Friday, 27 July 2012

Lời dạy của tiền nhân

PhoNang 2012/07/27
Nguyễn Thị Kim-Thu

Từ hồi nhỏ tôi thích học môn lịch sử, và khi lớn lên tôi cũng thích đọc lịch sử. Tôi từng tự hỏi dân tộc Hán từ bao ngàn năm nay, đã từng gây chiến tranh, đã thành công thôn tính đô hộ các nước lân bang, và với chánh sách đồng hóa các dân tộc láng giềng để biến thành nước Trung Hoa to lớn, nhưng sao họ đành phải thất bại trong việc đồng hóa dân Việt, mặc dầu họ đã đô hộ liên tục cả ngàn năm. Tiếng Việt vẫn còn, văn hóa mặc dầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng bản chất Việt vẫn tồn tại hoàn toàn khác biệt với Tàu, lại có văn tự chữ Nôm riêng biệt. Như vậy, dân tộc Việt phải có một bản lỉnh phi thường hơn người Tàu, có văn hóa cao hơn Tàu nên không bị đồng hóa, và dầu yếu nhưng không nhu nhược trước kẻ mạnh như Tàu.
Năm 222 trước công nguyên (TCN), Tần Vương Chính tức Tần Thủy Hoàng diệt được nước Sở và nước Tề, thống nhất Trung Hoa. Năm sau (221 TCN) Tần Thủy Hoàng cử 50 vạn quân chia làm 5 đạo đánh vùng Lĩnh Nam. Tướng chỉ huy là Đồ Thư chia làm ba đường, một đạo quân đánh Đông Âu và Mân Việt, hai đạo quân đánh Tây Âu và hai đạo quân đi đường thuỷ đánh Nam Việt. Nhà Tần chiến thắng dễ dàng, chiếm đất, đặt ra ba quận Quế Lâm (miền đông tỉnh Quảng Tây); Nam Hải (tỉnh Quảng Đông) và Tượng (miền tây tỉnh Quảng Tây và miền nam Quý châu). Nhưng phải mất 3 năm, nhà Tần mới chiếm được phần đất Nam Việt, nhưng vẫn không bình định được vùng đất phương Nam này. Dân Bách Việt không chịu hàng phục. Hoài Nam Tử kề lại cuộc xâm lược của nhà Tần vào đất Bách Việt như sau: “Người Việt bỏ trốn vào trong rừng, sống chung với cầm thú, không ai chịu làm nô lệ cho người Tần cả. Họ chọn những người kiệt hiệt lên làm tướng, ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần, thây phơi huyết chảy hàng mấy chục vạn người và giết được đô úy là Đồ Thư”. Có lẻ đây là trận chiến đầu tiên được ghi trong lịch sử, dân Việt dùng du kích chiến và giết được tướng chỉ huy của nhà Tần là Đồ Thư. Để đồng hóa dân Bách Việt, ngoài quân lính, nhà Tần còn cho dân Tàu vào định cư. Họ ở hỗn cư với dân Bách Việt. Tuy nhiên những đám dân quân Tần này vẫn hoàn toàn bị cô lập với nhân dân địa phương đến nỗi năm 214 TCN, khi Triệu Đà được cử vào làm chức Úy quận Nam Hải đã phải dâng biểu về triều xin cấp cho ba vạn đàn bà góa hoặc con gái chưa chồng để “may vá quần áo cho quân sỹ”. Triều đình nhà Tần chỉ gởi được có một vạn năm ngàn người.
Nhà sử học Tư Mã Thiên cũng đã tả tình cảnh khốn đốn của quân Tần như sau: “Đương bấy giờ nhà Tần ở phía Bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía Nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được thoái cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông (quân Tần) mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta (quân Tần) tự thắt cổ trên cây ở dọc đường, người chết trông nhau”. Như vậy, mặc dầu bị đô hộ, người Việt ngày xưa đã không chịu hợp tác và làm tay sai cho quân Tần.
Với tinh thần bất khuất đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hai Bà Trưng chỉ trong thời gian ngắn đã đánh chiếm 65 thành trì của giặc.
Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
(Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca)
Đúng vậy, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có lãnh thổ riêng biệt, nước Tàu không có lý do gì để xâm chiếm, như câu nói xác định quốc gia nước Việt của Lý Thường Kiệt:
Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Lý Thường Kiệt)
Lý Thường Kiệt (1019-1105)
hay các câu trong Bình Ngô Đại Cáo:
….
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
….
(Trích từ Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch Ngô Tất Tố).
Trong suốt chiều dài lịch sử, có lúc hưng thịnh, có lúc suy vong, nhưng lúc nào cũng có anh hùng nổi lên đánh tan quân Tàu, dành lại độc lập và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tổ tiên ta lúc nào cũng cảnh giác cái họa xâm lược của Tàu.
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) nhắc nhở con cháu muôn đời về sau cái quỷ quyệt và ý đồ thôn tính nước ta của Tàu: ‎”Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo . Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: ” Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu“.
Vua Lê Thánh Tông năm 1473 cũng để lại lời nguyền trước bá quan văn võ: “Nếu ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
Đúng vậy, dân Việt không có khiếp nhược trước cường bạo. Hảy lắng nghe lời Bà Triệu Ẩu (năm 218) nói cách đây 1800 năm “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta” (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim). Đúng vậy, Biển Đông đã được xác định thuộc lảnh hải của nước Việt từ 1800 năm nay.
Lê Lợi từng nói: “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người” (Việt Nam Sử Lược).
Và, thà chết chứ không làm tay sai cho giặc như câu nói của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi”.
Làm tướng phải có bổn phận bảo vệ quốc gia, thà chết chứ không đầu hàng “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã” của Trần Hưng Đạo,
hay ” Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” của Trần Thủ Độ (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim).
Nhiệm vụ bão vệ tổ quốc không phân biệt tuổi tác, thể hiện qua sự quyết tâm của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, qua hành động căm hờn giặc Nguyên mà bóp nát trái cam của cậu bé Trần Quốc Toản, và ngay cả cậu bé 3 tuổi Phù Đỗng Thiên Vương cũng vươn mình thành người lớn để đuổi giặc Ân ra ngoài bờ cỏi.
Hảy lắng nghe vài đoạn trong “Bài Hịch Tướng Sỉ” của Hưng-Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228–1300):
“Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, Lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, Uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; Đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; Khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; Dẫu cho Trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, Nghìn thây ta bọc trong da ngựa, Cũng nguyện xin làm.
Các ngươi Ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, Không có mặc thì ta cho áo; Không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; Lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; Được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?
Nay các ngươi Ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; Nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; Có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang Thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; Mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; Vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; Chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; Giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn Mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; Chẳng những gia quyến của ta bị đuổi Mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; Chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo Mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, Mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, Phỏng có được chăng ?”.
“Vì sao vậy ? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, Chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, Để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa ?”
Bài “Hịch ra trận” đêm 30 Tết (25-1-1789) của vua Quang Trung tại gò Đống Đa, trước khi tấn công Ngọc Hồi:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng chống quân xâm lược nhà Thanh, để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt (tóc dài, răng đen của người Việt ngày xưa; còn người Mản Thanh thì tóc đuôi Sam, răng trắng), đánh cho quân địch tan tành, và đặc biệt quan trọng nhất là ở câu cuối, tạm dịch là:
“Đánh cho nó biết sông núi nước Nam là có chủ”.
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ

