Saturday, 2 March 2013

Sự xấc xược không phải tình cờ (Tổ Quốc)

2-3-13
“…Mục đích của điều 70 là để ngăn cản Nguyễn Tấn Dũng đảo chính nhân danh tổ quốc và nhân dân. Những người viết dự thảo này hy vọng với một hiến pháp đặt Đảng trước tổ quốc và nhân dân như thế không ai còn có thể lôi kéo quân đội đảo chính lật đổ ban lãnh đạo đảng được nữa…”

LTS: Nhân khi quốc hội CSVN cho tổ chức lấy ý kiến người dân về việc sửa đổi hiến pháp 1992, Bán nguyệt san Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Nguyễn Gia Kiểng, Thường Trực Ban Lãnh Đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vốn là tổ chức chính trị Việt Nam đã đầu tư nhiều thời gian và trí tuệ để xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ đa nguyên khả thi cho Việt Nam trong tương lai. Kết quả của sự cố gắng này là Dự án Chính trị (Cương lĩnh) Thành Công Thế Kỷ 21 đã được THDCDN công bố vào năm 2001. Sau đây là phần trả lời của ông Nguyễn Gia Kiểng.

BNS Tổ Quốc (BNSTQ): Quốc hội CSVN đang cho tổ chức “trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân” về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 do chính quốc hội đã thông qua, vì sao CSVN quyết định xin ý kiến nhân dân lần này và nhất là vào lúc này?
Nguyễn Gia Kiểng(NGK): Lênin, thần tượng và người thày của ĐCSVN và ông Hồ Chí Minh, từng nói rằng chính quyền cộng sản không thể bị trói buộc bởi bất cứ luật pháp nào. Đối với các đảng cộng sản, vì vậy, hiến pháp, luật pháp và các toà án chỉ là dụng cụ đàn áp, họ thay đổi hiến pháp chỉ vì một nhu cầu nào đó của chế độ chứ không phải vì lợi ích dân tộc. "Lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân" chỉ là một khẩu hiệu thông lệ mỗi lần sửa đổi hiến pháp. Họ không cần và cũng không quan tâm đến ý kiến của nhân dân. Họ thay đổi hoặc sửa đổi hiến pháp chỉ để giải quyết một vấn đề nào đó đặt ra cho chế độ.


BNSTQ: Nước ta đã có đến 4 bản Hiến pháp, được tu sửa nhiều lần trong non 70 năm, tại sao ta có nhiều bản Hiến Pháp trong một lịch sử ngắn ngủi đến thế trong khi có quốc gia chỉ cần một bản Hiến Pháp duy nhất là đã áp dụng hữu hiệu cho hàng trăm năm?
NGK: Như đã nói, ĐCSVN cũng như mọi đảng cộng sản chỉ coi hiến pháp như một dụng cụ để giải quyết những vấn đề nhất thời của đảng. Họ thường đưa vào hiến pháp những vấn đề chỉ có tính giai đoạn của đảng vì vậy khi phải thay đổi chính sách thì họ cũng sửa đổi luôn hiến pháp để thích nghi. ĐCSVN còn quá đáng hơn các đảng cộng sản khác trong quan niệm này, thí dụ như trong lời nói đầu của hiến pháp 1992 họ đề cập đến cả nghị quyết của đại hội VI của đảng. Chính vì thế mà họ phải thay đổi hoặc sửa đổi hiến pháp thường xuyên hơn cả các chế độ cộng sản khác. Cho đến nay đã có năm lần họ thay đổi hoặc sửa đổi hiến pháp. Đây là lần thứ sáu. Mỗi lần ta có thể hiểu lý do bằng cách đọc bản hiến pháp mới.
Hiến pháp 1946 phải có vì chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vừa được thành lập. Nó không thể qui định độc quyền của đảng cộng sản vì lúc đó đảng cộng sản còn yếu và còn cần thỏa hiệp với các đảng phái quốc gia. Ngay sau khi đủ sức mạnh họ đã trở mặt tàn sát các đảng phải quốc gia. Hiến pháp 1959 thay thế hiến pháp 1946 để khẳng định độc quyền của đảng cộng sản và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam. Hiến pháp 1980 được ban hành để huênh hoang khẳng định sự chọn lựa toàn bộ mô hình Liên Xô, thách thức cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Lúc đó họ đã làm chủ cả đất nước, ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô, đánh gục được chế độ Pol Pot, chiếm đóng Campuchia và đang có chiến tranh với Trung Quốc. Họ đang say men chiến thắng và tin một cách cuồng nhiệt rằng chủ nghĩa tư bản đang dãy chết, chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng, phong trào cộng sản do Liên Xô lãnh đạo sắp thắng lợi. 
Năm 1982 tại đại hội V bản điều lệ của ĐCSVN cũng được sửa đổi để coi Trung Quốc là thù địch, các cấp lãnh đạo thân Trung Quốc bị thanh trừng, trong đó có cả Nguyễn Văn Linh tuy có công lớn trong chiến tranh thâu gồm miền Nam nhưng cũng bị loại khỏi bộ chính trị. Thế rồi ban lãnh đạo đảng thức dậy trong kinh hoàng, Liên Xô không thắng mà còn đang trên đà sụp đổ. Cuối năm 1982 Brezhnev chết, Tchernenko, Andropov rồi Gorbachev lên kế vị thú nhận sự phá sản của Liên Xô. 
Tháng 7/1984 sau khi thua trận Lão Sơn tại biên giới Việt Trung chế độ CSVN đứng trước tình trạng tuyệt vọng, họ hoàn toàn cô lập, bị cả thế giới lên án, Liên Xô thay vì cứu giúp lại khuyên họ nên cầu hòa với Trung Quốc. Họ đã quyết định đầu hàng. Nguyễn Văn Linh, người của Trung Quốc, trở lại bộ chính trị rồi lên làm tổng bí thư để thực hiện chính sách phục tùng Trung Quốc. Tiến trình hàng phục Trung Quốc đã rất nhục nhằn và kéo dài cho tới đại hội 7 năm 1991. Hiến pháp chống Trung Quốc 1980 phải hủy bỏ. Hiến pháp 1992 là hiến pháp đầu hàng Trung Quốc. Việc sửa đổi hiến pháp năm 2001 có mục đích thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuẩn bị gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Những sửa đổi quan trọng nhất là ở chế độ kinh tế. Đặc biệt là điều 16 chấp nhận sự hiện diện của các công ty nước ngoài.

