kém nhất, không hề có đủ tư cách thụ hưởng cái quyền lực đó. Nó rất nguy hại, và càng nguy hại hơn khi được áp dụng theo ý muốn của công luận so với khi được áp dụng ngược lại với ý muốn ấy. Nếu mọi người, trừ một người, đều có cùng một ý kiến, và một người trừ ra ấy lại có ý kiến ngược lại, thì việc mọi người bắt người duy nhất ấy ngậm miệng và người ấy – khi có quyền lực trong tay -- bắt mọi người ngậm miệng đều vô lý như nhau. Nếu ý kiến được ví như là một tài sản cá nhân và hoàn toàn không có giá trị gì ngoại trừ đối với sở hữu chủ; nếu việc bị cản trở thực thi quyền sở hữu đối với tài sản ấy đơn giản chỉ là một sự tổn hại riêng tư, việc bị cản trở ấy sẽ gây ra một sự ảnh hưởng nào đó, dẫu cho sự tổn hại có nhằm vào một số ít hay vào nhiều người. Nhưng sự xấu xa đặc biệt của việc tước đoạt quyền bày tỏ ý kiến nằm ở chỗ nó là hành vi đánh cướp loài người, cả thế hệ hiện tại lẫn thế hệ tương lai; đồng thời, người bất đồng ý kiến bị đánh cướp nhiều hơn so với người đồng tình với nó. Nếu ý kiến ấy đúng, thì họ bị lấy mất cơ hội gạt bỏ cái sai lầm để có được cái đúng đắn; nếu sai, thì họ đánh mất một lợi ích hết sức to lớn, đó là một sự cảm nhận tường minh và sinh động hơn, phát sinh từ những va chạm với cái sai, về chân lý.
Cần phải xem xét riêng biệt hai giả thuyết này, mà mỗi trong hai đều có những lập luận riêng phù hợp với nó. Chúng ta không bao giờ có thể đoan chắc rằng ý kiến mà chúng ta đang cố gắng đàn áp là một ý kiến sai; và dù cho chúng ta chắc chắn như thế, thì đàn áp vẫn cứ là một hành vi xấu xa.
Lý do đầu tiên là vì cái ý kiến bị đàn áp bằng uy quyền vẫn có thể đúng. Những ai muốn đàn áp nó, lẽ cố nhiên, sẽ phủ nhận tính đúng đắn của nó; nhưng họ đâu phải là kẻ không thể sai lầm. Họ không có thẩm quyền để định đoạt vấn đề này thay cho mọi người, và tước đoạt phương tiện xét đoán của người khác. Khước từ lắng nghe một ý kiến, vì quả quyết rằng nó sai, đồng nghĩa với việc cho rằng sự quả quyết ấy là một sự quả quyết có tính cách tuyệt đối đúng. Mọi hành vi làm câm bặt sự tranh luận đều dựa vào lối giả định về sự không thể sai lầm này. Có thể dựa vào lập luận bình thường này -- dẫu bình thường nhưng không phải là kém hiệu quả -- để lên án hành vi vừa nói.
Thật không may, đối với lương thức của con người, sự thật về tính có thể sai lầm, điều lúc nào cũng được phép đặt ra về phương diện lý thuyết, lại không có tầm quan trọng trong sự xét đoán thực tiễn của họ; trong khi ai cũng biết rõ mình có thể sai lầm, nhưng ít người nào lại thấy cần phải lưu ý đến điều này nơi chính họ, hoặc thừa nhận một giả thuyết rằng bất cứ ý kiến nào, cho dù họ cảm thấy chắc chắn đến đâu đi nữa, đều có thể là một trong nhiều ví dụ về sự sai lầm mà chính họ thường thừa nhận là kẻ phải chịu trách nhiệm. Những bậc quân vương độc đoán, hoặc những người đã quen với việc được tôn kính một cách vô giới hạn, thường có sự tin tưởng hoàn toàn vào ý kiến của họ về mọi đề tài. Những người ở trong hoàn cảnh sung sướng hơn kẻ khác, những người mà thảng hoặc mới được nghe lời phản bác ý kiến của mình và quen với việc được cho là đúng trong khi thực ra là sai, thường đặt sự tin cậy vô độ vào ý kiến của họ khi nó được chia sẻ với mọi người xung quanh, hoặc với những người hay chìu chuộng; khi một người thiếu sự tin tưởng vào sự xét đoán của chính mình, anh ta thường, với niềm tin tuyệt đối, dựa dẫm vào tính không thể sai lầm của “ngoại giới” nói chung. Và cái ngoại giới ấy, đối với mỗi cá nhân, có nghĩa là phần mà anh ta có mối tương giao: đảng phái, giáo phái, nhà thờ và giai cấp xã hội của anh ta; vì vậy, nếu đem so sánh với cá nhân vừa nói ấy, thì người ta có thể xem một người là hào phóng và bao dung, khi mà đối với anh ta, ngoại giới chính là bất cứ điều gì có tính bao quát như đất nước hoặc thời đại mà anh ta đang sống. Niềm tin đặt vào uy thế tập thể này của anh ta không hề bị lung lay bởi việc nhận thức rằng các thời đại, quốc gia, giáo phái, nhà thờ, giai cấp và đảng phái khác đã nghĩ, hoặc thậm chí hiện đang nghĩ, đến điều ngược lại. Anh ta chuyển giao cho ngoại giới của mình cái trách nhiệm đứng về phía cái đúng để chống lại các ngoại giới mang tính bất đồng với anh ta của người khác; và anh ta không bao giờ băn khoăn rằng chính sự tình cờ đã định đoạt cái ngoại giới nào trong số muôn vàn ngoại giới trở thành nơi chốn để cho anh ta nương tựa, và rằng những duyên do biến anh ta thành một tín đồ Anh giáo ở Luân-đôn cũng có thể làm cho anh ta trở thành một tín đồ Phật giáo hoặc Khổng giáo ở Bắc-kinh. Tuy nhiên, rõ ràng là các thời đại cũng mang nhiều đặc tính có thể sai lầm không kém gì cá nhân; mỗi thời đại đều ủng hộ nhiều quan niệm mà các thời đại sau đó chẳng những cho rằng sai lầm mà còn phi lý; và hẳn nhiên sẽ có nhiều quan niệm phổ biến hiện nay bị các thời đại tương lai phản bác, tương tự như nhiều quan niệm từng được xem là phổ biến đang bị hiện tại phản bác.
Người ta có thể bác bỏ lập luận này bằng hình thức như sau. Không có giả định về tính không thể sai lầm nào trong việc ngăn cấm truyền bá cái xấu lại quan yếu hơn sự giả định trong những hành vi mà cơ quan công quyền thực hiện đối với sự phán xét và trách nhiệm của nó. Sự phát xét được trao cho con người để họ có thể sử dụng nó. Vì sự phán xét có thể bị sử dụng một cách sai lầm, cho nên con người cần phải được bảo rằng không nên sử dụng nó chăng? Ngăn cấm điều được nghĩ là nguy hại không phải là cả quyết rằng mình không sai lầm, nhưng là thi hành bổn phận mà mình có trách nhiệm đảm đương, dẫu có thể phải sai lầm vì hành động dựa trên niềm tin lương tâm. Nếu không bao giờ hành động theo ý kiến của mình vì e rằng ý kiến đó có thể sai, thì tất cả quyền lợi của chúng ta sẽ không được chăm nom và mọi bổn phận của chúng ta không được thi hành. Một sự phản đối áp dụng cho mọi hành vi có thể không là một phản đối có giá trị đối với một hành vi riêng biệt. Bổn phận của chính quyền và cá nhân là phải thiết lập các ý kiến trung thực nhất theo khả năng của họ; thiết lập một cách nghiêm cẩn và không bao giờ áp đặt chúng cho người khác, trừ phi hoàn toàn chắc chắn về sự đúng đắn. Nhưng ngay khi họ đã đoan chắc (những kẻ thích biện giải có thể nói như thế), thì vẫn chỉ là sự đớn hèn, chứ không phải là lòng tận tụy, nếu như tránh né hành động theo ý kiến của mình, và mặc cho các học thuyết mà họ thành thực nghĩ rằng có nguy hại đến lợi ích của con người, cả hiện nay hoặc mãi về sau, được truyền bá rộng rãi mà không hề có sự ngăn chặn nào, bởi vì kẻ khác, trong thời đại ít được khai sáng hơn, đã đàn áp các ý kiến mà nay được tin là đúng. Có thể nói rằng chúng ta hãy cẩn trọng để đừng mắc phải lỗi lầm tương tự: nhưng các chính quyền và quốc gia đã mắc nhiều lỗi lầm trong những chuyện khác, những chuyện không thể chối bỏ là các đề tài thích hợp cho việc hành xử quyền lực: họ đã đánh thuế cao, gây ra những cuộc chiến bất công; vậy chẳng lẽ chúng ta bãi bỏ thuế khoá và không cần đến chiến tranh? Con người, kể cả chính quyền, đều phải hành động một cách hữu hiệu nhất, tùy theo khả năng của mình. Không có điều gì là điều chắc chắn tuyệt đối, nhưng có những sự chắc chắn đủ để đáp ứng cho các mục đích của đời sống con người. Chúng ta có thể, và phải, giả định rằng ý kiến của mình là đúng nhằm để hướng dẫn hành vi: và sẽ không còn giả định nữa, khi chúng ta ngăn chặn được kẻ xấu làm băng hoại xã hội bằng cách truyền bá những ý kiến mà chúng ta xem là ngụy trá và độc hại.
Tôi xin trả lời rằng sự giả định vẫn sẽ tiếp diễn với một mức độ lớn hơn. Có sự khác biệt to lớn giữa việc giả định một ý kiến là đúng bởi vì nó vẫn chưa bị phủ nhận, mặc dầu người ta có mọi cơ hội để phủ nhận nó, với việc giả định nó là đúng nhằm mục đích không cho phép người khác phủ nhận. Sự tự do hoàn toàn trong việc phủ nhận và bài bác ý kiến chính là điều kiện để biện minh cho mình khi giả định tính đúng đắn của nó nhằm đưa ra một hành động; và không có điều kiện nào khác để cho con người, với những năng lực cố hữu của mình, có thể lấy đó làm sự bảo đảm hữu lý cho tính đúng đắn.
Khi xem xét quá trình đưa ra ý kiến hoặc cách thức hành xử thông thường của đời sống con người, thì chúng ta dùng điều gì để lý giải rằng cái này và cái kia đều không tệ hơn đặc tính vốn có của chúng? Chắc chắn điều đó không phải là sức mạnh cố hữu trong sự hiểu biết của con người; bởi vì trước một vấn đề không phải là sự thật hiển nhiên, thường có đến chín mươi chín người không có khả năng xét đoán về nó và chỉ một người có được năng lực ấy; hơn nữa, khả năng của người thứ một trăm cũng chỉ có tính cách tương đối; bởi vì đa số những nhân vật ưu tú của mọi thế hệ quá khứ đều đã ủng hộ nhiều ý kiến mà nay ai cũng biết là không đúng, đồng thời đã thực hiện hoặc tán đồng nhiều việc mà hiện giờ không còn ai chấp thuận nữa. Thế thì một cách tổng quát, lý do gì mà trong nhân loại lại có sự lấn át của các ý kiến và hành xử hữu lý? Nếu quả thực có sự lấn át này -- điều phải có, bằng không thì các vấn đề của nhân loại đã và đang nằm trong tình trạng gần như là tuyệt vọng – thì nguyên do của nó xuất phát từ một phẩm tính của tinh thần con người, cội nguồn của tất cả những gì đáng kính nơi con người trong vai trò là một sinh linh có tri thức hay một sinh linh luân lý, phẩm tính đó là: lỗi lầm của anh ta có thể sửa chữa được. Bằng kinh nghiệm và sự thảo luận, anh ta có thể tu chỉnh những điều lầm lẫn – nhưng không phải chỉ bằng kinh nghiệm. Cần phải có thảo luận mới thấy được ý nghĩa của kinh nghiệm là như thế nào. Các ý kiến và lề thói sai lầm dần dần sẽ nhượng bộ các sự kiện và lập luận; nhưng phải đưa ra sự kiện và lập luận trước, rồi sau đó chúng mới có thể gây tác động đến tâm trí con người. Rất ít sự kiện nói lên được nội dung của câu chuyện mà chúng góp phần hình thành, nếu như không nhờ vào những lời bình phẩm làm bật ra ý nghĩa của chúng. Toàn bộ sức mạnh và giá trị của sự xét đoán tùy thuộc vào một đặc tính, đó là: sự xét đoán có thể được cho là đúng trong khi lại là sai, và người ta có thể đặt niềm tin vào nó khi nào nắm giữ trong tay phương tiện giúp nhận biết được nó là đúng. Lý do tại sao khiến cho sự xét đoán của một người trở nên thực sự đáng tin? Nguyên nhân là vì anh ta đã đón nhận sự phê phán dành cho ý kiến và hành vi của mình. Bởi vì anh ta có thói quen lắng nghe mọi lời lẽ trái ngược với ý mình, thu nhặt thật nhiều lợi ích từ việc lắng nghe đó, giải thích cho chính mình, và đôi khi cho cả người khác, sự ngụy trá của những điều sai lầm. Bởi vì anh ta nghĩ rằng cách duy nhất mà một người có thể làm để đến gần với sự hiểu biết toàn bộ một vấn đề là phải lắng nghe điều mà người có ý kiến khác phát biểu về nó và phải nghiên cứu tất cả các cách thức nhìn nhận từ những người có đặc điểm trí tuệ khác nhau. Không một bậc minh triết nào có được sự thông tuệ nếu không thực hiện điều này; tương tự như vậy, bản chất của tri thức nhân loại cũng sẽ không trở nên minh sáng bằng bất cứ phương cách nào khác. Thói quen thường xuyên tu chỉnh và hoàn thiện ý kiến của chính mình bằng cách đối chiếu nó với ý kiến của người khác - điều này không hề tạo ra sự hoài nghi và do dự khi thực hiện nó – là nền tảng vững chắc duy nhất để có được sự tin cậy đúng đắn vào nó: bởi vì khi nhận biết tất cả những điều trái ngược với ý kiến của mình, đồng thời giữ vững quan niệm của mình trước những kẻ phản bác - cần phải biết rằng anh ta đã truy tầm mọi điều phản đối và hứng chịu nhiều gian khó, thay vì lẩn tránh chúng và che đậy không cho bất cứ ánh sáng nào có thể soi rọi vào vấn đề - anh ta hoàn toàn có quyền nghĩ rằng sự xét đoán của mình tốt đẹp hơn sự xét đoán của bất cứ người nào khác, hoặc của đám đông, những kẻ chưa bao giờ trải qua một tiến trình tương tự.
Không phải là quá mức khi đòi hỏi những gì mà các bậc thông tuệ nhất của nhân loại, những người có đủ thẩm quyền nhất để tin vào xét đoán của chính mình, thấy cần thiết phải tin cậy vào, nên được một tập hợp hỗn tạp gồm một vài người mẫn tuệ và nhiều kẻ kém cỏi – cái tập họp mà người ta gọi là công chúng - thẩm định.
