Thursday 30 August 2012

Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám: Quần chúng và lịch sử, hay là "sự bí ẩn của lịch sử"

Tương Lai
Vào những ngày này 67 năm về trước, khác nào một phản ứng dây chuyền, mệnh lệnh khởi nghĩa như được phát ra từ trái tim yêu nước, nơi lưu chuyển trong huyết quản dòng máu quật khởi Việt Nam, cả nước ào lên, chớp lấy thời cơ, giành lấy chính quyền. Vì “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dây đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (1). Và rồi "người lên như nước vỡ bờ" để làm nên một trang lịch sử mới: "Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! ("Đất Nước", Nguyễn Đình Thi).

Đó là sự biểu dương vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, “không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng”. Chính sức mạnh ấy làm nên sự "sáng lòa" kia. Thế rồi, ánh "sáng lòa" ấy được lưu giữ và phát huy như thế nào, đấy cũng là bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám.
Trong âm vang lịch sử, bỗng nhớ lại những dòng "ánh sáng" từ bộ óc vĩ đại của Victor Hugo, đại văn hào Pháp: "Ánh sáng, Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dày đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì?”; "Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó"... Xuất phát từ đó mà đại văn hào Pháp khuyến cáo: "Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý"! (2)
Đừng quên rằng, lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngày từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra song vẫn không là phụ thuộc vào cá nhân họ. Theo Hégel, động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân: những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ. Chỉ ra được thời điểm ấy chính là người đem lại ánh sáng tỉnh thức như V.Hugo đã nói vừa dẫn ra ở trên!
Ánh sáng tỉnh thức ấy đến từ bộ phận tinh hoa của nhân loại nói chung và của dân tộc nói riêng. Và đấy mới chính là biện chứng của cuộc sống trong dòng chảy miệt mài, sôi động, nghiệt ngã không bao giờ ngưng nghỉ của một đất nướcvốn xưng văn hiến đã lâu” của chúng ta. Bởi thế, khi nói đến bộ phận tinh hoa của dân tộc chính là nói đến sự kết tinh sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại vào trong họ, sức mạnh ấy làm nên lịch sử.
Vì rằng, "ngay cả những tư tưởng thiên tài của những vĩ nhân, liệu chúng ta có chắc chắc rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những con người đơn độc; nhưng hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nảy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng. Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông" (3). Gustave Le Bon giải thích như vậy trong "Tâm lý học đám đông". Và rồi cái " bí ẩn của sức mạnh đám đông" ấy sẽ bùng phát mạnh mẽ khi được đánh thức bởi những tư tưởng khai sáng.
Nhưng, tư tưởng khai sáng ấy đến từ đâu nếu không phải từ những bộ óc con người? Đương nhiên, không phải ở bất cứ bộ óc người nào. Cũng không phải từ trò chơi súc sắc của thượng đế hay của các thế lực siêu nhiên nào đó. Theo Einstein: "Tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống tốt" (4). Còn Gustave Le Bon thì lưu ý thêm rằng: "Trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lý trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ" (5). "Cái bí ẩn" đến từ đó, và đó cũng chính là cái bí ẩn của lịch sử!
Ấy vậy mà, "cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình" (6), chính Albert Eintein đã khẳng định mạnh mẽ như vậy đấy! Cho nên bộ óc thiên tài ấy tuyên bố thật sòng phẳng và cũng thật tường minh: "Với tôi, sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của sự sống cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là quá đủ!" (7).