BNSTQ: Tại sao tiến trình cầu hòa với Trung Quốc lại kéo dài đến hơn bảy năm?
NGK: Bắc Kinh muốn bắt Hà Nội phải trả giá thật đắt tội đã dám dựa vào Liên Xô để thách thức họ và họ có thể làm như thế vì lúc đó chế độ cộng sản Việt Nam hoàn toàn kiệt quệ và hoàn toàn bị cô lập. Còn gì dễ dàng hơn là đánh một đối thủ đã kiệt quệ và xin hàng? Các sử gia sau này sẽ phải nghiên cứu xem chúng ta đã thực sự mất những gì, nhưng chắc chắn là nhiều lắm. Ngoài Nam Quan, Bản Giốc, Lão Sơn còn nhiều vùng khác nữa. Hà Nội cũng đã phải chấp nhận xét lại hiệp ước Vịnh Bắc Bộ nhường hơn 10.000 kilomét vuông hải phận cho TQ. Trường Sa là một hồ sơ cần xem lại. Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa tháng 4 năm 1988 dù Hà Nội đã xin hòa từ bốn năm trước đó. Sau đó không thấy Hà Nội phản kháng gì, và cuộc đàm phán giữa hai bên gia tăng vận tốc rồi đạt tới kết quả là bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Rất có thể giữa hai bên đã có thỏa thuận ngầm để Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Điều này có thể giải thích tại sao Trung Quốc có thể đánh chiếm hết quần đảo Trường Sa mà lại chỉ chiếm một phần và cũng giải thích tại sao Hà Nội không đưa vấn đề Biển Đông ra công pháp quốc tế.

BNSTQ: Như ông nói, mỗi lần cho sửa đổi Hiến pháp, đảng CSVN chỉ muốn giải quyết một số vấn đề nhất định nào đó. Vậy lần này là vấn đề nào?
NGK: Vấn đề lần này theo tôi là tranh chấp nội bộ. Nó có thể tóm gọn trong ba chữ: Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng nắm quân đội và công an trong tay và không phục tùng bộ chính trị, ngược lại đa số ủy viên bộ chính trị cũng muốn cách chức ông Dũng mà không được. Chúng ta đã thấy là hội nghị trung ương 6 đã bế tắc không giải quyết được mâu thuẫn này. Bộ chính trị còn nắm được cơ cấu đảng và có thể sửa đổi hiến pháp, vì thế họ muốn sửa đổi hiến pháp để tước bớt quyền lực nhà nước của ông Dũng trước khi thanh trừng ông. Chúng ta có thể thấy là trong dự thảo sửa đổi hiến pháp được công bố quyền hành của thủ tướng đã bị giảm bớt rất nhiều, thậm chí thủ tướng không còn cả quyền quyết định trong chính phủ nữa vì mọi quyết định của chính phủ đều phải biểu quyết theo đa số. Ngược lại quyền hành của chủ tịch nước được gia tăng đáng kể nhất là quyền trên quân đội và công an, thí dụ như mọi sĩ quan cấp tướng đều phải do chủ tịch nước phong.