Tôi xin được nhận xét rằng cái cảm giác tin chắc vào một học thuyết (dù cho đó là học thuyết gì đi chăng nữa) không phải là điều mà tôi gọi là giả thuyết về tính không thể sai lầm. Đó chính là sự định đoạt vấn đề cho người khác mà không cho phép họ nghe ý kiến đối lập. Tôi kịch liệt bài bác và lên án thái độ ngạo ngược này, ngay cả khi nó được đưa ra để ủng hộ những niềm tin thiêng liêng nhất của tôi. Dẫu sự thuyết phục của một người nào đó có tính cả quyết đến đâu đi chăng nữa, dẫu sự thuyết phục ấy không chỉ nói về sự ngụy trá, mà còn về các hệ lụy tai hại – không chỉ về các hệ lụy tai hại, mà còn về sự vô luân và sự nghịch đạo (dù cho có sử dụng những lối biểu đạt mà tôi hoàn toàn lên án) – của một ý kiến, nhưng nếu như khi theo đuổi sự xét đoán có tính tư riêng đó, dù có được hậu thuẫn từ phía công luận của quốc gia loặc từ phía những người cùng thời với mình, anh ta lại cản ngăn không cho người khác nghe lời lẽ biện hộ, ôhì anh ta đã tỏ vẻ mình là kẻ không thể sai lầm. Sự việc ý kiến bị phản bác được xem là vô luân và nghịch đạo không có nghĩa là cái thái độ ra vẻ không đối hoặc ít có tính chất nguy hiểm; trái lại, trong những tình huống như vậy, nó càng là điều vô cùng tai hại. Đây chính là các trường hợp mà những người của một thế hệ gây ra những sai lầm tồi tệ khiến hậu thế phải ngạc nhiên và kinh hoàng. Trong số đó, chúng ta có thể tìm thấy nhiều trường hợp đáng nhớ từng xảy ra trong lịch sử, khi người ta dùng cánh tay luật pháp để tận diệt những người ưu tú nhất và những học thuyết cao cả nhất, mặc dầu vẫn có một vài trong số các học thuyết đó sống sót để được viện dẫn nhằm bảo vệ (đây quả là như một chuyện khôi hài) cho hành vi tận diệt tương tự nhắm vào chính những người bất đồng quan điểm hoặc vào sự biện giải đúng đắn của họ.
Con người hầu như không được thường xuyên nhắc nhở rằng từng có một người đàn ông tên là Socrates, mà giữa ông và nhà cầm quyền cùng với công luận thời bấy giờ đã xảy ra một cuộc va chạm đáng nhớ. Sinh ra trong một thời đại và một đất nước đầy ắp những biểu tượng cao cả cá nhân, người đàn ông này được những người thấu hiểu về ông và thời đại của ông khắc họa lại cho chúng ta như là một con người công chính nhất; trong khi chúng ta biết đến ông như là bậc tiên hiền và hình ảnh mẫu mực của tất cả mọi vị tôn sư rao giảng đức hạnh sau này, cội nguồn làm nảy sinh những cảm hứng cao cả của Plato và thuyết vị lợi sáng suốt – hai suối nguồn luân lý kể từ khi xuất hiện triết lý – của Aristote, “vị thầy của kẻ thức giả [4] .” Socrates, vị thầy của tất cả các tư tưởng gia kiệt xuất tự cổ chí kim này - người mà thanh danh của ông vẫn được lưu truyền hơn hai ngàn năm qua, và hầu như đã lấn át tất cả những tên tuổi đã làm rạng danh cho quê hương ông – sau một phiên tòa, đã bị xử tử bởi chính đồng bào của mình về tội nghịch đạo và vô luân. Nghịch đạo, vì phủ nhận các vị thần thánh được nhà nước thừa nhận; kẻ kết án ông đã quả quyết rằng ông không tin vào thần thánh. Vô luân, vì bị xem như là “kẻ làm hư hỏng thanh niên” bằng các học thuyết và sự huấn giảng của mình. Có mọi cơ sở để tin rằng tòa án đã phán quyết những cáo buộc này đã thật sự thấy ông có tội, đồng thời đã kết án một con người mà có lẽ là một trong những người được sinh ra khi ấy không thể bị xử tử như là một kẻ phạm tội.
Bây giờ xin chuyển sang một ví dụ khác về sự bất công của luật pháp, mà khi nhắc đến, sau khi đã biết về việc kết án Socrates, cũng không hề làm giảm đi giá trị của vấn đề: sự kiện xảy ra ở đồi Sọ hơn một ngàn tám trăm năm về trước. Nhân vật này, người đã gieo vào ký ức của những ai từng chứng kiến cuộc đời và lắng nghe những lời đàm luận của ông một ấn tượng khó phai về phẩm hạnh cao cả, điều mà suốt mười tám thế kỷ sau đó đã khiến ông được mọi người tôn kính như là một đấng Toàn năng, đã bị giết chết một cách nhục nhã như là một kẻ báng bổ thần linh. Con người không chỉ hiểu lầm kẻ gia ân cho họ, mà còn đánh giá sai lầm về người bằng hình ảnh trái ngược với những phẩm tính mà người vốn là, đồng thời còn coi người như là một kẻ nghịch đạo dị thường, điều mà ngày nay người ta dùng để gọi họ chính vì sự đối đãi ấy của họ dành cho người. Những cảm nhận mà nhân loại giờ đây có được qua những hành xử bi thương này, đặc biệt là trong trường hợp thứ hai, đã cho thấy sự bất công tột độ trong sự xét đoán của họ đối với hai kẻ khốn khổ này. Trong mọi phương diện, cả hai không phải là kẻ xấu – chẳng những không xấu hơn nhiều người, trái lại nữa là khác; đối với dân tộc và thời đại, họ là những kẻ ái quốc tràn đầy đức hạnh và niềm tin tôn giáo: là hạng người mà trong bất cứ thời nào, kể cả thời đại của chúng ta, có mọi cơ may để sống trọn một cuộc đời không bị chê trách và được tôn kính. Gã thượng tế, kẻ đã xé nát quần áo của người khi các ngôn từ được thốt lên, những ngôn từ, mà theo mọi lý tưởng của quê hương người, đã cấu thành tội lỗi xấu xa nhất, có lẽ đã hoàn toàn chân thành trong nỗi hận thù và phẫn nộ của hắn ta, giống như đa số những kẻ khả kính và sùng đạo ngày nay trong sự biểu lộ các xúc cảm luân lý và tôn giáo của họ; và đa phần những người mà ngày nay rùng mình kinh sợ trước hành xử của gã thượng tế, ví như đã sống vào thời đó và sinh ra là người Do-thái, thì có lẽ cũng xử sự y như gã. Tín đồ Thiên chúa giáo chính thống, những người thường không tránh được suy nghĩ rằng những kẻ ném đá đến chết các thánh tuẫn đạo đầu tiên hẳn đã là loại người xấu xa hơn chính họ bây giờ, nên nhớ một trong những kẻ ném đá ấy là thánh Phao-lồ.
Chúng ta sẽ trình bày thêm một ví dụ nữa, ví dụ gây ấn tượng nhất, nếu như sự ấn tượng về lỗi lầm được lượng định bằng sự thông tuệ và phẩm hạnh của kẻ chẳng may sa vào điều lầm lỗi. Nếu có bất cứ ai khi nắm giữ quyền lực, đồng thời lại có mọi lý do để nghĩ rằng mình là kẻ giỏi nhất và sáng suốt nhất so với tất cả những người cùng thời, thì đó chính là hoàng đế Marcus Aurelius. Là một bậc quân vương độc đoán của toàn bộ thế giới văn minh, suốt cuộc đời mình, ông đã không chỉ gìn giữ được một nền công lý sáng tỏ, mà còn dung dưỡng một tấm lòng từ ái, điều mà người ta ít trông đợi có được đối với một người thừa hưởng nền giáo dục khắc kỷ như ông. Một ít nhược điểm được gán cho ông đều xuất phát từ sự đam mê, trong khi các tác phẩm của ông, sản phẩm luân lý cao cả nhất của trí tuệ cổ đại, hầu như được người ta nhận thấy không có gì khác biệt với những lời rao giảng tiêu biểu nhất của chúa Jesus. Con người này, một tín đồ Ki-tô giáo lương hảo trong mọi ý nghĩa - ngoại trừ ý nghĩa giáo điều - của từ này, lương hảo hơn hơn hầu hết các vị quốc vương nào khác, xét về bề ngoài, theo Ki-tô giáo từng trị vì thuở ấy, đã ngược đãi Ki-tô giáo. Tuy ngự trị tại một nơi được xem là đỉnh cao của mọi thành tựu tri thức nhân loại trước đó, với một trí năng được khai phóng và một tính cách khiến cho chính ông, thông qua các tác phẩm của mình, trở thành hiện thân của mẫu người lý tưởng Ki-tô giáo, nhưng với trách nhiệm mà ông đã thấu hiểu một cách sâu sắc, ông lại thất bại trong việc nhìn nhận Ki-tô giáo là một tôn giáo mang lại điều thiện, chứ không phải điều ác, cho thế giới. Ông biết rằng xã hội hiện thời đang nằm trong tình trạng tệ hại. Nhưng ông nhận thấy, hoặc nghĩ rằng mình đã nhận thấy, rằng nó có thể được giữ vững và không đi đến tình trạng xấu hơn bằng niềm tin và sự tôn kính dành cho các vị thần thánh đã được thừa nhận. Với tư cách là nhà cai trị, ông coi điều đó là bổn phận của mình với mục đích ngăn chận xã hội bị vỡ vụn thành trăm mảnh, và ông đã không nhận ra cái cách thức, nếu như các mối ràng buộc hiện thời của xã hội ấy bị tháo bỏ, các mối ràng buộc mới có thể được hình thành nhằm đan thắt các giềng mối xã hội lại với nhau. Tôn giáo mới công nhiên nhắm đến mục tiêu này; vì lẽ đó, nếu trách nhiệm của ông không phải là chấp nhận tôn giáo ấy, thì dường như việc tiêu diệt nó là điều dễ hiểu. Bởi vì khi đó triết lý Ki-tô giáo đối với ông có vẻ không phải là chân lý, đồng thời lại không có nguồn gốc thánh thần; bởi vì hình ảnh xa lạ về một Thượng đế bị đóng đinh, đối với ông, không đáng tin; và bởi vì một hệ thống, mà nội dung của nó hoàn toàn dựa trên một nền tảng mà ông không thể nào tin được, không thể được ông nhìn thấy như là một tác động cải cách như nó đã từng minh chứng trên thực tế sau bao nhiêu lần bị triệt hạ; cho nên, kẻ tử tế và hòa nhã nhất của mọi triết nhân và nhà cai trị này, dưới ý nghĩa thiêng liêng của bổn phận, đã ra lệnh đàn áp Ki-tô giáo. Đối với tôi, đây là một trong những sự kiện bi thảm của lịch sử. Còn cay đắng hơn nữa nếu mường tượng rằng Ki-tô giáo có lẽ đã phát triển khác đi rất nhiều nếu như niềm tin Ki-tô giáo được chấp nhận như là một tôn giáo của một đế chế được Marcus Aurelius, thay vì Constantine, trị vì. Nhưng mặt khác, sẽ không công bằng đối với ông, đồng thời cũng sai sự thật khi phủ nhận rằng Marcus Aurelius đã không hề quan tâm đến bất cứ lý lẽ chống lại người Thiên chúa giáo nào; trước đó ông đã đắn đo cẩn trọng để đưa ra các quyết định trừng phạt, như ông đã làm, sự truyền bá Thiên chúa giáo. Không một tín đồ Ki-tô giáo nào tin tưởng một cách kiên định bằng Marcus Aurelius rằng sự vô thần là sai lầm và nó sẽ đưa đến tình trạng phân rã xã hội; ông chính là người lẽ ra được nghĩ là kẻ có khả năng nhất trong việc hiểu rõ giá trị của vấn đề này so với tất cả những ai từng sống vào thời đó. Nếu như có kẻ nào tán đồng sự trừng phạt dành cho hành vi truyền bá quan điểm tự cho rằng mình là người thông minh và lương hảo hơn Marcus Aurelius - có hiểu biết uyên thâm hơn sự minh tuệ của thời đại ông, có tri thức vượt trội hơn hẳn so với thời đại ông, nhiều nhiệt huyết hơn ông trong hành trình truy tầm chân lý, hoặc chuyên tâm hơn ông trong sự tận hiến cho chân lý - bằng không thì hãy bảo anh ta không được tự cho mình và đám đông là những kẻ không thể sai lầm, điều mà Antoninus [5] (tức Marcus Antoninus) vĩ đại đã mắc phải với một kết quả vô cùng bất hạnh.
Phần 2
Chú thích:
[1] Jalaluddin Muhammad Akbar (1542 – 1605): hoàng đế của đế quốc Ấn Độ.
[2] Charlemagne (742? – 814): vua của bộ tộc Frank (768 – 814) và là hoàng đế của người La-mã (800 – 814).
[3] Tạm dịch thuật ngữ prima facie case (một vụ kiện hoặc một cáo buộc phạm pháp mà với các bằng chứng sơ khởi đã cho thấy sự cáo buộc ấy hoàn toàn có cơ sở.)
[4] Nguyên văn tiếng Ý là “i maestri di color che sanno,” mà Mill trích dẫn từ Inferno của Dante (ND).
[5] Marcus Aelius Aurelius Antoninus: tên đầy đủ của Marcus Aurelius.
Cao Hùng Lynh trích dịch
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10808&rb=0301 [2009]
Bản tiếng Anh: On Liberty, John Stuart Mill
Xem thêm: Giới thiệu sách "Bàn về Tự Do" của John Stuart Mill.
http://tutuong.org/node/30
***
Bàn về Tự Do (p. 2/2) - John Stuart Mill
Đăng bởi tutuong.org lúc T2, 04/06/2009 - 00:08III.
Bây giờ chúng ta chuyển sang điểm thứ hai của lập luận, và không xét đến giả định cho rằng bất cứ ý kiến nào được mọi người thừa nhận đều có thể sai lầm, để nghiên cứu giả định cho rằng các ý kiến ấy đúng đắn, đồng thời khảo cứu giá trị của cách thức, mà thông qua đó chúng được ủng hộ, trong khi tính xác thực của chúng lại không được luận bàn một cách tự do và công khai. Dù muốn dù không, một người có một ý kiến vững vàng có thể phải thừa nhận khả năng sai lầm của ý kiến ấy; anh ta buộc phải suy xét rằng ý kiến của anh ta dẫu có xác thực đến đâu chăng nữa, nhưng nếu không được thảo luận một cách trọn vẹn, thường xuyên và mạnh bạo, thì nó sẽ trở thành một thứ giáo điều xơ cứng, chứ không phải một chân lý sinh động.
