Friday 22 June 2012

Việt Nam, cái cần chặt thì không chặt chẽ

Friday, June 15, 2012
Song Chi/Người Việt

Theo dõi tình hình Việt Nam, người ta dễ nhận ra một trong rất nhiều nghịch lý đã và đang tồn tại từ bao lâu nay, trong cách điều hành quản lý các mặt xã hội của nhà nước: Ðó là, rất chặt chẽ trong những chuyện không cần thiết nhưng lại lỏng lẻo trong những chuyện cần phải chặt chẽ, rất khó khăn trong những chuyện không đáng nhưng lại vô cùng dễ dãi trong những chuyện cần phải khó, phải nghiêm.

Dân Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh. (Hình: 24 h)
Chẳng hạn, nhà nước Việt Nam rất khó khăn, hẹp hòi với quyền tự do ngôn luận, quyền được phát biểu ý kiến một cách ôn hòa, quyền được biểu tình của người dân. Cho dù là biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa và có những hành động gây hấn trên biển Ðông, chứ chưa nói đến biểu tình phản đối chính phủ, một chuyện không bao giờ có thể xảy ra!
Nhà nước theo dõi rất kỹ, rất sát những người viết blog, và nếu bài viết của họ phản ánh trung thực tình hình chính trị xã hội của đất nước, lập tức họ sẽ bị gây khó khăn đủ điều. Từ “mời” lên công an “làm việc”, sách nhiễu cuộc sống, cản trở công ăn việc làm, sử dụng truyền thông để bôi nhọ uy tín cho tới tống giam bằng những bản án “hình sự” được dàn dựng.

Từ trường hợp blogger Ðiếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, blogger Anh Ba SG tức luật gia Phan Thanh Hải, blogger Công Lý và Sự Thật tức nhà báo Tạ Phong Tần... trước kia cho tới blogger, TS Nguyễn Xuân Diện mới đây đều cùng một phương pháp hành xử như thế.
Nhà nước Việt Nam rất khó khăn và sẵn sàng trừng phạt rất nặng những ai dám lên tiếng vì sự thật cho tới những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ theo con đường bất bạo động. Bản án dành cho họ có thể từ 3, 5, 7... năm cho tới 16 năm, như trường hợp doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức.
Thế nhưng họ lại vô cùng dễ dãi, lỏng lẻo với chính quyền và người dân của nước láng giềng phương Bắc. Tàu cá rồi tàu hải giám, tàu ngư chính... các loại của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Có lần, biên phòng tỉnh Khánh Hòa phát hiện 2 tàu Trung Quốc chuyên dụng nạo vét, hút bùn, lớn hơn tàu cá đánh bắt xa bờ cỡ lớn của ngư dân Việt Nam nhiều lần, ngang nhiên thả neo bất hợp pháp tại vịnh Nha Trang. Hai con tàu này đã bị tạm giữ nhưng rồi lặng êm luôn chẳng nghe thấy sẽ xử lý ra sao, mà nếu có xử lý chắc cũng chỉ dám phạt vài triệu đồng Việt Nam. Chẳng bù khi tàu Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam thì đòi phạt hàng chục, hàng trăm triệu đồng Việt Nam! (”2 tàu Trung Quốc đậu trái phép tại vịnh Nha Trang”, báo Ðất Việt)
Thương lái Trung Quốc ra vô Việt Nam như chỗ không người, gây đủ điều thiệt hại cho người dân và kinh tế Việt Nam qua những chiêu trò bẩn, kể cả lừa đảo nông-ngư dân, lũng đoạn, thao túng nền kinh tế vốn đã èo uột của Việt Nam từ bao lâu nay. Vậy nhưng từ chính quyền địa phương cho đến trung ương vẫn không có cách gì quản lý nổi.
Không chỉ thương lái Trung Quốc đến Việt Nam làm ăn mà không có bất cứ giấy tờ đăng ký kinh doanh, chỉ giao dịch bằng miệng nên không thể quản lý, ngăn cấm, như một số quan chức địa phương thừa nhận, mà người lao động Trung Quốc tràn sang Việt Nam làm việc “chui”, nhà nước Việt Nam cũng... bất lực. Báo chí Việt Nam đã từng báo động về tình trạng hàng chục ngàn lao động Trung Quốc sang Việt Nam làm đủ thứ việc tại các công trường, nhà máy do Trung Quốc trúng thầu xây dựng ở Việt Nam.

Có những chuyện to đùng mà vẫn xảy ra được, chẳng khác nào con voi lọt qua lỗ kim, như chuyện các công ty Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn tại một số tỉnh biên giới phía Bắc, phạm vào nguyên tắc tối kỵ về an ninh quốc phòng, hay chuyện người Trung Quốc nuôi cá bè ở một vị trí vô cùng nhạy cảm là gần quân cảng Cam Ranh... Khi dư luận, báo chí phát hiện ra thì những chuyện này đều đã xảy ra từ rất lâu, ấy vậy mà cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương cho đến trung ương đều... ngớ ra!
Họ không biết thực hay họ biết mà vờ như không biết? Ðó là sự dễ dãi, lỏng lẻo do bất lực hay vô trách nhiệm của chính quyền?
Còn cái cách họ xử lý sự việc mới càng... lạ. Phạt hành chính 4 triệu đồng cho vụ nuôi cá bè trái phép trong vịnh Cam Ranh! Xem ra, nhà nước Việt Nam vô cùng rộng lượng với người, mà chỉ khó khăn, hà khắc với dân mình!

