Friday, 31 August 2012

Chống lại Bắc Kinh

31/08/2012

Chống lại Bắc Kinh

(Một phương án chính sách khác của Mỹ đối với Trung Quốc)
Aaron L. Friedberg, Foreign Affairs, Sept/October 2012
Trần Ngọc Cư dịch
Khác với chiến lược ngăn chặn của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh, đường lối hiện tại của Washington đối với Trung Quốc (TQ) không phải là sản phẩm của một tiến trình hoạch định có tính toán. Đường lối này không được soạn thành luật lệ (codified) bằng các văn kiện chính thức. Thật vậy, nó không có lấy một cái tên. Tuy vậy, trong phần lớn hai thập kỷ vừa qua, Mỹ đã theo đuổi một chiến lược nói chung là nhất quán, gồm hai mũi: hợp tác và quân bình lực lượng với Trung Quốc (engagement and balancing).

Các Tổng thống Mỹ từ Richard Nixon đến Barack Obama đã vận động làm thân với Trung Quốc xuyên qua chính sách ngoại giao, thương mại, hợp tác khoa học, và trao đổi giáo dục và văn hóa. Từ giữa thập niên 1990, nhiều chính quyền liên tiếp còn có những biện pháp nhằm duy trì cán cân lực lượng có lợi cho Mỹ tại Đông Á. Khi Trung Quốc trở nên lớn mạnh hơn, Mỹ đã tăng cường khả năng quân sự của mình trong khu vực, gia tăng hợp tác chiến lược với các đồng minh truyền thống, và xây dựng những quan hệ đối tác mới với các nước khác cùng chia sẻ mối quan ngại như Mỹ, chẳng hạn Ấn Độ và Singapore.
Một nửa của chiến lược này là các nỗ lực hợp tác nhằm ràng buộc Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu và các cơ chế quốc tế, ngăn không cho TQ chống lại nguyên trạng (the status quo) và dùng phần thưởng để khuyến khích TQ trở thành một thực thể mà chính quyền George W. Bush gọi là “kẻ dự phần có trách nhiệm” (responsible stakeholder) trong hệ thống quốc tế hiện hữu. Mặc dù các nhà làm chính sách đã trở nên thận trọng hơn trong những năm gần đây, từ lâu họ vẫn hy vọng rằng thương mại và đối thoại cuối cùng sẽ giúp chuyển đổi TQ thành một nước dân chủ tự do. Nửa kia trong chiến lược của Washington đối với TQ, tức quân bình lực lượng, có vẻ đã duy trì được ổn định và chặn đứng được hành động xâm lược và các mưu mô chèn ép của TQ trong khi chính sách làm thân đã có những kết quả tuyệt vời.
Nhưng những biến chuyển gần đây đã dấy lên những mối hoài nghi nặng nề về cả hai yếu tố của chiến lược này. Thương mại và đối thoại qua nhiều thập kỷ đã không thúc đẩy nhanh chóng tiến trình dân chủ hoá chính trị TQ. Thật ra, tình hình trong vài năm qua đã được đánh dấu bằng một cuộc đàn áp ngày một gia tăng nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến trong nước. Trong lúc đó, quan hệ kinh tế từng được ca ngợi giữa hai cường quốc Thái Bình Dương đã trở thành một nguyên nhân xung đột quan trọng. Và bất chấp các kỳ vọng gia tăng hợp tác, Bắc Kinh thực sự đã làm quá ít trong việc giúp Washington giải quyết các vấn đề quốc tế bức thiết, như việc Bắc Triều Tiên nắm được vũ khí hạt nhân hay các âm mưu của Iran nhằm phát triển loại vũ khí này. Sau cùng, thay vì chấp nhận nguyên trạng, các lãnh đạo TQ đã có thái độ mạnh mẽ hơn trong nỗ lực kiểm soát các lãnh hải và tài nguyên nằm ngoài khơi vùng duyên hải của họ. Về vấn đề quân bình lực lượng, việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các khả năng quân sự đi liền với việc Mỹ cắt giảm chi tiêu quốc phòng sắp tới, cho thấy rằng sự phân bố lực lượng trong khu vực sẽ làm nghiêng hẳn cán cân về phía có lợi cho Trung Quốc.
Lý do tại sao chúng ta không thể chỉ sống hòa bình với nhau
Ngày nay, giới lãnh đạo chóp bu TQ vừa kiêu căng vừa cảm thấy bất an. Theo quan điểm của họ, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục cai trị là thiết yếu đối với sự ổn định, thịnh vượng, và uy tín của Trung Quốc; chẳng phải là sự trùng hợp tình cờ, sự cai trị này cũng tối cần cho sự vinh thân phì gia và an toàn bản thân của họ. Mặc dù họ gần như đã chấp nhận một dạng thức nào đó của chủ nghĩa tư bản trong lãnh vực kinh tế, nhưng họ vẫn quyết giữ vững quyền lực chính trị của mình.
