Friday 31 August 2012

Trung Quốc lại công kích Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông

31-8-12
CỠ CHỮ
Hôm thứ 4 (29-08-2012), trong lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton chuẩn bị lên đường công du 6 nước ở Á châu Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc, giới hữu trách ở Bắc Kinh lại một lần nữa lên tiếng chỉ trích Washington về điều mà họ gọi là mưu toan bao vây Trung Quốc để ngăn chận sự trỗi dậy của quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này.

Bài bình luận của Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ tìm cách “khuấy động những vụ tranh chấp lãnh thổ” giữa Trung Quốc với các lân bang Á châu, trong đó có Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, để đạt mục tiêu “ngư ông đắc lợi.” Bài viết cũng khuyên Hoa Kỳ nên từ bỏ tham vọng hão huyền là thống trị Á châu Thái Bình Dương và thế giới.

​​​Ông Ralph Cossa là một nhà phân tích của Diễn đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) ở Hawaii, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington. Ông cho rằng sự chú tâm của Hoa Kỳ đối với khu vực Á châu Thái Bình Dương không có nghĩa là Washington muốn bao vây Trung Quốc hay ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Cossa nói: "Trung Quốc đã không thể trỗi dậy nếu không có đầu tư của Mỹ và chính sách của Mỹ từ thời Tổng thống Nixon là chủ động giao tiếp với Trung Quốc và giúp cho Trung Quốc lớn mạnh. Vì vậy, nếu Hoa Kỳ muốn tìm cách bao vây Trung Quốc thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không đạt được mục tiêu qua việc đầu tư hàng tỉ đô la để làm cho Trung Quốc trở thành một phần của thế giới của các nước công nghiệp hóa."

(Để nghe toàn bộ bài viết, xin bấm vào nút PLAY hình tam giác)
Trung Quốc công kích Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông


Ông Cossa, cũng như nhiều nhà phân tích khác, cho rằng chiến lược “quay lại Á châu” của Tổng thống Barack Obama phản ảnh sự quan tâm của Hoa Kỳ trước sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc về mặt quân sự tại một khu vực vô cùng quan trọng cho an ninh và sự thịnh vượng của toàn thế giới.

Đây cũng chính là nơi mà trong vài năm vừa qua Trung Quốc đã có những hành động được nhiều người mô tả là “hung hãn” trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với 4 nước vùng Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Hôm thứ 3, một ngày trước khi Trung Quốc đưa ra lời đả kích dữ dội về vấn đề Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã tái khẳng định lập trường của Washington là những vụ tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua những cuộc đàm phán đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế. Bà Nuland nói thêm như sau:

"Chúng tôi không muốn thấy những vụ tranh chấp ở Biển Đông hay bất kỳ nơi nào khác được giải quyết bằng sự hăm dọa, bằng vũ lực. Chúng tôi muốn thấy tranh chấp được giải quyết tại bàn thương thuyết."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Clinton sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông trong các cuộc gặp gỡ sắp tới với các nhà lãnh đạo ở Indonesia, Brunei, và Trung Quốc, và tại cuộc hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở thành phố Vladivostok của Nga.

Ông Ralph Cossa nói rằng ông không nghĩ rằng bà Clinton sẽ đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hai ngày mồng 4 và mồng 5 tháng 9.

Ông Cossa nói: "Cuộc đối thoại này, xét ở một số khía cạnh, là một cuộc nói chuyện giữa những người điếc. Người Trung Quốc nghĩ rằng chúng ta đang can thiệp để phá bỉnh, trong khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang hành động như một cường quốc có trách nhiệm và là một nước quan tâm tới các nước đồng minh của mình, quan tâm tới tự do hải hành, và quan tâm tới sự ổn định của khu vực."

Một ngày sau khi lớn tiếng chỉ trích Washington về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng đã cho đăng một bài bình luận yêu cầu chính phủ Mỹ “ngưng chơi trò nước đôi” trong vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về chủ quyền của nhóm đảo không người ở nằm giữa Đài Loan và Okinawa mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Bài bình luận nêu lên việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ 3 rằng tên chính thức của Mỹ đối với quần đảo có tranh chấp là Senkaku, và Hoa Kỳ đã cùng với Nhật Bản tiến hành một cuộc tập trận chung kéo dài 37 ngày giữa lúc vụ tranh chấp Trung-Nhật đang mỗi ngày một căng thẳng hơn. Bài bình luận nói rằng những sự việc này chứng tỏ Washington ủng hộ Tokyo trong lúc tuyên bố không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp.

Bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao và an ninh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết Hoa Kỳ có bổn phận pháp lý là giúp Nhật Bản phòng vệ quần đảo Senkaku và đó là điều đã được xác định từ nhiều năm nay, trước khi vụ tranh chấp Trung-Nhật trở nên sôi sục trong thời gian gần đây. Bà Glaser cho đài VOA biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây:

"Chính phủ Mỹ rất cẩn thận trong việc không đứng về phe nào trong vụ tranh chấp lãnh thổ này. Nhưng bởi vì những hòn đảo này nằm dưới sự quản lý hành chánh của Nhật cho nên chính phủ Mỹ, cả những chính quyền trước Tổng thống Obama, đã tuyên bố rõ ràng là những đảo này nằm trong phạm vi của Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Nhật. Và vì thế, trong trường hợp những đảo này bị tấn công, nước Mỹ có bổn phận giúp nước Nhật phòng vệ mặc dù nước Mỹ không thật sự thừa nhận là chủ quyền những đảo này thuộc về Nhật Bản."

Cũng liên quan tới vụ tranh chấp Trung-Nhật, một bài viết đăng trên tờ The Atlantic ở Washington hôm 22 tháng 8 đã đề cập tới một sự việc khá lý thú: Giữa lúc nhiều người Trung Quốc “đằng đằng sát khí” đòi chính phủ “đánh cho Nhật Bản một trận tơi bời” và kêu gọi đồng bào của họ tẩy chay hàng hóa của Nhật, trang mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc đã đăng một câu hỏi để thăm dò ý kiến dân chúng ‘Nếu con của bạn sinh ra trên quần đảo Điếu Ngư, bạn muốn nó lấy quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, hay Nhật Bản?’

Kết quả là số người chọn Đài Loan chiếm 40%, 25% chọn Hồng Kông và 20% chọn Nhật Bản trong lúc chỉ có 15% muốn cho con của họ mang quốc tịch Trung Quốc. Thậm chí còn có người trả lời rằng “nước nào cũng được, miễn là không phải Trung Quốc là được!”
http://www.voatiengviet.com/content/trung-quoc-cong-kich-hoa-ky-ve-van-de-bien-dong/1498895.html

No comments:

Post a Comment