Tuesday, 29 May 2012

Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên: “Đẽo chân theo giày”

Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên: “Đẽo chân theo giày”
Những người công bộc của dân được đặt lên để phục vụ và làm cho ích nước lợi nhà, nhưng xem ra phần “ích nước” luôn bị coi nhẹ và phần “lợi nhà” lại là chính. Ấy vậy nên mới có những vị “đầy tớ nhân dân” mà gia tài của họ được so sánh như những đại gia, thậm chí còn giống như vua chúa thời phong kiến, có vườn thượng uyển, có dinh thự xa hoa. Một điều lạ lùng là những vị lãnh đạo kém khả năng và thiếu tư cách, lẽ ra phải cho nghỉ việc thì lại được đề bạt lên cấp cao hơn, đến lúc bị phát hiện thì mọi người tá hỏa vì tổn thất quá lớn và thủ phạm đã cao chạy xa bay. Nhiều người phỏng đoán nếu có bắt được thủ phạm thì cũng “hòa cả làng”. Những cách hành động trên đây đang làm cho đất nước và dân tộc nghèo đi, không chỉ về kinh tế, mà còn nghèo về tình người và nguy hiểm nhất là nghèo về niềm tin.

Một câu chuyện ngụ ngôn kể về người thợ đóng giày. Vì tay nghề của ông quá kém, nên khi đóng một đôi giày, khách hàng thường phải yêu cầu ông sửa đi sửa lại nhiều lần. Có một khách hàng đến khiếu nại vì giày của ông quá chật. Đáng lẽ phải nới rộng giày cho vừa với chân thì ông thợ kia lại đề nghị khách hãy “đẽo bớt chân cho vừa giày”.
Ý tưởng của người thợ giày ngược đời và không có tính khả thi. Tác giả muốn qua câu chuyện này cho thấy xung quanh ta vẫn có những hành động phi lý, gượng ép và không mang lại hiệu quả. Trong đời sống đức tin cũng như đời sống xã hội, vẫn còn đó nhan nhản những khuynh hướng theo kiểu “đẽo chân theo giày”.

Khuynh hướng thứ nhất là tự dựng nên một hình ảnh Thiên Chúa theo ý kiến chủ quan
Nếu tác giả sách Sáng thế viết: “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình…” (St 1,27), thì nay nơi nhiều người đang có khuynh hướng làm ngược lại: “Con người tạo dựng Thiên Chúa theo hình ảnh của họ (!)”. Thật thế, để tạo nên một thứ tôn giáo đáp ứng được đam mê và sở thích cá nhân, người ta tự xây dựng một hình ảnh Thiên Chúa nhằm thỏa mãn tự do của mình. Các môn đệ xưa kia cũng không thoát khỏi lối suy nghĩ nguy hiểm này. Họ mang một quan niệm sai lệch về sứ mạng thiên sai của Đức Giêsu. Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” cũng thúc bách bà mẹ của hai người con ông Giêbêđê. Bà xin Đức Giêsu cho hai con trai mình, một bên tả, một bên hữu Chúa. Hai chàng thanh niên này cùng đi với mẹ và hăng hái sẵn sàng chấp nhận chén đắng miễn là được hai vị trí quan trọng hai anh đang mong chờ (x. Mt 20,21-22). Ngay cả khi Người vừa loan báo: “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy…” (Lc 22,21) thì liền sau đó, các môn đệ vẫn sôi nổi tranh luận xem ai trong nhóm được coi là lớn nhất (x.Lc 22,24). Thậm chí sau khi Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết, một vài người trong họ vẫn còn giữ khái niệm thuần túy nhân loại về sứ mạng của Người. Tác giả sách Công vụ Tông đồ chắc đã mỉm cười hài hước khi ông ghi lại câu hỏi của một số người có mặt: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1,6). Thật là khó hiểu, vì các môn đệ là những người bỏ mọi sự mà theo Thầy, đã được thụ giáo trong suốt ba năm có lẻ, mà vẫn bị những tham vọng trần thế làm mờ con mắt. Các ông muốn xây dựng hình ảnh một đấng Messia theo nhãn giới trần thế của các ông, với hy vọng được thăng quan tiến chức và hưởng phú quý vinh hoa.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, tôn giáo cũng có thể biến thành một thứ hàng hóa bát nháo như một cái chợ. Người ta viện cớ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “bên cha cũng kính mà bên mẹ cũng vái”, để duy trì một thứ tôn giáo hỗn tạp. Thiên Chúa bị đặt để ngang hàng với các loại ngẫu thần và các hình thức mê tín dị đoan. Trong cách nghĩ của nhiều tín hữu, Thiên Chúa là người quản lý giàu có và hào phóng, giống như Bà Chúa Kho, khi cần thì đến khấn vái để được những lợi lộc, may mắn. Đây là một quan niệm làm biến dạng đức tin vào Thiên Chúa, rất nguy hiểm. Bởi lẽ khi người ta tin vào Chúa thế nào thì người ta thực hành đức tin như vậy. Một Thiên Chúa để ban ơn lợi lộc thì chỉ được kêu cầu để buôn may bán đắt. Người ta khấn vái Ngài để thực hiện những “phi vụ” làm ăn, bất chấp những điều phi pháp và trái đạo lý con người. Chẳng bao giờ người ta nghĩ đến việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Tạo nên hình ảnh Thiên Chúa cho mình, đó chính là một hình thức “đẽo chân theo giày” của khá nhiều người thời nay.

