Friday, 24 August 2012

Ông Võ văn Kiệt có CÔNG hay có TỘI?

Bình luận của ông Nguyễn Công Bằng (ĐVD) 
Nguyên thủ tướng VNCS Võ Văn Kiệt từ trần là diễn biến bất ngờ đối với nhiều người, vì không có tin tức hay đồn đoán nào được phóng ra trước đó như một lời báo hiệu. Tuỳ theo vị trí, cách nhìn và chính kiến, người ta có những nhận định sau cùng về con người ông. Chưa kể là dư luận còn gắn liền cái chết với tin đồn trước đây là ông đang chuẩn bị một đảng đối lập, để nghi vấn rằng sự ra đi đột ngột này chứa nhiều bí ẩn. Nhưng trên hết, và được luận bàn nhiều nhất, là vấn đề công tội của ông trong giai đoạn cầm quyền cao nhất và sau đó. 
Thật sự thì nguyên Thủ tướng VNCS Võ Văn Kiệt có CÔNG hay có TỘI? Câu trả lời có thể là cả hai.
Theo thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng VNCS “… sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.”. Cũng theo thông báo này, tang lễ của ông được quyết định tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày.
Hầu như toàn bộ các tờ báo lớn ở Việt Nam đều đồng loạt loan tin về cái chết của ông Võ Văn Kiệt theo tinh thần các thông cáo báo chí của NNVNCS, cũng như nói về thân thế, công lao của ông theo những chi tiết đã được cơ quan TTXVN và các cơ quan chức năng đưa ra.
Cũng theo báo chí VNCS, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã gửi lời chia buồn trước việc ông Võ Văn Kiệt từ trần, trong đó có đoạn: "Sự lãnh đạo của ông Kiệt với vai trò là Thủ tướng từ năm 1991 đến 1997 mang lại kết quả là công cuộc cải cách giúp cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người Việt Nam. Những nỗ lực của ông đã góp phần mở đường bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vào năm 1995".
Riêng phần cộng đồng người Việt hải ngoại, tin về cái chết của ông luôn kèm theo những lời nhận định khe khắt, phát xuất từ những kinh nghiệm thực tế gắn liền với khoảng thời gian ông nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Trong thập niên ’90, tên tuổi ông Kiệt gây sự chú ý cho người Việt Nam và ngoại quốc qua những thay đổi lớn về kinh tế và chính trị.
Về kinh tế, mặc dù đảng VNCS đã có quyết định đổi mới đường hướng quản lý kinh tế từ năm 1986 (khi đất nước đã hoàn toàn kiệt quệ bởi hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa), song phải đợi đến hơn 5 năm sau tình hình Việt Nam mới có những tiến bộ rõ nét. Giai đoạn này đánh dấu tiến trình hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam; đặc biệt trong vấn đề lương thực, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 1992.
Thập niên ’90 là thời kỳ có một số vụ án và sự kiện chính trị đáng chú ý:
  • ·         Tháng 11/1991: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị xử 20 năm tù và 5 năm quản thúc tại gia, cùng với nhà báo Châu Sơn Nguyễn Văn Thuận án 10 năm, trong một phiên tòa chớp nhoáng, không có luật sư biện hộ và không cho công chúng tham dự.
  • ·         Tháng 5/1992: Luật sư Đoàn thanh Liêm bị xử 12 năm tù vì bài viết “Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản” nhằm đặt cơ sở luận lý và pháp lý cho một Hiến Pháp tương lai.
  • ·         Tháng 3/1993: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị xử 15 năm tù, và những bạn đồng chí hướng khác với mức án trên dưới 10 năm, vì ấn hành tờ báo bí mật “Diễn Đàn Tự Do”.
  • ·         Tháng 12/1993: Việt kiều Kỳ Ngọc Thanh và 4 người thuộc Liên Minh Hùng Gia Đại Việt cùng 2 nông dân với bản án tổng cộng 47 năm, về vụ thực hiện Chiến Dịch Nguyễn Trãi đòi hỏi đa nguyên đa đảng, và tổ chức 150 nông dân biểu tình trước Sở Thú Sài-gòn vào ngày 20/5/1991 nhằm yêu cầu giải quyết công bằng ruộng đất.
  • ·        Tháng 7/1994: Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ Lệnh Cấm Vận Kinh tế đối với VNCS.
  • ·         Tháng 7/1995: Hoa Kỳ quyết định bình thường hoá quan hệ ngoại giao với VNCS.
  • ·         Tháng 7/1995: Việt Nam gia nhập khối ASEAN.
  • ·          Tháng 8/1995: Giáo sư Nguyễn Đình Huy bị xử 15 năm tù giam, và những bạn đồng chí hướng khác với mức án trên dưới 10 năm, vì hoạt động trong Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc Và Xây Dựng Dân Chủ, tiến hành tổ chức công khai Hội Nghị Quốc Tế Về Vấn Đề Phát Triển Việt Nam tại Sài-gòn.
  • ·         Tháng 4/1997:  Nghị định 31/CP do chính ông Võ Văn Kiệt ký ban hành nhằm quản chế hành chánh – một công cụ pháp luật chính yếu để trấn áp các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.