Có một dạng người (rất may là không còn nhiều như trước đây) cho rằng đã đủ nếu như có kẻ nào đó tán thành không một chút ngờ vực điều mà họ nghĩ là đúng, dẫu kẻ ấy không hề có chút kiến thức gì về vấn đề ấy, đồng thời cũng không có khả năng bênh vực cho nó trước những lời phản bác nông cạn nhất. Những người như thế, một khi nhặt nhạnh được tín điều nào đó từ giới quyền uy, hẳn nhiên sẽ nghĩ rằng sự cho phép đặt vấn đề với tín điều ấy là một hành động chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, thậm chí còn có hại. Nơi nào mà sự chi phối của họ chiếm ưu thế, thì họ sẽ làm cho việc phản bác một cách cẩn trọng và sáng suốt ý kiến được thừa nhận thành điều không thể thực hiện, dẫu cho nó vẫn được phép phản bác một cẩu thả và ngu xuẩn; bởi vì cấm tiệt sự luận bàn là một việc rất khó xảy ra, và nếu như việc cấm đoán này thực hiện được, dù chỉ một lần, thì những niềm tin không dựa trên sự thuyết phục sẽ có xu hướng lùi buớc trước một bản sao sơ sài nhất của một luận điểm. Tuy nhiên, ta không xét đến khả năng này - giả sử như ý kiến chân thực trú ngụ trong tâm trí, nhưng dưới dạng một thành kiến, một niềm tin độc lập với, và một chứng cứ chống lại sự tranh luận – thì đây không phải là cách thức mà qua đó chân lý sẽ được một sinh linh hữu lý duy trì. Đây không phải là sự thấu hiểu chân lý. Chân lý, khi càng được cầm giữ như thế, thì không khác gì một điều cuồng tín – cái mà ngẫu nhiên dính chặt vào những diễn từ biểu tả một chân lý.
Nếu như việc hàm dưỡng tri thức chỉ được thực hiện bằng một phương cách duy nhất, thì đó chính là học hỏi các lập luận mà ý kiến của một người căn cứ vào. Cho dù điều người ta tin tưởng có là gì đi nữa, thì ít nhất họ phải có khả năng chống lại những lời lẽ phản bác thường gặp. Nhưng, có người sẽ nói rằng: “Vậy hãy dạy cho họ các lập luận nền tảng của các ý kiến. Không hẳn người ta nhắc lại như vẹt các ý kiến bởi vì họ chưa bao giờ được nghe những lời lẽ phản bác. Người học hình học không đơn giản chỉ ghi nhớ các định lý, mà còn học và thông hiểu cách chứng minh các định lý ấy; thật là phi lý khi nói họ vẫn mù mờ về các lập luận nền tảng của chân lý hình học, bởi vì họ chưa bao giờ nghe thấy ai phủ nhận hoặc tìm cách bác bỏ chúng.” Không còn nghi ngờ gì nữa, cách giảng huấn như thế luôn luôn mang lại sự thỏa mãn cho một môn học như là toán học, nơi mà tuyệt nhiên không có điều gì được phát biểu để ủng hộ mặt trái của vấn đề. Không có lời phản bác; thế thì sẽ không có lời đáp cho sự phản bác. Nhưng đối với những đề tài mà sự khác biệt ý kiến được tôn trọng, thì sự thật tùy thuộc vào điểm trung dung giữa các lý lẽ xung đột với nhau. Ngay cả trong khoa học tự nhiên, luôn luôn có thêm ít nhất một cách lý giải khác nào đó cho cùng một sự kiện; thuyết địa tâm thay vì là thuyết nhật tâm, chất khí phlogiston thay vì oxygen; và nó cần phải được cho chứng minh cho thấy tại sao lý thuyết kia không thể là một lý thuyết khả tín; khi điều này chưa được chứng minh, và khi chúng ta chưa biết nó được chứng minh như thế nào, thì chúng ta chưa hiểu các lập luận nền tảng của ý kiến chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển sang khảo sát những đề tài phức tạp hơn, như luân lý, tôn giáo, chính trị, giao tế xã hội, các vấn đề của đời sống thường nhật, thì ba phần tư các lập luận tán thành ý kiến đang được tranh cãi đều không màng tới những biểu hiện ủng hộ cho ý kiến khác với nó. Nhà hùng biện vĩ đại nhất của thời cổ đại đã ghi lại rằng lúc nào ông cũng nghiên cứu lập luận của đối phương với một sự cẩn trọng như là, nếu không nói là hơn, của chính ông. Những gì mà Cicero đã thực hành như là phương tiện đạt được sự thành công trong nghệ thuật hùng biện cần phải được tất cả những ai muốn nghiên cứu một đề tài nào đó nhằm vươn tới chân lý học hỏi. Người mà chỉ biết đến những lập luận hậu thuẫn cho ý kiến của mình là kẻ biết rất ít về ý kiến ấy. Lý lẽ của anh ta có thể khúc chiết, mạch lạc, và không ai có thể bác bỏ chúng được. Nhưng nếu anh ta cũng không thể bác bỏ lý lẽ của đối phương; nếu anh ta không thấu đạt những lý lẽ ấy, thì anh ta không có cơ sở để chọn xem ý kiến nào là đúng.
Cũng chưa hợp lẽ nếu như anh ta nghe các vị thầy của mình thuật lại các lập luận của đối phương, đồng thời lại được họ - các vị thầy – cung cấp các lập luận phản bác. Đó không phải là cách thức công bằng khi đối xử với các lập luận, đồng thời cũng không phải là phương cách giúp cho chúng được va chạm thực sự với sự suy tư của anh ta. Anh ta phải nghe chúng từ những người thực sự có niềm tin vào chúng; từ những người nhiệt thành bảo vệ chúng và nỗ lực cực độ vì chúng. Anh ta phải hiểu chúng thông qua một hình thức đáng tin và thuyết phục nhất; anh ta phải cảm nhận được toàn bộ trở lực mà cách nhìn đúng về đề tài phải chạm trán để vượt qua; ngược lại, anh ta sẽ không bao giờ thực sự thủ đắc phần chân lý đang đương đầu để gạt bỏ trở lực ấy. Chín mươi chín trong số một trăm người được gọi là những kẻ có học đều rơi vào tình trạng khư khư biết lấy phần mình, ngay cả những kẻ có khả năng biện bác trôi chảy để bảo vệ quan điểm của họ. Đối với điều họ biết, thì kết luận mà họ đưa ra có thể đúng và cũng có thể sai: họ chưa bao giờ đặt mình vào địa vị tinh thần của những kẻ suy nghĩ khác với họ, và chưa bao giờ quan tâm đến điều mà những người như thế có thể sẽ nói; hậu quả là họ không hiểu biết, với bất cứ ý nghĩa thích đáng nào của động từ này, chính cái học thuyết mà họ rao giảng. Họ không hiểu những phần của học thuyết giải thích và biện mình cho phần còn lại; họ không hiểu các tình trạng mà trong đó một sự kiện nhìn bề ngoài có vẻ mâu thuẫn với một sự kiện khác, nhưng về thực chất chúng lại hòa hợp với nhau, hoặc hai lý lẽ dường như đều vững vàng như nhau, nhưng cái này, chứ không phải cái kia, được chọn. Họ lạ lẫm với phần sự thật định đoạt vấn đề và sự xét đoán của một tâm trí minh tường; điều đó cũng chẳng bao giờ được hiểu, ngoại trừ đối với những ai có sự chú tâm một cách công bằng đến cả hai phía đối lập nhau, đồng thời nỗ lực thông hiểu lý lẽ của cả hai bằng sự nhận thức tỏ tường nhất. Nguyên tắc này, đối với hiểu biết thực sự về các đề tài con người và luân lý, tỏ ra vô cùng quan yếu cho đến nỗi ví như các yếu tố đối lập của mọi chân lý quan trọng không tồn tại, thì người ta buộc phải mường tượng ra chúng – các yếu tố đối lập – và cung cấp cho chúng các lập luận vững vàng nhất mà kẻ phản đối kịch liệt nhất có thể dựng lên.
Cách thức đa số tín đồ ủng hộ các học thuyết Thiên chúa giáo thường được lấy làm ví dụ để minh họa cho mức độ mà các học thuyết về bản chất đã gây nên ấn tượng sâu đậm nhất cho tâm trí có thể lưu trú trong đó như là những tín điều mòn rã, mà không cần phải được nhận ra bằng sự tưởng tượng, bằng cảm xúc hoặc bằng kiến thức. Từ Thiên chúa giáo mà tôi dùng ở đây có nghĩa là tất cả những gì được các giáo hội và giáo phái ghi nhận - những châm ngôn và lời huấn giảng được ghi chép trong kinh Tân Ước. Chúng được xem là thiêng liêng và được tất cả những người rao giảng Thiên chúa giáo chấp nhận như là luật lệ. Tuy nhiên, hầu như không quá đáng khi nói rằng không ai trong số một ngàn tín đồ Thiên chúa giáo dẫn dắt và kiểm nghiệm hành vi của mình bằng những lề luật ấy. Tiêu chuẩn mà anh ta đặt ra là tập quán của dân tộc anh ta, giai cấp của anh ta hoặc niềm tin tôn giáo của anh ta. Vì thế, một mặt anh ta có một tập hợp các nguyên tắc luân lý mà anh ta tin rằng đã được đấng minh sáng bất khả sai lầm ban bố cho mình như là những lề luật chi phối hành vi của anh ta; mặt khác, anh ta nắm giữ một hệ thống xét đoán và thói quen thường nhật, những thứ có sự cách biệt nào đó với một vài lề luật này hay với một số lề luật khác, nhưng không lớn lắm; hệ thống này đứng ở vị trí đối lập với một vài lề luật nào đó, và là, nói một cách tổng quát, một sự thỏa hiệp giữa tín điều Thiên chúa giáo với các quyền lợi và toan tính của đời sống thế tục. Anh ta dành lòng kính trọng cho loại tiêu chuẩn thứ nhất, và sự trung thành thực sự cho loại thứ hai. Mọi người Thiên chúa giáo đều tin rằng người được ban phúc là những kẻ nghèo khó và những kẻ bị trần gian bạc đãi; rằng đưa con lạc đà đi qua lỗ trôn kim còn dễ hơn đưa người giàu có vào nước thiên đàng; rằng đừng phán xét người nếu không muốn bị người phán xét; rằng hãy yêu người khác như yêu mình; rằng nếu kẻ nào lấy của mình chiếc áo choàng ngắn thì đưa thêm cho hắn chiếc áo choàng dài; rằng đừng nghĩ ngợi nhiều về ngày mai; rằng nếu muốn trở thành người lương hảo thì hãy bán hết những gì mình có để chia cho kẻ bần hàn. Họ sẽ không thành thật nếu nói rằng họ tin vào tất cả những điều này. Tuy nhiên họ có tin tưởng vào chúng, bởi vì người ta thường tin vào điều được ngợi ca, nhưng không bao giờ được luận bàn, mà họ nghe hàng ngày. Trong ý nghĩa của một niềm tin sống động, cái có khả năng chi phối hành vi, họ tin các lời thuyết giảng này chỉ đến mức độ mà niềm tin ấy thường tác động lên chúng. Trong tay họ, các lời thuyết giảng ấy được dùng để công kích kẻ thù; và có thể hiểu rằng chúng sẽ được trưng ra (khi có dịp) như là những lý lẽ nhằm ủng hộ bất cứ điều gì người ta làm mà họ nghĩ là đáng được tán dương. Nhưng nếy có ai nhắc nhở họ rằng các câu châm ngôn ấy đòi hỏi rất nhiều điều mà thậm chí chưa bao giờ họ nghĩ đến việc thực hiện, thì lập tức kẻ ấy sẽ bị liệt vào hạng người đáng ghét, luôn ra vẻ ta đây tốt đẹp hơn kẻ khác. Những giáo thuyết không có chút tác động nào đối với hành vi của tín đồ bình thường thì sẽ không có một uy thế nào trong tâm trí họ. Họ có thói quen sùng kính sự tốt đẹp của chúng, nhưng không có một xúc cảm nào được bộc lộ cho những ngôn từ và sự vật mà ngôn từ ấy hàm nghĩa, để thúc buộc tâm trí dung nạp chúng, và từ đó làm cho họ tuân theo giáo thuyết.
Bây giờ, chúng ta có thể đoan chắc rằng Thiên chúa giáo lúc khởi thủy đã không nằm trong trường hợp chúng ta nói bên trên, ngược lại nữa là khác. Nếu Thiên chúa giáo từng như thế, có lẽ nó chẳng bao giờ có thể bành trướng từ một giáo phái không ai biết đến của những người Hebrew bị rẻ khinh thành một tôn giáo của đế quốc La-mã. Khi kẻ thù của họ nói: “Hãy nhìn xem những người Thiên chúa giáo này đã thương yêu nhau biết bao” (một lời nhận xét có lẽ không còn được người ngày nay thốt lên), thì chắc chắn họ - người Thiên chúa giáo - hơn bao giờ hết đã dậy lên một cảm nhận sống động về ý nghĩa của tín điều mà họ theo đuổi. Thấy được điều này, có lẽ chúng ta đã hiểu lý do tại sao ngày nay Thiên chúa giáo không có mấy tiến triển trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng, và sau mười tám thế kỷ, vẫn chỉ tồn tại quanh quẩn nơi người Âu châu và hậu duệ của họ. Ngay cả với các tín đồ thuần thành, những người sống hết lòng cho giáo thuyết và gán nhiều ý nghĩa cho các giáo thuyết ấy hơn so với người khác, thì điều thường thấy là những điều được xem là khá tích cực đọng lại trong tâm trí họ chỉ là những điều do Calvin hoặc Knox, hoặc một người tương tự như thế, kẻ có sự gần gũi hơn với họ về phương diện tính cách, đã tạo ra. Các lời dạy của Chúa Ki-tô tồn tại một cách thụ động trong đầu óc họ, hầu như không gây nên bất cứ tác động nào ngoài cái được tạo ra nhờ vào sự lắng nghe các lời lẽ quá tử tế và hoà nhã. Rõ ràng có nhiều lý do giải thích tại sao các giáo thuyết mà được xem là biểu tượng riêng của một giáo phái lại có được nhiều sinh khí hơn so với những giáo thuyết có tính chất phổ biến đối với tất cả các giáo phái được thừa nhận, và tại sao nhiều bậc tôn sư phải gánh nhận nhiều khổ đau hơn để gìn giữ sức sống trong ý nghĩa của giáo thuyết; nhưng chắc chắn có một lý do là các học thuyết mới lạ thường được truy vấn nhiều hơn và phải đương cự với những kẻ muốn phủ nhận chúng một cách thường xuyên hơn. Cả vị tôn sư và các môn đồ đều thường xao lãng bổn phận ngay sau khi vắng bóng kẻ thù trên chiến địa.
IV.
