Thursday, 23 August 2012

Phạm Quỳnh Hương - Nói về dân chủ và quyền con người

22-8-12
Phạm Quỳnh Hương
Nếu bây giờ, chính những người dân bình thường, bằng hành động cụ thể, tự mình dành lấy cái quyền của mình. Người dân có quyền được hưởng những thứ dịch vụ mà không cần phải có phong bì. Đó là quyền của dân. Đó chính là dân chủ. Một hành động nhỏ thôi, nhưng từng ngày, dân chủ sẽ đến trong chính đời sống của chúng ta.

Nông dân phản đối thu hồi đất thể hiện việc thực hành dân chủ
Có nhiều người nói đến đảng phái, hệ thống chính trị, hay luật pháp. Lại có nhiều người nói đến tự do ngôn luận, báo chí, kể cả internet, và blogger.
Nhưng có lẽ chúng ta đã bỏ qua nhiều cái. Những điều nhỏ nhặt trong đời sống của chúng ta: cảnh sát giao thông thu mãi lộ, bác sĩ thu phong bì, giáo viên ép học thêm, nông dân mất đất, công nhân đòi quyền lợi, người dân trong các khu đô thị đấu tranh vì các thứ lệ phí. Nhiều, nhiều lắm!
Chuyện chân tay miệng, và những bệnh dịch khác. Chuyện dịch lợn tai xanh, lưu hành thịt thối trên thị trường, và những hoa quả thực phẩm không an toàn. Chuyện vàng miếng SJC và phi SJC. Chuyện tái cơ cấu ngân hàng. Chuyện các tập đoàn nhà nước thua lỗ (Vinashin, Vinalines) và không thua lỗ (điện, xăng dầu…)
Nhưng kể ra thế để làm gì? Nó có liên quan gì đến dân chủ và quyền con người của chúng ta? Nó liên quan gì đến đảng phái, chính trị?

Quyền của dân

Nếu suy nghĩ kỹ lại, chúng ta thấy là hình như chúng ta có một vài quyền liên quan đến những thứ xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta.
Những chuyện phong bì ở khắp mọi nơi từ bệnh viện, trường học, đến giao thông, cơ quan công quyền hành chính… thì có liên quan gì đến quyền của chúng ta không? Chắc là có, đúng không? Xưa nay chúng ta quen với việc rằng người dân không có quyền gì, chỉ những người kia – cảnh sát giao thông, bác sĩ, giáo viên, cán bộ chính quyền - mới là người có quyền.
Nếu bây giờ, chính những người dân bình thường, bằng hành động cụ thể, tự mình dành lấy cái quyền của mình. Người dân có quyền được hưởng những thứ dịch vụ mà không cần phải có phong bì. Đó là quyền của dân. Đó chính là dân chủ. Một hành động nhỏ thôi, nhưng từng ngày, dân chủ sẽ đến trong chính đời sống của chúng ta.
Những người nông dân mất đất, những người công nhân đình công, những người dân ở khu đô thị biểu tình,… đòi lấy cái quyền của họ. Cái mà họ dành được không chỉ là mảnh ruộng, là đồng lương, là phí vệ sinh…
Mà hơn thế, những người dân bình thường đó biết về quyền của mình. Trước đây họ không biết rằng họ có quyền. Trước đây trong cơ chế xin cho, người dân được cho cái gì thì đã lấy làm mừng rồi. Giờ đây họ biết đó là quyền của họ, và họ tự đòi lấy quyền của mình. Họ biết cách làm thế nào để đòi được quyền của mình, biết cách giữ được quyền của mình.
Tất cả những điều đó có nghĩa là một nền dân chủ đang hình thành trong xã hội Việt Nam. Quyền con người đang dần dần được thực thi. Như vậy chính những con người bình thường đang tự mình xây dựng nền dân chủ.
Hiện nay nông dân ở nhiều nơi đang lên tiếng giữ đất của họ. Những người nông dân mất đất đã đòi được quốc hội, chính phủ phải đứng ra giải quyết cho họ. Họ đã đòi được quyền của họ.

Người dân quan tâm an toàn thực phẩm hơn chuyện đảng phái?
Hiện nay những người dân ở các khu đô thị mới đang đấu tranh chống lại việc thu phí bất hợp lý. Những người dân ở khu đô thị đã đứng ra lập hợp tác xã, lập ban quản trị. Họ đòi lại phần diện tích tầng 1, và tự điều hành các dịch vụ trong tòa nhà, nhằm giảm các chi phí. Họ đã đòi được quyền của họ. Giờ đây, hợp tác xã của họ đã đi cung cấp dịch vụ cho những tòa nhà cao tầng khác. Phổ biến kinh nghiệm của họ, tuyên truyền về quyền của người dân.
Hiện nay những người dân ở xung quanh các hồ trong thành phố đang đòi giữ lại hồ. Những người dân ở những phường có hồ nước đã đòi lại được phần hồ đang đe dọa bị san lấp. Họ đã chặn đứng được những âm mưu của các nhóm lợi ích hòng chiếm đất công. Họ đã tự quản được vùng đường ven hồ, vùng sân chơi ven hồ. Họ kiến nghị thực hiện đúng quy hoạch. Họ đã thực hiện được quyền của người dân trong quy hoạch không gian ở, và không gian công cộng.
Rồi những chuyện thực phẩm không an toàn trôi nổi trên thị trường, rồi dịch bệnh xảy ra ở đây đó, … Trước đây, những chuyện như thế là chuyện của các cơ quan quản lý, người dân không có cách gì để biết thông tin, không có tư cách gì để có ý kiến. Nay thì người dân đã biết đến quyền được biết thông tin, quyền có ý kiến. Các cơ quan chức năng cần công khai thông tin. Hơn thế, người dân có trách nhiệm giám sát, và phát hiện các vụ việc.

