Mời quý vị xem sản phẩm "100 trồng người" ... :
Hòa Ái, phóng viên RFA
Theo báo Tuổi Trẻ đăng tải thì kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thuộc Học viện CSND cho thấy giai đoạn năm 2007 - 2010 có hơn 4.000 phạm nhân đang thụ án ở độ tuổi "dưới vị thành niên".
Và tỷ lệ này ngày đang trên đà tăng nhanh ở mức báo động và mức độ ngày càng hung hãn. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Hòa Ái tìm hiểu và trình bày trong phần sau.
Theo báo Tuổi Trẻ đăng tải thì kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thuộc Học viện CSND cho thấy giai đoạn năm 2007 - 2010 có hơn 4.000 phạm nhân đang thụ án ở độ tuổi "dưới vị thành niên".
Và tỷ lệ này ngày đang trên đà tăng nhanh ở mức báo động và mức độ ngày càng hung hãn. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Hòa Ái tìm hiểu và trình bày trong phần sau.
Dư luận giật mình
Một thanh niên phạm tội bắt cóc trẻ em đang bị xét xử tại Tòa án nhân dân Hà Nội, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO
Vào trung tuần tháng 10 năm 2008, bản tin về một học sinh lớp 8 giết người vì ăn trộm 3 cái nồi nhôm ở Hà Nội khiến dư luận giật mình. Tuy nhiên, những bản tin như thế này ngày càng xuất hiện nhiều hơn và ngày càng khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng. Trước đây, người ta cho rằng đó chỉ là những thành phần cá biệt nhưng hiện trạng bạo lực của thanh niên và phong trào giết hại với cường độ ngày càng dã man thật sự đáng báo động. Ngày nay, nhiều phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên luôn kềm cặp con mình như những đứa bé lên ba. Hầu như họ luôn cố gắng canh chừng con em suốt 24 tiếng đồng hồ một cách cẩn thận. Nhiều phụ huynh cho biết trong khi chờ đón con ở trường, học sinh văng tục chửi thề luôn miệng, các em gái đánh nhau chỉ với lý do hết sức đơn giản vì “con nhỏ đó nhìn thấy ghét”.Tình trạng những nữ sinh đánh nhau có sự cổ võ của những thanh niên nam nữ đồng trang lứa xung quanh, được quay video đầy dẫy trên các trang mạng vẫn không giảm bớt dù các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong mấy ngày qua, tin về một nữ sinh Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng dùng gậy đánh bạn cùng phòng ở ký túc xá được đăng tải trên trang mạng báo Giáo Dục. Chỉ vì một lý do đơn giản không muốn bạn cùng phòng bước vào phòng tắm lấy chén bát khi đang thay đồ mà nữ sinh này đã đánh bạn đến mức bị đa chấn thương. Thật sự dư luận bị đánh động vì sao những nhà giáo tương lai lại có thể gây ra những chuyện như thế này? Dường như không còn một rào chắn an toàn nào hay một chuẩn mực nào để khuyên dạy thanh thiếu niên được nữa. Các chuyên gia giáo dục cho rằng nguyên nhân là do phía nhà trường không chú trọng đến việc giảng dạy môn đạo đức. Và môn học này không có tính thực tế, nặng nề về lý thuyết nên không có tác dụng.
Trên các cơ quan truyền thông đại chúng, những tin tức giết người của thanh niên gần như nhan nhãn với một Phạm Ngọc Thắng dùng dao giết bạn chỉ vì một điếu thuốc lá, một Lê Văn Luyện - “sát thủ” không có nhân tính đã thảm sát cả một gia đình, một học sinh lớp 8 giết bạn ở Bắc Ninh lấy đi chiếc xe đạp, một Đào Văn Tài gây ra vụ án giết người do nảy sinh ý định cướp tài sản để mua điện thoại di động. Dư luận thật bàng hoàng khi trong số những thanh thiếu niên giết người lại là con ngoan trò hiền. Câu hỏi đặt ra vì lý do gì mà con ngoan trò hiền lại là tội phạm giết người. Chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương trả lời câu hỏi này cho đài RFA như sau:
“Hạn chế của giáo dục về xã hội học và những giao tiếp trong xã hội và những khía cạnh công bằng trong xã hội thì còn ít thành ra không có tác dụng giúp cho học sinh cân bằng giữa cái thiện và cái ác. Người ta không biết ứng xử như thế nào. Cuộc sống như vậy họ dễ bị kéo theo.”
