Saturday, 28 July 2012

Kế hoạch của Đài Loan tại Biển Đông

22-7-12
J. Michael Cole, The Diplomat, ngày 19-7-2012
Trần Ngọc Cư dịch
Có vị trí chiến lược nằm giữa chuỗi đảo Trường Sa trong vùng tranh chấp căng thẳng tại Biển Đông, đảo Thái Bình [tên Việt Nam: Ba Bình – người dịch] là bất động sản quí giá.
Ngoài việc là một địa điểm lớn nhất tại Trường Sa, hòn đảo do Đài Loan kiểm soát này là cứ địa của một trong hai phi đạo duy nhất trong vùng biển này, có chiều dài đủ cho máy bay vận tải cỡ lớn như Hercules C-130 lên xuống.
Chỉ cách Bãi cạn Scarborough 800 km, cách bờ biển Việt Nam chưa tới 600 km và cách đảo Palawan của Philippines 500 km, Thái Bình có thể là phương tiện để phóng chiếu sức mạnh quân sự và nắm giữ các tuyến hàng hải trong một vùng biển đang có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia, và Đài Loan. Là một quà tặng thiên nhiên, Thái Bình có ngư trường phong phú và là đảo duy nhất có nguồn nước ngọt địa phương.
Tin tức cho biết Đài Loan đang đánh giá khả năng nối thêm 300-500 m cho phi đạo 1,150 m, vốn đã hoàn tất năm 2008 trước sự phản đối của nhiều nước trong khu vực (đảo Thitu [tên Việt Nam: Thị Tứ – người dịch], do Philippines kiểm soát, là đảo duy nhất thứ hai trong quần đảo Trường Sa có phi đạo đủ dài để máy bay cỡ lớn hoạt động). Việc đánh giá khả năng này đang được xúc tiến tiếp theo sau một thông cáo vào tháng Hai cho biết Đài Loan sẽ xây một đài hướng dẫn không vận chiến thuật cao 7 m trên đảo, nhằm giúp phi công đáp máy bay bằng radio và hệ thống đèn chiếu [instrument landing] (mãi đến khi nó được hoàn tất vào tháng Chín này, phi công phải dùng mắt quan sát địa hình để đáp máy bay, ngay cả trong thời tiết xấu).
Động thái này sẽ biến một miếng bất động sản có giá trị thậm chí thành một tài sản hấp dẫn hơn, vừa tạo cơ hội vừa có khả năng tạo rủi ro cho Đài Loan.
Nối dài phi đạo không phải là không có những thách đố kỹ thuật, vì phần nối phải được xây trên bãi cát hay vùng nước cạn. Nhưng đấy không phải là những khó khăn không thể vượt qua. Một khi hoàn tất, không những máy vận tải C-130 của Không Lực Đài Loan có thể lên xuống an toàn hơn, nhưng cái phi đạo này, nằm xa điểm cực nam của Đài Loan đến 1.376 km, có thể làm căn cứ cho máy bay tuần tra biển P-3C “Orion” – theo báo chí địa phương trích dẫn các nguồn tin an ninh quốc gia không nêu rõ tên. Đài Bắc đã mua 12 chiếc P-3C tân trang của Hoa Kỳ trong một thương vụ 1,9 tỉ đôla được ký kết năm 2007. Sáu chiếc đầu tiên được dự trù đi vào hoạt động vào khoảng năm tới và trực thuộc Căn cứ Không quân Bình Đông, Nam Đài Loan.
Viêc triển khai loại máy bay này, một loại máy bay có khả năng tác chiến chống tàu ngầm, sẽ là một cách tăng cường quan trọng cho khả năng giám sát một vùng rộng lớn trên Biển Đông và bổ túc cho những nỗ lực giám sát đã có sẵn của Hoa Kỳ và Nhật Bản, nếu Đài Loan muốn thế, trong vùng ngày càng có nhiều tranh chấp này.