 BNSTQ: Tại sao bộ chính trị lại muốn thanh trừng Nguyễn Tấn Dũng?
NGK: Ông Dũng cũng có một số đồng minh trong bộ chính trị nhưng chỉ là một thiểu số, đa số muốn hạ bệ ông. Họ có ít nhất ba lý do một là ông Dũng điều khiển bộ máy Nhà nước bất chấp bộ chính trị và đảng cộng sản, hai là vì những sai lầm của ông Dũng kinh tế Việt Nam đang khủng hoảng lớn và có thể làm chế độ sụp đổ, ba là ông Dũng là một con dê tế thần lý tưởng. Thử tưởng tượng nếu hạ được Nguyễn Tấn Dũng thì đảng cộng sản sẽ có thể trút mọi trách nhiệm cho ông Dũng, xin lỗi đảng viên và nhân dân, và mua cho chế độ thêm một thời gian ân huệ.

BNSTQ: Điều 70 của dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 khẳng định "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam, tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế" ông có nhận xét như thế nào về điều 70 này?
NGK: Điều 70 này của bản dự thảo là để sửa đổi điều 45 của hiến pháp 1992 hiện hành. Trong cùng một câu có tới hai lần Đảng Cộng Sản được đặt lên trên tổ quốc và nhân dân. Điều 45 chỉ nói các lực lượng vũ trang phải trung thành với tổ quốc và nhân dân. Thực là xấc xược, nhưng sự xấc xược này có lý do của nó chứ không phải tình cờ. Nguyễn Tấn Dũng nắm được phần lớn các tướng lãnh trong quân đội và công an vì được sự đỡ đầu của ông Lê Đức Anh. Mục đích của điều 70 là để ngăn cản Nguyễn Tấn Dũng đảo chính nhân danh tổ quốc và nhân dân. Những người viết dự thảo này hy vọng với một hiến pháp đặt Đảng trước tổ quốc và nhân dân như thế không ai còn có thể lôi kéo quân đội đảo chính lật đổ ban lãnh đạo đảng được nữa.


BNSTQ: Như vậy số phận Nguyễn Tấn Dũng coi như đã được bộ chính trị CSVN an bài?
NGK: Không chắc. Đây là một điều vô lý nên không có giá trị. Từ thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên Plato đã nói luật sai không phải là luật. Không ai có bổn phận phải tôn trọng một điều khoản đặt đảng cộng sản lên trên tổ quốc và nhân dân. Ông Dũng càng có thêm lý cớ để đảo chính. Vấn đề chỉ là ông có đủ sức hay không? Trước đây ông Dũng rất mạnh nhưng từ hai năm nay lực lượng của ông đã giảm đi rất nhiều sau những vụ tai tiếng và nhất là vì tình hình kinh tế xã hội Việt Nam xấu đi. Dù sao phản ứng của nhóm ông Dũng cũng vẫn còn là một ẩn số lớn.


BNSTQ: Một bản Hiến Pháp đích thực của dân, do dân và vì dân mà lập thành, để có thể trường tồn với dân tộc phải có những yếu tố nào?
NGK: Hiến pháp là hợp đồng sống chung của một dân tộc. Nó phải vạch ra được một công thức mà mọi người Việt Nam có thể chấp nhận để sống chung và xây dựng một tương lai chung. Nó phải thực sự dân chủ, thực sự tản quyền, phù hợp với cố gắng chuyển hóa Việt nam từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp và dịch vụ đồng thời cho phép thực hiện hoà giải và hòa hợp dân tộc. Ngoài ra với 100 triệu dân trên một diện tích thực sự sinh sống được nhỏ hẹp Việt Nam phải được quan niệm như một thành phố lớn, nghĩa là trật tự và liên đới phải là ưu tư nền tảng của hiến pháp và luật pháp.


