Sunday, 26 August 2012

“Xa mực vẫn đen, gần đèn vẫn tối”

 | 


Ông Lê Thiết Hùng
Tôi vốn ít quan tâm đến những chuyện của người khác, nhất là những chuyện không liên quan đến mình. Đã có một hai lần được nghe kể những chuyện về ông Lê Thiết Hùng, chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan (HNVNtBL), nhưng nó chẳng để lại trong tôi một sự bận tâm nào. Tôi nghĩ, đó là những vấn đề thuộc về cá nhân ông Hùng, thuộc về những người lãnh đạo HNVNtBL.
Nhưng gần đây được đọc bài báo viết về người Việt Nam tại Ba Lan: “Chung sức vì cộng đồng đoàn kết, thành đạt”, đăng trên bào Hà Nội Mới ngày 13-08-2012 , tôi muốn bàn về một nhận xét mà ông đưa ra với nhà báo.
Tờ Hà Nội Mới thì chẳng có gì đáng bàn nhiều, đó chỉ là phiên bản photocopy thu nhỏ của tờ Nhân Dân, một trong những tờ báo “lề phải” ít ngừời đọc nhất, thường đăng các tin tức một chiều theo chỉ thị của Đảng.
Bài báo đã đăng dựa theo phát biểu của ông Hùng. Trong đó, ông đề cao những thành tích của HNVNtBL.
Việc ông khuếch trương thành tích của hội do ông làm chủ tịch, đó có thể là sở trường, sở thích và quyền của ông. Nhưng để đề cao thành tích của mình, ông đã xúc phạm, xuyên tạc, vu cáo về các tổ chức khác.
Hãy đọc một đoan bài báo dẫn lời ông:
“Ở Ba Lan, ngoài các tổ chức hội, còn xuất hiện các tổ chức được thành lập nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam, chúng luôn tuyên truyền, xuyên tạc nhiều thông tin sai lệch sự thật gây bất lợi cho tình đoàn kết trong cộng đồng. Bằng giáo dục tuyên truyền và nhất là qua các buổi giao lưu trò chuyện, hội đã giúp cho bà con, đặc biệt là các cháu thế hệ thứ hai hiểu đúng về quê hương, đất nước. Từ đó, bà con tẩy chay, cô lập các tổ chức phản động đó.Đến nay hoạt động của các tổ chức phản động này có chiều hướng co hẹp nhiều, chủ yếu chỉ còn hoạt động trên mạng
Đâu là những tổ chức tổ chức “phản động” của người Việt Nam ở Ba Lan?
Trước hết nói về nhóm “Đàn Chim Việt”. Nhóm này bao gồm hầu hết những người đã được sống, học tập, làm việc tại Ba Lan trong và sau chế độ cộng sản. Họ được chứng kiến tận mắt những đổi thay của xã hội Ba Lan, với những thành quả to lớn về kinh tế, xã hội mang lại cho người dân. Những thành quả này có được là nhờ cuộc đấu tranh để chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị cộng sản, sang chế độ tự do dân chủ. Nó được thực hiện bằng phương pháp bất bạo động, do Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan tiến hành.
Những gì mắt thấy, tai nghe, cùng với tình yêu quê hương đất nước đã chắp cánh cho giấc mơ “một Việt Nam dân chủ” của họ. Họ gặp gỡ những bạn bè Ba Lan để tìm hiểu, nghiên cứu những kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi từ độc tài toàn trị sang thể chế tự do dân chủ. Họ biết rất rõ, rằng Việt Nam không phải là Ba Lan, nhưng những kinh nghiệm lịch sử thì bất cứ một dân tộc nào, một quốc gia nào cũng cần tìm hiểu, chọn lọc để học hỏi, để rút ngắn con đường đi tới tự do dân chủ, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Con đường đó, trước sau gì Việt Nam cũng phải đi tới.
Để thực hiện ý tưởng trên đây, họ đã dùng tiền riêng ra tờ báo giấy “Đàn Chim Việt”. Đây là tờ báo đầu tiên và duy nhất trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan theo phương châm độc lập, trung thực , thông tin đa chiều.
Hiện nay tờ báo đã trở thành tờ báo điện tử của người Việt Nam trên toàn thế giới. Là một trong những tờ báo ngày càng có nhiều bạn đọc trong và ngoài nước . Hoạt động theo nguyên tắc của báo chí độc lập. Hàng ngày những bài viết từ trong và ngoài nước tố cao những hành đông đàn áp những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tư do dân chủ, cổ vũ tinh thần yêu nước, bảo vệ lãnh thổ chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, lên án những hành đông tham nhũng, cướp đất, cướp nhà của các quan chức chính quyền, Tờ báo luôn trung thành với mục tiêu cổ vũ cho tự do dân chủ cho Việt Nam, mong muốn chuyển đổi Việt Nam từ chế độ độc tài toàn trị sang chế độ tự do dân chủ.
Tổ chức thứ hai được thành lập ở Ba Lan là Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân và Người Lao Động Việt Nam (UBBVCNvNLĐVN).
