Monday, 28 May 2012

Thì ra là vậy!

Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Người cộng sản Việt Nam vẫn ca ngợi ông Hồ. Thực tế thì rất nhiều 'huyền thoại" về ông nay đã được bóc mẽ ra nhiều. Tuy nhiên vẫn còn những kẻ tung hô ông thật lố bịch như bài báo trên Vietnamnet.
Cái lố bịch là ngay cả kẻ viết cũng nói láo mà người trong câu chuyện cũng chẳng khá hơn. Sau đây tôi xin chỉ ra mấy điểm làm tôi thấy buồn cười về câu chuyện này.
Trong bài đoạn mở đầu có viết: "Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh" - câu hát đó dường như gắn với chính hình ảnh cô bé Thủy tay ôm bó hoa cùng các bạn đứng bên Bác Hồ. "Cô bé" trong tấm hình đó là chị Tạ Phương Thủy, Việt kiều hiện đang sinh sống tại Ba Lan.

Chị Tạ Phương Thủy là con gái thứ của ông Lê Trang, tên thật là Tạ Quang Thuật, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, Tham tán công sứ tại Liên Xô trước đây, nguyên Đại sứ tại Ba Lan... 

Từ nhỏ, ba chị em gái lớn trong gia đình đều được bố mẹ cho theo học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Học hết trung cấp khoa piano, chị theo học Đại học Kinh tế quốc dân. Chị kết hôn với ông Hoàng Vĩnh Lợi, con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám.
Bạn đọc có thấy không? Bài hát của một ông nhạc sỹ "đỏ từ chân lên đầu" tất nhiên là phải ca ngợi lãnh tụ của đảng ông ta rồi. Tôi miễn bình luận. 
Nhưng bạn thử xem đối tượng ca ngợi ông đảng trưởng là ai? 
Đó là con ông cháu cha, những hạt giống đỏ thời đó. Bố mẹ của họ là đảng viên, cán bộ cỡ bự được nhiều quyền lợi, nhà lầu xe hơi thì đương nhiên họ phải "yêu bác Hồ Chí Minh" rồi còn gì? 
Nếu họ không phải là con cháu của các vị quan chức cộng sản kia thì liệu họ có thực tâm yêu bác Hồ không? 
Tôi tự hỏi nếu "cô bé" kia là con cháu, họ hàng những người dân oan trong cải cách ruộng đất hay nhân dân miền Nam chết oan ức thì họ có yêu Bác hay không? Rõ ràng bài báo nói lên một sự thật là chỉ những kẻ trong đảng cướp thì mới tung hô Bác mà thôi. Họ lấy nhau cũng đúng vì họ là con ông cháu cha, lấy nhau cho môn đăng hậu đối chứ. Có như dân đen mang tiếng là "ông chủ" đâu.Họ yêu Bác vì họ nhờ có Bác nên mới có thể ăn trên ngồi trốc như bây giờ. Nếu không có Bác có khi họ chẳng là Việt kiều, mà cái cô bé kia cũng chỉ là đứa trẻ vô danh.
Tiếp theo bài báo có giới thiệu hiện nay hai "hạt giống đỏ" này là Việt kiều Ba Lan. Bạn đọc thấy ở đây rõ ràng họ là con quan chức cách mạng. Cha ông họ và bản thân họ luôn ca ngợi Bác, đảng giỏi giang, trí tuệ nên đã tạo ra thiên đường xã hội chủ nghĩa. Ấy vậy mà họ lại bỏ nước ra đi không về để định cư nơi trời Âu? 
Dẫu biết rằng Ba Lan trước đây cũng là cộng sản, nhưng đó đã là quá khứ của đầu thập niên 90 rồi. 
Sao họ yêu đảng, yêu Bác, yêu xã hội chủ nghĩa thế mà không về sống trong "thiên đường" nhỉ? 
Hóa ra cũng chỉ là bịp bợm vì họ giống như tất cả con ông cháu cha khác đó là chạy được khỏi cái nơi tổ quỷ ấy càng sớm càng tốt giống như con ông Dũng thủ tướng… 
Vậy mà họ vẫn ra rả ca ngợi công lao của Bác và đảng.
Thì ra là vậy! Họ chỉ nói láo như những con vẹt mà thôi.
Đoạn tiếp sau của bài báo có viết: Từ Ba Lan, chị Thủy kể lại những kỷ niệm với VietNamNet: 

