Saturday, 28 July 2012

Một bị cáo vụ Securency nhận tội

20-7-12

Vụ bê bối hối lộ nước ngoài lớn nhất của Úc đã hé lộ hành vi tội phạm đầu tiên khi một cựu giám đốc công ty con của Ngân hàng Trung ương Úc nhận tội đối với cáo buộc thực hiện khoản thanh toán ma cho một người trung gian người Malaysia.
clip_image001
David John Ellery nói ông sẽ ra làm chứng.
David John Ellery, cựu Thư ký và cũng là Giám đốc Tài chính của Securency International đã nhận tội gian lận sổ sách kế toán liên quan đến khoản thanh toán 79.502 đôla cho người môi giới Abdul Kayum Syed Ahmad, theo báo The Age của Úc.
Tại tòa tối cao bang Victoria, ông Ellery cũng nói với tòa rằng ông đã đồng ý làm nhân chứng chính trong vụ truy tố và sẽ ra khai cung tại phiên điều trần sắp tới với tám bị cáo là đồng nghiệp cũ, những người bị cáo buộc có hành vi hối lộ nghiêm trọng ở nước ngoài.
Giới công tố nói rằng việc “có một nhân chứng chính nắm rõ vụ việc đóng vai trò hết sức quan trọng” trong vụ điều tra cáo buộc hối lộ liên quan tới Securency và công ty in tiền liên đới là Note Printing Australia (NPA).
Securency, công ty mà Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) nắm cổ phần 50% và do RBA giám sát, đã bị buộc tội có hành vi bị cho là hối lộ hoặc âm mưu hối lộ quan chức nước ngoài tại Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
NPA là công ty in tiền trên nền giấy polymer mà công ty Securency cung cấp.
Vụ bê bối này làm RBA bị mất mặt nhiều, với những câu hỏi chưa có câu trả lời rằng tại sao các quan chức cao cấp ngân hàng trung ương đã không báo cho cảnh sát thông tin rõ ràng để làm sáng tỏ rằng chính các các công ty con của họ có hành vi tham nhũng khi vụ việc hé lộ lần đầu tiên vào năm 2007.
Cảnh sát liên bang đã được yêu cầu điều tra vào tháng 5 năm 2009 sau khi báo The Age đưa tin nghi ngờ rằng các khoản thanh toán nhiều triệu đôla của Securency được chuyển vào tài khoản ngân hàng của các doanh nhân ở nước ngoài có quá khứ không rõ ràng với mục đích tránh nộp thuế.
Giới công tố cho rằng mặc dù ông Ellery có hành vi phạm tội nghiêm trọng và không trung thực, ông không nằm trong mắt xích của âm mưu được cho là do ban giám đốc Securency dàn dựng lên để hối lộ người trung gian có đại lý đặt tại Malaysia.
'Người trung gian'
clip_image002
Securency bị cáo buộc có "âm mưu hối lộ" cho gia đình cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lê Đức Thúy.
Hồi tháng Ba năm nay, một thương nhân người Anh đã phủ nhận trước tòa cáo buộc "có âm mưu hối lộ" cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng cách chi trả học phí cho con trai ông này đi học ở Anh.
Bị cáo William Lowther, 72 tuổi, đã không nhận tội khi ra Tòa án Southwark Crown ở London, hôm 9/3/2012.
Phiên xử này liên quan cáo buộc ông Lowther cùng năm người khác “âm mưu hối lộ” ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng việc thanh toán tiền học và chi phí sinh hoạt cho Lê Đức Minh, con trai cựu quan chức này, tu nghiệp ở trường đại học Durham vào năm 2003.
Ông Lowther bị buộc tội hối lộ quan chức Việt Nam để đổi lấy các hợp đồng in tiền Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam dành cho công ty Securency International.
Phiên trình tòa tiếp theo của ông Lowther, người tiếp tục được hưởng quy chế nộp tiền thế chân để tại ngoại hầu tra, dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới.
Bằng giờ này năm ngoái, báo The Age đăng loạt bài dưới tựa đề 'Bê bối hối lộ vươn ra tới một đại tá tình báo' trong đó đề cập tới nhân vật “trung gian” là Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD vốn đóng vai trò trung gian trong việc công ty Securency in tiền polymer cho Việt Nam.
Bài báo lúc đó nói ông Lương Ngọc Anh là nhân viên tình báo, cấp bậc đại tá và rằng quan chức thương mại Australia đã tiếp xúc với ông tổng cộng 18 lần trước khi giới thiệu ông cho công ty Securency, chuyên cung cấp giấy và dịch vụ in tiền polymer.
Báo The Age từng cáo giác ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quan hệ làm ăn với Securency bắt đầu.
Ông Ngọc Anh và một số lãnh đạo khác củ̀a CFTD, trong có một đại diện của chính phủ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York, được nói đã thường xuyên tháp tùng ông Thủ tướng và các quan chức khác đi nước ngoài.
Cho tới nay phía Việt Nam nói thông tin trên báo Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là "tin tố giác" chứ không thể dùng làm bằng chứng.
Nguồn: bbc.co.uk

No comments:

Post a Comment