Quyết tâm của ĐCSTQ nhằm duy trì sự kiểm soát chính trị nói lên cảm thức của chế độ về các mối đe dọa, nói lên những mục đích, và những chính sách của họ. Vì lo lắng về tính chính đáng của mình, các nhà lãnh đạo TQ hăng hái tô vẽ cho mình trở thành những chiến sĩ bảo vệ danh dự quốc gia. Mặc dù họ tin tưởng Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc thế giới ngang hàng với Mỹ, nhưng họ vẫn lo lắng sâu sắc về tình trạng bị bao vây và sự phá vỡ ý thức hệ. Và bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm trấn an họ về thiện chí của mình, các nhà lãnh đạo TQ tin rằng Mỹ cố tình chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc và, cuối cùng, phá hoại hệ thống cai trị độc đảng của họ.
Cũng như Mỹ, kể từ khi cuộc Chiến tranh lạnh chấm dứt, Trung Quốc theo đuổi một đường lối gần như không thay đổi đối với địch thủ bên ngoài lớn nhất của mình. Thông thường, Bắc Kinh tìm cách tránh né đối đầu trực diện với Mỹ trong khi TQ theo đuổi tăng trưởng kinh tế và xây dựng tất cả các yếu tố của “sức mạnh quốc gia toàn diện” của mình, một quan niệm chiến lược của TQ bao gồm sức mạnh quân sự, kỹ năng công nghệ, và ảnh hưởng ngoại giao. Tuy nhiên, ngay cả khi họ giữ thế thủ, các quan chức TQ cũng không chịu giữ thái độ thụ động. Họ tìm cách tiến lên từng bước, dần dần bành trướng vùng ảnh hưởng của Trung Quốc và củng cố địa vị của họ tại châu Á trong khi hoạt động âm thầm để xói mòn địa vị của Mỹ. Mặc dù họ đủ cẩn trọng để không bao giờ nói thẳng điều này, nhưng về lâu về dài họ tìm mọi cách để Trung Quốc thay thế Mỹ và đưa Trung Quốc trở về vị trí mà họ cho là chỗ đứng hợp lý của Trung Quốc như một bá quyền khu vực. Các nhà chiến lược TQ không tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu này một cách nhanh chóng hay bằng một cuộc tấn công trực diện. Thay vì vậy, họ tìm cách trấn an các nước láng giềng, bằng cách dựa vào sức thu hút của nền kinh tế đồ sộ của Trung Quốc để chống lại các nỗ lực quân bình non trẻ nhắm vào Trung Quốc. Theo lời dạy của một nhà chiến lược quân sự cổ đại là Tôn Tử, Bắc Kinh muốn giành “thắng lợi mà không cần chiến tranh” (bất chiến tự nhiên thành), bằng cách từng bước tạo ra một tình thế mà những hành động công khai chống lại tham vọng của TQ sẽ có vẻ vô ích.
Cho đến nay sở dĩ không có được một hiệp ước thân hữu đích thực giữa Mỹ và Trung Quốc không phải do thiếu nỗ lực nhưng do một sự khác biệt cơ bản về các lợi ích giữa hai nước. Mặc dù sự hợp tác giới hạn trên một số vấn đề cụ thể là có thể thực hiện, nhưng khoảng cách ý thức hệ giữa hai quốc gia là quá lớn, và mức độ tin cậy lẫn nhau là quá thấp, thực tế này không cho phép một thỏa ước tạm thời (modus vivendi) ổn định. Điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay mong muốn sau cùng, nghĩa là bá quyền khu vực, không phải là điều mà các đồng nhiệm của họ tại Washington sẵn sàng chấp nhận. Vì điều này sẽ đi ngược lại một mục tiêu tiền đề (axiomatic goal) của đại chiến lược Mỹ, vốn không thay đổi qua nhiều thập kỷ nay: đó là, ngăn chặn sự thống trị ở một trong hai đầu của đại lục Á-Âu bởi một hay nhiều cường quốc có tiềm năng trở thành thù nghịch. Những lý do để giải thích mục tiêu này nằm trong một tổng hợp gồm những cân nhắc có tính chiến lược, kinh tế và ý thức hệ – và những điều này vẫn tiếp tục có giá trị cho đến một tương lai có thể trông thấy.