Khuynh hướng thứ hai là thực hành đức tin tự do, theo những tham vọng cá nhân
Tại một số nước Âu Mỹ, xuất hiện một cách thức sống đức tin mà người Pháp gọi là “à la carte”. “Carte” là bản thực đơn trong nhà hàng. Mỗi khi khách đến, nhân viên đưa ra một thực đơn để khách hàng chọn những món ăn mình thích. Thành ngữ trên đây muốn diễn tả một cách sống đức tin có chọn lựa, giống như chọn lựa món ăn. Món nào ngon, hợp khẩu vị thì chọn, món nào không hợp thì thôi. Vì vậy, có những người tín hữu chủ trương “Tin Chúa Kitô nhưng không chấp nhận Giáo Hội” hoặc ngược lại. Họ chấp nhận đi nhà thờ, nhưng không lãnh nhận bí tích. Họ nhận mình là người công giáo, nhưng vẫn ly dị hoặc sống chung ngoài hôn nhân. Họ chấp nhận kết hôn, nhưng không sinh con cái. Họ nổi loạn và phản đối từ Đức Giáo Hoàng cho đến mọi phẩm chức trong Giáo Hội, khi họ không được đáp ứng những yêu sách chủ quan của họ. Nói tóm lại, họ chỉ chọn lựa những gì dễ dãi cho bản thân, mà không chấp nhận bất kỳ sự ràng buộc nào do Luật của Thiên Chúa và Luật của Giáo Hội quy định.

Quan niệm sống đức tin theo kiểu “hiện đại” trên đây cũng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, dựa vào lý luận “Thiên Chúa nhân từ” để dễ dàng vượt qua những quy định của Giáo Hội. Họ coi nhẹ những ràng buộc hôn nhân và sự chung thủy vợ chồng. Họ quan niệm quá tự do về tính dục. Đời sống cầu nguyện nội tâm và việc học giáo lý bị coi thường. Nhiều bạn trẻ vẫn nhận mình là Kitô hữu, nhưng lại không thực hành đức tin. Họ dễ dàng từ bỏ danh nghĩa là người công giáo để có thể thăng tiến trong xã hội. Họ muốn thay ngôi đổi vị trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, biến Ngài thành một Thiên Chúa phụng sự con người hơn là con người phụng sự Thiên Chúa. Bắt Thiên Chúa chiều theo con người, chỉ chấp nhận những gì dễ dãi, đây là một kiểu “đẽo chân theo giày” trong việc sống đức tin.

Khuynh hướng thứ ba là hành động vô trách nhiệm
“Mình vì mọi người và mọi người vì mình”, “Lợi ích tập thể phải đặt ưu tiên trên lợi ích cá nhân”… Những câu châm ngôn này xem ra nay đã lỗi thời. Xã hội ngày càng rối ren do con người thiếu trách nhiệm trong cách hành xử, từ lãnh vực cá nhân đến lãnh vực tập thể. Trong lãnh vực cá nhân, người ta nói và làm theo nhận định chủ quan của mình mà không quan tâm đến ích lợi của người khác. Trong lãnh vực tập thể, những người có trách nhiệm chỉ để ý tới lợi nhuận trước mắt mà quên những lích lợi lâu dài.

Những người công bộc của dân được đặt lên để phục vụ và làm cho ích nước lợi nhà, nhưng xem ra phần “ích nước” luôn bị coi nhẹ và phần “lợi nhà” lại là chính. Ấy vậy nên mới có những vị “đầy tớ nhân dân” mà gia tài của họ được so sánh như những đại gia, thậm chí còn giống như vua chúa thời phong kiến, có vườn thượng uyển, có dinh thự xa hoa. Một điều lạ lùng là những vị lãnh đạo kém khả năng và thiếu tư cách, lẽ ra phải cho nghỉ việc thì lại được đề bạt lên cấp cao hơn, đến lúc bị phát hiện thì mọi người tá hỏa vì tổn thất quá lớn và thủ phạm đã cao chạy xa bay. Nhiều người phỏng đoán nếu có bắt được thủ phạm thì cũng “hòa cả làng”. Những cách hành động trên đây đang làm cho đất nước và dân tộc nghèo đi, không chỉ về kinh tế, mà còn nghèo về tình người và nguy hiểm nhất là nghèo về niềm tin.

Trong đời sống xứ đạo, những chia rẽ, cạnh tranh theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” vẫn tồn tại. Nhiều khi người ta quên điều cốt lõi của đức tin mà quá nặng về hình thức. Giữa một thời kỳ “trăm hoa đua nở” về xây cất và lễ lạc, việc thực thi công bằng, tôn trọng lương tâm và đời sống cầu nguyện dễ bị coi nhẹ.

Trong lãnh vực gia đình cũng vậy. Nếu ngày xưa các cụ dạy: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thì hiện nay đang phổ biến tình trạng ngược lại: “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”. Nhiều bạn trẻ tự do và quyết đoán trong việc trăm năm, đưa cha mẹ vào thế “đã rồi” và cha mẹ chỉ còn mỗi việc là làm theo những gì con cái muốn. Họ tự do yêu nhau, tự do quyết định hôn lễ và cũng tự do trong những quyết định hệ trọng của cả một đời người.

Kết luận: “Đẽo chân theo giày” là một lối hành xử trái với tự nhiên hoặc cẩu thả, vô trách nhiệm, nên gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Con người có khả năng và trí thông minh để điều khiển vũ trụ, nhưng họ cũng cần phải lắng nghe sứ điệp của Tạo Hóa để tôn trọng các nguyên tắc mà Ngài đã quy định. Hành động với lương tâm ngay chính, tôn trọng phẩm giá và ích lợi tha nhân, đó chính là bí quyết của thành công trong mọi lãnh vực của cuộc sống chúng ta.

+  Gm. Giuse Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHD
http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/binh-luan/d%E1%BB%A9c-giam-m%E1%BB%A5c-giuse-vu-van-thien-d%E1%BA%BDo-chan-theo-giay/

No comments:

Post a Comment