Thursday, 23 August 2012

Định chế đạo đức, hay đạo đức của “định chế”?

23-8-12
Hạ Đình Nguyên (Blog Người Lót Gạch)Trong khi TBT siêng năng cố ngắt những chiếc lá héo, xỉn màu, mong cứu sống cây trồng, thì người nông dân nhìn cái gì đó, rất có vấn đề, ở gốc rễ. Trong khi TBT đang cố trì tụng các chương đạo đức từ một định chế cho đảng viên cả nước, thì Bắc Kinh đang cười mĩm mà tiếp tục tiến hành “thập diện mai phục” với “sức mạnh mềm”, song hành cùng các thủ đoạn bạo lực công khai khác. Trong khi TBT đang huấn thị cho nhân dân về âm mưu “diễn biến hòa bình” từ phương Tây, đừng “Âu hóa”, “Mỹ hóa”, thì nhân dân lại thấy “diễn biến hòa bình” ngay trên đầu mình, dấn sâu vào họa "Hán hóa" từ phương Bắc. Các cô có chân dài, nhân dân dạy không nghe, cứ chạy theo các tập đoàn lợi ích mà “tự hóa” theo nhiều kiểu, chẳng cần biết từ phương nào...
Nhân dịp Trung Ương Đảng CSVN phát động đợt “phê bình và tự phê bình” cho mỗi cá nhân trong toàn Đảng, nhằm ngăn chận sự suy thoái nghiêm trọng về các mặt “tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống” của Đảng. Ta thử bàn riêng về chủ đề “đạo đức, lối sống”, là một nội dung của đợt sinh hoạt quan trọng và cấp bách nầy.
Mối quan hệ giữa cá nhân và toàn thể. Người ta nói đến đạo đức, là nói với tính cách phán xét về hành vi của một cá nhân, như một công dân, một viên chức nhà nước, hay là một đảng viên, là mang tính chất một cá thể. Nếu người ấy làm ngược với đạo đức, sẽ được đem ra phê bình, giáo dục hoặc trị tội theo luật lệ do luật pháp quy định. Một cá nhân, hoặc một số cá nhân (tức là thiểu số) thiếu đạo đức thì không thể từ đó nó tạo nên sự thiếu/mất đạo đức cho số đông hơn, hay cho cái toàn thể, mà người đó là một phần tử. Một cá nhân, hay một số cá nhân mất đạo đức, mà có thể kéo theo sự mất đạo đức cho một số đông hơn (đa số, toàn thể) thì hẳn phải có một nguyên nhân xuyên suốt nào đó có tính chất cốt lõi, mới có đủ khả năng chi phối và lan tỏa như thế. 
Sự phê bình, kiểm điểm từng cá nhân đảng viên, theo cách cắt rời trách nhiệm cho từng cá thể, hay từng tập thể, về đạo đức lối sống, mà không tìm cho ra cái nguyên nhân cốt lõi, thì nó vừa lạc lỏng, vừa mênh mông vô vọng, như ngắt những chiếc lá trên cành cây, để rồi sau đó, những chiếc lá khác sẽ lại mọc lên, có thể bụ bẫm hơn, um tùm hơn. 
Việc răn dạy đạo đức, lối sống có tính chất là đạo đức căn bản cho con người, thì đó là công việc mà các nhà giáo dục, trường học,và gia đình (hoặc là tôn giáo ?!) đã làm trong quá trình trưởng thành, trước khi người đó trở thành một đảng viên, và bước vào hàng ngũ được nhân danh là lớp người ưu tú của bộ máy nhà nước, để nắm vai trò lãnh đạo xã hội. Người đó còn được tuyển chọn và rèn luyện, theo cách mà bộ máy ấy đề ra nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của nó! Thế mà họ trở nên “suy thoái” toàn diện và hàng loạt như vậy ("một bộ phận không nhỏ", theo cách nói của Nghị Quyết), hẳn không hoàn toàn là do họ, mà còn do mối dây ràng buộc cốt lõi của cái toàn thể tạo nên, kể cả quá trình và cách mà họ được tuyển chọn rèn luyện. Vì lý do những con người ấy đã không được nhận một nền giáo dục cơ bản dạy học làm người từ trước, hoặc do trong quá trình tuyển chọn và đào tạo có vấn đề, hoặc do cái định chế mà họ đang phục vụ, làm hư họ? Thật không dễ dàng để phủ nhận hay thừa nhận về các nguyên nhân. Vì thế, việc phê bình, kiểm điểm các cá nhân, đành rằng là cần thiết, nhưng giờ đây nó hiển nhiên có giá trị là sự “gánh lỗi” thay, để che chắn cái cốt lõi bên trong. Cho nên, dù trãi qua 3 lần Đại Hội Đảng, thời gian khoảng hai thập niên, lần nào cũng quyết tâm “củng cố” đều không đạt kết quả. Ngược lại, sự suy thoái ngày càng trầm trọng thêm, hết lớp nầy đến lớp khác, quy mô càng rộng, tính chất càng sâu. Sợi chỉ đỏ cốt lõi ấy là gì? 