Vẫn cần phải nói về một trong các nguyên nhân chính khiến cho tính đa dạng của ý kiến trở nên có lợi, và vẫn sẽ tiếp tục nói về điều ấy cho đến khi nào nhân loại bước vào một giai đoạn phát triển tri thức mà khi so với hiện tại, nó đã bước một bước thật dài. Cho đến giờ, chúng ta đã xem xét hai khả năng: ý kiến được thừa nhận có thể sai, và do đó, một ý kiến đối lập với nó có thể đúng; hoặc ý kiến được thừa nhận đúng, ý kiến đúng ấy cần phải có sự va chạm với cái sai của ý kiến đối lập nhằm đưa đến sự lãnh hội minh tường và sự cảm nhận thâm viễn về tính chân xác của nó. Nhưng lại có một trường hợp phổ biến hơn cả hai trường hợp nói trên: khi hai học thuyết xung đột với nhau, thay vì cái này đúng, cái kia sai, thì chúng lại cùng nhau chia sẻ sự thật; và cái ý kiến bất tuân phục luôn là một yếu tố cần thiết để bổ túc cho phần còn khiếm khuyết của sự thật mà học thuyết được thừa nhận của nó chỉ mới thể hiện một phần. Các ý kiến phổ thông nói về các đề tài không rõ ràng thì thường là đúng, nhưng ít khi, hoặc không bao giờ, là sự thật trọn vẹn. Chúng chỉ là một phần của sự thật; đôi khi là phần lớn, đôi khi là phần nhỏ của sự thật, nhưng luôn luôn bị phóng đại, vặn vẹo, ly cách khỏi sự thật mà chúng cần phải được đồng hành và giới hạn trong đó. Mặt khác, một số ý kiến dị giáo thường nương náu trong các sự thật lấp liếm và lôi thôi này, khi muốn bứt phá cái gông cùm đang kìm hãm sự bành trướng của chúng, và muốn tìm kiếm một sự thoả hiệp với sự thật nằm trong ý kiến phổ biến, hoặc khi muốn đương đầu với sự thật ấy nhằm tự biến mình thành một thứ chân lý trọn vẹn thông qua sự độc tôn. Trường hợp sau cùng, cho đến nay, là trường hợp diễn ra thường xuyên nhất, như thể là trong tâm thức con người, tính một chiều lúc nào cũng là quy luật, và tính đa chiều chỉ là ngoại lệ. Do đó, ngay cả trong các cuộc cách mạng nhằm đổi thay quan niệm, vẫn có chuyện phần này của sự thật thì bị dìm xuống, trong khi phần khác được vực lên. Thậm chí sự tiến bộ, cái đáng lẽ phải bổ sung cho, nhưng hầu hết chỉ thay thế một sự thật phiến diện và bất toàn này bằng một sự thật phiến diện và bất toàn khác; việc tu chỉnh chỉ nằm ở chỗ là mảnh sự thật mới được cần đến nhiều hơn, đồng thời cũng phù hợp hơn với sự đòi hỏi của thời đại so với mảnh sự thật cũ, cái mà nó vừa thay thế. Khi mà ý kiến phổ thông mang một đặc tính phiến diện như thế, ngay cả khi nó được đặt trên một nền tảng đúng, thì những ý kiến thể hiện được phần nào đó sự thật mà ý kiến phổ thông không chú ý đến cần phải được trân quý, dẫu mức độ sai sót và nhầm lẫn của nó nằm trong sự thật có đến đâu đi chăng nữa. Không một sự xét đoán nghiêm túc nào về các vấn đề nhân loại bị buộc phải mang tính chất phẫn uất, bởi vì những ai cưỡng ép ta nhìn thấy những sự thật mà ta bỏ sót, luôn luôn, cũng như thế, bỏ sót những sự thật mà chúng ta nhìn thấy. Đúng hơn là, anh ta nghĩ rằng khi mà chân lý phổ biến vẫn mang tính phiến diện, thì người ta cần phải mong muốn nhiều hơn nữa về việc chân lý không phổ biến cũng nên có cho chính nó những kẻ bênh vực mang tính phiến diện; những người như thế thường là những kẻ năng nổ, và cũng là những kẻ thích hợp nhất trong việc áp đặt một sự chú ý miễn cưỡng vào phần sự thật mà họ tuyên bố như thể nó là một sự thật trọn vẹn.
Trong chính trị, hầu như là lẽ thường tình khi mà cả hai đảng phái, một đảng phái chủ trương trật tự hoặc ổn định và một đảng phái chủ trương phát triển hoặc cải cách, đều là những yếu tố thiết yếu cho tình trạng lành mạnh của đời sống chính trị, cho đến khi nào đảng này hoặc ԑảng kia đã khuếch trương được sự chi phối tinh thần của nó, để trở thành một đảng chủ trương cả trật tự lẫn phát triển, hiểu biết và phân biệt được điều cần phải gìn giữ với điều cần phải từ bỏ. Mỗi kiểu cách tư duy của phe này đều sẽ thu nhận được những lợi ích từ các điểm khiếm khuyết của phe kia; nhưng chính sự đối lập của phe kia đã giúp cho cách tư duy của phe này luôn luôn không vượt qua giới hạn của lẽ phải và sự chừng mực. Chỉ khi nào các ý kiến cổ súy cho chế độ dân chủ và chế độ quý tộc, cho tư hữu và bình đẳng, cho hợp tác và cạnh tranh, cho xa hoa và cần kiệm, cho phóng khoáng và gò bó, và tất cả các ý kiến đối lập khác trong đời sống thực tế đều được bảy tỏ một cách tự do như nhau, đều được củng cố và bảo vệ bằng tài năng và sinh lực như nhau, thì cả hai mới có cơ hội đạt được điều mình xứng đáng được hưởng; khi đó chắc chắn trong hai ý kiến đối lập nhau ấy, sẽ có một ý kiến chiếm ưu thế so với cái còn lại. Sự thật, trong những mối ưu tư thực tế của đời sống, vốn phần nhiều chỉ là vấn đề của sự thỏa hiệp và kết hợp các yếu tố đối lập, cho đến nỗi rất ít người có được một tâm trí đủ khả năng bao quát và tính vô tư để tạo ra sự thay đổi bằng một điều gì đó gần như là chân lý, và do đó, sự đổi thay ấy cứ phải được thực hiện bằng một quá trình kiên khổ của một cuộc tranh đấu giữa các chiến binh đang giao chiến với nhau dưới những bóng cờ đầy sự thù nghịch. Đối với bất cứ vấn đề nào trong số các vấn đề quan trọng vẫn còn đang bỏ ngỏ vừa được liệt kê, nếu một trong hai ý kiến đối lập có một sự đòi hỏi mạnh mẽ hơn so với ý kiến còn lại, không chỉ để được thừa nhận, mà còn nhằm đạt được sự cổ súy, thì đó chính là ý kiến thuộc phe thiểu số được nêu lên tại một thời điểm và nơi chốn riêng biệt nào đó. Đó chính là ý kiến hiện đang đại diện cho các quyền lợi bị bỏ rơi, cho phe phái mà sự an sinh của họ đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo vì đã nhận ít hơn cái lẽ ra phải được chia phần. Tôi biết rằng tại đất nước này, không hề có sự bất bao dung đối với sự khác biệt ý kiến liên quan đến các chủ đề vừa kể. Qua nhiều ví dụ, chúng được viện dẫn để cho thấy tính phổ quát của một sự thật rằng duy chỉ thông qua sự đa dạng của ý kiến, thì mới có, trong tình trạng hiện nay của trí tuệ nhân loại, cơ hội tham gia công bằng cho mọi khía cạnh của chân lý. Khi có những người thốt lên lời lẽ đối kháng với sự nhất trí hiển nhiên của cả thế giới về bất cứ đề tài nào, ngay khi cả thế giới có đầy đủ lý lẽ nhất để phản bác họ, thì bao giờ cũng có khả năng rằng những kẻ phản kháng ấy luôn có một điều đáng để được nghe khi họ nói cho chính họ, và rằng chân lý có thể gánh chịu một sự mất mát nào đó vì sự thinh lặng của họ...
Giờ đây chúng ta đã nhận ra tính thiết yếu của sự tự do tư tưởng và tự do bày tỏ ý kiến đối với sự an sinh tinh thần của nhân loại (cái mà mọi sự an sinh khác tùy thuộc vào) được đặt nền tảng trên bốn yếu tố riêng biệt mà chúng tôi sẽ trình bày một cách ngắn gọn như sau:
Thứ nhất, nếu có ý kiến nào bị cản ngăn lên tiếng, thì theo chỗ chúng tôi biết, ý kiến ấy có thể là đúng. Khước từ nó có nghĩa là tự coi mình là không thể sai lầm.
Thứ hai, dẫu ý kiến bị cản ngăn có là một ý kiến sai sót, thì nó vẫn có thể, và thông thường là thế, hàm chứa một phần sự thật; và bởi vì ý kiến phổ thông về bất cứ đề tài nào đều hiếm khi hoặc không bao giờ là sự thật trọn vẹn, cho nên chỉ bằng sự va chạm giữa các ý kiến trái ngược nhau thì phần còn lại của sự thật mới có cơ hội được phơi bày.
Thứ ba, ngay cả ý kiến được mọi người thừa nhận không chỉ đúng, mà còn là sự thật trọn vẹn; chỉ khi nào được, và thực sự, trải qua cuộc truy vấn cam go và nghiêm túc, bằng không thì nó được những kẻ thừa nhận cầm giữ như là một định kiến với sự hiểu biết rất nhỏ bé về các căn do hữu lý của nó. Đồng thời không những thế, mà - đây là yếu tố thứ tư - còn đưa đến sự việc rằng ý nghĩa của học thuyết sẽ lâm vào tình trạng vong thân, hoặc bị suy yếu và bị tước mất tác động đầy sinh lực của nó đối với tính cách và hành vi; khi đó, nó trở thành một sự rao giảng mang tính cách giáo điều, chẳng những không có ích, mà còn làm trở ngại cho sự bày tỏ ý kiến, đồng thời cản ngăn sự phát triển của lòng tin đích thực và chân thành ra khỏi lý trí hoặc kinh nghiệm cá nhân.
V.
Những lý lẽ như trên đã đưa đến một đòi hỏi có tính chất bắt buộc rằng con người phải được tự do hình thành ý kiến và bày tỏ ý kiến của mình mà không phải sợ hãi; chỉ khi nào quyền tự do này được thừa nhận hoặc được xác quyết bất chấp mọi cấm đoán, thì mới không xảy ra các hệ lụy tai ác đối với trí tuệ, đồng thời thông qua đó, đối với bản chất luân lý của con người; sau đây, chúng ta thử khảo sát xem liệu các lý lẽ ấy có không cần đến việc con người phải được tự do hành động theo ý kiến của mình hay không – có nghĩa là được tự do thực hiện các ý kiến ấy trong đời sống mà không bị đồng loại cản trở, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, ngay cả khi nó gây nguy hiểm cho đồng loại. Cố nhiên, điều kiện này là điều không thể thiếu được. Không ai có thể đòi hỏi rằng hành động phải được tự do như ý kiến. Trái lại, ngay cả ý kiến cũng sẽ đánh mất quyền đặc miễn về trách nhiệm khi mà chúng được bày tỏ trong những tình trạng khiến cho sự bày tỏ ấy trở thành một hành động xúi giục một hành vi nguy hại nào đó. Ý kiến đại loại như người bán ngũ cốc là kẻ làm cho người nghèo chết đói, hoặc như tài sản riêng là tài sản do cướp đoạt mà có, không bị cấm đoán khi được truyền bá trên báo chí, nhưng phải gánh chịu sự trừng phạt thích đáng khi được nói cho một đám đông cuồng nộ đang tụ tập trước nhà của người bán ngũ cốc, hoặc khi được giương cao bằng hình thức bích chương, biểu ngữ giữa đám đông như thế. Hành vi, dù thuộc bất cứ dạng nào đi nữa, gây hại cho người khác mà không có nguyên nhân chính đáng, có thể sẽ bị, và trong nhiều trường hợp quan trọng hơn tuyệt đối cần phải bị, chế ngự bởi các quan điểm không tán thành, và khi cần thiết, bởi sự can thiệp chủ động của con người. Quyền tự do cá nhân, vì thế, phải bị giới hạn; anh ta không được phép biến mình trở thành mối hiểm nguy cho người khác. Nhưng nếu anh ta biết tự chế để không gây phiền toái cho kẻ khác trong những việc liên quan đến họ, và chỉ hành động dựa trên thiên hướng và xét đoán của anh ta trong những việc liên quan đến chính mình, thì các lý lẽ nói trên về sự tự do ý kiến sẽ cho thấy rằng anh ta được phép, bằng mọi giá, thực hiện các ý kiến của mình, mà không ai được quyền cấm đoán.
Để duy trì nguyên lý này, khó khăn lớn nhất mà ta gặp phải không nằm ở chỗ sự nhận thức được phương tiện đưa đến cứu cánh, mà nằm ở sự lãnh đạm của con người đối với chính cứu cánh. Ví như người ta cảm nhận được sự phát triển tự do của cá tính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của sự an sinh; đó không chỉ là yếu tố ngang bằng với mọi yếu tố được định rõ bằng các danh từ như văn minh, truyền bá, giáo dục, văn hóa, mà tự thân còn là một bộ phận và điều kiện quan yếu của tất cả những thứ ấy; thì tự do sẽ không lâm vào tình trạng bị rẻ khinh, và việc điều chỉnh biên cương giữa nó và sự chi phối xã hội sẽ không có sự khó khăn bất thường nào. Nhưng điều cay nghiệt là sự tự do cá nhân hầu như không được lối suy nghĩ thông thường nhìn nhận như là một ý niệm có giá trị nội tại hoặc xứng đáng được tôn trọng vì lợi ích của chính nó. Phần đông, khi thỏa mãn với kiểu người mà họ đang là (bởi vì họ chính là kẻ làm cho họ thành kẻ mà họ đang là) không tài nào hiểu được tại sao kiểu người như vậy chưa đủ tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Thậm chí rất ít người xuất thân từ nước Đức hiểu được ý nghĩa của học thuyết mà Wilhelm von Humboldt, một nhân vật xuất chúng trong cả hai vai trò học giả và chính trị gia, đã viết; trong đó, có đoạn như sau: “Cứu cánh của con người, hoặc điều được định đoạt bởi tiếng gọi vĩnh hằng của lý trí, và không phải được gợi lên bởi những khát khao mơ hồ và nhất thời, là sự phát triển cao độ và hài hòa nhất của mọi năng lực nhằm hướng tới cái toàn thể viên mãn và nhất quán;” do đó, đối tượng “mà tất cả con người phải không ngừng hướng mọi nỗ lực tới, cái mà những ai có ý định tác động đến đồng loại đều phải để tâm đến, chính là tính chất tư biệt của năng lực và sự phát triển;” để đạt được điều này, cần phải có hai điều kiện, “sự tự do và tính đa dạng của hoàn cảnh;” từ sự kết hợp tất cả các điều này, chúng ta sẽ có “sinh khí cá nhân và tính đa dạng,” những thứ tự hòa quyện vào nhau trong “sự độc đáo.” [1]
VI.
Các nguyên lý được khẳng định trong những trang này phải được thừa nhận như là xuất phát điểm cho sự thảo luận chi tiết, trước khi có thể cố gắng áp dụng chúng một cách nhất quán cho tất cả các lãnh vực cai trị và đạo đức khác nhau với hy vọng đạt được một sự lợi ích nào đó. Vài nhận xét về các vấn đề chi tiết mà tôi dự định thực hiện đều được dành cho việc minh họa các nguyên lý này, hơn là cho việc theo đuổi các hậu quả của chúng. Không phải tôi đưa ra các ứng dụng, mà là đưa ra các mẫu mực của sự ứng dụng, những thứ có thể giúp mang lại tính sáng sủa cho ý nghĩa và các giới hạn của hai nguyên tắc chủ đạo hình thành toàn bộ lý thuyết của cuốn tiểu luận này, đồng thời giúp đỡ cho sự xét đoán trong việc giữ tình trạng cân bằng giữa chúng, trong những trường hợp không biết phải áp dụng nguyên tắc nào.
