Sunday 26 August 2012

Tập đoàn điện quốc doanh Việt Nam nợ ngập đầu

Friday, August 24, 2012 8:35:22 PM 




HÀ NỘI (NV) - Lập đi lập lại trong các kỳ đại hội đảng là lấy hệ thống kinh tài quốc doanh làm “chủ đạo” cho nền kinh tế, guồng máy kinh tế Việt Nam ỳ ạch với đủ mọi thứ bệnh hoạn do cái “chủ đạo” này gây ra.
Hai người thợ sửa đường dây điện trên cao. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hệ thống kinh tài quốc doanh CSVN được cầm đầu bởi tay chân những kẻ nhiều quyền lực trong đảng, ban phát ân huệ và cơ hội tham nhũng, được ưu tiên cầm những số tiền mồ hôi nước mắt của dân tiêu xài vô tội vạ.
Chỉ nhìn riêng vào cái Tập Ðoàn Ðiện Lực quốc doanh (EVN) với 100,000 nhân viên các cấp, nó không chỉ hiện diện là những cột kéo dây điện từ tỉnh thành tới làng quê, những nhà máy thủy điện và nhiệt điện. Nó còn là một con bạch tuộc có chân ở rất nhiều lãnh vực khác nhau ngoài điện, từ ngân hàng, địa ốc, chứng khoán, viễn thông và nhiều thứ nữa.
Những gì được hé lộ phần nào trên báo chí cho thấy cái tập đoàn khổng lồ này đang nợ những khoản nợ rất lớn ở nhiều lãnh vực khác nhau mà nếu xử theo đúng luật kinh doanh, tín dụng, nó dẫn tới sụp đổ.
Một số người cho rằng số nợ mà EVN đang ỳ ra vô cùng lớn. Những khoản nợ của Vinashin và Vinalines tuy đã kinh hoàng nhưng cũng không thể so sánh.
Gần sập mà vẫn khoe kinh doanh có lời, Vinashin đã không trả nổi số nợ $600 triệu USD của chủ nợ ngoại quốc cuối năm 2010, người ta mới biết sự thật.
“Tôi có thể nói nợ của EVN tệ hại rất nhiều so với Vinashin, có thể hàng trăm ngàn tỉ đồng,” một viên chức trong ngành này giấu tên nói với thông tấn Reuters.
Việc bắt giữ ông tỉ phú Nguyễn Ðức Kiên, nguyên phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Á Châu và có cổ phần tại nhiều ngân hàng, hôm Thứ Ba với cáo buộc kinh doanh tài chính “bất hợp pháp” làm cho người ta sợ hãi thêm về căn bệnh tài chính của Việt Nam.
Việc bắt giam ông này làm người ta liên tưởng tới những mối quan hệ tròng tréo, móc ngoặc ở trong giới tài phiệt với những kẻ cầm đầu chế độ, các đại gia nắm giữ những tập đoàn hay tổng công ty quốc doanh, và các ngân hàng.
Tai tiếng Vinashin năm 2010 và Vinalines năm nay, với tổng nợ khó đòi lên tới $6.5 tỉ USD buộc chế độ loan báo sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hệ thống quốc doanh “lãi giả, lỗ thật,” nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì.
Guồng máy kinh tài quốc doanh vẫn vận hành trong tinh thần rừng nào cọp nấy, nợ xấu vẫn ỳ ra. Thậm chí có những công ty “chết lâm sàng” mà vẫn không chôn, như báo chí trong nước cáo buộc.
Những đề nghị cải cách quốc doanh loan báo hồi tháng 7 đã không phá nổi cái kiểu kinh tài nuông chiều con đẻ “tư bản thân hữu” của chế độ hiện ôm tổng nợ khoảng $50 tỉ USD, tức một nửa tổng sản lượng quốc gia của năm 2010.
“Cái đó chỉ mới là phần nhỏ bé nhô lên trên mặt nước của núi băng sơn khổng lồ trên biển.” Ông David Koh, một chuyên viên về Việt Nam tại Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore phát biểu với Reuters.
Nếu tập đoàn điện lực sụp đổ sẽ kéo theo cả nền kinh tế vốn tùy thuộc vào nguồn điện giá rẻ để hoạt động. Một bản tin của tờ Sài Gòn Times hồi tháng 5 vừa qua cho biết nợ của EVN là khoảng $11.5 tỉ USD hồi cuối năm 2010, nhiều gần gấp ba nợ của Vinashin cùng thời điểm.
Báo Tuổi Trẻ cuối năm ngoái nói EVN sản xuất điện nhưng lỗ 8.4 ngàn tỉ đồng, nhiều gấp 12 lần con số do chính tập đoàn này khai báo.
Bản phúc trình của Tổng Thanh Tra Chính phủ hồi tháng 7 đã lờ những con số thật về sự lời lỗ của EVN khi công bố cho báo chí. Con số lỗ vốn hay có lời của EVN thật sự bao nhiêu không ai biết. EVN là tập đoàn quốc doanh lớn thứ năm tại Việt Nam với tổng lợi tức ước tính $5 tỉ USD vào năm 2011 và khai rằng lỗ mất 3.5 tỉ đồng.
Các tổng công ty hay tập đoàn khác cũng không ai biết thật sự chúng lời lỗ ra sao. Trước tình trạng kinh doanh “dàn trải” ra khắp mọi ngành, “tiền chùa” chui vào túi tham nhũng, dẫn đến lỗ vốn chỏng chơ, Hà Nội đòi hỏi đám quốc doanh phải thu gọn lại, tập trung vào ngành kinh doanh hay hoạt động chính, từ nay tới năm 2015.
Từ khoảng 6,000 công ty quốc doanh hồi đầu thập niên 2000, số công ty, tập đoàn rút xuống còn khoảng 1,300 vì áp lực của các định chế tài trợ quốc tế. Khoảng 3,800 công ty đã phải “cổ phần hóa” hay bán khoán. Sau đó thì kế hoạch cải cách guồng máy quốc doanh gần như khựng lại.
Ðào Văn Hưng mất chức chủ tịch tập đoàn EVN hồi tháng 2 vừa qua vì những khoản lỗ khổng lồ trong đầu tư viễn thông. Vừa đầu tư bừa bãi, vừa nhân sự điều hành kém khả năng chưa kể tham nhũng, trong khi đó thì nguồn cung cấp điện tại Việt Nam chập chờn gây ra trở ngại thường xuyên cho sản xuất kỹ nghệ và nhà dân.
Bất cứ đại gia quốc doanh nào khi bới ra, cũng đều có những vấn đề.(TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=153958&zoneid=2

No comments:

Post a Comment