Đạo đức xã hội xuống cấp
Xã hội là môi trường tổng thể, một bức tranh thực tế tác động đến thanh thiếu niên một cách trực tiếp dù họ được lớn lên trong một gia đình chuẩn mực về đạo đức hay được học tập rèn luyện theo kỹ cương của trường học. Có nhiều chuyên gia giáo dục nhận định ở tuổi nhi đồng, các em được tiếp thu hay dạy dỗ những điều phải nên làm theo cách đúng nguyên tắc của xã hội. Tuy nhiên, môi trường sống xung quanh không phản ánh được những gì các em học hỏi. Đơn cử một ví dụ rất nhỏ, khi một bé được học ở trường là phải dừng lại khi thấy tín hiệu đèn đỏ bật lên nhưng phụ huynh không biết cách giải thích và trả lời cho con mình với câu hỏi vì sao người đi đường không dừng lại. Sự xuống dốc của đạo đức xã hội ngày càng trầm trọng dẫn đến sự băng hoại về giá trị đạo đức của giới trẻ đến mức báo động.
Chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương cho rằng bên cạnh những tác động của xã hội dẫn đến bạo lực ở thanh thiếu niên, còn có một nguyên nhân tác động nhiều khác là từ các phim bạo lực, game bạo lực. Dù được cha mẹ dạy dỗ khuyên bảo hay thậm chí răn đe, không cho giao du với bạn xấu, các thanh thiếu niên lại tìm niềm vui trong thế giới ảo qua các trò chơi trên mạng điện tử. Qua tìm hiểu thông tin ở các tiệm internet thì gần như 100% các game đều mang tính bạo lực. Một phụ huynh cho biết:
“Tình hình chung xã hội bây giờ ai cũng lo lắng cho con mình. Về trách nhiệm cha mẹ, nếu như mình có sẵn sự giáo dục của riêng gia đình chặt chẽ hơn thì xã hội sẽ đỡ gánh nặng hơn. Nhưng văn hóa bây giờ ảnh hưởng về game. Những game đó thường hay bạo lực lắm. Cho nên hướng bạo lực rất là nhiều. Nó xem như là tràn lan mà nhà nước quản lý cũng không có xuể. Coi như ảnh hưởng game là quá mạnh, quá lớn.”
Các chuyên gia tâm lý cho rằng thanh thiếu niên ở giai đoạn lứa tuổi luôn khao khát khẳng định cái “Tôi” mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Do đó, phim ảnh bạo lực và game bạo lực là những nhân tố chính yếu tác động đến tâm sinh lý của các thanh thiếu niên. Qua thông tin báo chí, những trường hợp thanh niên ra đường coi mạng sống của người ta không quan trọng, gây ra những án mạng dã man lại trở thành những nhân vật anh hùng trong tâm tưởng của nhiều người trẻ hiện nay. Đa phần phụ huynh chia sẻ là mỗi lần con cái đi ra đường hay đi chơi với bạn bè hay bất cứ chỗ này chỗ kia thì rất lo sợ. Một phụ huynh khi được hỏi liệu hiện trạng này sẽ được thuyên giảm hay không, chia sẻ ý kiến của mình như sau:
“Để giảm bớt được thì đầu tiên ở gia đình mình trước, mình giáo huấn con cái. Ở xã hội bên ngoài, luật pháp nghiêm minh hơn một tí, có tính răn đe để thanh niên họ nhìn vô luật pháp rõ ràng. Họ sợ. Họ không dám làm những điều bậy nữa thì xã hội mới được yên ổn. Do bên ngoài tác động của xã hội nhiều quá đi. Làm sao môi trường sinh hoạt của thanh niên được đầy đủ hơn như những sân chơi thể dục thể thao hay những nơi có văn hóa cộng đồng thì sẽ hay hơn, không thôi không có sân chơi, các em cứ tụ năm tụ ba, cứ hút chích, thấy những hình ảnh đàn anh đàn chị thì dễ bị hư.”
Dù biết rằng gia đình, nhà trường và xã hội phải phối hợp chặt chẽ trong việc quan tâm giáo dục thanh thiếu niên để ngăn chặn được tệ nạn xã hội đang xảy ra ở mức báo động. Tuy nhiên, phụ huynh, thầy cô giáo cũng như các chuyên gia giáo dục không biết phải làm gì ngoài cách trông chờ một giải pháp mang tầm vĩ mô ở các cấp lãnh đạo như nhận định của chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương:
“Tác động đến xã hội, đặc biệt thế hệ trẻ thì tác động rất là lớn. Mà hiện nay đấy là một vấn đề của xã hội Việt Nam. Nếu như mà càng để chậm thì tác động tai hại càng lớn hơn nữa nhưng mà cái gì cũng phải chờ thời gian thôi, chẳng biết làm thế nào.”
No comments:
Post a Comment