Các nguyên tắc ấy là, thứ nhất, cá nhân không phải chịu trách nhiệm trước xã hội về những hành vi của mình khi các hành vi này không ảnh hưởng đến lợi ích của bất cứ ai ngoài anh ta. Sự khuyên răn, hướng dẫn, thuyết phục và xa lánh của người khác, được nghĩ là cần thiết cho lợi ích của chính họ, đều chỉ là những biện pháp mà qua đó xã hội có thể biểu lộ một cách chính đáng sự không ưa chuộng hoặc phản đối dành cho cách hành xử của anh ta. Nguyên tắc thứ hai là đối với các hành vi phương hại đến lợi ích của người khác, thì cá nhân phải chịu trách nhiệm, đồng thời có thể chịu sự trừng phạt của xã hội hoặc luật pháp; việc áp dụng loại trừng phạt này hay loại trừng phạt kia để bảo vệ xã hội sẽ tùy thuộc vào việc xã hội thấy cái nào cần thiết hơn.
Trước nhứt, bởi vì sự gây hại, hoặc khả năng có thể gây hại, đến lợi ích của người khác tự nó đã có thể biện minh cho sự can thiệp của xã hội, cho nên chẳng cần phải giả định về sự biện minh cho hành động như thế. Trong nhiều trường hợp, khi một cá nhân theo đuổi một mục tiêu hợp pháp nào đó, buộc phải làm đau đớn hoặc gây tổn thất cho người khác, hoặc cản trở một lợi ích mà người khác có hy vọng hợp lý trong việc đạt được lợi ích đó, thì vẫn được coi là hợp pháp. Sự đối lập về quyền lợi như thế thường có nguồn gốc sinh từ tính chất thiếu chu toàn của các định chế xã hội. Bất cứ ai thành công trong một nghề nghiệp có quá nhiều người tham gia, hoặc trong một cuộc thi có tính cạnh tranh; bất cứ ai đã loại được đối phương trong cuộc thi tài nhằm giành được một mục tiêu mà cả hai đều khao khát, đều là kẻ hưởng lợi từ sự tổn thất của người khác, từ những nỗ lực hoài công và sự thất vọng của họ. Nhưng theo quan niệm chung, sẽ tốt đẹp hơn cho lợi ích nhân loại khi con người theo đuổi mục tiêu của mình mà không bị nao núng trước những hậu quả như thế. Nói cách khác, xã hội không có quyền can thiệp, dù là về phương diện pháp lý hay luân lý, để làm cho những kẻ thất vọng này thoát khỏi sự thua thiệt; và chỉ có quyền can thiệp khi phương tiện đạt được thành công bị sử dụng trái với lợi ích chung – có nghĩa là dùng các phương cách có tính chất dối trá, lường lọc và cưỡng bức.
Đó là một trong các chức năng không thể chối cãi được của chính quyền là đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tội ác trước khi nó được thực hiện, cũng như truy tìm và trừng phạt kẻ phạm pháp sau đó. Tuy nhiên, chức năng ngăn ngừa của chính quyền có khả năng bị lạm dụng – điều này gây tổn hại cho quyền tự do – hơn rất nhiều so với chức năng trừng phạt, bởi vì hầu như không có phần nào của quyền tự do hành động hợp pháp của một người mà không thể bị mô tả, hẳn nhiên một cách hợp lệ, như là sự gia tăng các điều kiện thuận lợi cho các hành vi phạm pháp. Nhưng nếu một nhân viên công lực, hay ngay cả một tư nhân, trông thấy rõ ràng một kẻ sắp sửa phạm pháp, họ không bị buộc phải đứng xem và không có một phản ứng nào cả, để chờ cho đến khi tội ác được thực hiện, thì mới được can thiệp. Nếu độc dược không bao giờ được mua hoặc dùng vào bất cứ mục đích nào khác ngoài việc làm phương tiện sát nhân, thì cấm mua bán và sản xuất độc dược là một hành động hợp lẽ. Tuy nhiên, nó có thể cần thiết không những cho các mục đích vô hại, mà còn cho các mục đính hữu ích; do đó, các biện pháp cấm đoán không thể áp đặt cho trường hợp có hại mà lại không tác động đến trường hợp vô hại. Một lần nữa, chính cơ quan công quyền phải có trách nhiệm ngăn ngừa những việc bất hạnh xảy ra. Nếu nhân viên công lực hoặc một người nào khác nhìn thấy một người đang cố vượt qua một chiếc cầu được biết chắc chắn là không an toàn, đồng thời không còn thời gian để báo nguy cho anh ta, họ có thể bắt giữ và đưa anh ta quay trở lại, mà không bị coi là xâm phạm quyền tự do của anh ta; vì rằng sự tự do có nghĩa là được làm điều gì mà mình mong muốn, và hẳn nhiên, anh ta không muốn rơi xuống sông. Tuy vậy, khi không có sự chắc chắn, mà chỉ có một nguy cơ về sự thiệt hại, thì không ai, ngoại trừ chính anh ta, có thể phán xét về tình trạng xác đáng của các lý do có thể thúc đẩy anh ta gánh chịu sự rủi ro: vì thế, trong trường hợp này, (trừ phi anh ta là một đứa trẻ, hoặc đang trong tình trạng mê sảng, kích động, hoặc ám ảnh khiến không thể sử dụng toàn bộ khả năng phán đoán), tôi quan niệm rằng anh ta chỉ cần được cảnh báo về sự nguy hiểm, mà không cần cưỡng ép anh ta không được thực hiện hành vi của mình.
Tôi dành phần cuối cùng này để bàn về các vấn đề liên quan đến những giới hạn trong sự can thiệp của chính quyền, điều mà dẫu có quan hệ mật thiết với đề tài của tập tiểu luận này, nhưng, nói một cách chính xác, lại không thuộc về nó. Đây là những trường hợp mà các lý lẽ chống lại sự can thiệp không phụ thuộc vào nguyên lý của quyền tự do: vấn đề cần thảo luận không phải là sự hạn chế hành vi cá nhân, mà là sự trợ giúp anh ta; nói cách khác, chính quyền có nên làm, hoặc buộc anh ta phải làm, một điều gì đó vì lợi ích của chính anh ta hay không, thay vì để cho anh ta tự thực hiện điều đó một cách riêng lẻ hoặc qua sự phối hợp tự nguyện với người khác?
Có ba loại phản đối sự can thiệp của chính quyền, khi mà sự can thiệp ấy chưa tới mức xâm phạm quyền tự do.
Loại thứ nhất là điều cần thực hiện có thể sẽ được cá nhân thực hiện tốt đẹp hơn so với chính quyền. Nói chung, không ai có đặc điểm phù hợp để quản trị bất cứ công việc kinh doanh gì, hoặc để quyết định cách thức hay quyết định ai là kẻ thực hiện công việc kinh doanh ấy bằng những người mà đích thân họ luôn luôn quan tâm đến nó. Nguyên tắc này chỉ trích sự can thiệp thường xuyên của cơ quan lập pháp hoặc nhân viên chính quyền vào tiến trình bình thường của ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, khía cạnh này của đề tài đã được các nhà kinh tế chịnh trị thảo luận đầy đủ, đồng thời không có liên quan mật thiết đến các nguyên lý của tập tiểu luận này.
Loại phản đối thứ hai hầu như liên quan nhiều hơn đến đề tài của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, dẫu cá nhân có thể không thực hiện một việc đặc biệt nào đó không hữu hiệu bằng các viên chức chính quyền; tuy nhiên, người ta vẫn muốn việc ấy được cá nhân, chứ không phải chính quyền, thực hiện, và điều đó được xem như là một cách thức giáo dục tinh thần cho chính anh ta - một kiểu củng cố khả năng hành động tích cực, rèn luyện óc xét đoán và mang lại cho anh ta một sự hiểu biết thông thạo về các vấn đề mà anh ta phải giải quyết. Đây là một đề nghị chính yếu, mặc dầu không phải duy nhất, dành cho một phiên xử bằng bồi thẩm đoàn (trong những vụ kiện phi chính trị), dành cho các định chế thành thị và địa phương mang tính chất phổ thông và tự do; dành cho việc quản trị các hoạt động kỹ nghệ và từ thiện của những hội đoàn thiện nguyện.
Lý do thứ ba, đồng thời là lý do có tính thuyết phục nhất trong việc hạn chế sự can thiệp của chính quyền là sẽ rất nguy hiểm nếu gia tăng quyền lực của chính quyền một cách không cần thiết. Mọi chức năng được bổ sung thái quá vào những chức năng hiện có của chính quyền sẽ khiến cho sự tác động của nó đến những ước vọng và nỗi sợ hãi càng trở nên rộng lớn hơn, đồng thời càng lúc càng biến thành phần nhiều tham vọng của công chúng thành những kẻ nịnh bợ chính quyền, hoặc một đảng phái sắp nắm quyền nào đó, để trục lợi. Nếu như tất cả những xa lộ, đường hỏa xa, ngân hàng, công ty bảo hiểm, các đại công ty cổ phần, trường đại học và hội từ thiện đều là các chi nhánh của chính quyền; thêm nữa, nếu như hội đồng thành phố và chính quyền quận hạt, với tất cả những gì hiện đang thuộc trách nhiệm quản trị của họ, trở thành những bộ phận của chính phủ trung ương; nếu như nhân viên của tất cả các tổ chức này đều do chính quyền chỉ định và trả lương, và trông đợi chính quyền ban phát sự thăng tiến trong cuộc sống; thì không một quyền tự do báo chí và một định chế lập pháp dân cử nào có thể làm cho quốc gia này, hoặc bất cứ quốc gia nào khác, có được sự tự do, và nếu có đi chăng nữa, thì cũng chỉ là sự tự do trên danh nghĩa. Và khi cơ chế hành chánh được xây dựng càng hiệu quả và khoa học, sự tổ chức nhằm thu hút những bàn tay và khối óc ưu tú để làm cho nó hoạt động hữu hiệu càng tinh vi, sự tai hại càng trở nên trầm trọng hơn.
Ví như mọi công việc của xã hội, những công việc cần có sự phối hợp nhịp nhàng hoặc đòi hỏi một tầm nhìn bao quát và rộng khắp, đều nằm trong tay của chính quyền, và ví như các nhân viên chính quyền đều toàn là những con người có khả năng nhất, thì toàn bộ nền văn hóa rộng lớn và những bộ óc đầy kinh nghiệm của đất nước, ngoại trừ những bộ óc thiếu tính thực tiễn, sẽ được tập trung trong một guồng máy quan liêu đông đảo, một hệ thống duy nhất mà các thành phần còn lại của cộng đồng trông đợi vào để thực hiện mọi việc, nghĩa là: dân chúng thì trông đợi vào nó để được dẫn dắt và ra lệnh trong tất cả những việc mà họ phải làm; những kẻ có năng lực và tham vọng thì trông đợi vào nó để có sự phát triển cá nhân. Được chấp nhận để có một chỗ đứng trong guồng máy quan liêu này – và khi đã có thì lại mong muốn một sự thăng quan tiến chức – là mục tiêu duy nhất của tham vọng. Dưới một chế độ như thế, chẳng những đám công chúng đứng bên ngoài, do thiếu kinh nghiệm thực tế, thường không có đủ khả năng để phê phán hoặc giám sát phương thức vận hành của guồng máy quan liêu, mà nếu như sự tử nạn của kẻ bạo chúa hoặc do hoạt động tất nhiên của các định chế đại chúng có tình cờ dựng lên một hoặc nhiều nhà cai trị có khuynh hướng cách tân, thì không một hành động cách tân nào có tác dụng khi nó đi ngược lại lợi ích của guồng máy. Đó là tình trạng bi thảm của đế quốc Nga như đã được cho thấy trong các câu chuyện của những người có cơ hội quan sát nó. Ngay chính Sa hoàng cũng bất lực trước hệ thống quan liêu này; ông có thể đày bất cứ kẻ nào thuộc guồng máy ấy đến vùng Siberia, nhưng ông không thể cai trị mà không có họ, hoặc trái ngược với ý muốn của họ. Mọi sắc lệnh do ông ban hành, họ đều có thể ngấm ngầm phủ quyết bằng cách cản trở không cho chúng được thi hành.
Chính quyền không thể nắm giữ quá nhiều các hoạt động chẳng những không cản trở mà còn trợ giúp và khuyến khích sự nỗ lực và phát triển cá nhân. Sự nguy hại sẽ xảy ra khi mà, thay vì phát huy mọi sức mạnh của cá nhân và tổ chức, thì nó lại thay thế tất cả những điều đó bằng chính cái của nó; khi mà, thay vì phổ biến thông tin, đưa ra những khuyến cáo, và đôi khi có thể thực hiện sự lên án nào đó, thì nó lại buộc cá nhân và tổ chức làm việc trong xiềng xích, gông cùm, hoặc ra lệnh cho họ đứng sang một bên để cho nó làm cái công việc mà lẽ ra những cá nhân và tổ chức ấy làm. Giá trị của một nhà nước, đứng dưới giác độ lợi ích trường kỳ, chính là giá trị của những cá nhân tạo ra nó; và một nhà nước mà cứ trì hoãn các quyền lợi về sự khai phóng trí tuệ và nâng cao kỹ năng quản trị, hoặc bất cứ những gì tương tự như thế do thực tiễn mang lại, của cá nhân; một nhà nước mà cứ làm bé nhỏ công dân của nó, nhằm biến họ trở thành những công cụ dễ sai bảo cho các mục tiêu quyền lợi khác nhau, rồi sẽ thấy rằng với những công dân nhỏ bé, thì chẳng bao giờ thực sự đạt được điều lớn lao nào, và rằng sự hoàn hảo của guồng máy mà vì đó nó hy sinh mọi thứ, cuối cùng chẳng mang lại cho nó lợi ích gì cả, bởi vì sự khan hiếm nguồn năng lượng thiết yếu – cái mà nó đã tống khứ - nhằm giúp cho guồng máy có thể hoạt động một cách trơn tru.
Phần 1
Chú thích:
[1] The Sphere and Duties of Government, Wilhelm von Humboldt, trang 11 – 13, (chú thích của tác giả).
Cao Hùng Lynh trích dịch
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10809&rb=0301 [2009]
Bản tiếng Anh: On Liberty, John Stuart Mill
Xem thêm: Giới thiệu sách "Bàn về Tự Do" của John Stuart Mill.
Bây giờ chúng ta chuyển sang điểm thứ hai của lập luận, và không xét đến giả định cho rằng bất cứ ý kiến nào được mọi người thừa nhận đều có thể sai lầm, để nghiên cứu giả định cho rằng các ý kiến ấy đúng đắn, đồng thời khảo cứu giá trị của cách thức, mà thông qua đó chúng được ủng hộ, trong khi tính xác thực của chúng lại không được luận bàn một cách tự do và công khai. Dù muốn dù không, một người có một ý kiến vững vàng có thể phải thừa nhận khả năng sai lầm của ý kiến ấy; anh ta buộc phải suy xét rằng ý kiến của anh ta dẫu có xác thực đến đâu chăng nữa, nhưng nếu không được thảo luận một cách trọn vẹn, thường xuyên và mạnh bạo, thì nó sẽ trở thành một thứ giáo điều xơ cứng, chứ không phải một chân lý sinh động.