Định chế đạo đức. Đạo đức của đảng viên đã được quy định theo một cách riêng, trên cơ sở Chủ nghĩa xã hội, hay còn gọi là “đạo đức cộng sản” hay “đạo đức cách mạng”. Định chế đạo đức đó có yêu cầu rất cao. Người thường, trong quá trình trưởng thành, được xã hội giáo dục: không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không tham sân si… Bao trùm lên đó là hệ thống pháp luật và nhà tù, hệ thống đó là khách quan, ở bên ngoài họ, chi phối họ, răn đe làm cho họ phải sợ hãi, và phải kiêng dè. Vì thế, số người vi phạm không bao giờ là số đông. Mặt khác, họ không có ưu thế, hay quyền lực tạo điều kiện cho sự phạm tội, chứ không hẳn tất cả họ đã là tốt, tự giác qua giáo dục. Nhưng nhờ đó, họ gìn giữ được là con người có phẩm chất đạo đức (không bị kết án). Mục đích tối cao của đạo đức trong cuộc sống cộng đồng là vươn tới công bằng, luật pháp đặt ra cũng không đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, định chế đạo đức CM đòi hỏi đảng viên, hay công chức của bộ máy XHCN còn cao hơn thế nhiều, và bước qua khỏi sự công bằng, theo nghĩa là cao hơn. Đó là những gì?
-- Vì nhân dân mà quên mình, tức hy sinh cá nhân mình vì lợi ích chung. 
-- Làm đầy tớ nhân dân (vai trò cai trị nhân dân) 
-- Chí công vô tư, (hết lòng vì của chung, chớ hề tơ hào cho mình). 
-- Đi đầu trong mọi hy sinh gian khổ, làm gương cho quần chúng noi theo. 
… 
Định chế đạo đức nầy còn nhiều nội hàm phong phú khác. Nó là một phần thực tế không thể phủ nhận, đã làm nên sức mạnh vô song trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng chiến tranh là bất đắc dĩ, là trạng thái bất thường của xã hội, là cơn bạo bệnh nhất thời của loài người. Nó không thể mang lại bất cứ một chuẩn mực nào, về mọi phương diện, cho một xã hội bình thường đang hướng về mưu cầu hạnh phúc. Nhưng định chế đạo đức trong chiến tranh ấy lại được lưu giữ, như một hệ lụy không thể tách rời của thời kỳ chiến tranh, đã không cho phép người đảng viên, viên chức được quyền “mưu cầu hạnh phúc” riêng tư một cách công bằng, minh bạch trong thời bình. Khi họ bước vào hàng ngũ lãnh đạo, được nhân danh là cao cả, thì họ được mang cái định chế đạo đức cấp cao ấy. Thật vậy, nếu không nêu lên một đạo đức có tính vượt trội, thì sẽ không cân xứng để được hành xử cái quyền uy vượt trội của thực tế đang cầm quyền. Thoạt nghe thì tưởng như hợp lý, lại khá hấp dẫn về lẽ công bằng, quyền cao thì đức lớn. Nhưng cái đạo đức vượt trội đó là không có thật, và không thể tồn tại. Cái quyền uy thì có thật, lại có sức hấp dẫn. Nó buộc đảng viên – cán bộ phải sống hai mặt, họ phải đóng trọn hai vai, không thể nào khác. Như Ăng-ghen chì chiết các gương mặt nhà thờ: “Chúng ca len lén bài ca nửa thú vật, nửa thiên thần”. Như điển hình vợ chồng Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai... vừa tham nhũng, ăn chơi, giết người, vừa đóng vai thiên thần đỏ, rất danh giá ở trên đầu cả tỉ dân. Nhưng không chì có một, mà là cả tập đoàn. Định chế đạo đức cao siêu thiếu thực tế, hiển nhiên trở thành hệ thống dối trá, cái dối trá, giống y như khái niệm dân chủ, đã cao tới “gấp triệu lần”. Sự nói dối đã tích tụ được nhiều năng lượng to lớn đến bất thường, nó tạo nên hệ thống, kết tập thành sức mạnh, có khả năng bao trùm và khống chế tất cả, nó vò nắn não trạng con người phải tư duy theo một cách đã định, dưới các áp lực, và đồng thời, luôn có kèm theo công cụ bạo lực của tầng lớp thống trị. 
