Tuesday 12 June 2012

Kết quả vòng đầu bầu cử dân biểu hạ viện Pháp ngày 10.06.2012 .

12/6/2012
Ségolène Royal và François gặp phải nhiều khó khăn
- Hứa vạng Thọ -

Sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 6.5.2012, nước Pháp đã chọn François Hollande ( đảng Xã Hội/ Parti Socialiste) lên thay thế Nicolas Sarkozy ( đảng UMP).

Tiếp theo đó, là cuộc tranh cử dân biểu hạ Viện Pháp để thay thế các dân biểu sắp mãn nhiệm vào cuối tháng 6 nầy. Thông thường thì dân Pháp sẽ chọn các dân biểu cùng đảng với tân tổng thống để ông nầy có đa số dân biểu trong Quốc Hội hầu thi hành dễ dàng chương trình tranh cử của ông. Theo hiến pháp, các dân biểu sẽ bầu thủ tướng để cầm quyền chứ không phải tổng thống chỉ định.

Tuy nhiên, trong đệ ngũ cộng hòa Pháp cũng có những trường hợp "tréo cẳng ngỗng" là đa số dân biểu Quốc Hội và  thủ tướng (cầm quyền) thuộc phe đối lập với tổng thống. Tình trạng đó gọi là "cohabitation/ tạm dịch là sống chung" dù "cơm không lành canh không ngọt"!

Đó là dưới thời tổng thống Mitterrand của đảng xã hội, từ 1981-1995, với 2 thủ tướng cánh hữu (đảng RPR) Jacques Chirac(1986-1988) và Edouard Balladur (1993-1995), và tổng thống Chirac của đảng RPR, từ 1995-2007, với thủ tướng Lionel Jospin,đảng xã hội(1997-2002).  

Trong cuộc bầu cử dân biểu nhiệm kỳ 2012-2017, có tất cả 6611 đảng viên  của 44 chính đảng ra tranh cử 566 ghế dân biểu quốc nội, và 178 ứng cử viên tranh cử 11 ghế dân biểu ở hải ngoại. Đây là lần đầu tiên có bầu dân biểu cho cộng đồng người Pháp sinh sống ở hải ngoại do việc thay đổi hiến pháp ngày 23.7.2008.

  • Thể thức bầu cử dân biểu hạ viện Pháp 2 vòng được quy định như sau:

Thời gian bầu cử : ngày 10.06 cho vòng đầu, ngày 17.06 cho vòng nhì. Đặc biệt bầu cử cho 11 dân biểu ở hải ngoại, vòng đầu ngày 03.06.

-Vòng đầu: Coi như đắc cử  dân biểu tại một đơn vị bầu cử, ứng cử viên phải được quá bán tổng số phiếu bầu hợp lệ và ít nhất bằng 25% tổng số cử tri. Năm 2007 có 110 dân biểu đắc cử vòng đầu. Năm 2002 , có 51 vị.

-Vòng nhì: Nếu không có ai đắc cử dân biểu ở vòng đầu, thì sẽ bầu lại ở vòng nhì. Nhưng muốn được tham dự vào vòng nhì, các ứng cử viên phải được số phiếu bầu tối thiểu 12,5% trên tổng số cử tri.
Do đó, nếu số người đi bầu quá ít ( khoảng 60 tổng số cử tri), thì chỉ còn lại từ 2 đến 3 ứng cử viên thôi.

Người ta cứ nghĩ rằng Pháp chỉ có khoảng một chục chính đảng thôi như đảng Xã Hội, đảng UMP, đảng Modem, đảng Verts ( đảng Xanh), đảng Cộng sản Pháp , đảng Trotskyste, Divers Droite, Parti Radical Gauche, Centriste, Démocratie chrétienne, đảng UDF v.v...nhưng thật sự có trên 300 chính đảng. Phần đông các đảng nầy được thành lập để nhận tiền ủng hộ hoạt động cho một dân cử nào đó.

  • Ngoài ra, trong các cuộc vận động bầu cử dân biểu như kỳ nầy tại sao có quá nhiều ứng cử viên (6611 ứng cử viên của  44 chính đảng) như vậy?

Nói chung là để "kiếm tiền" hoạt động cho đảng của họ qua số phiếu kiếm được:

-Số tiền chánh phủ yểm trợ cho các chính đảng năm 2012 là 76 triệu euros thay vì 80 triệu trong năm 2011.
-Muốn được tiền yểm trợ nầy  phải được 1% tổng số phiếu bầu trong ít nhất là 50 đơn vị bầu cử khác nhau.
-với một phiếu bầu thì đảng có ứng cử viên được 1,6 Euro. 1 dân biểu đắc cử thì được 42.228 euros.
- Nếu tỷ lệ số ứng cử viên nam , và nữ của đảng giới thiệu quá chênh lệch ( nam nhiều hơn nữ ) thì sẽ bị phạt trong số tiền được chánh phủ giúp đỡ. Năm nay, đảng UMP có thể bị phạt trên 3 triệu Euros.