Phải chăng vì thế mà ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào, bất cứ thể chế chính trị nào, bộ phận tinh hoa của dân tộc cũng giữ một vai trò "không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc". Bởi vậy mà "trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là của quý không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”.8 Cách mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng sống động của điều ấy. Cứ nhìn vào thành phần của Chính phủ Cách mạng lâm thời và sau đó là Chính phủ Kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu là hiểu rõ được điều đó. Đây chính là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân mà bộ phận trí thức ưu tú, những "hiền tài", bộ phận tinh hoa tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc mà các cụ ta gọi là "nguyên khí quốc gia", được quy tụ bởi một tầm nhìn vượt lên phía trước, bứt khỏi những bất cập, hạn hẹp.
Đáng buồn là hiện thực sống động và thấm đẫm chất văn hóa ấy có lúc bị chìm đi bởi nhiều lý do, mà nguy hiểm nhất là sự tác động của tư tưởng Mao ít, cường điệu cuộc đấu tranh giai cấp được xác định là "động lực của sự phát triển", đưa cuộc đấu tranh "ai thắng ai" mà điểm quy chiếu là "ý thức hệ" chứ không phải là lợi ích dân tộc làm điểm tựa để nhìn nhận và đánh giá trong mọi ứng xử, làm đảo lộn hệ thống giá trị truyền thống văn hóa, nền tảng tinh thần của đời sống xã hội.
Căn bệnh của não trạng và hành vi lấy một lý luận chính trị-xã hội làm chân lý tuyệt đối và duy nhất, loại trừ và thủ tiêu mọi lý luận, mọi tư tưởng chính trị khác đã là một căn bệnh lâu đời của loài người. Từ khoảng đầu thế kỷ XX căn bệnh ấy được gọi là căn bệnh tôn sùng “ý thức hệ”, sống và đấu tranh với nhau vì “ý thức hệ”. Cái tên gọi ấy có xuất xứ từ Tây Âu. Căn bệnh ấy phân chia cả loài người và từng dân tộc, từng quốc gia, cho đến từng gia đình thành phe ý thức hệ này đối lập sống chết vơí phe “ý thức hệ” khác. Tình hình này rõ nhất là sau Cách mạng tháng Mười 1917 và nhất là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong chiến tranh lạnh. Bệnh ý thức hệ ấy ở Mỹ, Âu không kém gì ở Liên Xô và Trung Quốc thời ấy. “Chủ nghĩa McCarthy” ở Mỹ là một ví dụ. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, bệnh “ý thức hệ” vẫn còn rất nặng ở quy mô cả loài người, từng quốc gia, thậm chí từng gia đình chứ không hết và chưa chắc đã nhẹ bớt đi. Ví như cuộc đấu tranh giữa ý thức hệtân tự do” với “ý thức hệ”, đúng hơn, với những lợi ích dân tộc và cá nhân, chống lại ý thúc hệ “tân tự do” là rất sâu và không kém phần đối nghịch.
Ở ta cũng từng có những mong muốn chuyển “ý thức hệ Mác-Lênin thành ý thức hệ của toàn dân”! Từ Đại hội VI, với tư duy “Đổi Mới”, chúng ta thấy rõ đó là một sản phẩm duy ý chí, "lấy lòng mong muốn thay cho thực tế" (8) như cách mà Phạm Văn Đồng đã phân tích trong "Văn hóa và Đổi mới". Để rồi, hiện thực sống động có ý nghĩa lịch sử ấy đã được trả về cho cuôc sống với Cương Lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam được xác lập từ tháng 9.2004: “đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đầt nước vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
Xác lập được điều này chính là một bước đột phá quan trọng, đưa nhận thức trở lại đúng với quy luật vận động của cuộc sống, từ đấy mà mở ra một cục diện mới, rất mới. Bởi lẽ, phát triển luôn luôn là tự phát triển trong tiến trình tiến hóa, tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Tiến hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song cũng hết sức sinh động của cuộc sống. Cuộc sống nói chung và cuộc sống của con người trong xã hội. Mà xã hội lại là một hệ thích nghi cực kỳ phức tạp, trong đó, các thành phần khác nhau, những yếu tố đối lập, tùy theo sức hút của mục tiêu chung đều có lợi cho tất cả, thì không nhất thiết phải đối đầu theo kiểu tư duy “ai thắng ai”, dẫn đến một kết cục phải thanh toán lẫn nhau để giành quyền thắng, chứ không chịu tìm cách thông qua những tương tác có tính hợp trội để có thể tìm được khả năng cùng thắng. Với tư duy Đổi Mới bằng cột mốc Đại hội VI, một loạt những vấn đề được nhìn nhận lại, từ đấy có việc trả lại những giá trị bị đảo lộn, một bi kịch của lịch sử sau Cách mạng tháng Tám. Trong đó có những trí thức chân chính mà tên tuổi của họ vốn là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam đã một thời bị vô hiệu hóa vì cho là mất quan điểm lập trường.
