ANTĐ - Việc sử dụng hình ảnh lễ hội để thu hút du khách là chuyện mà nhiều nước phát triển trên thế giới đều làm. Nhưng cho đến bây giờ, các nhà quản lý của ta vẫn chưa hình dung được, lễ hội mở ra, thu hút cả vạn người tham dự thì hành xử thế nào, quản lý ra sao?
Lễ hội là nét đẹp từ bao đời nay, rất cần chuẩn hóa
Ai là chủ nhân thực sự của lễ hội? Xin thưa, đó là người dân. Họ là chủ thể sáng tạo, là người nắm giữ, trao truyền và đương nhiên họ cũng phải là những người hưởng thụ. Xưa, những lễ hội chỉ là của làng, rộng hơn nữa là lễ hội vùng, giờ bỗng phình to ra, năm sau quy mô hơn năm trước. Giới nghiên cứu lo ngại tình trạng “quan phương hóa” lễ hội. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phản ánh thực tế: “
Chuyện quan chức đi lễ đã gây hiệu ứng niềm tin ăn theo lớn. Ở đây, người dân sẽ hồn nhiên suy đoán nhờ đi lễ mới có chức tước bổng lộc, và cứ thế làm theo, vì không được nhiều thì cũng được lộc rơi lộc vãi. Và đây cũng là nguồn cơn, dẫn tới chuyện lá ấn đền Trần bỗng chốc bị biến thành vật cầu danh lợi”. Còn PGS.TS Đặng Văn Bài thì lại suy nghĩ : “Mỗi quan chức, mỗi cán bộ cũng là một công dân, cũng có nhu cầu tâm linh của mình. Như tôi, hồi còn làm Cục trưởng Cục di sản Văn hóa, tôi cũng đi lễ hội chứ. Tôi từng bị tăng xông, ngất 4 tiếng đồng hồ. Khi vào đền chùa, tôi thường cầu cho mình và gia đình khỏe mạnh. Không nên quá phân biệt rằng, quan chức thì không được đi chùa. Chỉ có điều, nếu không phải thực thi trách nhiệm, không phải đi thanh tra, kiểm tra… các vị hãy đi như một người dân đi lễ hội, đừng đi theo kiểu quan phương nữa, đừng trống giong cờ mở và sử dụng phương tiện công vào việc riêng”.
Hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm, người dân đã sáng tạo và duy trì lễ hội, không ai hiểu lễ hội bằng chính chủ thể sáng tạo, vì thế, hãy trả lễ hội về với cộng đồng để cho cộng đồng thực hành các hoạt động lễ hội với tư cách chủ thể sáng tạo, người lưu giữ, người hưởng thụ… Nhưng ai dám khẳng định, trả lễ hội về cho làng, xã tự tổ chức thì sẽ hết tiêu cực? Có quá nhiều vấn đề tồn tại, hiện khắp các tỉnh thành, người ta đua nhau phục dựng lễ hội, kể cả những hành vi mà thời nay khó chấp nhận, ví như việc chém lợn tế thần, tranh cướp lộc thánh, hay những cổ tục cho phép đả thương nhau để đề cao tinh thần thượng võ...
Đặt truyền thông lên hàng đầu
Phật là tại tâm, đâu cứ lễ hậu là cầu gì cũng được
Hơn 10 năm trước, từng có làn sóng phục hồi lễ hội và giờ, chính những lễ hội được phục hồi lại khiến xã hội đau đầu. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lý giải, phần lớn các lễ hội cổ truyền của Việt Nam đều biến mất khỏi đời sống trong nửa cuối thế kỷ 20. Chỉ sau thời kỳ đổi mới, và đặc biệt từ 10 năm đầu thế kỷ 21, theo xu hướng phục dựng bảo tồn di sản văn hóa nói chung, các lễ hội mới dần được khôi phục. Sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng, việc phục dựng lễ hội nói chung đều rơi vào tình trạng “tam sao thất bản”. Giữa những yếu tố cũ, bao giờ cũng đan xen những yếu tố mới. Lễ hội làng này cóp nhặt của làng kia, thế nên mới hóa ra đơn điệu và na ná giống nhau từ trang phục cho tới lề lối tổ chức. Vài năm trước, GS. Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian) đã từng cảnh báo về nguy cơ “nhất thể hóa” lễ hội. Đây là hệ quả của sự lười biếng, rập khuôn và nhìn nhận không gian hoạt động lễ hội sơ sài, một chiều. Bên cạnh đó, truyền thông cho mùa hội, nhiều nơi chỉ dựa vào hệ thống loa bắc quanh di tích, phát ra rả với âm lượng lớn nhắc nhở, cảnh báo du khách giữ gìn nếp sống văn minh, đề phòng kẻ gian…
