Một loạt diễn biến trong 2 tháng 06 và 07/2012 cho thấy quan hệ giữa TC và Việt Nam trở nên căng thẳng . Và bức tranh nói lên một điều : TC tiếp tục tiến hành kế hoạch hòng buộc Việt Nam , khối ASEAN và Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của họ trong Biển Đông . TC tạo ra những căng thẳng vật chất trên Biển Đông với Phi Luật Tân , như chiếm bãi cạn Scarborough , bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng Hoàng Sa ... Và sau khi Việt Nam tiếp đón bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tại Cam Ranh ( Bộ trưởng Leon Panetta ) và ban hành Luật Biển ( Luật Biển Việt Nam ) TC bắt đầu tấn công bằng những đòn ảo như công khai mở những lô trên biển nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế ( Exclusive Economic Zone – EEZ ) của Việt Nam , kêu các công ty khai thác dầu khí quốc tế đấu thầu . TC đi từng bước một cách có kế hoạch để dần dần lật ngửa con bài của họ là từ ngấm ngầm đến công khai chiếm đóng vùng biển nằm trong một hình chữ U ( còn gọi là vùng biển hình Lưỡi Bò ) phủ lên gần hết Biển Đông do nhà cầm quyền TC công bố lần đầu tiên năm 1933 và nhà cầm quyền Mao Trạch Đông tu chính năm 1953 ( Bản đồ hình chữ U ) .
Chưa ai quên cách đây đúng 4 năm khi Việt Nam cho mở hai lô biển và ký thầu với công ty dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ : một lô nằm ngoài khơi hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi rộng 18 230 KM2 , và lô thứ hai cách Đông Nam Vũng Tàu 440 km rộng 14 200 KM2 . TC đã tìm cách ngăn chận bằng cách vận động và áp lực ExxonMobil bỏ thầu . Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ tỏ ý không can dự , nhưng công ty ExxonMobil sợ mất quyền lợi làm ăn với TC ở những nơi khác nên tạm ngưng thầu .
Và bây giờ ngang ngược hơn TC bước qua một lằn ranh khác cho Công Ty Khai thác Dầu khí Ngoài biển ( China National Offshore Oil Corp – CNOOC ) mở 9 lô cạnh nhau trong vùng EEZ của Việt Nam kêu gọi các hãng thầu quốc tế đấu thầu . Hai lô phía bắc chỉ cách bờ biển tỉnh Bình Định 68 km . Bốn lô kế tiếp trải dài ngoài bờ biển tỉnh Phú Yên , Khánh Hoà và Phan Thiết . Ba lô còn lại chạy dài cho đến ngang tầm mũi Cà Mâu . Tổng số 9 lô rộng 160 000 cây số vuông và ở độ sâu lý tưởng từ 300 mét đến 4000 mét .
Trước cao điểm này , ngày 21/06 Quốc hội Việt Nam ban hành « Luật Biển » xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa , và xác định quyền khai thác tài nguyên trong vùng EEZ . TC trả đũa bằng sắc lệnh nâng cấp chính quyền cấp quận Tam Sa có trụ sở trên đảo Woodleys thuộc Hoàng Sa ( được thành lập tháng 12/2007 ) bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lên cấp tỉnh .
Với bầu không khí căng thẳng hiện nay trên Biển Đông , nhất là các khu TC mở thầu nằm trong vùng EEZ 200 hải lý ( 370 km ) của Việt Nam không ai nghĩ có công ty quốc tế nào đấu thầu . TC cũng biết vậy . Mục đích của TC là cho Việt Nam và thế giới biết rằng TC xem Luật Biển của Việt Nam hoàn toàn vô giá trị và không có tính pháp lý đối với TC . Thứ hai là tính toán của TC để làm cho thế giới ( nhất là Hoa Kỳ ) quen với ý niệm cái gì trong vùng đường « lưỡi bò » là của TC .
Phản ứng của Việt Nam đã rất mạnh mẽ . Ngày 01/07 tại Sài Gòn và Hà Nội các cuộc biểu tình chống TC đã diễn ra rầm rộ . Hà Nội , mặc dù lo sợ các cuộc biểu tình của dân chúng biến thành phong trào chống Đảng , công an Việt Nam lần này đã không giải tán các cuộc tuần hành phản đối và chỉ lo bảo vệ an ninh cho toà đại sứ và sứ quán TC theo đúng luật ngoại giao quốc tế . Trong khi đó TC gởi thêm một hải đội vũ trang đến tăng cường an ninh trong vùng Trường Sa .