Có một dạng người (rất may là không còn nhiều như trước đây) cho rằng đã đủ nếu như có kẻ nào đó tán thành không một chút ngờ vực điều mà họ nghĩ là đúng, dẫu kẻ ấy không hề có chút kiến thức gì về vấn đề ấy, đồng thời cũng không có khả năng bênh vực cho nó trước những lời phản bác nông cạn nhất. Những người như thế, một khi nhặt nhạnh được tín điều nào đó từ giới quyền uy, hẳn nhiên sẽ nghĩ rằng sự cho phép đặt vấn đề với tín điều ấy là một hành động chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, thậm chí còn có hại. Nơi nào mà sự chi phối của họ chiếm ưu thế, thì họ sẽ làm cho việc phản bác một cách cẩn trọng và sáng suốt ý kiến được thừa nhận thành điều không thể thực hiện, dẫu cho nó vẫn được phép phản bác một cẩu thả và ngu xuẩn; bởi vì cấm tiệt sự luận bàn là một việc rất khó xảy ra, và nếu như việc cấm đoán này thực hiện được, dù chỉ một lần, thì những niềm tin không dựa trên sự thuyết phục sẽ có xu hướng lùi buớc trước một bản sao sơ sài nhất của một luận điểm. Tuy nhiên, ta không xét đến khả năng này - giả sử như ý kiến chân thực trú ngụ trong tâm trí, nhưng dưới dạng một thành kiến, một niềm tin độc lập với, và một chứng cứ chống lại sự tranh luận – thì đây không phải là cách thức mà qua đó chân lý sẽ được một sinh linh hữu lý duy trì. Đây không phải là sự thấu hiểu chân lý. Chân lý, khi càng được cầm giữ như thế, thì không khác gì một điều cuồng tín – cái mà ngẫu nhiên dính chặt vào những diễn từ biểu tả một chân lý.
Nếu như việc hàm dưỡng tri thức chỉ được thực hiện bằng một phương cách duy nhất, thì đó chính là học hỏi các lập luận mà ý kiến của một người căn cứ vào. Cho dù điều người ta tin tưởng có là gì đi nữa, thì ít nhất họ phải có khả năng chống lại những lời lẽ phản bác thường gặp. Nhưng, có người sẽ nói rằng: “Vậy hãy dạy cho họ các lập luận nền tảng của các ý kiến. Không hẳn người ta nhắc lại như vẹt các ý kiến bởi vì họ chưa bao giờ được nghe những lời lẽ phản bác. Người học hình học không đơn giản chỉ ghi nhớ các định lý, mà còn học và thông hiểu cách chứng minh các định lý ấy; thật là phi lý khi nói họ vẫn mù mờ về các lập luận nền tảng của chân lý hình học, bởi vì họ chưa bao giờ nghe thấy ai phủ nhận hoặc tìm cách bác bỏ chúng.” Không còn nghi ngờ gì nữa, cách giảng huấn như thế luôn luôn mang lại sự thỏa mãn cho một môn học như là toán học, nơi mà tuyệt nhiên không có điều gì được phát biểu để ủng hộ mặt trái của vấn đề. Không có lời phản bác; thế thì sẽ không có lời đáp cho sự phản bác. Nhưng đối với những đề tài mà sự khác biệt ý kiến được tôn trọng, thì sự thật tùy thuộc vào điểm trung dung giữa các lý lẽ xung đột với nhau. Ngay cả trong khoa học tự nhiên, luôn luôn có thêm ít nhất một cách lý giải khác nào đó cho cùng một sự kiện; thuyết địa tâm thay vì là thuyết nhật tâm, chất khí phlogiston thay vì oxygen; và nó cần phải được cho chứng minh cho thấy tại sao lý thuyết kia không thể là một lý thuyết khả tín; khi điều này chưa được chứng minh, và khi chúng ta chưa biết nó được chứng minh như thế nào, thì chúng ta chưa hiểu các lập luận nền tảng của ý kiến chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển sang khảo sát những đề tài phức tạp hơn, như luân lý, tôn giáo, chính trị, giao tế xã hội, các vấn đề của đời sống thường nhật, thì ba phần tư các lập luận tán thành ý kiến đang được tranh cãi đều không màng tới những biểu hiện ủng hộ cho ý kiến khác với nó. Nhà hùng biện vĩ đại nhất của thời cổ đại đã ghi lại rằng lúc nào ông cũng nghiên cứu lập luận của đối phương với một sự cẩn trọng như là, nếu không nói là hơn, của chính ông. Những gì mà Cicero đã thực hành như là phương tiện đạt được sự thành công trong nghệ thuật hùng biện cần phải được tất cả những ai muốn nghiên cứu một đề tài nào đó nhằm vươn tới chân lý học hỏi. Người mà chỉ biết đến những lập luận hậu thuẫn cho ý kiến của mình là kẻ biết rất ít về ý kiến ấy. Lý lẽ của anh ta có thể khúc chiết, mạch lạc, và không ai có thể bác bỏ chúng được. Nhưng nếu anh ta cũng không thể bác bỏ lý lẽ của đối phương; nếu anh ta không thấu đạt những lý lẽ ấy, thì anh ta không có cơ sở để chọn xem ý kiến nào là đúng.
Cũng chưa hợp lẽ nếu như anh ta nghe các vị thầy của mình thuật lại các lập luận của đối phương, đồng thời lại được họ - các vị thầy – cung cấp các lập luận phản bác. Đó không phải là cách thức công bằng khi đối xử với các lập luận, đồng thời cũng không phải là phương cách giúp cho chúng được va chạm thực sự với sự suy tư của anh ta. Anh ta phải nghe chúng từ những người thực sự có niềm tin vào chúng; từ những người nhiệt thành bảo vệ chúng và nỗ lực cực độ vì chúng. Anh ta phải hiểu chúng thông qua một hình thức đáng tin và thuyết phục nhất; anh ta phải cảm nhận được toàn bộ trở lực mà cách nhìn đúng về đề tài phải chạm trán để vượt qua; ngược lại, anh ta sẽ không bao giờ thực sự thủ đắc phần chân lý đang đương đầu để gạt bỏ trở lực ấy. Chín mươi chín trong số một trăm người được gọi là những kẻ có học đều rơi vào tình trạng khư khư biết lấy phần mình, ngay cả những kẻ có khả năng biện bác trôi chảy để bảo vệ quan điểm của họ. Đối với điều họ biết, thì kết luận mà họ đưa ra có thể đúng và cũng có thể sai: họ chưa bao giờ đặt mình vào địa vị tinh thần của những kẻ suy nghĩ khác với họ, và chưa bao giờ quan tâm đến điều mà những người như thế có thể sẽ nói; hậu quả là họ không hiểu biết, với bất cứ ý nghĩa thích đáng nào của động từ này, chính cái học thuyết mà họ rao giảng. Họ không hiểu những phần của học thuyết giải thích và biện mình cho phần còn lại; họ không hiểu các tình trạng mà trong đó một sự kiện nhìn bề ngoài có vẻ mâu thuẫn với một sự kiện khác, nhưng về thực chất chúng lại hòa hợp với nhau, hoặc hai lý lẽ dường như đều vững vàng như nhau, nhưng cái này, chứ không phải cái kia, được chọn. Họ lạ lẫm với phần sự thật định đoạt vấn đề và sự xét đoán của một tâm trí minh tường; điều đó cũng chẳng bao giờ được hiểu, ngoại trừ đối với những ai có sự chú tâm một cách công bằng đến cả hai phía đối lập nhau, đồng thời nỗ lực thông hiểu lý lẽ của cả hai bằng sự nhận thức tỏ tường nhất. Nguyên tắc này, đối với hiểu biết thực sự về các đề tài con người và luân lý, tỏ ra vô cùng quan yếu cho đến nỗi ví như các yếu tố đối lập của mọi chân lý quan trọng không tồn tại, thì người ta buộc phải mường tượng ra chúng – các yếu tố đối lập – và cung cấp cho chúng các lập luận vững vàng nhất mà kẻ phản đối kịch liệt nhất có thể dựng lên.
Cách thức đa số tín đồ ủng hộ các học thuyết Thiên chúa giáo thường được lấy làm ví dụ để minh họa cho mức độ mà các học thuyết về bản chất đã gây nên ấn tượng sâu đậm nhất cho tâm trí có thể lưu trú trong đó như là những tín điều mòn rã, mà không cần phải được nhận ra bằng sự tưởng tượng, bằng cảm xúc hoặc bằng kiến thức. Từ Thiên chúa giáo mà tôi dùng ở đây có nghĩa là tất cả những gì được các giáo hội và giáo phái ghi nhận - những châm ngôn và lời huấn giảng được ghi chép trong kinh Tân Ước. Chúng được xem là thiêng liêng và được tất cả những người rao giảng Thiên chúa giáo chấp nhận như là luật lệ. Tuy nhiên, hầu như không quá đáng khi nói rằng không ai trong số một ngàn tín đồ Thiên chúa giáo dẫn dắt và kiểm nghiệm hành vi của mình bằng những lề luật ấy. Tiêu chuẩn mà anh ta đặt ra là tập quán của dân tộc anh ta, giai cấp của anh ta hoặc niềm tin tôn giáo của anh ta. Vì thế, một mặt anh ta có một tập hợp các nguyên tắc luân lý mà anh ta tin rằng đã được đấng minh sáng bất khả sai lầm ban bố cho mình như là những lề luật chi phối hành vi của anh ta; mặt khác, anh ta nắm giữ một hệ thống xét đoán và thói quen thường nhật, những thứ có sự cách biệt nào đó với một vài lề luật này hay với một số lề luật khác, nhưng không lớn lắm; hệ thống này đứng ở vị trí đối lập với một vài lề luật nào đó, và là, nói một cách tổng quát, một sự thỏa hiệp giữa tín điều Thiên chúa giáo với các quyền lợi và toan tính của đời sống thế tục. Anh ta dành lòng kính trọng cho loại tiêu chuẩn thứ nhất, và sự trung thành thực sự cho loại thứ hai. Mọi người Thiên chúa giáo đều tin rằng người được ban phúc là những kẻ nghèo khó và những kẻ bị trần gian bạc đãi; rằng đưa con lạc đà đi qua lỗ trôn kim còn dễ hơn đưa người giàu có vào nước thiên đàng; rằng đừng phán xét người nếu không muốn bị người phán xét; rằng hãy yêu người khác như yêu mình; rằng nếu kẻ nào lấy của mình chiếc áo choàng ngắn thì đưa thêm cho hắn chiếc áo choàng dài; rằng đừng nghĩ ngợi nhiều về ngày mai; rằng nếu muốn trở thành người lương hảo thì hãy bán hết những gì mình có để chia cho kẻ bần hàn. Họ sẽ không thành thật nếu nói rằng họ tin vào tất cả những điều này. Tuy nhiên họ có tin tưởng vào chúng, bởi vì người ta thường tin vào điều được ngợi ca, nhưng không bao giờ được luận bàn, mà họ nghe hàng ngày. Trong ý nghĩa của một niềm tin sống động, cái có khả năng chi phối hành vi, họ tin các lời thuyết giảng này chỉ đến mức độ mà niềm tin ấy thường tác động lên chúng. Trong tay họ, các lời thuyết giảng ấy được dùng để công kích kẻ thù; và có thể hiểu rằng chúng sẽ được trưng ra (khi có dịp) như là những lý lẽ nhằm ủng hộ bất cứ điều gì người ta làm mà họ nghĩ là đáng được tán dương. Nhưng nếy có ai nhắc nhở họ rằng các câu châm ngôn ấy đòi hỏi rất nhiều điều mà thậm chí chưa bao giờ họ nghĩ đến việc thực hiện, thì lập tức kẻ ấy sẽ bị liệt vào hạng người đáng ghét, luôn ra vẻ ta đây tốt đẹp hơn kẻ khác. Những giáo thuyết không có chút tác động nào đối với hành vi của tín đồ bình thường thì sẽ không có một uy thế nào trong tâm trí họ. Họ có thói quen sùng kính sự tốt đẹp của chúng, nhưng không có một xúc cảm nào được bộc lộ cho những ngôn từ và sự vật mà ngôn từ ấy hàm nghĩa, để thúc buộc tâm trí dung nạp chúng, và từ đó làm cho họ tuân theo giáo thuyết.
Bây giờ, chúng ta có thể đoan chắc rằng Thiên chúa giáo lúc khởi thủy đã không nằm trong trường hợp chúng ta nói bên trên, ngược lại nữa là khác. Nếu Thiên chúa giáo từng như thế, có lẽ nó chẳng bao giờ có thể bành trướng từ một giáo phái không ai biết đến của những người Hebrew bị rẻ khinh thành một tôn giáo của đế quốc La-mã. Khi kẻ thù của họ nói: “Hãy nhìn xem những người Thiên chúa giáo này đã thương yêu nhau biết bao” (một lời nhận xét có lẽ không còn được người ngày nay thốt lên), thì chắc chắn họ - người Thiên chúa giáo - hơn bao giờ hết đã dậy lên một cảm nhận sống động về ý nghĩa của tín điều mà họ theo đuổi. Thấy được điều này, có lẽ chúng ta đã hiểu lý do tại sao ngày nay Thiên chúa giáo không có mấy tiến triển trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng, và sau mười tám thế kỷ, vẫn chỉ tồn tại quanh quẩn nơi người Âu châu và hậu duệ của họ. Ngay cả với các tín đồ thuần thành, những người sống hết lòng cho giáo thuyết và gán nhiều ý nghĩa cho các giáo thuyết ấy hơn so với người khác, thì điều thường thấy là những điều được xem là khá tích cực đọng lại trong tâm trí họ chỉ là những điều do Calvin hoặc Knox, hoặc một người tương tự như thế, kẻ có sự gần gũi hơn với họ về phương diện tính cách, đã tạo ra. Các lời dạy của Chúa Ki-tô tồn tại một cách thụ động trong đầu óc họ, hầu như không gây nên bất cứ tác động nào ngoài cái được tạo ra nhờ vào sự lắng nghe các lời lẽ quá tử tế và hoà nhã. Rõ ràng có nhiều lý do giải thích tại sao các giáo thuyết mà được xem là biểu tượng riêng của một giáo phái lại có được nhiều sinh khí hơn so với những giáo thuyết có tính chất phổ biến đối với tất cả các giáo phái được thừa nhận, và tại sao nhiều bậc tôn sư phải gánh nhận nhiều khổ đau hơn để gìn giữ sức sống trong ý nghĩa của giáo thuyết; nhưng chắc chắn có một lý do là các học thuyết mới lạ thường được truy vấn nhiều hơn và phải đương cự với những kẻ muốn phủ nhận chúng một cách thường xuyên hơn. Cả vị tôn sư và các môn đồ đều thường xao lãng bổn phận ngay sau khi vắng bóng kẻ thù trên chiến địa.
IV.