"Thế hệ tôi được sinh ra khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Cha tôi trong cương vị người phát ngôn Bộ Ngoại giao thi thoảng gặp Bác. Có lần được cha cho đi theo, tôi trông thấy Bác Hồ từ xa trong sân Phủ Chủ tịch. Đầu những năm 60, Hà Nội thật thanh bình. Sân Phủ Chủ tịch hàng năm thường đón những đoàn thiếu nhi từ khắp mọi miền đất nước đến thăm Bác.

Lần đầu tiên tôi được tham gia một đoàn thiếu nhi có thành tích học tập tốt vào thăm Bác vào mùa hè năm 1964, khi tôi lên 8 tuổi. Đoàn khá đông, tập kết ở bậc thềm Phủ Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong bộ quần áo đại cán. Sau này trong một thước phim tài liệu tôi thấy mình bận bộ quần yếm đỏ, áo hoa nhảy lên vỗ tay giữa bao bạn thiếu nhi. Phút giây gặp gỡ trôi đi thật là nhanh! Bác Hồ chia kẹo cho chúng tôi, những chiếc kẹo bọc giấy đỏ. Tôi tự nhủ thầm: gắng học giỏi để năm sau lại được vào thăm Bác."
Bạn đọc sẽ thấy cái lý do rất giản dị thực tế của một đứa trẻ lên 8 tuổi đó là cố gắng học giỏi gặp Bác, mà gặp Bác thì có kẹo.
Đó là điều tôi công nhận cô Thủy này nói thực trong bài này. 
Trẻ con mà , ai chẳng thích kẹo nhất là vào thời điểm đó ăn còn chẳng có nói chi đến kẹo. Vậy thì ra lý do muốn gặp Bác và "yêu" Bác rất giản dị vì được ăn kẹo chứ thực tế chẳng có gì.
Nó đối lập hẳn với đoạn title của bài báo "…Tấm hình ghi lại buổi diễn, gặp Bác năm đó đi vào lịch sử bởi khoảnh khắc chớp thần thái đôi mắt nơi cô bé dành cho Bác, chứa đựng sự kính trọng, yêu mến hết mực hồn nhiên, trong sáng". 
Nói thẳng ra cô bé Thủy kia đơn thuần lúc đó 8 tuổi như bao đứa trẻ khác có hiểu gì về sự "vĩ đại" của Bác đâu, cô bé đó chỉ muốn gặp Bác và vui khi gặp Bác vì có kẹo mà thôi. Bài báo đã tự va nhau nếu chúng ta đọc kỹ. Điều này cho thấy mặc dù đã cố gắng tô hồng lãnh tụ đảng Cộng sản nhưng những tay văn nô hiện nay quả thật kém cỏi về khả năng tư duy logic. Có lẽ họ đã bị đồng tiền chi phối quá nhiều nên họ càng ngày càng kém đi trong sự suy đồi của đạo đức cách mạng.
Cuối cùng bài báo có đoạn: "Khi chương trình biểu diễn của các học sinh bắt đầu, hai em gái nhỏ tuổi nhất được ngồi cạnh Bác. Kế bên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo khác. Bác chăm chú nghe các tiết mục biểu diễn của thiếu nhi, gương mặt ngời sáng. Bác hôn các cháu, đặc biệt sau những tiết mục đàn dân tộc. Khi tôi giới thiệu các tiết mục tam thập lục và thập lục, Người nhẹ nhàng nói: Ngôn ngữ Việt Nam là đàn 36 dây và 16 dây, bác cháu ta nói bằng ngôn ngữ của ta".
Ồ! Thì ra Bác rất yêu dân tộc đó chứ. 
Các bài báo lề trái cứ nói quá chứ cái anh Vietnamnet này nói Bác nói phải nói bằng ngôn ngữ ta. 
Ấy vậy mà tôi thấy trong rất nhiều tài liệu của Bác công bố ra Bác toàn dùng sai chính tả Việt Nam, ví dụ nhỏ như "Đường kách mệnh". Chẳng lẽ một người yêu dân tộc, có trình độ "danh nhân" văn hóa thế giới (như là đảng cộng sản đưa tin) mà lại có thể viết sai chính tả tùy tiện ư? 
Hơn thế nữa Bác viết di chúc lúc cuối đời chỉ muốn gặp cụ Mao, cụ Lê Nin chứ Bác có muốn gặp các bậc Vua Hùng có công dựng nước hay Đức Thánh Trần đâu? 
Vậy hóa ra những gì bài báo viết về tính "dân tộc" trong Bác chỉ là bịa đặt.
Tôi thì tôi tin một người yêu nước thực sự không bao giờ làm thế nhất là trong cương vị một vị lãnh tụ . Và tôi tin rằng thời gian, lịch sử sẽ cho ta thấy tất cả dù là ai đó muốn thay đổi nó vì những lợi ích phản nước hại dân. 
Công lý sẽ có trên đất nước Việt nam không xa nếu chúng ta biết nhìn sâu hơn từ cái nhỏ nhất để thấy cái bỉ ổi, láo toét của đảng cộng sản.
Đọc kỹ lại bài báo của Vietnamnet và câu chuyện của cô Thủy kia tôi cũng chỉ thốt lên một câu: "Thì ra là vây!". 
Còn bạn đọc, các bạn nghĩ sao nhỉ ???
27/05/2012
 