Ông Vũ Mão, cựu quan chức về hưu, trả lời phỏng vấn, rất chi là hồn nhiên liêm khiết, có thể lấy làm điển hình: “Khi vào đảng, khi được bổ nhiệm thì họ giơ tay thề là hy sinh suốt đời cho lý tưởng cách mạng, cho dân tộc, nguyện làm công bộc, người đầy tớ của nhân dân. Khi ngồi ấm chỗ, người ta quên hết thì phải. Cái từ “thì phải” quả là rất ởm ờ, cái dối đã thành nết, đến về hưu cũng chẳng có được một lời nói thẳng! Định chế đạo đức cần lời thề dối, thì có lời thề dối (trong Kinh Thánh – Sáng Thế Ký – có câu: Chúa thấy cần có sự sáng, thì có sự sáng). Ngay khi người ấy đưa tay lên thề, trong lòng người chủ lễ chắc là có trọn niềm tin ư? Còn thế nào là “ngồi ấm chỗ”? Tức là khi yên vị, mối quan hệ nội bộ được định vị xong, cái gọi là sự “suy thoái” được triển khai ngay. Bỏ ra công sức và tiền bạc để mua được chức và quyền thì phải lấy lại vốn, phải có lời. Chuyện nầy không lạ. Ngày xưa bên Tàu có điển hình buôn vua là Lã Bất Vi. Bên ta, dạo trước có một thời rùm beng về "Thuyết buôn vua”. Dĩ nhiên phải có người bán và có quyền bán. Điều mà Tổng Bí Thư lo lắng là cuộc buôn bán nầy đã “tràn lan” nên ông gọi là suy thoái. Ông Vũ Mão nói cũng có lý: “Cái căn bản bây giờ, chính là hệ thống pháp luật đang dẫn dắt, tạo điều kiện để họ tham nhũng”. Hóa ra, sự suy thoái đạo đức là do hệ thống pháp luật. Cũng theo ông, “hệ thống pháp luật, mới đạt 50-60%, phải phấn đấu đạt 80-90% mới mong ngăn chận tham nhũng..” Thế mà đảng CS, đại biểu mọi tầng lớp ưu tú trong xã hội, đã lãnh đạo toàn diện gần 40 năm, mà còn phải “phấn đấu” nữa, và “mới mong…”. Thêm 40 năm sẽ đạt 100% sao ? Lúc ấy thế giới có lẽ đã không còn như hôm nay. Quả thật, cuộc phê và tự phê nầy phải là mênh mông bát ngát, cả nội dung lẫn hình thức! Nhưng hệ thống pháp luật phải “phấn đấu” ấy, được xây dựng trên định chế nào? Trên định chế mà đội ngũ tiền phong hôm nay đã "ăn mày"(hay ăn bám) quá khứ chiến tranh, tiếp tục duy trì. Đạo đức của quan chức-- đảng viên được xem xét trên cơ sở “hệ thống pháp luật”, mà hệ thống nầy được thừa nhận là chưa đầy đủ. Chưa đầy đủ, vì không muốn hay không thể làm đầy đủ, trên nền của một định chế có vấn đề. Đạo đức cá nhân là nằm trên cơ sở công bằng, hệ thống pháp luật cũng được xây dựng trên cơ sở công bằng và nhắm đến mục tiêu công bằng, tất cả đều xuất phát từ cái gốc, lẽ ra là công bằng, của “định chế”. Để đảm bảo có được cái đạo đức công bằng của định chế, thì cần có cơ cấu dân chủ cho định chế ấy, là định chế lành mạnh, công bằng, tương xứng với văn minh của thời đại, và trong thời bình, chứ không thể là định chế “bất đắt dĩ” của thời chiến tranh như đã nêu. Trong thời bình càng rất khó chọn lựa ra, ai là kẻ tiền phong, ai là người ưu tú, quy chiếu theo các tiêu chuẩn của chiến tranh. Tiền phong về mặt nào, ưu tú về cái gì? VN hãy còn là một nước chậm tiến, nhân dân chỉ mơ ước một thứ dân chủ và nền đạo đức bình thường, tầm thường cũng được, nhưng bỗng trở nên ú ớ, tối tăm mặt mày, với cái dân chủ, và cái đạo đức cùng nhau cao siêu “gấp vạn lần”(như lời bà Phó CT Nước Nguyễn Thị Doan). 