Một Trung Quốc không bị một sự hiện diện của Mỹ trong khu vực ngăn chặn có thể sẽ không lập tức lao vào một cuộc chinh phục lãnh thổ, nhưng sẽ ở vào một tư thế thuận lợi để thực hiện những đòi hỏi chủ quyền tại những lãnh thổ và vùng có tài nguyên đang tranh chấp. Nếu được rảnh tay khỏi phải đối phó với những đe dọa mà TQ nhận thấy quanh lãnh hải của mình, TQ sẽ phóng chiếu sức mạnh quân sự xa hơn nữa để theo đuổi lợi ích của mình tại Ấn Độ Dương, Trung Đông, và châu Phi. Hậu quả sẽ là, trong vùng ảnh hưởng đang mở rộng của Trung Quốc, các công ty Mỹ sẽ thấy khả năng tiếp cận thị trường, sản phẩm, và tài nguyên thiên nhiên của mình bị hạn chế do những dàn xếp thương mại được Bắc Kinh định đoạt. Viễn ảnh cải tổ chính trị tại các nước láng giềng dọc theo biên giới Trung Quốc cũng sẽ trở nên u ám cho đến bao giờ mà ĐCSTQ vẫn còn giữ quyền thống trị. Và từ căn cứ an toàn tại châu Á, Bắc Kinh có thể cung cấp viện trợ và động viên các chế độ độc tài ở những khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, ngay cả nếu Trung Quốc kinh qua một chuyển đổi chính trị, điều này sẽ không bỗng nhiên xoá hết mọi căng thẳng với Washington. Nếu lịch sử cho ta một chỉ dẫn nào, đấy là tiến trình tự do hóa có thể được tiếp nối bằng nội loạn (internal turmoil) làm gia tăng nguy cơ xung đột với các quốc gia khác. Một Trung Quốc dân chủ chắc chắn sẽ tìm kiếm một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề khu vực, và những mục tiêu của nó sẽ không luôn luôn phù hợp với những mục tiêu của Mỹ. Nhưng trong bầu khí dân chủ về lâu về dài, viễn ảnh hợp tác Mỹ-Trung sẽ sáng sủa hơn nhiều. Một chính phủ tự tin về tính chính đáng của mình sẽ không có lý do để lo sợ sự bao vây và âm mưu lật đổ của các nước dân chủ trên thế giới. Trong khi đó, cùng với các nước không còn coi Trung Quốc là một mối đe dọa, Bắc Kinh sẽ thấy dễ dàng dàn xếp với các nước láng giềng, kể cả Đài Loan, những giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận.
Mỹ có thể sẽ đi đến chỗ chấp nhận một Trung Quốc dân chủ làm bá quyền trong khu vực Đông Á, theo cung cách Vương quốc Anh đi đến chỗ chấp nhận vai trò bá quyền của Mỹ tại Tây Bán cầu trước đây. Nhưng, nếu không có sự chuyển đổi dân chủ về phía Bắc Kinh, Washington sẽ không sẵn sàng từ bỏ chính sách quân bình lực lượng của mình và rút khỏi khu vực này. Đồng thời, trừ phi có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hay một cuộc đối đầu lớn, có lẽ Washington sẽ không từ bỏ những nỗ lực duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh. Một phiên bản nào đó của chiến lược hỗn hợp này [gồm quân bình lực lượng và hợp tác kinh tế và ngoại giao] sẽ tiếp tục kéo dài, chí ít trong một thời gian. Nhưng muốn có hiệu quả chăng nữa, thì cả hai yếu tố của chiến lược này cần phải được điều chỉnh đáng kể.
Từ khẩu hiệu đến chiến lược
Việc làm trước tiên của Mỹ là phải chống lại việc Trung Quốc đang tăng cường lực lượng quân sự, bằng cách củng cố yếu tố quân bình lực lượng trong hồ sơ chiến lược của mình. Chính quyền Obama thoạt đầu đã đi ngược khuynh hướng này, coi nhẹ chiến lược đề phòng, nhấn mạnh viễn ảnh hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn, và gợi ý rằng ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ-Trung phải là điều mà James Steinberg, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, gọi là “trấn an chiến lược” (strategic reassurance). Đến năm 2010, chính quyền này đã làm một việc đáng khen là bắt đầu đảo ngược đường lối. Phản ứng lại một loạt vụ việc diễn ra trong năm đó khiến căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và một số nước khác, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn, và Việt Nam, các quan chức Mỹ bắt đầu nhấn mạnh cam kết của họ đối với việc quân bình lực lượng. Chính quyền Obama thậm chí còn nặn ra một khẩu hiệu để mô tả ý định của mình: khi đã giảm thiểu vai trò của mình tại Afghanistan và Iraq rồi, Mỹ sẽ “xoay trục” (pivot) để hướng về Đông Á.
