Monday, 21 May 2012

Chủ Nghĩa Duy Lợi (Utilitarianism)

23:35 31-07-2008
Thư mục: Chung
 
50. Chủ Nghĩa Duy Lợi là một chủ trương trong Đạo Đức Học phát xuất từ triết học Anh (nên hay nói truyền thống Duy Nghiệm-Duy Lợi-Hoài Nghi Anh Quốc) gắn liền với 3 tổ sư Bentham, James Mill, và John Mill. Bentham là Sơ Tổ, James Mill là học trò của Bentham, John Mill là con trai ruột của James Mill cứ như câu 'danh sư xuất cao đồ' (John Mill chánh là Nghĩa phụ-godfather của Bertrand Russell). Đó là mấy vị Khai Sơn Tổ Sư cự phách còn môn đồ của họ thì hầu như đầy khắp thiên hạ
Nguyên lí có tính nền tảng của Chủ Nghĩa Duy Lợi nhằm chi phối, giúp chọn lựa hành động của con người: 'phải hành động sao cho Tổng Số Hạnh Phúc đạt cực đại' (tiếng Anh nói 'greatest good for greatest number')
Nguyên lí này vốn có mục đích để giúp người 'hành Thiện tránh Ác'. Nhưng Thiện là gì? Câu hỏi làm điên đầu con người ta từ cổ chí kim, vô số người cố giải đáp vậy mà ngày này ta vẫn còn phải hỏi 'Thiện là gì?' (lại có người buông nhẹ như không ba từ Chân-Thiện-Mỹ). Ngược về lịch sử và sa đà vào câu trả lời (thất bại một cách hoành tráng) là chuyện ngoài lề, bất quá ta có thể trả lời : ' Thiện là Thiện (như nó là)' , thoạt nghe qua rất đơn giản nhưng đó là kết quả của quá trình tra vấn miệt mài của Moore trong tác phẩm Đạo Đức Học trứ danh Principia Ethica (cũng nhờ đó mà đương thời tôn Moore cùng với Russell là cha đẻ của Triết phân tích Anh Mỹ ). Tạm gác qua Thiện, trở lại với chủ trương của Duy Lợi về Thiện: Thiện là Hạnh Phúc (Happiness), Hạnh phúc là Cảm giác vui sướng (Pleasure), không có Cảm giác đau đớn (Pain).
Hạnh phúc, từ cách hiểu đó, có thể lượng hóa thành số sung sướng (có chia làm sung sướng cao cấp như niềm vui suy tư và hạ cấp như niềm vui xác thịt) và có thể tính toán được. Đại loại đó là chủ trương của Duy Lợi, nó chi tiết ra có rất nhiều biến thể và cũng có nhiều người tấn công cách hiểu Thiện như cảm giác (ví dụ như Kant, cách Kant thiết lập các Mệnh lệnh Đạo Đức hoàn toàn khác chỉ dựa vào Lí tính và ông tấn công một lần cả Khắc Kỷ phái, Khoái lạc phái và ...cũng thể nói là tấn công luôn cả Duy Lợi phái).

51. Nguyên tắc trên của Duy Lợi phái đóng vai trò cực kỳ quan trọng trọng việc thiết lập các bộ Luật và khá hữu ích trong đời sống của chúng ta.