Xin chỉ dẫn ra một trường hợp nhà triết học Trần Đức Thảo, một đỉnh cao của tư duy triết học thế kỷ XX, nhà triết học Việt Nam mà những bài giảng đã để lại dấu ấn cho cả một thế hệ trí thức nước Pháp như đánh giá của Lucien Sèvre, một triết gia Pháp đương đại. Việt Phương, người đưa thông tin này, có nhận định:Thời Trần Đức Thảo sống và nghiên cứu sau 1954, xã hội chúng ta là một xã hội đặc biệt mà nguyên nhân gây ra những bi kịch cho những trí thức như Trần Đức Thảo có khi không hẳn là sự độc ác hay ghen ghét của cá nhân hay thế lực nào đó. Nguyên nhân chính, theo tôi, là sự giáo điều chân thực. Chính vì chân thực nên chúng càng khủng khiếp. Cái giáo điều ấy độc lập với nhân cách của mỗi người. Có thể bản chất họ rất tốt nhưng khi đụng đến cái giáo điều của họ, họ trở nên rất đáng sợ. Và Trần Đức Thảo chính là một nạn nhân. Nguyên nhân khác nữa là có những lực lượng ăn theo, không hề tin vào giáo điều ấy nhưng tung hô nó để tìm kiếm cơ hội cho mình. Đây chính là những kẻ phá hoại khủng khiếp nhất. Và một lực lượng thứ ba nữa là những người thiếu thông tin, thiếu kiến thức, không ở trong cuộc, một lòng một dạ tin theo những điều cấp trên nói, số đông nói. Tất cả những lực lượng xã hội ấy làm thành một “tập đại thành” mà những thân phận trí thức như Trần Đức Thảo không thể hòa nhập được”. (9)
Số phận bi thảm của nhà trí thức, nhà triết học lớn của thế kỷ XX không chỉ riêng của Việt Nam ấy, cũng như bi kịch của một số nhà trí thức văn nghệ sĩ khác một đời bị bầm dập, vì không cam chịu dẫm theo lối mòn, muốn độc lập suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự xuống cấp của diện mạo văn hóa, của hệ thống giáo dục đào tạo và của đạo lý xã hội đang là nỗi bức xúc lớn hiện nay. Chính vì những lẽ đó, từ cái "tập đại thành" ấy, từ những suy tư nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, mà nghiền ngẫm về cái triết lý "hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm" để hiểu thêm về những "hạt bụi", về cái chất phù sa đã ươm mầm cho những tư tưởng thiên tài, ở đó đúc kết trí tuệ của của tinh hoa trong nhân loại và trong dân tộc, trừu tượng hơn nữa, là "nguyên khí quốc gia" như các cụ ta răn dạy!
Để làm gì? Để mà ngẫm sâu về “sự kết tinh sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại trong họ, lực lượng làm nên lịch sử. Ngẫm sâu về cái "bí ẩn của sức mạnh đám đông" mà Gustave Le Bon nói đến và được Albert Entein nêu lên, chính đó mới đích thực là biện chứng của lịch sử. Xem ra, hiểu được cái "biện chứng" này là không dễ vì đó chính là kết tinh của văn hóa. Chẳng thế mà theo M. Gorky:Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn nếu có nhiều văn hóa hơn” (10). Nên chăng, xin được nối vào sau câu của văn hào Nga một ý: Đất nước sẽ thật sự sáng lòa khi có nhiều văn hóa hơn!
Và quả thật, còn quá nhiều những việc phải làm để tiếp tục "rũ bùn", những thứ bùn đang đặc quánh lại níu kéo những bước đi tới của đất nước, đang làm vấy bẩn đời sống tinh thần xã hội, đang làm hoen ố gương mặt tuổi thơ... để cho đất nước thật sự "sáng lòa"!
Mà vì thế càng hiểu hơn lời cảnh báo của văn hào Nga từ những năm 1918: Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. Vì vậy mà: “Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa”. (11)
Đâu phải chỉ người Nga mới cần hiểu được sự cảnh báo đó! Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, xin gợi lên đôi điều suy ngẫm nói trên.
T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
________________
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 554.
2. Victor Hugo, Những người khốn khổ, nxb Văn Nghệ, TPHCM, 1999, tr.358, 359.
3. Gustave Le Bon, Tâm lý học đám đông, nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr 18.
4. Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, nxb Tri thức, Hà Nội, 2006, tr.44.
5. Gustave Le Bon, sđd, tr 19.
6. Albert Einstein, sđd, tr. 20.
7. Albert Einstein, sđd, tr. 21.
8. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và Đổi Mới, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 26.
9. Báo Tuổi trẻ ngày 4.6.2006.
10. Maxim Gorky, Những ý tưởng không hợp thời đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918. NXB Surkamp taschenbuch của Đức ấn hành năm 1974. Bản dịch của Nguyễn Xuân Xanh
11. Maxim Gorky, sđd.

No comments:

Post a Comment