Nhưng cho đến nay, vấn đề chính của việc xoay trục là chiến lược này thiếu một thực chất nghiêm túc (serious substance). Những động thái đi liền với nó hoặc là chỉ có ý nghĩa tượng trưng, như dự định triển khai một số nhỏ lính thủy đánh bộ sang Australia, hay chỉ tái bố trí các lực lượng không quân và hải quân, bằng cách đưa chúng từ các khu vực khác đến khu vực Thái Bình Dương. Ngoài những cách nói bóng gió về một “trận chiến hải-không” mới mẻ (new air-sea battle), bằng các thuật ngữ tiêu biểu như “kết hợp thành mạng lưới, hợp nhất, đánh thọc sâu để làm rối loạn, phá hủy và đánh bại” các lực lượng đối phương, chính quyền Obama không nói rõ họ sẽ phải đáp trả việc Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự bằng cách nào. Trái lại, sau khi công bố đường lối mới này, các người phát ngôn của Bộ Quốc phòng đã chịu khó tránh né việc nhìn nhận một sự thật hiển nhiên là việc chuyển trục sẽ nhắm vào Trung Quốc là chính. Đặc biệt trong tình hình ngân sách hiện nay, thật khó biết làm cách nào mà một chính quyền có thể vận động được sự hậu thuẫn cần thiết của dân chúng, để duy trì một cán cân lực lượng có lợi thế tại châu Á, nếu chính quyền này không chịu trình bày thẳng thắn hơn nữa với người dân về bản chất của sự thách đố do sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc đặt ra.
Khả năng mất mát của Mỹ có thể là lớn hơn bao giờ hết. Kể từ giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã đúc kết một chiến lược mà các nhà làm kế hoạch tại Lầu năm góc mô tả là những khả năng lấy yếu đánh mạnh “chống tiếp cận/từ chối địa bàn hoạt động” [asymmetric anti-access/area-denial (A2/AD) capabilities]. Ở trung tâm của chiến lược này là nỗ lực phát triển một kho vũ khí gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của chiến tranh cổ điển, vừa chính xác, vừa tương đối ít tốn kém. Với những vũ khí này, Trung Quốc có thể thực sự nhắm vào tất cả căn cứ không quân và quân cảng tại Tây Thái Bình Dương, cũng như đe dọa đánh chìm các tàu chiến địch trên mặt biển (kể cả tàu sân bay Mỹ) hoạt động cách duyên hải TQ hàng trăm dặm. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã và đang thí nghiệm những vũ khí chiến tranh mạng và chống vệ tinh, và đã bắt đầu mở rộng lực lượng tên lửa hạt nhân liên lục địa nhỏ bé của mình.
Nếu không có một phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ, những nhà hoạch định chiến lược TQ cuối cùng có thể đi đến chỗ tin tưởng rằng những khả năng A2/AD (chống tiếp cận/từ chối địa bàn) của họ là đủ gây ấn tượng để làm cho Mỹ sợ hãi không dám can thiệp hay gây ra một cuộc đối đầu trong khu vực. Tệ hại hơn nữa, họ có thể tin rằng nếu Mỹ can thiệp, họ có thể tấn công làm tê liệt các lực lượng quy ước của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, khiến Mỹ chỉ còn rất ít lựa chọn ngoài việc đe dọa leo thang bằng chiến tranh nguyên tử. Muốn duy trì ổn định khu vực, Mỹ phải làm giảm bớt khả năng các lãnh đạo Trung Quốc có thể coi việc tung ra một cuộc tấn công như thế là có lợi cho họ. Dĩ nhiên, một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp Mỹ-Trung hiện nay là cực kỳ khó xảy ra (extremely unlikely). Nhưng mục tiêu chính của việc quân bình lực lượng trong chiến lược Mỹ nhất định phải là để đảm bảo rằng chiến tranh Mỹ-Trung không thể xảy ra, ngay cả khi quyền lực của Trung Quốc ngày một tăng trưởng.
Nếu không phản ứng đúng mức trước nỗ lực gia tăng quân sự của Bắc Kinh, Mỹ có thể làm mất tính khả tín trong các cam kết an ninh mà Washington đã hứa hẹn với các đồng minh châu Á. Nếu không có những dấu hiệu mạnh mẽ cho biết Mỹ vẫn tiếp tục cam kết và duy trì quyết tâm của mình, thì các nước bạn có thể đâm ra lo sợ bị bỏ rơi và chịu những cám dỗ để đi đến chỗ nhượng bộ vô nguyên tắc. Nhằm ngăn ngừa các đồng minh của mình khỏi rơi vào tình huống đó, Washington sẽ phải làm nhiều hơn nói. Bằng cách hợp tác với nhau, Mỹ và các đồng minh sẽ có thừa nguồn lực để quân bình lực lượng với Trung Quốc. Nhưng nếu Washington muốn các đồng minh phải tự mình gia tăng các nỗ lực quốc phòng, bản thân Mỹ cũng phải nghiêm khắc phản ứng lại những khả năng quân sự ngày một gia tăng của Trung Quốc. Về vấn đề châu Á, Mỹ không thể lựa chọn cái phương án mà tờ The New Yorker mô tả lần đầu là khuynh hướng “lãnh đạo từ đằng sau” (leading from behind) của chính quyền Obama.