Nhưng làm như thế cũng có nghĩa là đảo ngược một chính sách đã có sẵn từ năm 2000, khi Cục Quản trị Tuần duyên của Bộ Nội vụ, chứ không phải quân đội, được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Đài Loan trên đảo Thái Bình và vùng lãnh hải chung quanh. Ngoài những ý nghĩa khác, người ta tin rằng quyết định này có một tác dụng bớt gay gắt đối với những căng thẳng trong vùng biển nói trên bằng cách giao nhiệm vụ cho các cơ quan dân sự thay vì quân đội. Nhưng có một điều là, việc triển khai máy bay P-3Cs sẽ đòi hỏi sự hiện diện của nhân viên Hải quân, nhà chứa máy bay, và yểm trợ hậu cần – nói cách khác, đó là một hành động quân sự hóa đảo Thái Bình.
Được tiếp xúc cho bài viết này, một người phát ngôn của Bộ Quốc Phòng (BQP) nới với báo The Diplomat vào ngày 19-7 rằng Hội đồng An ninh Quốc gia, chứ không phải BQP, đảm trách phi đạo nói trên, và vì thế ông ta không ở vào tư thế có thể khẳng định hay phủ nhận kế hoạch nối dài phi đạo. Câu trả lời này gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng chính quyền dân sự vẫn tiếp tục khống chế việc kiểm soát đảo Thái Bình và rằng việc quân sự hóa nó không nằm trong kế hoạch hiện nay.
Khi được hỏi về khả năng triển khai máy bay P-3C trên đảo nói trên, câu trả lời của người phát ngôn trở nên quanh co hơn: ông nói rằng loại máy bay này sẽ được dùng để giám sát và bảo vệ “sự vẹn toàn lãnh thổ của Trung Hoa Dân quốc [tức Đài Loan]”. Điều này có thể giải thích là bao gồm cả những vùng mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mặc dù câu trả lời chưa đến mức độ xác nhận các kế hoạch đặt căn cứ P-3C ngay trên đảo Thái Bình. Một điều đáng lưu ý là, Philippines hiện đang cứu xét phương án mua riêng máy bay P-3C tiếp theo sau đề nghị của vị chỉ huy Ban Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Locklear, vào tháng Tám năm ngoái.
Đường lối thận trọng của Đài Loan không có nghĩa là phương án quân sự dành cho đảo Thái Bình đã bị loại bỏ. Thật ra, khi căng thẳng gia tăng trong vùng này, một số nhà lập pháp Đài Loan, mà nổi bật nhất là Lâm Úc Phương thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền, gần đây đã lên tiếng đòi hỏi một vai trò lớn hơn cho quân đội trong việc bảo vệ đảo này. Những đòi hỏi này bao gồm khả năng triển khai tên lửa địa không Stinger có bệ phóng ba càng (dual-mount Stinger surface-to-air), súng phòng không 40mm, và súng cối. Vào đầu năm nay, Lâm cũng yêu cầu BQP xúc tiến nghiên cứu tính khả thi của việc triển khai trên đảo Thái Bình tên lửa “Thiên Kiếm” (Sky Sword), một loại tên lửa phòng không được chế tạo trong nước.
Cho đến nay, Manila đã phản ứng một cách bình tĩnh đối với các kế hoạch của Đài Loan được báo chí nói tới, với luận cứ cho rằng họ không có “vấn đề” gì với dự án mở rộng nói trên, vì Thái Bình không phải là một trong 9 đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Chúng ta phải chờ xem Manila còn giữ lập trường này không nếu quân đội Đài Loan một lần nữa hoạt động trên đảo Thái Bình.
Phản ứng của Philippines còn bỏ qua một sự kiện là đảo Thái Bình có giá trị chiến lược lớn, và mặc dù Đài Loan có thể không sử dụng đảo này để phóng chiếu sức mạnh quân sự, nhưng các nước khác có thể bị cám dỗ sẽ làm điều đó.