Đúng như câu “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt thời nào cũng có” trong Bình Ngô Đại Cáo, nước ta có địa linh, nhân kiệt. Nước nào có ý định xâm lược nước Việt, hảy đọc lại lịch sử các trận chiến ở ải Chi Lăng của Lê Lợi, hai trận Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, trận Đống Đa của Quang Trung để khỏi chuốc nỗi nhục phải chui vào ống đồng chạy trốn.
Hảy lắng nghe “Bình Ngô Đại cáo
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
….
Sự tàn ác của quân Tàu:
Quân cuồng Minh thưà cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
….
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
….
Và oanh liệt thay:
Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Cuối cùng toàn dân ta toàn thắng, rửa sạch được cái nhục mất nước ngàn năm:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc.
….
(Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch Ngô Tất Tố)
Tài liệu tham khảo
Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam Sử Lược. Bộ Giáo Dục, Trung tâm học liệu xuất bản.
Lê Mạnh Hùng (2007). Nhìn lại Sử Việt.Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ
Wikipedia. Trần Nhân Tông. http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng

Nguyễn Trải. Bình Ngô Đại Cáo. Bản dịch Ngô Tất Tố. http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n2n4nnn31n343tq83a3q3m3237nvn

Trần Hưng Đạo. Hịch tướng sỉ. Bản dịch Ngô Tất Tố.http://en.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Bch_t%C6%B0%E1%BB%9Bng_s%C4%A9
Reading, 7/2012
Nguyễn Thị Kim-Thu
 

No comments:

Post a Comment