Nhằm làm cùn mũi nhọn trong chiến lược A2/AD [chống tiếp cận, từ chối địa bàn] của Trung Quốc, trước hết Mỹ và đồng minh phải có những biện pháp phân tán, tăng cường, hoặc những biện pháp khác nhằm phòng thủ các mục tiêu mà Trung Quốc có thể tấn công trước tiên, kể cả các mục tiêu trong không gian và trên mạng Internet. Nhưng, chiến tranh hiện đại không thể thắng bằng thế phòng thủ, và cũng không thể ngăn chặn thuần túy bằng thế phản ứng (purely reactive posture). Những người chủ trương chiến lược này lý luận rằng khi Trung Quốc cải tiến khả nămg tấn công những mục tiêu nằm ngoài khơi vùng duyên hải phía Đông của nó, Mỹ phải phát triển các phương án để tiến hành các cuộc phản công rộng lớn của mình bằng vũ khí quy ước.
Dù dùng bất cứ lý luận chiến lược nào để biện minh, quan niệm về một trận chiến hải-không đã bắt đầu khuấy động tranh luận trên nhiều điểm. Nếu mở những cuộc tấn công quy ước trên quy mô lớn đánh vào Trung Quốc, việc này có thể khiêu khích một phản ứng leo thang, kể cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Những hệ thống vũ khí mới nhằm phóng chiếu quyền lực từ bên ngoài tầm hoạt động ngày một gia tăng của vũ khí TQ sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để phát triển, và chúng sẽ lấy mất các nguồn lực từ nhiều loại dự án mà xưa nay các binh chủng vẫn yêu chuộng. Chẳng hạn, thay vì cần thêm nhiều tàu sân bay và các chiến đấu cơ bắt mắt có người lái, thiết tưởng Mỹ cần một hỗn hợp gồm nhiều vũ khí cho đến nay vẫn chưa được phát triển, chẳng hạn máy bay chiến đấu không người lái có sức chịu đựng lâu (long-endurance drones), hoặc một loại máy bay thả bom thế hệ kế tiếp có người lái [next-generation manned bomber, dự định đi vào phục vụ năm 2018, ND], những tên lửa cổ điển tầm xa, và có lẽ cả những tàu vũ khí khó phát hiện (stealthy arsenal ships) chuyên chở các loại vũ khí cực kỳ chính xác.
Trong tình hình có thể gặp phải những trở ngại tài chính, những phản đối có tính cách chính trị, và những bấp bênh chiến lược, Mỹ và đồng minh có thể không hội đủ điều kiện để phát triển những phương án chiến tranh quy ước hoàn toàn hữu hiệu và có tính thuyết phục, để chống lại những khả năng quân sự A2/AD [chống tiếp cận/từ chối địa bàn] của Trung Quốc. Đúng như trong thời Chiến tranh lạnh, chính sách ngăn chặn hiện nay cũng phải một phần dựa vào việc có trong tay những phương án leo thang chiến tranh khả thi. Lời hứa rằng Mỹ sẽ dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh vẫn nằm trong cốt lõi của những cam kết phòng thủ của Mỹ. Nhưng lời đe dọa này sẽ mất tính khả tín (credibility) khi kho vũ khí hạt nhân có tầm xa của Trung Quốc ngày một phình ra.
Thay vì chỉ dựa vào viễn ảnh leo thang chiến tranh ở mức độ khốc liệt ngày càng cao, thiết tưởng Mỹ phải cố gắng phát triển những phương án leo thang chiến tranh theo chiều ngang. Trong những phương án này, phương án hiển nhiên nhất sẽ là gia tăng khả năng đáp trả những hành vi xâm lược bằng cách gia nhập một liên minh với các nước bạn và đồng minh nằm trên bờ biển để cắt đường vận chuyển trên biển của Trung Quốc. Thậm chí nếu Bắc Kinh có tin tưởng rằng TQ có thể dùng vũ lực để đạt được một chiến thắng chớp nhoáng, chẳng hạn, trên đảo Đài Loan, hoặc trong Biển Đông Việt Nam, khi đó TQ sẽ phải đối diện với một viễn cảnh là mất khả năng xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển hay nhập khẩu năng lượng và các tài nguyên khác mà TQ đang cần đến để giữ cho bộ máy kinh tế tiếp tục chạy đều. Mỹ có thể gia tăng tính khả tín (credibility) của lời đe dọa này bằng cách đầu tư thêm nữa vào các công nghệ chiến tranh dưới biển (undersea warfare technologies), một lãnh vực mà Mỹ đã nắm giữ những lợi thế đáng kể; bằng cách tăng cường hợp tác với hải quân các nước khác như Australia, Ấn Độ, và Nhật Bản; và bằng cách hậu thuẫn những nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á trong việc thu mua những vũ khí mà họ cần đến để bảo vệ vùng trời và vùng biển dọc theo duyên hải của họ.