Khi Việt Nam mở cửa về kinh tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chạy theo lợi nhuận tối đa, họ đã cấu kết với những quan chức chính quyền bất lương để bóc lột công nhân Việt Nam. Công nhân nhiều xí nghiệp bị làm việc quá thời gian, điều kiện làm việc, ăn ở tồi tệ, bị chủ đối xử tệ bạc, đồng lương rẻ mạt, nhiều công nhân không đủ sống. Ở nhiều địa phương, các cầp chính quyền, các tổ chức Đảng làm ngơ. Tổ chức công đoàn do đảng thành lập và chỉ đạo, thay vì bênh vực bảo vệ công nhân, đã bảo vệ chủ xí nghiệp, vì những cán bộ công đoàn này do chủ xí nghiệp trả lương và khống chế. Những người công nhân không biết dựa vào ai, họ chỉ còn con đường tổ chức đình công. Nhưng đình công phải xin phép và phải do công đoàn tổ chức, vì vậy họ đành tự đứng ra tổ chức đình công bất hợp pháp. Nhiều cuộc đình công bị đàn áp, nhiều người tổ chức đình công bị trù dập, bị giam cầm.
Trong những năm gần đây, để giải quyết thất nghiệp, ngành xuất khẩu lao đông đã phát triển với tốc độ phi mã. Những thanh niên nam nữ thất nghiệp ra đi bằng mọi giá để cứu mình, cứu gia đình, họ không còn lối thoát nào khác cho cuộc sống tương lai. Lợi dụng cơ hội này, nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước, tư nhân đã đứng ra làm dịch vụ để trục lợi. Những người đi xuất khẩu lao động đã phải nộp những khoản tiền vô tội vạ, nhiều người phải thế chấp nhà cửa, đất đai để vay tiền nộp cho dịch vụ. Ra đến nước ngoài, nhiều trường hợp không có hợp đồng lao động, hoặc chủ thuê lao động không thực hiện đúng như hợp đồng lao động. Có những trường hợp bị chủ đánh đập, làm việc kiệt sức, điều kiện làm việc, ăn ở tồi tệ. Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch UBBVCNvNLĐVN đã nhiều lần đi thăm công nhân xuất khẩu của Việt Nam làm thuê tại Mã Lai, Indonesia cho biết, ông đã chứng kiến hơn chục công nhân sống trong một container.
UBBVCNvNLĐVN đã có những hoạt động gì?
UBBVCNvNLĐVN đã kết hợp với các tổ chức bất vụ lợi của người Việt Nam tại Mỹ và Úc, thông báo đến các tổ chức lao động quốc tế về tình hình công nhân lao động tại Việt Nam, để họ lên tiếng vận động ủng hộ những đòi hỏi về quyền lợi của của công nhân Việt Nam như cải thiện điều kiện ăn ở, làm việc, tự do thành lập công đoàn độc lập, quyền đình công v…v. Qua mạng internet, phổ biến đến những công nhân trong nước những hiểu biết về quyền lợi họ được hưởng, về công đoàn độc lập, về phương pháp đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của công nhân các nước công nghiệp tiền tiến. Vận động giúp đỡ về vật chất cho những công nhân đình công bị chính quyền bắt tù đầy….Ủy ban đã cùng các tổ chức thịnh nguyện của người Việt Nam ở Mỹ và Úc đến các nước có công nhân Việt Nam làm việc, gặp gỡ công đoàn, chính quyền của các nước sở tại yêu cầu họ giúp đỡ, bảo vệ công nhân Việt Nam trước những chủ lao động vi phạm luật lao đông. Nhiều trường hợp họ đã đứng ra thuê luật sư kiện các công ty đối xử với những người lao động Việt Nam vô nhân đạo và đã thắng kiện.
Những tổ chức với những hoạt động kể trên là những tổ chức tiến bộ. Nó đóng góp, dù chỉ là nhỏ bé cho mục đích dẹp bỏ chế độ độc tài, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, một xã hội công bằng, nhân ái.
Chỉ những ai thiếu hiểu biết, hoặc bị bưng bít thông tin về thế giơi văn minh hiện nay, chỉ những kẻ muốn duy trì quyền lực và quyền lợi bằng độc tài toàn trị mới gọi nó là các tổ chức phản động.
Nhưng ông Hùng không phải là người bị bưng bít thông tin. Ông đã được đào tạo ở Ba Lan trong thời gian chế độ độ đôc tài toàn trị cộng sản. Ông cũng được chứng kiến những thay đổi , những bước tiến lớn lao về kinh tế, xã hội của Ba Lan sau khi thiết lập thể chế dân chủ với nhiều đảng phái cùng tồn tại.
Người Việt Nam chúng ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, sống ở một xã hội dân chủ như Ba Lan (nghe đâu ông còn có quốc tịch Ba Lan) nhưng ông vẫn không nhận ra được những ưu việt của một thể chế dân chủ mà chính ông đang được thụ hưởng. Ông gọi những tổ chức đấu tranh để xây dựng một xã hội dân chủ tương tự như của Ba Lan hiện nay là phản động, ông vẫn tôn thờ, phụng sự chế độ độc tài cộng sản, chế độ mà nhân dân Ba Lan, nhân dân các nước đông Âu đã vứt bỏ vào sọt rác của lịch sử nhân loại (nghe đâu ông vẫn sinh hoạt đảng ĐCSVN).
Với ông, có lẽ nên đổi câu ngạn ngữ trên thành: „”Xa mực vẫn đen, gần đèn vẫn tối”.
Warszawa 24-08-2012
© Đàn Chim Việt
http://www.danchimviet.info/archives/64174
*

No comments:

Post a Comment