Mặt khác, ông Võ Văn Kiệt còn là tác giả của vụ thành lập Tổng cục II, một “cơ chế quyền lực trên quyền lực” dành cho Lê Đức Anh, Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh trong bộ máy NNVNCS và đảng VNCS.
Ngoài những sự kiện lịch sử trên, ông Võ Văn Kiệt được dư luận thế giới và Việt Nam đặc biệt chú ý trong những năm cuối đời ông khi ông có một số nhận định và tuyên bố được không ít người xem là tiến bộ, khác hẳn với thái độ bảo thủ cố hữu của đảng VNCS.
Sự kiện được bàn tán nhiều nhất là vào tháng 8/2005, trong bài viết “Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta”. Qua bài này, ông Võ Văn Kiệt đã có nhiều lời nhìn nhận sự sai lầm của chế độ qua các chính sách đối với nhân dân, cựu viên chức VNCH và thành phần tư sản ở giai đoạn sau tháng 4/1975. Đối với một số người, câu nói: “Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy...” có thể là một hình thức xin lỗi mà đảng VNCS mượn ông nói lên, để làm nền tảng cho cuộc hoà giải dân tộc sau đó.
Vào thời điểm tháng 4/2007, ông Võ Văn Kiệt lại gây chú ý và hy vọng ở nhiều người hơn khi tuyên bố với phóng viên Xuân Hồng của đài BBC trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt rằng: “Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được.” “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào.” Những lời này mang ngôn ngữ của một tín hiệu thăm dò cho việc hoà giải, nhất là khi nó được thực hiện công khai ở Việt Nam và sau đó không có sự phản đối nào của những người đang nắm quyền lực lãnh đạo. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập tới cuộc bầu cử quốc hội năm 2007. Ông nói : "Tôi và một số không ít anh em khuyến khích là nên có đổi mới, khuyến khích có tình trạng tự ứng cử để cho các ứng viên có trách nhiệm.”  Ông còn nói: "Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ". Tiếc là trong thực tế, ý kiến đó chưa hề được đáp ứng.
Điều đáng nêu lên đây là, cũng như nhiều đảng viên CS khác, ông chỉ lên tiếng khi đã về hưu, thay vì có thái độ ngay trong lúc đương quyền. Điều này khiến ông đã không thể trở thành một “Yeltsin Việt Nam ” như một số người mong đợi. Mặt khác, khuynh hướng vận động hoà giải trong những năm cuối đời của ông lại hoàn toàn mâu thuẫn với chính sách của NNVNCS ở cùng giai đoạn. Người ta không quên là ở thời điểm ông kêu gọi hoà giải, thì hàng loạt người đối lập lại bị đàn áp và xử án nặng nề. Điều này khiến dư luận phải hoài nghi, cho rằng ông nhận lệnh đảng VNCS để làm công tác xoa dịu dư luận, tạo ảo tưởng về một tiến trình hoà giải để nhằm triệt giảm sức đối kháng, chứ khuynh hướng đó không hề là mong ước thật sự của ông, hay dự tính của đảng VNCS.
Vào hai năm cuối cùng đời mình, qua một số liên hệ riêng, ông Võ Văn Kiệt đã gửi lời tâm tình, nhắn nhủ đến một số cá nhân, đoàn thể đối lập ở nước ngoài. Đại ý, ông muốn chuyển đi lời kêu gọi đối thoại để tạo sự cảm thông và từng bước hoá giải các vấn đề của đất nước một cách ôn hòa. Tiếc rằng ông mất đi một cách đột ngột nên người ta không thể có thêm dữ kiện để hiểu xem thực sự những ý này xuất phát từ đâu, có liên quan gì đến chủ trương của đảng VNCS hay không? Dù sao, nếu quả đó là sự thật thì nó cũng sẽ được tiếp nối bởi những người có liên hệ khác. Ngược lại, có thể đó chỉ là một cách thăm dò phản ứng của cá nhân ông Kiệt, hay xa hơn nữa là của đảng VNCS.
Với bối cảnh chính trị còn nhiều phức tạp và giới hạn như hiện nay, việc luận công buộc tội nguyên Thủ tướng VNCS Võ Văn Kiệt trong cương vị thủ tướng trước kia và vai trò gần đây, tất nhiên chưa thể nào có thể thực hiện được một cách khách quan, đầy đủ và trung thực. Tuy nhiên, có thể nói rằng ông Võ Văn Kiệt là một người Cộng sản tiến bộ, hoặc nói một cách khó tính: ông là một người ít bảo thủ nhất trong số những người bảo thủ.
Dù thực tế cho thấy ông đã có nhiều đóng góp cụ thể cho tiến trình thay đổi bộ mặt đất nước Việt Nam, song những cố gắng của ông chưa đủ tầm vóc để người Quốc gia tin tưởng và xem ông là người bạn đồng hành. Có thể nói rằng ông chỉ muốn đảng VNCS tốt hơn và ít người chống đối hơn. Bởi lẽ, ông vẫn chưa hề khẳng định rằng: mọi vấn đề của đất nước ngày nay là do cơ chế độc đảng gây ra, và muốn giải quyết nó cần phải có một chính thể dân chủ đa đảng.
Bây giờ, câu hỏi đặt ra là: Liệu sau nguyên Thủ tướng VNCS Võ Văn Kiệt, ai là người kế tiếp và đi xa hơn trong vai trò hòa giải của ông?
Nguyễn Công Bằng

No comments:

Post a Comment