Số tiền yểm trợ nầy của chánh phủ , 2 đảng lớn nhất của Pháp ( UMP và đảng Xã hội) nhận khoảng 3/4.

  • Bầu cử vòng đầu dân biểu Hạ viện Pháp ngày 10.6.2012.

Cuộc bầu cử dân biểu Pháp vòng đầu đã kết thúc lúc 20g00 ngày chủ nhật 10.06.2012. Dựa vào đó, người ta có thể ước lượng được các khuynh hướng tương lai của quốc hội Pháp.

Kết quả sơ khởi như sau (  TinParis tổng hợp các hảng thăm dò dư luận) :

- Tỷ lệ cử tri không đi bầu là : 42,57% so với năm 2007 là 39%
- Số người đi bầu : 23.997.941, tổng số cử tri : 41.751.651
- Đảng Xã hội có thể chiếm đa số tuyệt đối ( 289 dân biểu) : ước lượng từ 285 đến 310 ghế (1)
- Đảng Xanh và môi trường (liên kết với đảng Xã Hội): từ 10 đến 15 ghế (2)
- Phe tả ( Divers Gauche) : từ 10 đến 15 ghế
- Mặt Trận tả phái ( Jean Luc Mélenchon và đảng Cộng sản Pháp) : từ 8 đến 12 ghế.
- Đảng Modem (Jean François Bayrou): từ 0 đến 2 ghế.
- Đảng UMP và liên kết : từ 205 - 235 ghế
- Đảng Front National ( Marine Le Pen) : từ 3-5 ghế.

Tóm lại :

Đảng xã hội và Liên Kết( đảng xanh và môi trường) có thể chiếm đa số tuyệt đối từ 295 đến 325 dân biểu trong quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2012-2017. Họ không cần được sự ủng hộ của phe tả khác nhất là Mặt Trận tả phái của Jean Luc Mélenchon mà các yêu cầu khó thực hiện được như rút khỏi cộng đồng Âu Châu,v.v..

Đảng UMP và phe hữu liên kết chỉ còn đóng vai tuồng đối lập có thể trong suốt 10 năm tới ( nếu Hollande còn tái ứng cử được).

Biểu đồ tượng trưng dự phóng sự phân phối số dân biểu trong Quốc Hội Pháp sau kỳ bầu cử  vòng nhì ngày 17.06.2012 nhiệm kỳ :2012-2017.
Hình nhỏ phía trên góc phải  là của Quốc Hội Pháp nhiệm kỳ 2007-2012. Màu đỏ : Xã Hội ,  da cam: Front de gauche - màu xanh : UMP, xanh đậm : Front national , xanh lá : XanhMôi trường, vàng : Modem






Marine Le Pen
Đây là lần đầu tiên mà  đảng Front National ( Đảng Kỳ thị người ngoại Quốc) có thể bước chân vào Quốc Hội.
Đó là kết quả của sự vận động tranh cử vừa qua của Sarkozy ( thiên về cực hữu ) với những đề tài immigration ( di dân) v.v.. biến những luận điệu cố hữu kỳ thị của Front national  của Marine Le Penthành những luận điệu hữu lý nên dân Pháp chấp nhận rất dễ dàng. Do đó , có rất nhiều dân biểu UMP cấu kết ngầm hoặc công khai với Front national như bà dân biểu Nadine Morano ( thân cận với Sarkozy) đã lớn tiếng kêu gọi sự ủng hộ của Front national, cũng như bà dân biểu Maryse Joissains-Masini, thị trưởng Aix en Provence.

Có rất nhiều người Việt nam ở Pháp trong đảng UMP cũng có ý nghĩ tương tự, và tuyên truyền rằng bỏ phiếu cho Đảng Xã Hội là bỏ phiếu cho " Rệp " và "hồi giáo". Không biết họ có nghĩ thân phận  mình cũng là những " di dân " và " tỵ nạn " hay không? Chúa hay Phật có rao giảng những hận thù đó không? 

Đảng Front National sẽ hiện diện ở vòng nhì trong 61 đơn vị bầu cử , trong đó có 32 cảnh "đấu tay ba " giữa Front National, đảng UMP, và Đảng xã Hội.

Tổng thư Ký đảng Xã Hội kêu gọi đảng UMP thỏa thuận tương nhượng với nhau để hạ ứng cử viên Front National, nhưng François Copé ( tổng thư ký đảng UMP) chưa trả lời, nói là để họp đảng chiều hôm nay ( 11.06) mới quyết định được. Điều đó cho thấy ảnh hưởng Front national rất mạnh trong UMP.