***

Bác Hồ trong ký ức cô học sinh piano đất Hà thành

- 43 năm trôi qua nhưng "cô bé" học sinh khoa piano Trường Âm nhạc Việt Nam thuở nào vẫn nhớ rõ buổi biểu diễn cho Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch tháng 5/1969, chỉ mấy tháng trước khi Bác ra đi mãi mãi. Tấm hình ghi lại buổi diễn, gặp Bác năm đó đi vào lịch sử bởi khoảnh khắc chớp thần thái đôi mắt nơi cô bé dành cho Bác, chứa đựng sự kính trọng, yêu mến hết mực hồn nhiên, trong sáng.
"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh" - câu hát đó dường như gắn với chính hình ảnh "cô bé" Thủy tay ôm bó hoa cùng các bạn đứng bên Bác Hồ.

Tạ Phương Thủy (cô bé ôm bó hoa nhìn Bác) tại Phủ Chủ tịch tháng 5/1969


"Cô bé" trong tấm hình đó là chị Tạ Phương Thủy, Việt kiều hiện đang sinh sống tại Ba Lan.
Chị Tạ Phương Thủy là con gái thứ của ông Lê Trang, tên thật là Tạ Quang Thuật, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, Tham tán công sứ tại Liên Xô trước đây, nguyên Đại sứ tại Ba Lan... Từ nhỏ, 3 chị em gái lớn trong gia đình đều được bố mẹ cho theo học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Học hết trung cấp khoa piano, chị theo học ĐH Kinh tế quốc dân. Chị kết hôn với ông Hoàng Vĩnh Lợi, con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám. 