Theo dõi cuộc giảng huấn của TBT Nguyễn Phú Trọng vừa qua cho Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương ngày 18-8 tại Hà Nội, người có tâm không khỏi chạnh lòng, khi nhận ra sự cố gắng cần mẫn của ông. Nắm quyền lực lớn nhất trong tay, ông chịu khó đi làm thay công việc của các thầy giáo môn triết học Mác-Lênin khắp cả nước, để nhắc lại các điều cực kỳ cốt tử của vai trò và phẩm chất ưu việt của đội ngũ Tiền Phong, dặn dò đảng viên thân tín đừng “tham nhũng, hối lộ,chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm”, sinh hoạt đảng cho tốt, cho đều, phải “dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tin cậy nhau, thương yêu nhau trong tình đồng chí...” Hãy nhìn xem những đối tượng nghe giảng huấn không phải là học trò cấp 2-3, mà toàn là tinh hoa ưu tú cấp Trung ương của đảng cách mạng Tiền Phong. Thời kỳ chiến tranh, người thanh niên bước vào cuộc chiến đấu, sau đó có thể trở thành ưu tú. Ngày nay, khi bước vào đội ngũ ưu tú, thì họ đã được xem tướng là “ưu tú” tự lúc nào! Nhưng là một thứ ưu tú khác, tất nhiên theo một cách “quy hoạch” sao đó tùy thuộc yêu cầu về cơ cấu của định chế. Khi xuất hiện một quan tham, thì đã trở thành một thế lực. Đánh đổ một quan tham không dễ, mà hậu quả họ đã gây ra thì quá lớn. Chỉ có định chế dân chủ mới có thể ngăn ngừa được tai họa nầy. 
Cái tốt có chu kỳ, cái xấu cũng có chu kỳ. Và đã đến lúc bội thu một mùa hoa trái của “suy thoái” mà chưa thấy rõ nó kết thành quả từ đâu?! Dù sao thì đảng CS VN cũng phải mở cuộc chỉnh đốn, ngăn chận suy thoái, bằng đợt phê bình và tự phê bình, như các lần trước, trong toàn Đảng. Rất quyết tâm. Từ trên xuống. Nhưng tiếc thay cũng có người cho rằng, đó chỉ là việc của cành nhánh. Trong bối cảnh nhân dân đang bức xúc và căm thù bọn xâm lược Bắc Kinh, lại có những nghịch lý, không ăn khớp: 
-- Trong khi TBT siêng năng cố ngắt những chiếc lá héo, xỉn màu, mong cứu sống cây trồng, thì người nông dân nhìn cái gì đó, rất có vấn đề, ở gốc rễ. 
-- Trong khi TBT đang cố trì tụng các chương đạo đức từ một định chế cho đảng viên cả nước, thì Bắc Kinh đang cười mĩm mà tiếp tục tiến hành “thập diện mai phục” với “sức mạnh mềm”, song hành cùng các thủ đoạn bạo lực công khai khác. 