Vẫn cần phải nói về một trong các nguyên nhân chính khiến cho tính đa dạng của ý kiến trở nên có lợi, và vẫn sẽ tiếp tục nói về điều ấy cho đến khi nào nhân loại bước vào một giai đoạn phát triển tri thức mà khi so với hiện tại, nó đã bước một bước thật dài. Cho đến giờ, chúng ta đã xem xét hai khả năng: ý kiến được thừa nhận có thể sai, và do đó, một ý kiến đối lập với nó có thể đúng; hoặc ý kiến được thừa nhận đúng, ý kiến đúng ấy cần phải có sự va chạm với cái sai của ý kiến đối lập nhằm đưa đến sự lãnh hội minh tường và sự cảm nhận thâm viễn về tính chân xác của nó. Nhưng lại có một trường hợp phổ biến hơn cả hai trường hợp nói trên: khi hai học thuyết xung đột với nhau, thay vì cái này đúng, cái kia sai, thì chúng lại cùng nhau chia sẻ sự thật; và cái ý kiến bất tuân phục luôn là một yếu tố cần thiết để bổ túc cho phần còn khiếm khuyết của sự thật mà học thuyết được thừa nhận của nó chỉ mới thể hiện một phần. Các ý kiến phổ thông nói về các đề tài không rõ ràng thì thường là đúng, nhưng ít khi, hoặc không bao giờ, là sự thật trọn vẹn. Chúng chỉ là một phần của sự thật; đôi khi là phần lớn, đôi khi là phần nhỏ của sự thật, nhưng luôn luôn bị phóng đại, vặn vẹo, ly cách khỏi sự thật mà chúng cần phải được đồng hành và giới hạn trong đó. Mặt khác, một số ý kiến dị giáo thường nương náu trong các sự thật lấp liếm và lôi thôi này, khi muốn bứt phá cái gông cùm đang kìm hãm sự bành trướng của chúng, và muốn tìm kiếm một sự thoả hiệp với sự thật nằm trong ý kiến phổ biến, hoặc khi muốn đương đầu với sự thật ấy nhằm tự biến mình thành một thứ chân lý trọn vẹn thông qua sự độc tôn. Trường hợp sau cùng, cho đến nay, là trường hợp diễn ra thường xuyên nhất, như thể là trong tâm thức con người, tính một chiều lúc nào cũng là quy luật, và tính đa chiều chỉ là ngoại lệ. Do đó, ngay cả trong các cuộc cách mạng nhằm đổi thay quan niệm, vẫn có chuyện phần này của sự thật thì bị dìm xuống, trong khi phần khác được vực lên. Thậm chí sự tiến bộ, cái đáng lẽ phải bổ sung cho, nhưng hầu hết chỉ thay thế một sự thật phiến diện và bất toàn này bằng một sự thật phiến diện và bất toàn khác; việc tu chỉnh chỉ nằm ở chỗ là mảnh sự thật mới được cần đến nhiều hơn, đồng thời cũng phù hợp hơn với sự đòi hỏi của thời đại so với mảnh sự thật cũ, cái mà nó vừa thay thế. Khi mà ý kiến phổ thông mang một đặc tính phiến diện như thế, ngay cả khi nó được đặt trên một nền tảng đúng, thì những ý kiến thể hiện được phần nào đó sự thật mà ý kiến phổ thông không chú ý đến cần phải được trân quý, dẫu mức độ sai sót và nhầm lẫn của nó nằm trong sự thật có đến đâu đi chăng nữa. Không một sự xét đoán nghiêm túc nào về các vấn đề nhân loại bị buộc phải mang tính chất phẫn uất, bởi vì những ai cưỡng ép ta nhìn thấy những sự thật mà ta bỏ sót, luôn luôn, cũng như thế, bỏ sót những sự thật mà chúng ta nhìn thấy. Đúng hơn là, anh ta nghĩ rằng khi mà chân lý phổ biến vẫn mang tính phiến diện, thì người ta cần phải mong muốn nhiều hơn nữa về việc chân lý không phổ biến cũng nên có cho chính nó những kẻ bênh vực mang tính phiến diện; những người như thế thường là những kẻ năng nổ, và cũng là những kẻ thích hợp nhất trong việc áp đặt một sự chú ý miễn cưỡng vào phần sự thật mà họ tuyên bố như thể nó là một sự thật trọn vẹn.
Trong chính trị, hầu như là lẽ thường tình khi mà cả hai đảng phái, một đảng phái chủ trương trật tự hoặc ổn định và một đảng phái chủ trương phát triển hoặc cải cách, đều là những yếu tố thiết yếu cho tình trạng lành mạnh của đời sống chính trị, cho đến khi nào đảng này hoặc ԑảng kia đã khuếch trương được sự chi phối tinh thần của nó, để trở thành một đảng chủ trương cả trật tự lẫn phát triển, hiểu biết và phân biệt được điều cần phải gìn giữ với điều cần phải từ bỏ. Mỗi kiểu cách tư duy của phe này đều sẽ thu nhận được những lợi ích từ các điểm khiếm khuyết của phe kia; nhưng chính sự đối lập của phe kia đã giúp cho cách tư duy của phe này luôn luôn không vượt qua giới hạn của lẽ phải và sự chừng mực. Chỉ khi nào các ý kiến cổ súy cho chế độ dân chủ và chế độ quý tộc, cho tư hữu và bình đẳng, cho hợp tác và cạnh tranh, cho xa hoa và cần kiệm, cho phóng khoáng và gò bó, và tất cả các ý kiến đối lập khác trong đời sống thực tế đều được bảy tỏ một cách tự do như nhau, đều được củng cố và bảo vệ bằng tài năng và sinh lực như nhau, thì cả hai mới có cơ hội đạt được điều mình xứng đáng được hưởng; khi đó chắc chắn trong hai ý kiến đối lập nhau ấy, sẽ có một ý kiến chiếm ưu thế so với cái còn lại. Sự thật, trong những mối ưu tư thực tế của đời sống, vốn phần nhiều chỉ là vấn đề của sự thỏa hiệp và kết hợp các yếu tố đối lập, cho đến nỗi rất ít người có được một tâm trí đủ khả năng bao quát và tính vô tư để tạo ra sự thay đổi bằng một điều gì đó gần như là chân lý, và do đó, sự đổi thay ấy cứ phải được thực hiện bằng một quá trình kiên khổ của một cuộc tranh đấu giữa các chiến binh đang giao chiến với nhau dưới những bóng cờ đầy sự thù nghịch. Đối với bất cứ vấn đề nào trong số các vấn đề quan trọng vẫn còn đang bỏ ngỏ vừa được liệt kê, nếu một trong hai ý kiến đối lập có một sự đòi hỏi mạnh mẽ hơn so với ý kiến còn lại, không chỉ để được thừa nhận, mà còn nhằm đạt được sự cổ súy, thì đó chính là ý kiến thuộc phe thiểu số được nêu lên tại một thời điểm và nơi chốn riêng biệt nào đó. Đó chính là ý kiến hiện đang đại diện cho các quyền lợi bị bỏ rơi, cho phe phái mà sự an sinh của họ đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo vì đã nhận ít hơn cái lẽ ra phải được chia phần. Tôi biết rằng tại đất nước này, không hề có sự bất bao dung đối với sự khác biệt ý kiến liên quan đến các chủ đề vừa kể. Qua nhiều ví dụ, chúng được viện dẫn để cho thấy tính phổ quát của một sự thật rằng duy chỉ thông qua sự đa dạng của ý kiến, thì mới có, trong tình trạng hiện nay của trí tuệ nhân loại, cơ hội tham gia công bằng cho mọi khía cạnh của chân lý. Khi có những người thốt lên lời lẽ đối kháng với sự nhất trí hiển nhiên của cả thế giới về bất cứ đề tài nào, ngay khi cả thế giới có đầy đủ lý lẽ nhất để phản bác họ, thì bao giờ cũng có khả năng rằng những kẻ phản kháng ấy luôn có một điều đáng để được nghe khi họ nói cho chính họ, và rằng chân lý có thể gánh chịu một sự mất mát nào đó vì sự thinh lặng của họ...
Giờ đây chúng ta đã nhận ra tính thiết yếu của sự tự do tư tưởng và tự do bày tỏ ý kiến đối với sự an sinh tinh thần của nhân loại (cái mà mọi sự an sinh khác tùy thuộc vào) được đặt nền tảng trên bốn yếu tố riêng biệt mà chúng tôi sẽ trình bày một cách ngắn gọn như sau:
Thứ nhất, nếu có ý kiến nào bị cản ngăn lên tiếng, thì theo chỗ chúng tôi biết, ý kiến ấy có thể là đúng. Khước từ nó có nghĩa là tự coi mình là không thể sai lầm.
Thứ hai, dẫu ý kiến bị cản ngăn có là một ý kiến sai sót, thì nó vẫn có thể, và thông thường là thế, hàm chứa một phần sự thật; và bởi vì ý kiến phổ thông về bất cứ đề tài nào đều hiếm khi hoặc không bao giờ là sự thật trọn vẹn, cho nên chỉ bằng sự va chạm giữa các ý kiến trái ngược nhau thì phần còn lại của sự thật mới có cơ hội được phơi bày.
Thứ ba, ngay cả ý kiến được mọi người thừa nhận không chỉ đúng, mà còn là sự thật trọn vẹn; chỉ khi nào được, và thực sự, trải qua cuộc truy vấn cam go và nghiêm túc, bằng không thì nó được những kẻ thừa nhận cầm giữ như là một định kiến với sự hiểu biết rất nhỏ bé về các căn do hữu lý của nó. Đồng thời không những thế, mà - đây là yếu tố thứ tư - còn đưa đến sự việc rằng ý nghĩa của học thuyết sẽ lâm vào tình trạng vong thân, hoặc bị suy yếu và bị tước mất tác động đầy sinh lực của nó đối với tính cách và hành vi; khi đó, nó trở thành một sự rao giảng mang tính cách giáo điều, chẳng những không có ích, mà còn làm trở ngại cho sự bày tỏ ý kiến, đồng thời cản ngăn sự phát triển của lòng tin đích thực và chân thành ra khỏi lý trí hoặc kinh nghiệm cá nhân.
V.
Những lý lẽ như trên đã đưa đến một đòi hỏi có tính chất bắt buộc rằng con người phải được tự do hình thành ý kiến và bày tỏ ý kiến của mình mà không phải sợ hãi; chỉ khi nào quyền tự do này được thừa nhận hoặc được xác quyết bất chấp mọi cấm đoán, thì mới không xảy ra các hệ lụy tai ác đối với trí tuệ, đồng thời thông qua đó, đối với bản chất luân lý của con người; sau đây, chúng ta thử khảo sát xem liệu các lý lẽ ấy có không cần đến việc con người phải được tự do hành động theo ý kiến của mình hay không – có nghĩa là được tự do thực hiện các ý kiến ấy trong đời sống mà không bị đồng loại cản trở, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, ngay cả khi nó gây nguy hiểm cho đồng loại. Cố nhiên, điều kiện này là điều không thể thiếu được. Không ai có thể đòi hỏi rằng hành động phải được tự do như ý kiến. Trái lại, ngay cả ý kiến cũng sẽ đánh mất quyền đặc miễn về trách nhiệm khi mà chúng được bày tỏ trong những tình trạng khiến cho sự bày tỏ ấy trở thành một hành động xúi giục một hành vi nguy hại nào đó. Ý kiến đại loại như người bán ngũ cốc là kẻ làm cho người nghèo chết đói, hoặc như tài sản riêng là tài sản do cướp đoạt mà có, không bị cấm đoán khi được truyền bá trên báo chí, nhưng phải gánh chịu sự trừng phạt thích đáng khi được nói cho một đám đông cuồng nộ đang tụ tập trước nhà của người bán ngũ cốc, hoặc khi được giương cao bằng hình thức bích chương, biểu ngữ giữa đám đông như thế. Hành vi, dù thuộc bất cứ dạng nào đi nữa, gây hại cho người khác mà không có nguyên nhân chính đáng, có thể sẽ bị, và trong nhiều trường hợp quan trọng hơn tuyệt đối cần phải bị, chế ngự bởi các quan điểm không tán thành, và khi cần thiết, bởi sự can thiệp chủ động của con người. Quyền tự do cá nhân, vì thế, phải bị giới hạn; anh ta không được phép biến mình trở thành mối hiểm nguy cho người khác. Nhưng nếu anh ta biết tự chế để không gây phiền toái cho kẻ khác trong những việc liên quan đến họ, và chỉ hành động dựa trên thiên hướng và xét đoán của anh ta trong những việc liên quan đến chính mình, thì các lý lẽ nói trên về sự tự do ý kiến sẽ cho thấy rằng anh ta được phép, bằng mọi giá, thực hiện các ý kiến của mình, mà không ai được quyền cấm đoán.
Để duy trì nguyên lý này, khó khăn lớn nhất mà ta gặp phải không nằm ở chỗ sự nhận thức được phương tiện đưa đến cứu cánh, mà nằm ở sự lãnh đạm của con người đối với chính cứu cánh. Ví như người ta cảm nhận được sự phát triển tự do của cá tính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của sự an sinh; đó không chỉ là yếu tố ngang bằng với mọi yếu tố được định rõ bằng các danh từ như văn minh, truyền bá, giáo dục, văn hóa, mà tự thân còn là một bộ phận và điều kiện quan yếu của tất cả những thứ ấy; thì tự do sẽ không lâm vào tình trạng bị rẻ khinh, và việc điều chỉnh biên cương giữa nó và sự chi phối xã hội sẽ không có sự khó khăn bất thường nào. Nhưng điều cay nghiệt là sự tự do cá nhân hầu như không được lối suy nghĩ thông thường nhìn nhận như là một ý niệm có giá trị nội tại hoặc xứng đáng được tôn trọng vì lợi ích của chính nó. Phần đông, khi thỏa mãn với kiểu người mà họ đang là (bởi vì họ chính là kẻ làm cho họ thành kẻ mà họ đang là) không tài nào hiểu được tại sao kiểu người như vậy chưa đủ tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Thậm chí rất ít người xuất thân từ nước Đức hiểu được ý nghĩa của học thuyết mà Wilhelm von Humboldt, một nhân vật xuất chúng trong cả hai vai trò học giả và chính trị gia, đã viết; trong đó, có đoạn như sau: “Cứu cánh của con người, hoặc điều được định đoạt bởi tiếng gọi vĩnh hằng của lý trí, và không phải được gợi lên bởi những khát khao mơ hồ và nhất thời, là sự phát triển cao độ và hài hòa nhất của mọi năng lực nhằm hướng tới cái toàn thể viên mãn và nhất quán;” do đó, đối tượng “mà tất cả con người phải không ngừng hướng mọi nỗ lực tới, cái mà những ai có ý định tác động đến đồng loại đều phải để tâm đến, chính là tính chất tư biệt của năng lực và sự phát triển;” để đạt được điều này, cần phải có hai điều kiện, “sự tự do và tính đa dạng của hoàn cảnh;” từ sự kết hợp tất cả các điều này, chúng ta sẽ có “sinh khí cá nhân và tính đa dạng,” những thứ tự hòa quyện vào nhau trong “sự độc đáo.” [1]
VI.
