Căng thẳng trên Biển Ðông SINGAPORE (NV) -Một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) có tính cách ràng buộc pháp lý để giải quyết các căng thẳng trên biển Ðông rất khó lòng thành hình chừng nào Bắc Kinh vẫn đòi hỏi phải đàm phán song phương chứ không phải đa phương.
| “Lưỡi Bò” qua các vạch đứt mà Trung Quốc muốn nuốt gần hết Biển Ðông, liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN. (Hình: Internet) | Tiến Sĩ Ian Storey, chuyên viên phân tích của Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, trụ sở ở Singapore, viết một bài nhận định trên báo South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Sáu cho người ta hiểu sẽ không có nhiều hy vọng đạt được Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC (Code of Conduct). Nếu có, nó cũng chẳng có tác dụng giải quyết tranh chấp. Khi kết thúc phiên họp cấp ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Cam Bốt không có nổi bản thông cáo chung, tin tức nói rằng thành viên ASEAN vẫn hy vọng một bộ COC sẽ thành hình vào cuối năm nay. Tuần trước, 10 ngoại trưởng ASEAN đưa ra bản tuyên bố 6 điểm nhằm phục hồi phần nào sự đồng thuận để giải quyết tranh chấp biển Ðông như một cách lấy lại niềm tin cho tổ chức. Dù cả 6 điểm đó chẳng có gì mới, lời tuyên bố lập lại quyết tâm của ASEAN giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Tổ chức hậu thuẫn cho một thỏa hiệp sớm với Bắc Kinh về một bộ COC vừa giúp giảm căng thẳng vừa xây dựng niềm tin cậy lẫn nhau giữa các nước tuyên bố chủ quyền trùng lặp biển đảo trên biển Ðông. Tuy nhiên, do lập trường khác nhau để giải quyết tranh chấp, những chỉ dấu hiện nay báo hiệu thương thuyết giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN về một bộ COC có hiệu quả, nhiều phần là một tiến trình gay go và khó thỏa hiệp. Tháng 6, các thành viên ASEAN đạt đồng thuận về một bộ “các thành phần đề nghị” cho một bộ COC. Văn bản này chia ra làm ba phần. Lời mở đầu xác định các nước ASEAN và Trung Quốc nhất quyết củng cố mối quan hệ thân hữu, tăng cường hợp tác và cổ võ một khung cảnh “hòa bình, hữu nghị và hòa hợp” trên biển Ðông. Vì vậy, nó nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc thi hành các thỏa thuận đã có như bản Tuyên Bố Ứng Xử DOC (Declaration Of Conduct) và cần thiết phải có một Bộ Quy Tắc Ứng Xử chính thức. Thỏa thuận hồi tháng 6 kêu gọi các bên đạt một thỏa thuận “toàn diện và bền vững” cho các tranh chấp kéo dài cả chục năm qua một bên là Trung Quốc, một bên là các nước khác gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trên căn bản, các từ ngữ vừa kể bác bỏ đề nghị của Ðặng Tiểu Bình trước kia là các bên gác bỏ tranh chấp chủ quyền để cùng nhau phát triển tài nguyên trên biển, gồm cả dò tìm dầu khí. Cả 4 nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đều chống cái công thức do Ðặng Tiểu Bình đề ra vì như vậy có nghĩa là công nhận chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở các khu vực tranh chấp. Thêm nữa, cả Việt Nam và Philippines đều cho rằng hợp tác phát triển chỉ có thể diễn ra ở các vùng biển tranh chấp và lại cũng khó xác định chỗ nào là vùng tranh chấp trừ phi Trung Quốc nói rõ tuyên bố chủ quyền của họ. Phần thứ hai của bản thỏa thuận tháng 6 xác định rằng các nguyên tắc của COC phải tương ứng với những thỏa ước quốc tế hiện hành, gồm cả Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác của ASEAN năm 1976 và Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982. Nó đòi hỏi các bên chuẩn bị cho các giải pháp hòa bình ở các khu vực tranh chấp để ngăn ngừa những vụ việc dẫn đến leo thang, đe dọa an ninh khu vực. Sự đồng thuận kêu gọi các bên thiết lập một cơ chế để kiểm soát sự thi hành COC dưới sự giám sát của các viên chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc. Ðiều đáng để ý là, phần thứ ba xác định các tranh chấp nổi lên từ sự diễn dịch và áp dụng COC sẽ được giải quyết qua các cơ chế giải quyết tranh chấp được đề nghị trong Công ước Quốc tế về Luật Biển hay hiệp ước năm 1976. Các phương thức này có thể dẫn đến nhiều rắc rối. Trong khi hiệp ước của ASEAN có các điều khoản giải quyết tranh chấp qua một hội đồng cấp cao, nhưng cơ chế này lại không thể đưa ra các phán quyết có tính áp đặt thi hành và cái cơ chế này không bao giờ được thể hiện. Thay vào đó, các thành viên ASEAN đã dàn xếp tranh chấp lãnh thổ qua đàm phán song phương hay đệ trình tuyên bố chủ quyền tại Tòa án Quốc tế. Thêm nữa, Trung Quốc tán thành Hiệp Ước ASEAN vào năm 2003 nhưng nhiều phần họ sẽ chống lại một cuộc thảo luận tại một hội đồng tối cao về biển Ðông vì các nước thành viên ASEAN sẽ đều được cử một đại biểu cấp bộ trưởng. Như vây, Trung Quốc trong thế thiểu số ở tỉ lệ 1 so với 10. Công ước Quốc tế UNCLOS có đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc, gồm cả việc nộp các tranh chấp tại tòa án quốc tế về luật biển. Nhưng Trung Quốc đã sử dụng quyền của mình năm 2006 để rút ra khỏi thủ tục đó cho phù hợp với lập trường chống lại sự hòa giải (hay can thiệp) của một phe thứ ba. Ðiều này cho hiểu Trung Quốc đã tự vẽ riêng cho mình một nguyên tắc giúp họ đối phó với các thành phần (quy tắc ứng xử) được ASEAN đề nghị mà Bắc Kinh không chia sẻ với ai. ASEAN và Trung Quốc dự trù sẽ gặp nhau vào tháng 9 này nhưng Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bác bỏ đề nghị khi còn ở phiên họp tại Phnom Penh rằng Bắc Kinh chỉ đồng ý về một bộ COC “khi thời gian chín mùi.” Nếu và khi Trung Quốc và ASEAN ngồi xuống để bàn luận các điều khoản của COC, nhiều phần, các đại diện thương thuyết của Bắc Kinh sẽ đòi hỏi tất cả các giải pháp giải quyết tranh chấp đều phải bỏ ra ngoài vì COC chỉ dùng để kềm chế căng thẳng và các tranh chấp chỉ có thể giải quyết song phương giữa Trung Quốc với từng nước có tranh chấp với họ. Ðiều này có nghĩa là Trung Quốc và ASEAN có đạt được thỏa hiệp thì nó nhiều phần sẽ không có cơ chế ràng buộc pháp lý mà người ta hy vọng. Nếu không có một COC hiệu quả, căng thẳng vẫn sẽ xảy ra và gia tăng. Sự ổn định của khu vực sẽ rất bấp bênh. (TN) NV |
No comments:
Post a Comment