BNSTQ: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có 124 điều sửa đổi, 11 điều mới và 11 điều giữ nguyên trong hiến pháp 1992, theo ông có những điều thay đổi quan trọng nào đáng chú ý?
NGK: Điều 4 vẫn còn nhưng thêm câu "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân". Đây là một mâu thuẫn lớn bởi vì nếu quả nhiên chịu trách nhiệm trước nhân dân thì nhân dân phải có quyền sa thải qua bầu cử. Một điểm đáng lưu ý là điều 6 mới không còn nhắc tới nguyên tắc tâp trung dân chủ nữa. Về chế độ kinh tế, theo điều 54 mới không còn khẳng định sở hữu toàn dân và tập thể là thành phần kinh tế chủ đạo nữa. Nói một cách nôm na kinh tế quốc doanh không còn bắt buộc phải được dành ưu tiên nữa. Một sửa đổi đáng để ý khác là các tòa án không còn được định nghĩa là có nhiệm vụ "bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa", nghĩa là một dụng cụ đàn áp nữa. Nói chung là có những sửa đổi theo chiều hướng cải thiện nhưng quá ít, quá nhỏ và quá chậm.


BNSTQ: Điều 9 trong Hiến pháp sửa đổi, cấp giấy phép cho Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thống lĩnh mọi tổ chức chính trị Việt Nam ngoại trừ đảng CSVN, ông nghĩ sao về sự ngang ngược này?
NGK: Mặt Trận Tổ Quốc chỉ lãnh đạo những người và tổ chức khuất phục chế độ cộng sản. Dưới mắt các tổ chức đối lập dân chủ và tuyệt đại đa số những người dân chủ trong và ngoài nước nó chỉ là một dụng cụ của đảng cộng sản để khống chế xã hội dân sự. Nó không có lý do tồn tại trong một chế độ dân chủ thực sự sau này.

BNSTQ: Điều 26 (sửa đổi, bổ sung điều 69) khẳng định ‘Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật’ liệu sau lần khẳng định dứt khoát trong dự thảo sửa đổi này những người như Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên… sẽ được CSVN thả tù và xin lỗi?
NGK: Về nội dung điều 26 của dự thảo không khác gì điều 69 hiện nay, nghĩa là qui định những quyền mà chế độ chà đạp trắng trợn, chẳng thà không có còn hợp lý hơn. Các thẩm phán Việt Nam hiện nay cần hiểu một điều, đó là tuân hành lệnh trên không bao giờ có thể biện hộ cho tội ác cả, và điều này càng đúng đối với các thẩm phán, những người có trách nhiệm bảo vệ công lý. Trong những vụ án chính trị kể trên các thẩm phán chỉ đọc những bản án đã được quyết định trước. Đặc biệt trong các vụ án Vi Đức Hồi và Điếu Cày và Tạ Phong Tần chánh án nhìn nhận bị cáo không phạm những điều bị cáo buộc nhưng vẫn đọc những bản án rất nặng. Sau này các nạn nhân và gia đình các tù nhân chính trị hoàn toàn có quyền khởi tố các thẩm phán đã xử những vụ án này về tội đồng lõa với tội ác. Các thẩm phán bị truy tố sẽ không thể viện dẫn lý cớ tuân hành lệnh trên bởi vì trong cả hiến pháp 1992 lẫn bản dự thảo đều ghi rõ ràng rằng thẩm phán chỉ xét xử theo luật pháp và lương tâm.

BNSTQ: Việc nhóm nhân sĩ 72 người yêu cầu công khai kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 1992 của nhóm đã được ông Phan Trung Lý Trưởng Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 trả lời là không đúng theo Nghị quyết của Quốc hội, theo ông lần này ‘quốc hội’ sẽ lắng nghe và ‘lấy ý kiến’ của nhân dân không?
NGK: Lần này phải nói là về thủ tục ông Phan Trung Lý có lý. Nhóm Kiến nghị 72 đã xin được hưởng một đặc ân và bị từ chối. Kiến nghị 72 đã được sự ủng hộ của hơn 5000 người. Đó là một thành quả lớn có tác động tốt cho tiến trình dân chủ hóa. Ngoài nhóm Kiến nghị 72 nhiều người khác cũng đã lên tiếng. Những phát biểu này đã gây chú ý đến hiến pháp, nghĩa là nền tảng của chế độ chính trị. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đầu tư nhiều nghiên cứu và suy nghĩ về vấn đề này và đã liên tục đưa ra những đề nghị từ hơn mười năm qua. Chúng tôi chỉ có thể vui mừng vì vấn đề đã trở thành đề tài thời sự.
BNSTQ: Xin cám ơn ông Nguyễn Gia Kiểng đã bỏ thời giờ cho bài phỏng vấn.
Bán Nguyệt San Tổ Quốc

No comments:

Post a Comment