  • Một vài nhận định chánh trị bên lề:

1- Dưới sự lãnh đạo của Nicola Sarkozy, đảng UMP đi từ thất bại nầy sang thất bại không như những người tiền nhiệm như Jacques Chirac: tranh cử dân biểu Âu Châu ( 2009), bầu cử Vùng (2010), thượng viện (2011), lần đầu tiên kể từ năm 1968,  chủ tịch thượng viện thuộc đảng Xã Hội

2- Các chính đảng trung tâm như MODEM, cũng đảng UDF của cựu tổng thống Pháp Giscard d'Estaing ( 1974-1981) coi như  biến mất trên chính trường Pháp để đi tới lưỡng đảng : Đảng Xã Hội và các đảng liên kết  và đảng UMP với các đảng liên kết.

3- Các đảng nhỏ cực tã như Front de Gauche, hay cực hữu như Front national sẽ xuất hiện trở lại nhất là với chương trình của François Hollande là cho bầu cử theo lối "tỷ lệ giới hạn" ( proportionnelle limité)

4- Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, người ta nhận thấy 2 ứng cử viên Jean Luc Mélenchon ( cực tã ), và François Bayrou ( Modem) rất trung thực với những lý tưởng mà họ tranh đấu không màng đến thất bại cá nhân của mình hay mặc cả sự ủng hộ của mình. Phài nói đó là những người " anh hùng" trong chính trường, rất hiếm có ngày hôm nay. 

Trong vòng bầu cử thứ nhì tổng thống Pháp ngày 6.05.2012:

- François Hollande được số phiếu bầu : 18.004.656
- Nicolas sarkozy : 16.865.340
 sai biệt : 1.139.316

Trong vòng bầu cử thứ nhất tổng thống Pháp ngày 22.04.2012:
 - jean Luc Mélenchon được số phiếu: 3.984.822
  - François Bayrou : 3.275. 122

Khi François Bayrou tuyên bố bỏ phiếu cho François Hollande vì Sarkozy thiên về cực hữu ( Marine Le Pen), ông biết là sẽ bị phe UMP nhất định triệt tiêu ông.Ông không đòi hỏi mặc cả sự ủng hộ của mình với François Hollande. Thà mất ghế chứ không bán linh hồn mình cho quỷ. Mấy người làm được như ông ?
Jean Luc Mélenchon
Giả sử jean Luc Mélenchon , hay François Bayrou không ủng hộ François Hollande, liệu đảng Xã Hội có lên cầm quyền được hay không ?

5- Qua cuộc bầu cử dân biểu vòng đầu kỳ nầy, Jean Luc Mélenchon nhất quyết hạ cho bằng được Marine Le Pen tại đơn vị 11è ở Hénin BeauMont nhưng Marine Le Pen về nhất , Jean Luc Mélenchon thất bại não nề, nên rút lui và yêu cầu dồn phiếu cho ứng cử viên Đảng Xã Hội.

ségolène Royal- Olivier Falorni
6- Trong khi các tổng trưởng đảng xã hội tranh cử chiếm được nhiều ưu thế, thì Ségolène Royal ra ứng cử tại Rochelle gặp rất nhiều trở ngại với ứng cử viên cựu đảng viên xã hội Olivier Falorni ( bị khai trừ ). Ségélène Royal là ứng cử viên chánh thức của đảng Xã hội, người bạn trước của François Hollande, được cả Martine Aubry, lẫn thủ tướng Jean Marc Ayrault xuốn tại chỗ vận động. Mọi người đều biết là Ségolène sẽ được đảng Xã Hội chọn làm chủ tịch Quốc Hội Pháp.

Kết quả bầu cử vòng đầu cho thấy chỉ còn 2 ứng cử viên còn lại là Ségolène Royal ( 32,03% số phiếu bầu), và Olivier Falorni (28,9%).Được biết là đảng UMP đang vận động để bầu phiếu cho Falorni. Falorni trước dây rất thân cận với François Hollande. Tình trạng rất khó xử.
François Bayrou
7- Tại Pau François Bayrou có thể thất cử vì cảnh đấu "tay ba " giữa : Nathalie Chabanne đảng Xã Hội với 34,90% số phiếu, François Bayrou đảng Modem ( 23,63%), Eric Sabatte đảng UMP ( 21,72%).

François Bayrou, dân biểu tại Pau từ năm 1988 đến nay, có lẽ phải giả từ chính trường vì sự trả thù cua UMP, và sự vô ơn ( không điệu nghệ) của đảng Xã Hội.

8- Bộ ba nổi tiếng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007 ( Nicolas Sarkozy, François Bayrou, Ségolène Royal) có lẽ rủ nhau lần lượt từ bỏ chính trường chăng ?

9. Đặc biệt thành phố Paris được chia thành 2 khu vực rõ ràng  : phiá tây  theo đảng UMP, phần còn lại theo đảng Xã Hội.
Nhà cửa khu vực theo UMP rất đắc vì thuộc về nhà giàu. ( Michel Pinçon et Monique Pinçon-Charlot, Paris. Quinze promenades sociologiques )

màu xanh :UMP - màu hồng : Xã Hội :

No comments:

Post a Comment