Giấc mơ gặp Bác
Từ Ba Lan, chị Thủy kể lại những kỷ niệm với VietNamNet:
"Thế hệ tôi được sinh ra khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Cha tôi trong cương vị người phát ngôn Bộ Ngoại giao thi thoảng gặp Bác. Có lần được cha cho đi theo, tôi trông thấy Bác Hồ từ xa trong sân Phủ Chủ tịch. Đầu những năm 60, Hà Nội thật thanh bình. Sân Phủ Chủ tịch hàng năm thường đón những đoàn thiếu nhi từ khắp mọi miền đất nước đến thăm Bác. 
Lần đầu tiên tôi được tham gia một đoàn thiếu nhi có thành tích học tập tốt vào thăm Bác vào mùa hè năm 1964, khi tôi lên 8 tuổi. Đoàn khá đông, tập kết ở bậc thềm Phủ Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong bộ quần áo đại cán. Sau này trong một thước phim tài liệu tôi thấy mình bận bộ quần yếm đỏ, áo hoa nhảy lên vỗ tay giữa bao bạn thiếu nhi. Phút giây gặp gỡ trôi đi thật là nhanh! Bác Hồ chia kẹo cho chúng tôi, những chiếc kẹo bọc giấy đỏ. Tôi tự nhủ thầm: gắng học giỏi để năm sau lại được vào thăm Bác.

Năm sau, một lần nữa tôi được tham gia 1 đoàn thiếu nhi đến thăm Bác. Mùa hè năm 1965 đối với bọn trẻ chúng tôi giống như bao mùa hè trước. Nhưng dường như Hà Nội đã có những đợt sóng ngầm báo hiệu chiến tranh. Chờ hồi lâu không thấy Bác Hồ, người xuất hiện là Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thay Bác Hồ chia kẹo cho chúng tôi. Cuối năm 1965, chúng tôi rời Hà Nội theo Trường Âm Nhạc Việt Nam đi sơ tán. Vài năm sau đó chiến tranh tạm ngừng, trở về Hà Nội, tôi may mắn có dịp được vào thăm Bác.
Một ngày cuối tháng 5/1969, học sinh sơ cấp trường Âm Nhạc Việt Nam được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi. Chúng tôi đồng thanh hát: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Không ngờ đó là lần cuối Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi - Người từ trần sau đó 3 tháng.  

Chị Tạ Phương Thủy cùng chồng, ông Hoàng Vĩnh Lợi, ở Ba Lan    


Đó là một ngày nắng xanh trời, bậc thềm Phủ Chủ tịch cũng phấp phới màu xanh trời điểm trắng của váy áo đồng phục thiếu nhi vào thăm Bác. Tôi ôm bó hoa vinh dự thay mặt thiếu nhi tặng Bác Hồ. Đôi mắt chúng tôi long lanh niềm vui sướng. Hồ Chủ tịch xuất hiện trong bộ quần áo nâu giản dị. Rất gần Bác, tôi ngắm chòm râu bạc, nước da mồi, nụ cười tươi của Người.
Khi chương trình biểu diễn của các học sinh bắt đầu, hai em gái nhỏ tuổi nhất được ngồi cạnh Bác. Kế bên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo khác. Bác chăm chú nghe các tiết mục biểu diễn của thiếu nhi, gương mặt ngời sáng. Bác hôn các cháu, đặc biệt sau những tiết mục đàn dân tộc. Khi tôi giới thiệu các tiết mục tam thập lục và thập lục, Người nhẹ nhàng nói:  Ngôn ngữ Việt Nam là đàn 36 dây và 16 dây, bác cháu ta nói bằng ngôn ngữ của ta”.
Những lần vinh dự thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với tôi thật sự là giấc mơ. Trải qua 43 năm kể từ khi Bác Hồ đi xa, có nhiều đổi thay trong xã hội, nhưng còn nguyên trong tôi - cô học trò năm xưa đã từng được tặng hoa Bác, một lòng yêu kính Người. Chính tình cảm thiêng liêng của cả một thế hệ chúng tôi dành cho vị lãnh tụ là một trong những chất liệu làm nên tính cách con người. Dù ở đâu, đi đâu chúng tôi vẫn giản dị là người Việt Nam”.
Linh Thư

 

No comments:

Post a Comment