Nói chơi vui, từ nguyên lí trên của Duy Lợi ta có thể thấy 'sống là giải bài toán cực đại hóa hạnh phúc', ' sống làm sao để ta thấy vui vẻ nhứt' . Ta phải làm gì:
- thứ nhất: phải lấy 1 người mà ta cảm thấy vui vẻ nhứt khi ngủ chung (đừng quên 1 ngày ta ngủ 8 h/24 h). Ngủ mà không thấy dzui dzẻ tức là đã mất 1/3 cuộc đời
- thứ hai: phải làm 1 công việc mà ta cảm thấy vui vẻ nhứt khi làm (đừng quên 1 ngày làm 8h/24 h). Đi làm mà không vui vẻ thì coi như tiêu luôn 1/3 cuộc đời còn lại.
- còn lại: ăn cơm, đi lại, tắm rữa, giải trí, giao lưu v.v. chiếm phần còn lại. Hóa ra chỉ là chuyên vặt vì có kiếm cho nhiều tiền cũng chỉ để ăn ngon, đi xe ngon, tắm trong cái phòng tiện nghi. Nếu như ta biết 'cách sống' sao cho dzui dzẻ thì thật ra không nhứt thiết phải kiếm nhiều tiền hay nổi danh. Về vụ này, Phật Thích Ca là nhứt nhứt vì hồi nào Ngài cũng dzui dzẻ.
Tính nghe 'tính toán' kỳ quá, con người đâu phải cái máy (có người gọi kiểu vậy là 'triết lí con heo') ! Nhưng coi vậy chớ nhờ vậy mà thấy cớ làm sao người ta hay đặt lên bàn cân giữa 2 cái rất hệ trọng trong đời người ' Gia đình' (tức là ngủ chung với ai) và 'Sự nghiệp' (tức là mần công việc gì). Tuy nhiên, việc ở đây không phải là binh hay chống Duy Lợi mà chỉ kể ra 1 trường phái Triết học hệ trọng.

52. Tiếp theo sẽ nói qua loa về John Mill - một con người khá đặc biệt. John Mill là một triết gia cự phách mà xét ra đương thời ở Anh Quốc chỉ có Spencer họa may mới có cơ tranh ngôi Minh chủ triết học Anh với ông. John Mill viết văn rất hay, câu văn rất dài kiểu xưa nhưng rất mạch lạc. Thưởng thức văn Mill là một cái thú, nhưng cũng bởi vậy mà dịch Mill trở thành một thử thách không nhỏ.
Sinh ra trong gia đình trí thức gốc gác, từ nhỏ Mill đã được giáo dục theo một chế độ hết sức nghiêm ngặt : Mill từng nói ông không có tuổi thơ. 3 tuổi đã học, 6-7 tuổi đã giúp cha biên tập mấy cuốn sử dày cộm, từ bé tẹo từ tinh thông cổ học, triết học Hy Lạp xưa, thiệt là một Quái Kiệt vô song. Rất nên xem cuốn Autobiography của ông (hình như chưa ai dịch ra tiếng Việt), về một con người kỳ tài thật đặc biệt.

53. Hai tác phẩm được xem là Kinh điển của Mill (đừng quên Mill viết nhiều lắm):
- On Liberty= Bàn Về Tự Do. Quyển này đã có bản tiếng Việt do Nguyễn Văn Trọng dịch và xuất bản gần đây ở VN, Bùi Văn Nam Sơn có viết 1 bài nhắc cuốn này. Tuy nhiên, tui chỉ đọc bản dịch này 1 đoạn ngắn rồi thôi. Văn Mill mà dịch như vậy, thiệt còn gì để nói.
- Utilitarianism= Chủ nghĩa Duy Lợi. Cuốn này hình như chưa ai dịch. Khi viết bài nhắc trên, Sơn dịch nhan đề cuốn này là Thuyết Công Lợi, về thực chất cũng phản ánh đúng học thuyết Duy Lợi của Mill. Tuy nhiên chẳng có lí do khả thủ nào để dịch Utilitarianism thành Thuyết Công Lợi mà hông phải là Chủ Nghĩa Duy Lợi.
Tham khảo:
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Utilitarianism
[2] Luận về tự do của John Mill, Cao Hùng Luynh trích dịch
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10808&rb=0401
[3] 'Đọc lại Bàn về tự do của John Stuart Mill' của Bùi Văn Nam Sơn
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/BuiVanNamSon/DocLaiBanVeTuDo.htm
Gần đây ở VN có xuất bản cuốn Chánh thể Đại Diện của John Mill do Sơn dịch chung.

http://vn.360plus.yahoo.com/duythanh81/article?mid=97&fid=-1 
***






No comments:

Post a Comment