Các nguyên lý được khẳng định trong những trang này phải được thừa nhận như là xuất phát điểm cho sự thảo luận chi tiết, trước khi có thể cố gắng áp dụng chúng một cách nhất quán cho tất cả các lãnh vực cai trị và đạo đức khác nhau với hy vọng đạt được một sự lợi ích nào đó. Vài nhận xét về các vấn đề chi tiết mà tôi dự định thực hiện đều được dành cho việc minh họa các nguyên lý này, hơn là cho việc theo đuổi các hậu quả của chúng. Không phải tôi đưa ra các ứng dụng, mà là đưa ra các mẫu mực của sự ứng dụng, những thứ có thể giúp mang lại tính sáng sủa cho ý nghĩa và các giới hạn của hai nguyên tắc chủ đạo hình thành toàn bộ lý thuyết của cuốn tiểu luận này, đồng thời giúp đỡ cho sự xét đoán trong việc giữ tình trạng cân bằng giữa chúng, trong những trường hợp không biết phải áp dụng nguyên tắc nào.
Các nguyên tắc ấy là, thứ nhất, cá nhân không phải chịu trách nhiệm trước xã hội về những hành vi của mình khi các hành vi này không ảnh hưởng đến lợi ích của bất cứ ai ngoài anh ta. Sự khuyên răn, hướng dẫn, thuyết phục và xa lánh của người khác, được nghĩ là cần thiết cho lợi ích của chính họ, đều chỉ là những biện pháp mà qua đó xã hội có thể biểu lộ một cách chính đáng sự không ưa chuộng hoặc phản đối dành cho cách hành xử của anh ta. Nguyên tắc thứ hai là đối với các hành vi phương hại đến lợi ích của người khác, thì cá nhân phải chịu trách nhiệm, đồng thời có thể chịu sự trừng phạt của xã hội hoặc luật pháp; việc áp dụng loại trừng phạt này hay loại trừng phạt kia để bảo vệ xã hội sẽ tùy thuộc vào việc xã hội thấy cái nào cần thiết hơn.
Trước nhứt, bởi vì sự gây hại, hoặc khả năng có thể gây hại, đến lợi ích của người khác tự nó đã có thể biện minh cho sự can thiệp của xã hội, cho nên chẳng cần phải giả định về sự biện minh cho hành động như thế. Trong nhiều trường hợp, khi một cá nhân theo đuổi một mục tiêu hợp pháp nào đó, buộc phải làm đau đớn hoặc gây tổn thất cho người khác, hoặc cản trở một lợi ích mà người khác có hy vọng hợp lý trong việc đạt được lợi ích đó, thì vẫn được coi là hợp pháp. Sự đối lập về quyền lợi như thế thường có nguồn gốc sinh từ tính chất thiếu chu toàn của các định chế xã hội. Bất cứ ai thành công trong một nghề nghiệp có quá nhiều người tham gia, hoặc trong một cuộc thi có tính cạnh tranh; bất cứ ai đã loại được đối phương trong cuộc thi tài nhằm giành được một mục tiêu mà cả hai đều khao khát, đều là kẻ hưởng lợi từ sự tổn thất của người khác, từ những nỗ lực hoài công và sự thất vọng của họ. Nhưng theo quan niệm chung, sẽ tốt đẹp hơn cho lợi ích nhân loại khi con người theo đuổi mục tiêu của mình mà không bị nao núng trước những hậu quả như thế. Nói cách khác, xã hội không có quyền can thiệp, dù là về phương diện pháp lý hay luân lý, để làm cho những kẻ thất vọng này thoát khỏi sự thua thiệt; và chỉ có quyền can thiệp khi phương tiện đạt được thành công bị sử dụng trái với lợi ích chung – có nghĩa là dùng các phương cách có tính chất dối trá, lường lọc và cưỡng bức.
Đó là một trong các chức năng không thể chối cãi được của chính quyền là đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tội ác trước khi nó được thực hiện, cũng như truy tìm và trừng phạt kẻ phạm pháp sau đó. Tuy nhiên, chức năng ngăn ngừa của chính quyền có khả năng bị lạm dụng – điều này gây tổn hại cho quyền tự do – hơn rất nhiều so với chức năng trừng phạt, bởi vì hầu như không có phần nào của quyền tự do hành động hợp pháp của một người mà không thể bị mô tả, hẳn nhiên một cách hợp lệ, như là sự gia tăng các điều kiện thuận lợi cho các hành vi phạm pháp. Nhưng nếu một nhân viên công lực, hay ngay cả một tư nhân, trông thấy rõ ràng một kẻ sắp sửa phạm pháp, họ không bị buộc phải đứng xem và không có một phản ứng nào cả, để chờ cho đến khi tội ác được thực hiện, thì mới được can thiệp. Nếu độc dược không bao giờ được mua hoặc dùng vào bất cứ mục đích nào khác ngoài việc làm phương tiện sát nhân, thì cấm mua bán và sản xuất độc dược là một hành động hợp lẽ. Tuy nhiên, nó có thể cần thiết không những cho các mục đích vô hại, mà còn cho các mục đính hữu ích; do đó, các biện pháp cấm đoán không thể áp đặt cho trường hợp có hại mà lại không tác động đến trường hợp vô hại. Một lần nữa, chính cơ quan công quyền phải có trách nhiệm ngăn ngừa những việc bất hạnh xảy ra. Nếu nhân viên công lực hoặc một người nào khác nhìn thấy một người đang cố vượt qua một chiếc cầu được biết chắc chắn là không an toàn, đồng thời không còn thời gian để báo nguy cho anh ta, họ có thể bắt giữ và đưa anh ta quay trở lại, mà không bị coi là xâm phạm quyền tự do của anh ta; vì rằng sự tự do có nghĩa là được làm điều gì mà mình mong muốn, và hẳn nhiên, anh ta không muốn rơi xuống sông. Tuy vậy, khi không có sự chắc chắn, mà chỉ có một nguy cơ về sự thiệt hại, thì không ai, ngoại trừ chính anh ta, có thể phán xét về tình trạng xác đáng của các lý do có thể thúc đẩy anh ta gánh chịu sự rủi ro: vì thế, trong trường hợp này, (trừ phi anh ta là một đứa trẻ, hoặc đang trong tình trạng mê sảng, kích động, hoặc ám ảnh khiến không thể sử dụng toàn bộ khả năng phán đoán), tôi quan niệm rằng anh ta chỉ cần được cảnh báo về sự nguy hiểm, mà không cần cưỡng ép anh ta không được thực hiện hành vi của mình.
Tôi dành phần cuối cùng này để bàn về các vấn đề liên quan đến những giới hạn trong sự can thiệp của chính quyền, điều mà dẫu có quan hệ mật thiết với đề tài của tập tiểu luận này, nhưng, nói một cách chính xác, lại không thuộc về nó. Đây là những trường hợp mà các lý lẽ chống lại sự can thiệp không phụ thuộc vào nguyên lý của quyền tự do: vấn đề cần thảo luận không phải là sự hạn chế hành vi cá nhân, mà là sự trợ giúp anh ta; nói cách khác, chính quyền có nên làm, hoặc buộc anh ta phải làm, một điều gì đó vì lợi ích của chính anh ta hay không, thay vì để cho anh ta tự thực hiện điều đó một cách riêng lẻ hoặc qua sự phối hợp tự nguyện với người khác?
Có ba loại phản đối sự can thiệp của chính quyền, khi mà sự can thiệp ấy chưa tới mức xâm phạm quyền tự do.
Loại thứ nhất là điều cần thực hiện có thể sẽ được cá nhân thực hiện tốt đẹp hơn so với chính quyền. Nói chung, không ai có đặc điểm phù hợp để quản trị bất cứ công việc kinh doanh gì, hoặc để quyết định cách thức hay quyết định ai là kẻ thực hiện công việc kinh doanh ấy bằng những người mà đích thân họ luôn luôn quan tâm đến nó. Nguyên tắc này chỉ trích sự can thiệp thường xuyên của cơ quan lập pháp hoặc nhân viên chính quyền vào tiến trình bình thường của ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, khía cạnh này của đề tài đã được các nhà kinh tế chịnh trị thảo luận đầy đủ, đồng thời không có liên quan mật thiết đến các nguyên lý của tập tiểu luận này.
Loại phản đối thứ hai hầu như liên quan nhiều hơn đến đề tài của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, dẫu cá nhân có thể không thực hiện một việc đặc biệt nào đó không hữu hiệu bằng các viên chức chính quyền; tuy nhiên, người ta vẫn muốn việc ấy được cá nhân, chứ không phải chính quyền, thực hiện, và điều đó được xem như là một cách thức giáo dục tinh thần cho chính anh ta - một kiểu củng cố khả năng hành động tích cực, rèn luyện óc xét đoán và mang lại cho anh ta một sự hiểu biết thông thạo về các vấn đề mà anh ta phải giải quyết. Đây là một đề nghị chính yếu, mặc dầu không phải duy nhất, dành cho một phiên xử bằng bồi thẩm đoàn (trong những vụ kiện phi chính trị), dành cho các định chế thành thị và địa phương mang tính chất phổ thông và tự do; dành cho việc quản trị các hoạt động kỹ nghệ và từ thiện của những hội đoàn thiện nguyện.
Lý do thứ ba, đồng thời là lý do có tính thuyết phục nhất trong việc hạn chế sự can thiệp của chính quyền là sẽ rất nguy hiểm nếu gia tăng quyền lực của chính quyền một cách không cần thiết. Mọi chức năng được bổ sung thái quá vào những chức năng hiện có của chính quyền sẽ khiến cho sự tác động của nó đến những ước vọng và nỗi sợ hãi càng trở nên rộng lớn hơn, đồng thời càng lúc càng biến thành phần nhiều tham vọng của công chúng thành những kẻ nịnh bợ chính quyền, hoặc một đảng phái sắp nắm quyền nào đó, để trục lợi. Nếu như tất cả những xa lộ, đường hỏa xa, ngân hàng, công ty bảo hiểm, các đại công ty cổ phần, trường đại học và hội từ thiện đều là các chi nhánh của chính quyền; thêm nữa, nếu như hội đồng thành phố và chính quyền quận hạt, với tất cả những gì hiện đang thuộc trách nhiệm quản trị của họ, trở thành những bộ phận của chính phủ trung ương; nếu như nhân viên của tất cả các tổ chức này đều do chính quyền chỉ định và trả lương, và trông đợi chính quyền ban phát sự thăng tiến trong cuộc sống; thì không một quyền tự do báo chí và một định chế lập pháp dân cử nào có thể làm cho quốc gia này, hoặc bất cứ quốc gia nào khác, có được sự tự do, và nếu có đi chăng nữa, thì cũng chỉ là sự tự do trên danh nghĩa. Và khi cơ chế hành chánh được xây dựng càng hiệu quả và khoa học, sự tổ chức nhằm thu hút những bàn tay và khối óc ưu tú để làm cho nó hoạt động hữu hiệu càng tinh vi, sự tai hại càng trở nên trầm trọng hơn.
Ví như mọi công việc của xã hội, những công việc cần có sự phối hợp nhịp nhàng hoặc đòi hỏi một tầm nhìn bao quát và rộng khắp, đều nằm trong tay của chính quyền, và ví như các nhân viên chính quyền đều toàn là những con người có khả năng nhất, thì toàn bộ nền văn hóa rộng lớn và những bộ óc đầy kinh nghiệm của đất nước, ngoại trừ những bộ óc thiếu tính thực tiễn, sẽ được tập trung trong một guồng máy quan liêu đông đảo, một hệ thống duy nhất mà các thành phần còn lại của cộng đồng trông đợi vào để thực hiện mọi việc, nghĩa là: dân chúng thì trông đợi vào nó để được dẫn dắt và ra lệnh trong tất cả những việc mà họ phải làm; những kẻ có năng lực và tham vọng thì trông đợi vào nó để có sự phát triển cá nhân. Được chấp nhận để có một chỗ đứng trong guồng máy quan liêu này – và khi đã có thì lại mong muốn một sự thăng quan tiến chức – là mục tiêu duy nhất của tham vọng. Dưới một chế độ như thế, chẳng những đám công chúng đứng bên ngoài, do thiếu kinh nghiệm thực tế, thường không có đủ khả năng để phê phán hoặc giám sát phương thức vận hành của guồng máy quan liêu, mà nếu như sự tử nạn của kẻ bạo chúa hoặc do hoạt động tất nhiên của các định chế đại chúng có tình cờ dựng lên một hoặc nhiều nhà cai trị có khuynh hướng cách tân, thì không một hành động cách tân nào có tác dụng khi nó đi ngược lại lợi ích của guồng máy. Đó là tình trạng bi thảm của đế quốc Nga như đã được cho thấy trong các câu chuyện của những người có cơ hội quan sát nó. Ngay chính Sa hoàng cũng bất lực trước hệ thống quan liêu này; ông có thể đày bất cứ kẻ nào thuộc guồng máy ấy đến vùng Siberia, nhưng ông không thể cai trị mà không có họ, hoặc trái ngược với ý muốn của họ. Mọi sắc lệnh do ông ban hành, họ đều có thể ngấm ngầm phủ quyết bằng cách cản trở không cho chúng được thi hành.
Chính quyền không thể nắm giữ quá nhiều các hoạt động chẳng những không cản trở mà còn trợ giúp và khuyến khích sự nỗ lực và phát triển cá nhân. Sự nguy hại sẽ xảy ra khi mà, thay vì phát huy mọi sức mạnh của cá nhân và tổ chức, thì nó lại thay thế tất cả những điều đó bằng chính cái của nó; khi mà, thay vì phổ biến thông tin, đưa ra những khuyến cáo, và đôi khi có thể thực hiện sự lên án nào đó, thì nó lại buộc cá nhân và tổ chức làm việc trong xiềng xích, gông cùm, hoặc ra lệnh cho họ đứng sang một bên để cho nó làm cái công việc mà lẽ ra những cá nhân và tổ chức ấy làm. Giá trị của một nhà nước, đứng dưới giác độ lợi ích trường kỳ, chính là giá trị của những cá nhân tạo ra nó; và một nhà nước mà cứ trì hoãn các quyền lợi về sự khai phóng trí tuệ và nâng cao kỹ năng quản trị, hoặc bất cứ những gì tương tự như thế do thực tiễn mang lại, của cá nhân; một nhà nước mà cứ làm bé nhỏ công dân của nó, nhằm biến họ trở thành những công cụ dễ sai bảo cho các mục tiêu quyền lợi khác nhau, rồi sẽ thấy rằng với những công dân nhỏ bé, thì chẳng bao giờ thực sự đạt được điều lớn lao nào, và rằng sự hoàn hảo của guồng máy mà vì đó nó hy sinh mọi thứ, cuối cùng chẳng mang lại cho nó lợi ích gì cả, bởi vì sự khan hiếm nguồn năng lượng thiết yếu – cái mà nó đã tống khứ - nhằm giúp cho guồng máy có thể hoạt động một cách trơn tru.
Phần 1
Chú thích:
[1] The Sphere and Duties of Government, Wilhelm von Humboldt, trang 11 – 13, (chú thích của tác giả).
Cao Hùng Lynh trích dịch
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10809&rb=0301 [2009]
Bản tiếng Anh: On Liberty, John Stuart Mill
Xem thêm: Giới thiệu sách "Bàn về Tự Do" của John Stuart Mill.
http://tutuong.org/node/32
***
- Chủ Nghĩa Duy Lợi (Utilitarianism)
- "Chính thể đại diện" của John Stuart Mill
- Giới thiệu sách "Bàn về Tự Do" của John Stuart Mil...
- Thước đo của tự do
No comments:
Post a Comment