Tờ Global Times , một tờ báo Anh ngữ của TC có lập trường bênh vực các chính sách đối ngoại của TC trong một bài bình luận ngày 4/7 viết rằng TC tuy cần thận trọng để giữ tư cách nước lớn ( sic ) , nhưng thái độ của Việt Nam và Phi Luật Tân đều đáng bị trừng phạt .
Công ty CNOOC vừa tiết lộ rằng TC sẽ đầu tư 32 tỉ mỹ kim để khai thác 50 triệu tấn dầu khí trong Biển Đông trong vòng 20 năm tới . Theo thống kê hiện nay vùng Biển Đông có trữ lượng dầu hoả dưới đáy biển cao thứ tư trên thế giới , sau Vịnh Mexico , vùng biển phía tây Phi châu và Brazil . Không có thống kê nào cho biết có bao nhiêu phần trăm dầu thô trong Biển Đông nằm trong vùng EEZ của Việt Nam .
Khoan dầu ngoài biển đòi hỏi kỹ thuật cao . Trước đây chỉ có vài nước có khả năng khoan dầu ngoài biển như Anh , Na Uy , Hoa Kỳ ... Nhưng mới đây TC cũng đã chế tạo được dàn khoan dầu ngoài biển .
TC có khả năng khoan dầu , nhưng TC chỉ kêu thầu chứ không tự khoan . Không khác gì TC có một lá bài tẩy còn sấp . Một câu hỏi cấp bách được đặt ra : Nếu TC lật ngửa cây bài , ngang nhiên kéo dàn khoan đến khoan dầu trong 9 lô vừa mở thầu thì Việt Nam sẽ phản ứng ra sao ? Đây sẽ là hành động xâm lăng ( không khác gì TC xua quân đánh qua biên giới ) , Việt Nam không thể phản đối bằng ngoại giao hay biểu tình , mà phải dùng binh lực để bảo vệ bờ cõi .
TC có chờ cơ hội đó để đánh Việt Nam một trận không ? Hải quân Việt Nam có đủ sức nghênh chiến không . Việt Nam có đủ sức buộc TC rút dàn khoan ra khỏi vùng Đặc Quyền Kinh Tế mình không ? Và nếu không cái gì sẽ xẩy ra ? Vấn nạn này không phải chỉ là vấn nạn riêng của nhà cầm quyền Việt Nam mà còn là một vấn nạn quốc tế liên quan đến Hoa Kỳ . Ngồi yên để TC làm mưa gió trên Biển Đông , hay hành động đều có những hệ luỵ to lớn đối với Hoa Kỳ và nền hoà bình thế giới .
Trước tình hình căng thẳng này , ngày 14/07 vừa qua Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh , thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn chuyên viên Việt Nam đi Hoa Kỳ ( chính thức nói là ) để thảo luận về đạn và mìn còn lại tại Việt Nam sau chiến tranh . Chuyến đi dự trù 10 ngày , và phái đoàn của ông Vịnh sẽ làm việc với viên chức Bộ Quốc Phòng , bộ Ngoại Giao , bộ Lao Động Hoa Kỳ và sẽ gặp gỡ trao đổi với các Dân Biểu và Nghị Sĩ Hoa Kỳ .
Trong lúc tình hình Biển Đông dầu sôi lửa bỏng mà một nhân vật then chốt về an ninh quốc gia như tướng Nguyễn Chí Vịnh đi Hoa Kỳ để bàn về chuyện ‘đạn , mìn » còn sót lại của một trận chiến tranh chấm dứt cách đây 37 năm là một chuyện buồn cười . Biết đâu tướng Vịnh đi Hoa Kỳ để cùng với giới chức quốc phòng Hoa Kỳ trao đổi về một đáp án quân sự và ngoại giao trong trường hợp TC lật ngửa lá bài .
TC sẽ phải tính toán kỹ trước khi lật ngửa lá bài . Hậu quả của nó sẽ có một tầm quan trọng ngoài dự kiến . Trong thế tương quan về hải lực hiện nay giữa TC và Hoa Kỳ có lẽ TC sẽ chưa liều lật ngửa lá bài .
Nhưng 10 hay 20 năm nữa lại là một vấn đề khác . Trong thời gian đó Việt Nam phải làm gì ? Đáp án thì có nhiều . Nhưng quan trọng nhất là nhà cầm quyền phải biết huy động nội lực chống xâm lăng của toàn dân ./.
No comments:
Post a Comment