Tình trạng đáng buồn về lối nói tự mãn
Trong khi tăng cường các nỗ lực quân bình lực lượng với Trung Quốc, hẳn nhiên Mỹ cũng phải tiếp tục làm thân với Trung Quốc. Các quan chức Mỹ phải làm rõ bằng lời nói và việc làm rằng họ đang tìm kiếm một quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất có thể được với Trung Quốc. Nhưng họ phải tự chữa cho mình cái thói thổi phồng những thành tích và những lãnh vực liên quan đến sự đồng thuận và sự thông cảm các vấn đề và các dị biệt của nhau. Lối nói ngoại giao tự mãn này không giúp gì cho việc xoa dịu những cảm thức của Bắc Kinh về các ý đồ của Washington và, thay vì vậy, lối nói này chỉ chuyên chở một bức tranh thiếu trung thực về tình trạng của quan hệ Mỹ-Trung đến dân chúng Mỹ và đến các quốc gia bạn.
Thay vì chỉ biết thoả mãn về khả năng hợp tác giữa hai nước, Mỹ cần đi theo một đường lối tỉnh táo hơn và hướng tới kết quả hơn. Khởi điểm là lãnh vực thương mại. Quan hệ kinh tế song phương vẫn còn có lợi cho hai nước, nhưng gần đây nó đã trở nên ngày càng nghiêng lệch. Bắc Kinh đang sử dụng chính sách tiền tệ và nhiều dạng thức trợ giá khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Bắc Kinh gây sức ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc để được tiếp cận thị trường trong nước của nó. Và Bắc Kinh ngoảnh mặt làm ngơ trong khi các công ty TQ ồ ạt đánh cắp sở hữu trí tuệ nước ngoài. Khác với Nhật Bản trong những thập niên 1970 và 1980, Trung Quốc không những là một đối tác thương mại gây nhiều rắc rối vì Chính phủ TQ sử dụng những biện pháp kiểm soát thương mại để nghiêng cán cân mậu dịch về phía có lợi cho mình; Trung Quốc còn là một đối thủ địa chính trị đang sử dụng các quan hệ thương mại để đạt lợi thế chiến lược.
Số lượng thặng dư mậu dịch song phương vĩ đại của Trung Quốc với Mỹ và việc Bắc Kinh tích lũy các tài sản đặt giá trị trên đồng đôla vì thế là đáng lo ngại vì nhiều lý do vượt lên trên lãnh vực kinh tế. Trong những năm gần đây, các học giả và các quan chức TQ đã đề nghị rằng nếu Washington chống lại những nguyện vọng của Bắc Kinh về các vấn đề khác nhau, như các thương vụ vũ khí bán cho Đài Loan và các cuộc tiếp kiến của Tổng thống Mỹ dành cho Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc có thể bắt đầu bán đổ những tài sản đó, đẩy cao lãi suất của Mỹ và làm khựng mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Sự thể một hành động như thế chắc chắn sẽ gây thiệt hại không kém cho kinh tế TQ không đảm bảo rằng trong cơn dầu sôi lửa bỏng của một cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ toan tính dùng đến nó. Cũng không có gì đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ không bị nao núng vì những đe dọa của TQ mà phải nhượng bộ trong khi lẽ ra họ phải duy trì thái độ cứng rắn. Tắt một câu là: nếu Washington muốn duy trì tự do hành động ở mức lớn nhất có thể, nó không thể cứ tiếp tục nhún nhường như thể quá mang ơn đối với địch thủ địa chính trị chính của mình.
Một sự đánh giá lại đồng Nhân dân tệ sẽ làm giảm bớt tình trạng bất quân bình trên cán cân thương mại Mỹ-Trung, mặc dù phải giảm bao nhiêu, thì đấy là đề tài tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ, một điều có vẻ chắc chắn là, Trung Quốc sẽ chịu thực hiện những điều chỉnh chính sách đáng kể chỉ khi nào phải đối diện những sức ép đáng kể đến từ bên ngoài. Năm 2005, Bắc Kinh đã cho phép một sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ sau khi ông John Snow, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc bấy giờ, cảnh báo rằng ông sẽ gửi đến Quốc hội Mỹ một báo cáo lên án Trung Quốc dùng thủ đoạn tiền tệ để giành lợi thế thương mại (currency manipulation). Sau đó 5 năm, nhà cầm quyền TQ lại cho phép trị giá đồng Nhân dân tệ nhích lên một chút, việc này đã diễn ra trước khi khai mạc một hội nghị thượng đỉnh G-20 nơi đó các quốc gia khác đang sửa soạn phê bình chính sách hối đoái của Trung Quốc.