-- Trong khi TBT đang huấn thị cho nhân dân về âm mưu “diễn biến hòa bình” từ phương Tây, đừng “Âu hóa”, “Mỹ hóa”, thì nhân dân lại thấy “diễn biến hòa bình” ngay trên đầu mình, dấn sâu vào họa "Hán hóa" từ phương Bắc. Các cô có chân dài, nhân dân dạy không nghe, cứ chạy theo các tập đoàn lợi ích mà “tự hóa” theo nhiều kiểu, chẳng cần biết từ phương nào. 
Nhân dân bây giờ đang hoa mắt trước tình trạng chung: kinh tế đang bị TQ siết cổ, và các tập đoàn ưu tú nào đó trong đội ngũ Tiền phong của chính mình siết cổ. Kẻ xấu, lực lượng thù địch, ở lung tung khắp chốn, mọi nơi. Cướp của, giết người, bạo lực, bạo hành nổi như ri. Nói gì, làm gì cũng bị cấm dưới khẩu hiệu “không ngừng phát huy dân chủ”, trừ việc làm thinh, hoặc chỉ nói theo "định hướng" đã được phổ biến ra rả từ Ban Tuyên Giáo hay bộ 4 T! 
Có người bi quan nghĩ rằng: rồi thì “cũng sẽ chẳng tới đâu!”, sẽ tiếp tục là một loại hình sinh hoạt tốn tiền của, tốn thời gian, năng lượng, giấy mực, xăng nhớt, với những báo cáo vẽ tô, tổng kết rộn ràng thành tích và giác ngộ "bừng sáng". Nói cho cùng, sự suy thoái “đạo đức, lối sống” của một “bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên, , chỉ là trong phạm vi tư tưởng, tác phong. Ý chí đạo đức không thay thế được ý chí chính trị, trong sự chấn hưng đất nước và tình trạng đối đầu với xâm lăng. Niềm tin vào sự răn dạy về đạo đức có cùng là niềm tin, như đã tin vào thiện chí hòa bình hữu nghị với Bắc Kinh không? Quả không ngọt của cái cây không lành. Chỉ mổ xẻ cái quả hư định chế về đạo đức (biểu hiện qua hành vi mỗi con người và hệ thống pháp luật), lại không dám đưa dao vào cái đạo đức của định chế vốn đã vô cùng lạc hậu, tự thân bất ổn? Cái bóng tối âm u hãi hùng mà từ đó, đồng chí “Suy Thoái” đã đỉnh đạt bước ra, ngày càng to khỏe, sau liên tiếp mỗi kỳ đại hội củng cố đầy quyết tâm!
  
Sức sống cùa nhân dân mỗi ngày đang suy kiệt vì sự bóc lột của các tập đoàn sâu mọt, lại đang đối diện họa xâm lăng bằng vũ lực và sách lược bao vây toàn diện của bọn phương bắc, thì đội ngũ “Tiền phong” đang được nâng niu học hành đạo đức. 
Tuy chưa phải là gốc rễ của vấn đề, nhưng đợt học hành đạo đức cũng là cần thiết và cấp bách, ít nhất trong giai đoạn nầy, để chận đứng sự tham ô, hối lộ, sự thao túng cả nền tài chánh quốc gia của bọn cơ hội, làm suy yếu kinh tế hòng “nội ứng” cho bọn xâm lược Bắc Kinh. Có lẽ cần có những bản án tử hình công khai, minh bạch, thông qua xét xử , đối với những trọng tội về kinh tế, như một lần Thủ Tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ, vào thập niên 1960, đã xử bắn Tạ Vinh, một tay trùm đầu cơ, thao túng lúa gạo cả Miền Nam, đã làm cho bọn đầu cơ, lũng đoạn một thời khiếp vía, co vòi. Người dân Miền Nam lúc bấy giờ, thấy đó là một quyết tâm, chứ không phải là hành động màu mè, lừa mị. 
Mong rằng, kết quả của đợt chỉnh huấn “rất quyết tâm” nầy sẽ đem lại sự chuyển động cụ thể, đáp ứng ý muốn của toàn dân. Nếu không, nên noi gương Thái hậu Dương Vân Nga mà trao “áo bào” cho kẻ khác./. 
Chia sẻ bài viết:

No comments:

Post a Comment