Xã hội dân sự

Người dân không chỉ đòi quyền của họ - cái quyền được pháp luật quy định, mà họ còn thực thi những quyền đó. Trước đây, tất tất mọi điều đều “có Đảng, nhà nước lo”. Người dân chỉ sống một cách thụ động, bảo gì nghe nấy, cho gì thì hưởng nấy, không kêu ca, phàn nàn. Nhưng ngày nay, rất nhiều hoạt động do người dân, cộng đồng chủ động tham gia.
Không phải cái gì chính quyền cũng lo, cũng quản được hết. Những gì người dân, cộng đồng có thể làm tốt được thì người dân được quyền làm.
Đây chính là cái mà gọi theo tiếng Tây là xã hội dân sự. Hoặc gọi nôm na là cộng đồng tham gia. Hay gọi theo cách Việt Nam hóa là nhà nước và nhân dân cùng làm. Những hoạt động có sự tham gia của người dân là tăng thêm tính chủ động, tăng thêm sự giám sát của nhân dân.
Và điều quan trọng là người dân hiểu hơn về quyền của mình. Người dân có trách nhiệm hơn với đời sống của cộng đồng. Khi có trách nhiệm hơn với cộng đồng, người ta sẽ bớt vô cảm – điều vẫn thường xảy ra trong xã hội chúng ta. Có thể nói, tăng cường xã hội dân sự sẽ giúp đẩy lùi sự vô cảm trong xã hội Việt Nam.
Đến chuyện thuộc tầm vĩ mô như chuyện quản lý vàng, tái cơ cấu nền kinh tế, … cũng liên quan đến dân chủ và nhân quyền. bởi vì xét về thực chất, tất cả những hoạt động đó làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vì nó đều sử dụng tiền ngân sách, tiền thuế của dân, và nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước.
Trước đây, các quan chức chỉ quyết định những chuyện đó mà không hề biết đến phản ứng của người dân ra sao. Họ toàn quyền sử dụng tiền thuế của dân mà không hề phải “thế chấp” gì cả.
Trong khi đó, các vị lãnh đạo ở các nước Tư bản giẫy chết đều phải đặt cược sinh mạng chính trị của mình vào mỗi quyết định hệ trọng. Nếu có vấn đề gì xảy ra, họ sẽ phải xin lỗi quốc dân, rồi nhẹ thì tự từ chức, nặng thì ra tòa.
Tiền thuế của dân là chuyện hệ trọng chứ không phải chuyện đùa như ở ta. Điều đó có nghĩa là dân ở Tây họ có tiếng nói với tiền thuế của họ. Vì vậy, cho dù hiện nay, dân ta chưa có quyền đối với chính đồng tiền thuế do mình đóng, thì chí ít, dân cũng có thể bằng cách này cách khác tỏ được thái độ của mình, qua báo chí, qua đại biểu quốc hội. Con đường còn dài, và dân ta vẫn còn đang bước tiếp.
Chúng ta nói đến đa đảng làm gì? Nếu không có dân chủ thì lại thành độc quyền, độc tài.
Chúng ta nói đến hệ thống chính trị làm gì? Nếu không có nhân quyền thì lại thành hệ thống lợi ích nhóm, bóc lột nhân dân.
Chúng ta nói đến luật pháp làm gì? Nếu không có dân quyền thì lại thành những vụ án oan sai.
Nói tất cả những điều này có nghĩa là đa đảng, hệ thống chính trị, và luật pháp là mục tiêu, nhưng điều bản chất ở đây là dân chủ, nhân quyền. Nếu không có dân chủ, nhân quyền thì những mục đích tốt đẹp kia chỉ là những cái lá nho che đậy một bản chất độc tài, tàn bạo.
Dân chủ, và nhân quyền là điều kiện cần cho những mục đích tốt đẹp về đảng phái, chính trị, luật pháp. Dân chủ, nhân quyền sẽ đi song hành cùng với việc xây dựng hệ thống chính trị, luật pháp.
Có lẽ dân chủ, nhân quyền là điều kiện cần, còn hệ thống chính trị và luật pháp là điều kiện đủ cho một đất nước văn minh, và phát triển.
Cái mà những người dân bình thường chúng ta có thể làm được có lẽ là trên mảng dân chủ, nhân quyền. Còn mảng hệ thống chính trị và hệ thống luật pháp thì có lẽ cần có những chuyên gia, những nhà hoạt động lão luyện.
Với người dân bình thường, những chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày như y tế, giáo dục, hành chính công … thì mỗi người đều có thể làm được, và chia sẻ giữa những người cùng quan tâm sẽ giúp chúng ta có thể thực hiện được một cách tốt hơn.
Bằng chứng là những người nông dân, những người dân bình thường vẫn hiện đang thực hiện quyền của họ. Và chính họ đang xây dựng nên nền dân chủ cho tương lai.
Đến đây một câu hỏi đặt ra là làm thế nào, và bằng cách gì người dân có thể thực thi những quyền của họ?
Câu hỏi này là dành cho những nhà hoạt động xã hội, và những nhà trí thức. Đến đây vai trò của trí thức xuất hiện.
Ai dám bỏ công sức, dám vượt qua trở ngại, dám dấn thân để tham gia vào việc trả lời những câu hỏi này của xã hội, người đó là trí thức. Bất kể người đó có bằng cấp, học hàm, học vị ra sao.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiệ́n đang sống ở Hà Nội.
Admin gửi hôm Thứ Năm, 23/08/2012 
http://danluan.org/node/13960

No comments:

Post a Comment