Mặc dù cán cân thương mại tổng quát với Trung Quốc là một nguyên nhân cho sự lo ngại, nhưng khu vực công nghệ cao cũng đáng được các nhà làm chính sách Mỹ đặc biệt quan tâm. Kể từ khi chấm dứt Chiến tranh lạnh, Washington đã vật lộn với nan đề là, liệu Mỹ có nên duy trì những biện pháp kiểm soát việc xuất khẩu các công nghệ mà những nước thù địch tiềm năng có thể sử dụng để phát triển những vũ khí tinh vi của họ hay không. Vì mục đích truyền bá toàn cầu tri thức chuyên môn về công nghệ, một số người trong những cộng đồng doanh nghiệp và khoa học cho rằng những biện pháp kiểm soát như thế trong khả năng tốt nhất chỉ là vô ích, và trong khả năng xấu nhất là có hại cho sức cạnh tranh của Mỹ. Tuy nhiên, thậm chí những kẻ hoài nghi cũng nhìn nhận rằng Mỹ có những lợi thế trong các lãnh vực như công nghệ chống ra-đa và công nghệ mã hóa, mà Mỹ vẫn có thể và vẫn phải bảo vệ bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đơn phương. Những lo lắng về quyền lực đang gia tăng của Trung Quốc có thể thổi một luồng sinh khí mới vào các cơ chế kiểm soát đa phương. Bởi vì các quốc gia tiên tiến khác tại châu Âu lẫn châu Á đều sợ việc nuôi dưỡng quân đội Trung Quốc và gia tăng tính cạnh tranh của các công nghệ không gian và viễn liên của TQ, hiện nay các nước này có thể sẵn sàng hơn trước trong việc hợp tác hạn chế xuất khẩu một số công nghệ lưỡng dụng (dual-use technologies,) sang Trung Quốc.
Trong khả năng tốt nhất, những biện pháp kiểm soát xuất khẩu chỉ có thể đối phó với một mảng nhỏ trong một vấn đề to lớn hơn nhiều. Mạng lưới gián điệp khoa học và công nghiệp TQ được trải ra đều khắp. Trung Quốc sử dụng những thủ thuật đã có lâu đời như giản dị là hối lộ và đánh cắp, lẫn những phương pháp xi-be tân kỳ và thường hữu hiệu hơn. Và ngoài việc vượt qua tường lửa, Trung Quốc bây giờ có một lựa chọn là chỉ việc đi qua cửa trước bằng cách mua một phần các công ty nước ngoài hay bán cho họ các sản phẩm có thể cho phép Trung Quốc tiếp cận công nghệ và thông tin. Một công ty TQ bán trang bị tổng đài điện thoại đời mới cho một hãng cung cấp dịch vụ điện thoại Mỹ có thể cho phép các cơ quan tình báo Trung Quốc nghe lén các thông tin truyền đạt nhạy cảm của Mỹ. Một cách tương tự, các công ty do Trung Quốc làm chủ có thể phá hoại hay thay đổi các con chip cực nhỏ (microchips) cuối cùng sẽ được cài vào các máy vi tính, các hệ thống truyền thông, và thậm chí trong các vũ khí. Mỹ và các đồng minh công nghệ tiên tiến cần phải theo dõi chặt chẽ hơn nữa đường dây cung cấp công nghệ cao và cần phải điều tiết việc các công ty TQ đầu tư vào nền kinh tế của họ – một số công ty ấy vốn có quan hệ với Bắc Kinh và Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Phải giữ vững lập trường cứng rắn
Sự phản đối chủ yếu chống việc rà soát lại chính sách Mỹ theo những đường lối được đề xuất ở đây là, việc này sẽ tạo ra một tiên đoán tự biến thành hiện thực (self-fulfilling prophecy), thêm sức cho bàn tay của những lãnh đạo được coi là cứng rắn của Bắc Kinh trong khi làm mất uy tín của những nhân vật có khuynh hướng tự do và đầu óc cải tổ. Quan niệm cho rằng hiện có những người có thiện chí đang tranh giành quyền lực tại Trung Quốc và cho rằng một đường lối hòa hoãn sẽ có lợi cho họ, thoạt nghe có vẻ hấp dẫn. Nhưng ở thời điểm này, một quan niệm ngược lại ít ra cũng có cùng một mức độ khả tín. Nếu Washington quay trở lại một lập trường mềm dẻo hơn, các thành phần cứng rắn của Bắc Kinh có thể cố gắng lấy điểm. Họ sẽ tranh luận rằng sở dĩ có sự thay đổi về phía Mỹ là do kết quả trực tiếp của những chính sách cứng rắn của họ, bao gồm cả nỗ lực tăng cường quân sự bền vững mà lâu nay họ theo đuổi.
