Tuesday, 22 May 2012

Hãi hùng 'dịch vụ' đòi nợ thuê: Những giao dịch ngoài luồng

21/5/12

Có "cầu", có "cung"
Làn sóng vỡ nợ và sập tín dụng đen lan rộng khắp cả nước trong thời gian qua khiến mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán bị ngưng trệ. Trong lúc thị trường nhà đất đóng băng và hàng loạt doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản thì nhiều chủ nợ tìm mọi cách thu hồi các khoản cho vay. Trước nỗi lo tài sản bị "bốc hơi", không ít trường hợp đã sử dụng các mối quan hệ với đám lưu manh côn đồ để tạo áp lực lên con nợ. Và khi "chiêu thức" này tỏ ra phát huy tác dụng thì cũng là lúc dịch vụ ăn theo - đòi nợ thuê xuất hiện và hoạt động ngày một rầm rộ.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, hầu hết các khoản vay có liên quan đến đòi nợ thuê đều là những giao dịch "tế nhị", ngoài luồng. Ngoài các khoản nợ được thực hiện bằng miệng, thiếu các văn bản pháp lý thì không ít trường hợp vay - mượn còn vi phạm pháp luật do liên quan cầm cố tài sản và cho vay nặng lãi. Vì vậy, thay vì khởi kiện ra tòa, chủ nợ chấp nhận mất phí để nhờ cậy "dịch vụ đen". Cách làm này vừa giúp cho chủ nợ không bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi, không bị tòa án áp dụng mức lãi cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cho khoản nợ khó đòi mà trái lại, có thể thu hồi tối đa số tiền gồm cả gốc lẫn lãi. Ngoài ra, do việc thực hiện bản án được tuyên thường mất rất nhiều thời gian, đó là chưa kể đến việc phía bị đơn kháng cáo từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm rồi giám đốc thẩm... cũng là lý do khiến cho các chủ nợ thiếu kiên nhẫn, tự rút đơn kiện rồi tìm đến các băng nhóm đòi nợ thuê, nhờ đòi lại tài sản.

Một nguyên nhân khác khiến "dịch vụ" đòi nợ thuê đắt hàng là do hầu hết các con nợ khi phá sản thường vay mượn của rất nhiều người. Không muốn rơi vào tình thế "trâu chậm, uống nước đục" người cho vay sau khi phát hiện người vay có dấu hiệu khó chi trả, đã cậy nhờ mối quan hệ với xã hội đen để thu nợ. Trong những trường hợp vỡ nợ với số lượng lớn, người có tài sản cho vay thường để các nhóm đòi nợ thuê đứng ra, chiếm đoạt tài sản thế chấp trước khi các chủ nợ khác có hành động tương tự.




Một đối tượng đòi nợ thuê và hung khí liên quan bị cơ quan công an thu giữ

 
Rước họa vì thuê "dịch vụ đen"
Chuyện con nợ thắt cổ tự tử tại nhà chủ nợ xảy ra cách đây chưa lâu tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, có thể khiến những ai muốn sử dụng "dịch vụ đen" phải suy nghĩ lại. Bởi với hành động côn đồ, từ vị trí của một chủ nợ, vợ chồng Trương Kim Nhung - Vũ Minh Trí đã trở thành đối tượng phạm tội, bị điều tra, truy tố về các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản và cho vay nặng lãi.

Sự việc xuất phát từ việc Trương Kim Nhung cho ông Đỗ Mạnh Hoan (ở Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) vay 460 triệu đồng. Thời gian đầu, ông Hoan trả lãi đầy đủ nhưng sau đó, việc trả lãi không được thực hiện. Nhung đã nhờ một số đối tượng đứng ra đòi nợ thuê và ép ông Hoan phải viết giấy nợ Chu Anh Tuấn (SN 1976, phường Trung Liệt, quận Đống Đa) với số tiền 1,5 tỷ đồng. Thực tế số tiền này là gồm tiền gốc và tiền lãi mà ông Hoan nợ Nhung nhưng "bắn chuyển" sang cho Tuấn. Thời gian sau đó, do con nợ thường xuyên tránh mặt, Nhung cùng chồng đã bắt ông Hoan đưa về nhà riêng ngõ 98, phố Thái Hà. Cùng với việc ép ông Hoan phải bán nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc để trả nợ, vợ chồng Nhung và đồng bọn còn tiếp tục giam lỏng, đánh đập con nợ. Không lâu sau đó, do không chịu được các màn tra tấn, ông Hoan đã thắt cổ tự tử tại nhà riêng của vợ chồng Nhung.

Không chỉ có người cho vay chịu cảnh "gậy ông đập lưng ông" do liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê mà ngay cả các đối tượng thực hiện hành vi này cũng nhiều phen rước họa. Vụ án Nguyễn Quốc Bình - đối tượng đòi nợ thuê bị chém chết trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa là một ví dụ. Trước đó, Nguyễn Đình Sơn Vương (SN 1966, ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) có vay của chị Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1980, trú tại khu tập thể Phương Liên, quận Đống Đa) 350 triệu đồng.

Sau một thời gian, Vương mới trả cho chị Vân Anh 200 triệu đồng và còn thiếu 150 triệu đồng nên Vân Anh nhờ anh Nguyễn Quốc Bình (SN 1983, phường Tràng Thi, thành phố Nam Định) đứng ra đòi nợ. Sau nhiều lần chửi bới và dùng súng đe dọa mà không đem lại kết quả, Bình đã gọi 2 đối tượng khác đến đòi nợ Vương. Thấy vậy, Vương cũng gọi điện cho Nguyễn Quang Hải (SN 1975) và Nguyễn Trung Hiếu (1983, cùng phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) đến can thiệp. Vừa đi đến đến phố Xã Đàn, thấy Vương đang đuổi theo anh Bình nên Hải và Hiếu đã dùng dao, kiếm đâm chém nhiều nhát khiến Bình tử vong.
(Theo ANTĐ)

No comments:

Post a Comment