Kiểu truyền thông này chỉ khiến cho không gian hội thêm ồn ào, pha tạp. Do những thăng trầm của lịch sử, sự hiểu biết về lễ nghĩa, tín ngưỡng của người dân có thời điểm bị đứt đoạn. Vì thế, khi được “cởi mở” là đổ xô đi lễ nhưng lại không biết rõ vào đền, miếu phủ thì cầu gì, vào chùa thì cầu gì. Vì thế, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng, chuyện “mập mờ đánh lận con đen” bao lâu nay giờ cần phải làm sáng rõ. Yếu tố nào là nguyên gốc, yếu tố nào pha tạp, thêm thắt, “thổi phồng” phải được phố biến rộng rãi đến từng người dân. Cần phải làm cho người dân hiểu rõ về tín ngưỡng, chừng đó, người ta sẽ có sự điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Giải pháp tuyên truyền được TS. Nguyễn Quốc Tuấn đưa ra là “3 nhà” gồm nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giới truyền thông hãy ngồi lại với nhau cùng đưa ra tiếng nói chung. Như thế ắt cải thiện được tình hình.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh đến yếu tố tuyên truyền như là một trong những giải pháp tích cực để gìn giữ bản sắc của các lễ hội. Cần phải dũng cảm “chỉ mặt đặt tên” nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu cực trong lễ hội và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này. Tuyệt đối không nên theo hướng, cái gì không quản được thì cấm. Cái gì cấm được thì cấm, chứ tín ngưỡng là nhu cầu không thể thiếu được của một bộ phận nhân dân.
Theo Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, đứng trên nền tảng giáo lý Phật pháp mà quy chiếu, đến một người có kiến thức tôn giáo sơ đẳng nhất cũng hiểu được việc không thể có chuyện chùa này thiêng hơn chùa nọ; hay đến chùa có thể giải hạn, cầu tài, cầu lộc, cầu tình duyên... Phật giáo là một hệ tư tưởng triết học, đạo đức lớn. Đình, đền, chùa là nơi để con người tìm đến một niềm tin cao cả dựa trên cơ sở tu tâm hướng thiện từng cá thể, hoàn toàn không phải là nơi trục lợi, trao đổi vật phẩm cúng bái để phục vụ cho những ham muốn trần tục. Cái sự “phú quý sinh lễ nghĩa” chỉ là một động lực thúc đẩy việc cúng bái hành lễ nói chung chứ không phải căn nguyên để nhân gian hướng tới cửa thiền quy theo đạo đức, giáo lý nhà Phật. Ở đây, không chỉ là vấn đề thiếu hiểu biết về giáo lý, mà chính các nhà sư trụ trì cũng cần xem lại trách nhiệm về những gì đã và đang diễn ra ở cơ sở thờ tự của mình. Việc hiểu sai giáo lý nhà Phật đương nhiên sẽ dẫn đến những hành vi phạm giới.
Xin nêu một ví dụ đơn giản. Khái niệm Tam độc của Phật giáo bao gồm Tham - Sân - Si. Khi đến cửa thiền mà không thấu hiểu giáo lý, đốt vàng mã, nhét tiền vào tượng, mang cả rượu thịt vào chùa, tin rằng cúng càng nhiều càng có cơ may hưởng phúc, hay việc mong muốn thu càng nhiều tiền càng tốt… vô tình, những người tham dự đều phạm phải điều răn thứ nhất (tham = tham lam, ham muốn...) và thứ ba (si = ngu si, mê muội). Còn khi lòng tham biến thành sự cuồng nộ dẫm đạp tranh giành lộc lá vật phẩm, họ tiếp tục phạm giới điều thứ hai (sân = nóng nảy, giận dữ). Đi chùa là để tích đức, để hướng thiện…
Trong “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính viết rằng, “ Xét cái tục hội hè của ta rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời chán chê, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình…”, và để thoát khỏi tình trạng này, Phan Kế Bính cho rằng, cần có sự nỗ lực của cả xã hội. Cần nghiên cứu những biến động mới trong tâm lý xã hội. Cần tìm ra những cách thức tổ chức mới, vừa là giải trí, vừa hướng thượng cho con người. Quỳnh Vân - Đỗ Nguyễn
http://www.baomoi.com/Map-mo-danh-lan-con-den/137/7858538.epi
No comments:
Post a Comment