Thật là nguy hiểm khi những nhà làm chính sách Mỹ cố gắng ảnh hưởng lên một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một cuộc tranh giành mà họ không thông hiểu đầy đủ. Điều này không có nghĩa là diễn biến chính trị tại Trung Quốc là một vấn đề chúng ta không cần đếm xỉa đến. Không phải thế. Nhưng ảnh hưởng của bất cứ cường quốc nào từ bên ngoài lên hậu quả của tiến trình dân chủ tại Trung Quốc sẽ là gián tiếp và dài hạn. Các nước dân chủ phải tiếp tục hậu thuẫn sự lớn mạnh của xã hội dân sự tại Trung Quốc, cổ vũ luồng tư tưởng tự do nhất từ ngoài vào và từ bên trong Trung Quốc, và lên tiếng bênh vực các nhân vật chịu nguy hiểm để đòi hỏi cải tổ thực sự.
Chí ít hiện nay, đường biểu đồ xu thế (trend lines) tại châu Á đang chuyển động theo những chiều hướng bất lợi cho Mỹ. Bốn năm sau cuộc tan chảy tài chính toàn cầu, Mỹ vẫn còn sa lầy trong suy thoái kinh tế và bước đi khấp khểnh do bế tắc chính trị. Nền kinh tế Trung Quốc cũng có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục trở nên giàu hơn và mạnh hơn trong khi ĐCSTQ vẫn giữ được quyền hành. Nhưng, trong một tương lai không xa, tình hình có thể đảo ngược. Mỹ và các nước dân chủ tiên tiến khác sẽ lấy lại sức bật để ra khỏi những khó khăn hiện nay. Một Trung Quốc do ĐCSTQ lãnh đạo có thể không làm được như vậy. Trung Quốc sẽ phải đối phó những hậu quả kết hợp do nạn tham nhũng vượt ra ngoài vòng kiểm soát, một dân số già nua nhanh chóng, và một mô hình kinh tế được thúc đẩy bằng đầu tư (an investment-driven economic model) mà hầu hết mọi chuyên gia cho là không bền vững. Khả năng cần thiết để Trung Quốc dấn thân vào một cuộc cạnh tranh chiến lược có thể sẽ trở nên suy yếu, ngay cả khi khả năng của Mỹ và đồng minh gia tăng. Thách thức mà các nhà làm chính sách Mỹ đang đối diện là phải tìm ra một phương án tốt nhất để lèo lái quốc gia qua giai đoạn tạm thời đầy bấp bênh và giới hạn.
Những hành vi gần đây của Trung Quốc có thể tỏ ra thuận lợi cho Mỹ trong khía cạnh này. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh đã gây lo âu sâu sắc cho các nước láng giềng của Trung Quốc, khiến họ hơn bao giờ hết có khuynh hướng hợp tác với nhau để quân bình lực lượng với anh khổng lồ châu Á. Vì lý do này, các chính phủ khác trong khu vực thường hoan nghênh các tuyên bố mạnh mẽ phát xuất từ Washington trong mấy tháng gần đây. Nhưng họ vẫn còn phân vân không biết Mỹ sẽ có đủ nguồn lực và quyết tâm để hậu thuẫn cho những lời lẽ đầy khí thế của mình hay không. Bất cứ ai được bầu làm Tổng thống vào tháng 11 này cũng sẽ phải dùng những biện pháp để xua tan những ngờ vực nói trên. Phát triển và chi tiêu cho một chiến lược khả tín nhằm chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc đồng thời theo đuổi một đường lối cứng rắn trong vấn đề hợp tác kinh tế, cả hai sẽ là quan trọng. Và việc tiếp tục giữ vững lập trường cứng rắn trên các vấn đề nguyên tắc cũng quan trọng không kém. Trong khi vừa hợp tác vừa quân bình lực lượng với Bắc Kinh, Mỹ phải làm bất cứ điều gì có thể làm được để đẩy mạnh tiến trình mà George Kennan [cha đẻ của chính sách bao vây ngăn chặn nếu còn sống] có thể đã gọi là “từng bước làm hòa dịu” quyền lực của Trung Quốc.
ARON L. FRIEDBERG là Giáo sư Khoa Chính trị và các Vấn đề quốc tế tại Trường Woodrow Wilson chuyên về các Vấn đề công cộng và Vấn đề quốc tế thuộc Đại học Princeton và là tác giả cuốn A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia (Một cuộc thi đua giành địa vị siêu cường: Trung Quốc, Mỹ, và cuộc tranh giành quyền bá chủ châu Á). Từ 2003 đến 2005, ông là Phó Trợ lý các Vấn đề an ninh quốc gia tại Văn phòng Phó Tổng thống.
Foreign Affairs
T.N.C.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Chống lại Bắc Kinh

No comments:

Post a Comment