Cũng một sự dễ dãi, lỏng lẻo đến kinh ngạc trong việc điều hành quản lý kinh tế vĩ mô, nên nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách của nhà nước mà cũng là tiền thuế của nhân dân cứ xảy ra hoài, ở mọi cấp mọi ngành, trở thành một “quốc nạn” không sao chữa nổi.
Lỏng lẻo khi có thể trao hàng chục ngàn tỷ đồng và tạo mọi điều kiện ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh mà không có những cơ chế giám sát hiệu quả, minh bạch, không có những điều kiện, chính sách quản lý thật chặt chẽ, nghiêm khắc... Dẫn đến việc nhiều tập đoàn lớn vỡ nợ, làm ăn thua lỗ hàng triệu đô la Mỹ như Vinashin, Vinalines...
Chưa kể hàng loạt tập đoàn, tổng công ty khác đang trong tình trạng nợ nần, thua lỗ kéo dài, như Tập Ðoàn Dầu Khí (Petro Vietnam), Tập Ðoàn Công Nghiệp Than và Khoáng Sản (TKV), Tổng Công Ty Xây Dựng Công Nghiệp, Tổng Công Ty Xăng Dầu Quân Ðội, Tập Ðoàn Sông Ðà...
Ðến khi vỡ nợ, phá sản như Vinashin, Vinalines... thì lúc đó các bộ, ngành đều đùn đẩy trách nhiệm, bộ nào cũng nói mình không biết, không được báo cáo!

Một tình trạng dễ thấy khi có một sai phạm, đổ bể to đùng cỡ như Vinashin, Vinalines: Hoặc là không ai chịu trách nhiệm cả, hoặc là chỉ chịu trách nhiệm cái mồm mà không bị gì.
Như trường hợp ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm “chính trị” trong vụ Vinashin trước kia hay trường hợp ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Ðinh La Thăng nhận trách nhiệm do “nóng vội” khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam.

Ai cũng thấy công an, an ninh Việt Nam chẳng hề thua kém ai trong việc theo dõi, nắm tình hình người dân, nhất là những người bị quy là “có vấn đề về chính trị”. Hoặc mấy cái vụ án như đường dây bán dâm có dính líu đến một số người mẫu, diễn viên vừa bị khui ra cũng thế. Sao mà công an Việt Nam đến là nhanh nhạy. Nhưng một nhân vật đang trong vòng điều tra-một con cá lớn đã làm ăn đổ bể, thất thoát của nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng như Dương Chí Dũng thì lại có thể đàng hoàng bỏ trốn ngay trước mũi! Rõ là sự bất thường!
Nhà nước khó khăn trong việc ra sức kiểm soát từng ý nghĩ của người dân, nay chặn tường lửa, tấn công các trang blog, báo “lề trái”, mai ban hành đủ nghị định nhằm hạn chế tự do Internet. Nhưng lại lỏng lẻo trong việc kiểm soát tiền bạc. Cả một nền kinh tế xài tiền mặt tạo cơ hội cho vấn nạn tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, và các hình thái tội phạm về kinh tế, tài chính khác.

Trái ngược hẳn với các quốc gia dân chủ phát triển khác, chính quyền không cần quản lý tư tưởng người dân, không quan tâm họ nghĩ gì, yêu ghét cái gì mà chỉ kiểm soát tiền bạc thông qua hệ thống ngân hàng. Tiền bạc phải được thanh toán qua cửa ngân hàng, do đó đồng tiền từ đâu đến, đi đến đâu đều có dấu vết, tội phạm khó lòng qua mắt chính quyền.

Có vẻ như trong xã hội Việt Nam, mọi thứ đều ngược ngạo, nghịch lý như thế. Chuyện to thì cho là chuyện nhỏ, chuyện nhỏ lại thành chuyện to. Những chuyện có liên quan đến quyền lợi chung của cả dân tộc, vận mệnh của đất nước thì coi như không, mà những chuyện nhỏ bé vặt vãnh như một vài bài viết của một cá nhân lại trở thành cả một âm mưu to lớn có thể nguy hiểm đến chế độ. Kẻ thù lâu đời của cả dân tộc thì trở thành “láng giềng tốt, đồng chí tốt, anh em hữu nghị”, còn nhân dân thì trở thành đối tượng/lực lượng thù địch, cần phải xử nặng...
Cứ như thế chẳng trách gì Việt Nam cứ mãi không sao khá lên được, mà có người đã từng dùng cụm từ rất hay, Việt Nam không phải là nước đang phát triển, chậm phát triển mà là khó phát triển!

No comments:

Post a Comment