Một cách cụ thể hơn, Trung Quốc đã lao vào các nỗ lực rộng lớn nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, những nỗ lực có một yếu tố quân sự rõ nét. Trong nhiều nỗ lực khác, kỹ sư Trung Quốc đã xây lên những đảo nhỏ nhân tạo, một số có cả đài ra-đa, bến tàu, và bãi đáp máy bay trực thăng. Tuy nhiên, những ích lợi của các đảo nhân tạo không dễ gì sánh nổi với các đảo thiên nhiên và rộng lớn hơn. Nhất là, các đảo nhân tạo rất dễ bị tấn công; chỉ cần một trái bom qui ước hạng nặng, như loại bom dùng để bình địa BLU-82 “daisy cutter” hoặc loại mới hơn GBU-43, chẳng hạn, là đủ sức đánh đắm các đảo nhỏ này.
Quân đội Giải phóng Nhân dân (QĐGPND) Trung Quốc chắc chắn sẽ thấy rõ nhiều lợi thế trong việc chiếm đóng đảo Thái Bình, vì đảo này sẽ trở thành một bổ sung quan trọng cho chiếc tàu sân bay của họ, cho các chiến hạm tấn công đổ bộ (ví dụ, loại 071) và các chiến hạm có bãi đáp trực thăng (như loại 081, có tin đồn là đang trong giai đoạn phát triển). QĐGPND có khả năng triển khai máy bay không người lái trên đảo Thái Bình, đây cũng là điều có thể quan niệm được.
Nếu phản ứng đầu tiên của Manila đối với tin tức này có cho ta một chỉ dấu nào, thì đó là, dự án nối dài phi đạo của Đài Loan trên đảo Thái Bình không thể đưa đến một sự cố tức thời tạo ra khả năng xung đột võ trang trong khu vực. Tuy nhiên, tùy theo các phát triển tương lai trong những tranh chấp trên Biển Đông, sự ích lợi của đảo này như một địa bàn quân sự có thể trở nên to lớn đến nỗi QĐGPND có thể chiếm nó từ tay Đài Loan.
Trong bối cảnh hiện nay, với một chính quyền Quốc Dân Đảng tại Đài Bắc có tuyên bố chủ quyền tương tự như Bắc Kinh, khả năng dùng vũ lực giữa Trung Quốc và Đài Loan trên đảo Thái Bình là thấp. Mặc dù có dị biệt chính trị giữa hai bên, Bắc Kinh có quan điểm tương đối thuận lợi về việc Đài Loan kiểm soát đảo này, coi điều này (có lẽ một cách sai lầm) như là quyết tâm của Đài Loan nhằm bảo vệ tuyên bố chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc trên toàn Biển Đông trong đường chín điểm đứt đoạn. Tuy nhiên, thái độ này có thể thay đổi nếu quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan, đã tương đối ổn định kể từ năm 2008, trở nên xấu đi.
Một kịch bản khác, mặc dù khó xảy ra hơn, là khả năng đụng độ quân sự giữa Đài Loan với Việt Nam hay với Philippines. Bất cứ một mưu tính nào của hai nước này nhằm chiếm đảo Thái Bình cũng có thể thúc đẩy Trung Quốc đứng về phía Đài Loan để can thiệp, và sau đó sẽ giành luôn quyền kiểm soát đảo này.
Chúng ta phải chờ xem Đài Loan có quyết định quân sự hóa đảo Thái Bình hay không, mặc dù cho đến nay xu thế có vẻ đi theo chiều hướng đó. Bất luận chính phủ Đài Loan có hành động gì đi nữa, Thái Bình vẫn là một miếng bất động sản được nhiều nước thèm muốn trên Biển Đông; tìm một thế quân bình giữa việc bảo vệ nó, đồng thời không làm nó trở thành quá hấp dẫn khiến các nước khác muốn chiếm đoạt bằng bạo lực, sẽ là chìa khoá cho số phận của đảo này.
J. M. C.
J. Michael Cole là một nhà báo làm việc tại Đài Loan chuyên về các vấn đề quân sự tại Đông Bắc Á và Eo biển Đài Loan. Trước đây ông là nhân viên tình báo tại Sở Tình báo An ninh Canada.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment