Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga |
Thứ bảy, 28/07/2012, 12:10 (GMT+7) |
Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Sau đây là nội dung Tuyên bố chung: Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 7 năm 2012. Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã hội đàm với thành phần hẹp và mở rộng với Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Quyền Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Torosin, Quyền Chủ tịch Đuma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Mennikov. Tại Mátxcơva, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sỹ vô danh, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lăng V.I. Lênin, gặp gỡ các cựu chiến binh, chuyên gia Nga từng làm việc tại Việt Nam và đại diện Hội hữu nghị Nga – Việt, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nga và thăm một số cơ sở kinh tế, khoa học của Liên bang Nga. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Khu tự trị Nhenhét và dự Lễ đón dòng dầu đầu tiên tại khu mỏ Tây Khôxêđaút của Liên doanh dầu khí Việt – Nga Rusvietpetro. Trong hội đàm và các cuộc gặp, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi về thực trạng và triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, chú trọng đến các lĩnh vực chính trị, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và nhân văn, trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Kết quả trao đổi thể hiện sự gần gũi và tương đồng quan điểm giữa Việt Nam và Nga trên nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực. 1. Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin khẳng định kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực không ngừng được củng cố và tăng cường, kế thừa xứng đáng truyền thống hữu nghị và tương trợ giữa hai dân tộc. Hai bên nhất trí tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam – Nga trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện. Nguyên thủ hai nước chủ trương tăng cường đối thoại chính trị ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội, chính đảng, các ngành và địa phương hai nước, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, trong đó có mở rộng giao lưu giữa thanh, thiếu niên hai nước. Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc Đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chúc mừng Việt Nam thành công trong việc nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Liên bang Nga, tuyên bố ủng hộ đường lối dài hạn của lãnh đạo Nga nhằm hiện đại hóa toàn diện đất nước, tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Nga tại khu vực và trên thế giới. Nguyên thủ hai nước ủng hộ đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới về chất nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều, bao gồm thông qua biện pháp đa dạng hóa và tự do hóa thương mại, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng hai nước, mở rộng hợp tác đầu tư và tín dụng, cũng như quy mô hợp tác trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, nhiên liệu, năng lượng và các lĩnh vực khác. Hai bên khẳng định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. Nhằm đạt được mục tiêu trên, hai bên cho rằng cần tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh thuế quan (Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazhakhstan). Hai bên khẳng định đẩy nhanh việc xây dựng hình thức hợp tác tối ưu, bảo đảm được lợi ích của tất cả các bên tham gia, trong đó có tính đến Báo cáo tổng kết của Nhóm nghiên cứu khả thi về ký kết Hiệp định mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan. Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin đánh giá tích cực việc hai bên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, trong đó có việc xây dựng tại Việt Nam Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Phía Nga cam kết thực hiện đúng tiến độ thi công và đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn, chất lượng và đúng thời gian quy định. Dự án năng lượng hạt nhân này sẽ tạo động lực cho hợp tác Việt - Nga trên nhiều lĩnh vực liên quan, thúc đẩy hợp tác vì hiện đại hóa, hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Nga trong thế kỷ XXI. Hai bên đánh giá cao kết quả hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh dầu khí hai nước, trong đó Liên doanh “Vietsovpetro” giữ vai trò đầu tàu trong hợp tác sản xuất, ghi nhận việc Công ty TNHH “Công ty liên doanh “Rusvietpetro” đến tháng 2 năm 2012 đã khai thác được hai triệu tấn dầu tại mỏ Bắc Khôxêđaút, Khu tự trị Nhenhét, Liên bang Nga. Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh Việt - Nga, như Liên doanh “Rusvietpetro”, “Vietsovpetro”, “Gazpromviet” và “Vietgazprom”, “TNK-BP Management”, “Lukoil Overseas”, mở rộng các khu vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ghi nhận rằng hợp tác kỹ thuật quân sự và quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh không ngừng phát triển, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và góp phần cùng nhau đối phó với các thách thức và nguy cơ an ninh mới, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên khẳng định cần thiết mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tính đến nhu cầu ngày càng lớn của Việt Nam về chuyên gia trình độ cao phục vụ cho các ngành công nghệ cao của nền kinh tế, trong đó có năng lượng hạt nhân. Trên tinh thần đó, hai bên chú trọng sớm thành lập Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm khoa học công nghệ và nghiên cứu nhiệt đới Việt - Nga. Hai bên nhấn mạnh cần củng cố hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nhân văn nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước và mở rộng cơ sở xã hội cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga; quan tâm tổ chức thường xuyên Những ngày văn hóa hai nước, duy trì hoạt động của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga và Quỹ “Thế giới Nga” tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Nga, phổ biến rộng rãi tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Nga, xúc tiến du lịch, củng cố hợp tác trong các lĩnh vực y tế, phát thanh truyền hình, xuất bản, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, thể thao, bảo tàng và lưu trữ. Hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của hợp tác địa phương, đặc biệt giữa các địa phương thuộc vùng Xibêri và Viễn Đông của Liên bang Nga với các tỉnh và thành phố lớn của Việt Nam. Việc khai thác tiềm năng này sẽ góp phần tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư và nhân văn giữa hai nước trên các hướng ưu tiên. Hai bên nhất trí hỗ trợ các công ty và doanh nghiệp của hai nước nghiên cứu khả năng đầu tư tại các địa phương của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của mỗi bên. Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga ghi nhận sự đóng góp to lớn của các công dân Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nga và của công dân Nga đang làm việc và học tập tại Việt Nam trong việc duy trì và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai dân tộc; thỏa thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam tại Nga và cộng đồng người Nga tại Việt Nam học tập, làm việc ở mỗi nước, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga. Sau hội đàm, hai bên đã ký các văn kiện sau: - Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; Bản ghi nhớ về trao đổi các số liệu thống kê thương mại hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu song phương giữa Tổng cục Hải quan Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan Hải quan Liên bang Nga; Kế hoạch hành động chung trong đấu tranh với các vi phạm hải quan giữa Tổng cục Hải quan Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan Hải quan Liên bang Nga giai đoạn 2012 - 2013; Nghị định thư phê chuẩn Hiệp định giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự và Nghị định thư bổ sung Hiệp định giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý các mối quan hệ pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự ngày 25 tháng 8 năm 1998; Chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga giai đoạn 2013-2015 trong lĩnh vực văn hóa; Thỏa thuận về hợp tác khoa học giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga. 2. Hai bên ủng hộ việc hình thành một trật tự thế giới mới, công bằng và dân chủ hơn, đồng thời nhận thấy các nguy cơ và thách thức trong chính trị và kinh tế thế giới ngày càng gia tăng. Khủng hoảng toàn cầu vừa qua đã bộc lộ tính không hiệu quả của cấu trúc tài chính - kinh tế thế giới hiện nay, không phản ánh thực tế thế giới đa cực. Chỉ có kết hợp nguồn lực và cùng nhau nỗ lực, tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên cộng đồng quốc tế, mới có thể đối phó được với các thách thức mới đó. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng một trật tự thế giới mới, dựa trên các nguyên tắc đa phương, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Việt Nam và Nga cho rằng an ninh quốc tế là toàn diện và không thể chia tách. Hai bên cho rằng không được phép bảo đảm an ninh của một quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của một quốc gia khác, bao gồm việc mở rộng các liên minh quân sự - chính trị và thành lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu và khu vực. Hai bên coi trọng tăng cường phối hợp hành động trên trường quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Hai bên cho rằng Liên hợp quốc có vai trò trung tâm trong việc điều phối các công việc quốc tế, bao gồm bảo đảm an ninh và phát triển bền vững. Hai bên nhất trí rằng điều kiện tiên quyết để cải cách các cơ quan chủ chốt của Liên hợp quốc là sự đồng thuận tối đa về vấn đề này giữa các nước thành viên Liên hợp quốc. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh việc can thiệp vũ trang vào các cuộc xung đột nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp dụng trừng phạt đơn phương, không quan tâm thích đáng đến các đặc thù chính trị nội bộ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và các đặc điểm khác, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Việt Nam và Nga kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xét lại lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai, nghi ngờ về vai trò quyết định của nhân dân Xô - Viết trong Chiến thắng chủ nghĩa phát xít và quân phiệt. Hai bên ủng hộ các nỗ lực của “G20” về hoàn thiện quản lý kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm tăng trưởng ổn định, bền vững và cân bằng, tái cơ cấu hệ thống tiền tệ - tài chính thế giới, chống chủ nghĩa bảo hộ và chú trọng hơn đến vấn đề phát triển. Việt Nam hoan nghênh Nga làm Chủ tịch Nhóm “G-20” năm 2013 và tin tưởng Nga sẽ phát huy tốt vai trò này. Nga đánh giá cao đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao G-20 tại Seoul, Hàn Quốc tháng 11 năm 2010. Việt Nam hoan nghênh Liên bang Nga trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, coi sự kiện này nhân tố quan trọng góp phần củng cố hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng toàn diện và công bằng hơn; đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Tổng thống V.V. Putin đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các liên kết khu vực và quốc tế khác. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố ủng hộ đường lối chiến lược của lãnh đạo Nga nhằm không ngừng củng cố vị thế của Liên bang Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì lợi ích hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực này. Hai bên ủng hộ việc thành lập ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh mở, minh bạch, bình đẳng và hợp tác, được xây dựng trên các quy định của luật pháp quốc tế, nguyên tắc không liên minh và tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống V.V. Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các tiến trình liên kết trên cơ sở cùng có lợi và không phân biệt đối xử, phù hợp với các nguyên tắc của chủ nghĩa khu vực mở. Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc triển khai hợp tác thực chất giữa Nga và ASEAN. Phía Nga ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các tiến trình tại khu vực và các nỗ lực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột. Việt Nam và Nga khẳng định quyết tâm tăng cường phối hợp nhằm đối phó với các thách thức, nguy cơ mới đe dọa an ninh và phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước hết trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác đối thoại. Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại Biển Đông. Hai bên thống nhất tăng cường phối hợp hành động trong khuôn khổ Diễn đàn “Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương” (APEC), đặc biệt trong dịp Liên bang Nga giữ chức Chủ tịch APEC. Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hoạt động của APEC năm 2012 do Nga đề xuất. Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định chủ trương mở rộng hợp tác trong khuôn khổ “Diễn đàn đối thoại Á-Âu”, Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp tin cậy ở châu Á (CICA) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Hai bên ủng hộ việc đưa những vấn đề mang tính nguyên tắc về an ninh khu vực vào chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao Đông Á . 3. Các cuộc hội đàm của hai nhà Lãnh đạo Việt Nam và Nga đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị truyền thống và tin cậy lẫn nhau. Hai bên hài lòng nhận thấy rằng kết quả quan trọng của các cuộc gặp sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang mời Tổng thống Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thuận tiện. Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin đã cảm ơn và nhận lời mời. Thời gian cụ thể chuyến thăm sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao. Liên bang Nga, ngày 27 tháng 7 năm 2012. |
http://www.sggp.org.vn/vietnamvathegioi/2012/7/295037/ |
No comments:
Post a Comment