Wednesday 1 August 2012

Doanh nghiệp nhà đất kiệt quệ


90% doanh nghiệp địa ốc đã “chết lâm sàng” vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoản.

Doanh nghiệp nhà đất kiệt quệ
Sản phẩm bất động sản tồn kho quá nhiều khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ - Ảnh: Tấn Thạnh
Sau chưa đầy 3 năm thị trường bất động sản (BĐS) lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này, từ những chủ đầu tư dự án lắm tiền nhiều của đến các đơn vị môi giới “tay không bắt giặc”, đã có dấu hiệu kiệt quệ về tài chính, thậm chí phá sản.
“Đại gia” khóc ròng
Từng được xem là một DN với nội lực tài chính dồi dào khi mạnh dạn cho xây dựng dự án phức hợp cao vài chục tầng tại một vị trí đắc địa ở quận 1 - TPHCM (nhìn xuống sông Bạch Đằng) trong thời điểm thị trường BĐS manh nha những khó khăn nhưng ít ai ngờ, nhân viên của họ đã 3 tháng nay chưa được lãnh lương.
Không chỉ vậy, công trình dự án đã từng bị cắt điện khi đang thi công vì thiếu tiền điện. Chủ dự án này lại tính dọn văn phòng đại diện của công ty đang thuê mặt bằng ở tòa nhà cao tầng gần đó về công trình còn ngổn ngang vì chỉ mới xây xong phần thô. Việc này có lẽ nhằm tiết giảm chi phí bởi cách đây ít lâu, văn phòng công ty nợ tiền nên bị chủ tòa nhà cúp điện để “dằn mặt”...
Một “đại gia” khác đến TPHCM kinh doanh BĐS nhưng hiện lâm vào tình cảnh không khác gì “hổ về đồng bằng”. Theo thông tin chúng tôi nắm được, DN này đang gặp tình cảnh khó khăn toàn diện khi ngân hàng hạn chế cấp thêm tài chính, lại nằm trong diện kiểm tra đặc biệt của cơ quan chứng khoán, còn đa phần các dự án thì xây dựng dở dang và bán không được nên nguồn vốn bị ứ đọng... Mới đây, DN này bị tố bán đất khi chưa đủ điều kiện cho phép cho nhiều khách hàng ở Đà Nẵng. Tại TPHCM, DN này mất uy tín trầm trọng khi dự án bị khách hàng tố tự ý thay đổi vật liệu xây dựng để tiết giảm chi phí, một cách “rút ruột” công trình.
Hiện nay, chưa thể thống kê hết số lượng các DN BĐS đang kiệt quệ về tài chính tại TPHCM do nhiều đơn vị cố gắng gồng mình chịu đựng vì sợ mất mặt. Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình, cho rằng có đến 90% DN BĐS đã “chết lâm sàng” vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoản. Còn theo Bộ Xây dựng, hơn 54% DN BĐS trên cả nước đã “chết” do địa ốc đóng băng.
Như “bom nổ chậm”

 

Sống không được, chết không xong
Theo ông Vũ Anh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, 4 năm nay, thị trường BĐS bị tê liệt khiến các DN “ăn mòn” gần hết tài sản của mình. Tiền đầu tư vào dự án không sinh lợi nhuận mà còn có nguy cơ bị ngân hàng “gom” hết; thương hiệu các DN xây dựng thời gian qua có nguy cơ vứt bỏ. Nhiều công ty phải bán sản phẩm chỉ bằng 50%-60% giá thành nhưng không có người mua khiến họ lâm vào cảnh “sống không được, chết không xong”.

Hiện trạng BĐS tồn kho đang là một gánh nặng cho các DN BĐS và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây kiệt quệ nguồn vốn của DN trước mắt và lâu dài. Theo số liệu thống kê sơ bộ của hơn 60 DN niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, lượng hàng tồn kho trị giá hơn 83.804 tỉ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Như vậy, số BĐS tồn kho đang chiếm tới 45,84% tổng tài sản của các DN này. Điều đáng chú ý là 6 công ty lớn nhất của thị trường BĐS hiện nắm giữ 69,4% lượng tiền mặt, phần lớn DN còn lại nắm rất ít. Hiện tổng lượng tiền mặt cuối quý II/2012 không đủ để thực hiện chi trả cho khoản chi phí gồm lãi vay, thanh toán cho nhà thầu và các khoản khác. Điều này cho thấy phần lớn các DN không còn tiền mặt để hoạt động. Để có tiền thanh toán những khoản nợ, chắc chắn các DN phải đẩy nhanh việc thu hồi công nợ, giải phóng lượng hàng tồn kho, thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn ở những lĩnh vực trái ngành...
BĐS tồn kho quá nhiều được xem như quả “bom nổ chậm”, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả. Tình hình tiêu thụ chậm các sản phẩm BĐS để bán trong 3 năm trở lại đây (đặc biệt là căn hộ) làm cho tỉ lệ hàng tồn kho trên sổ sách của các DN ngày càng phình to. Cá biệt, ở một số DN, tỉ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản lên đến 70%-90%.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, đến cuối năm 2011, TP có 19.993 DN kinh doanh BĐS. Với số lượng DN hùng hậu như vậy, nếu thống kê đầy đủ, số sản phẩm BĐS tồn kho sẽ cao hơn rất nhiều so với con số nêu trên.
Đối với khách hàng, việc mua nhà của các DN có tỉ lệ nợ và hàng tồn kho cao là rất rủi ro do các tài sản mua bán chưa được hình thành. Do đó, nếu công ty không còn khả năng triển khai dự án hoặc trả nợ ngân hàng thì khách hàng sẽ rất khó có khả năng thu hồi vốn.
Theo Tường Nguyên \ Người Lao Động
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (2)
hoàng
Chúng ta phải chấp nhận quả bom nhà đất vì chính cách các nhà quản lý và nhà đầu tư bắt tay nhau để thổi giá BĐS thời gian qua. Giải pháp tháo gỡ hiện tại chỉ có thể được thực hiện bởi chính các nhà đầu tư: Chấp nhận lỗ, đưa giá BĐS về đúng giá trị thực; Các ngân hàng cũng phải cùng vào cuộc để kiểm soát việc giải ngân cho dự án. Những người muốn mua nhà để ở như chúng tôi hiện nay dù rất muốn mua, nhưng giá vẫn cao, các dự án vẫn chào giá trên 20 triệu đồng đến gần 30 triệu đồng mỗi m2 sàn căn hộ thì sao mà mua nổi; chúng tôi nộp tiền, các nhà đầu tư thì nợ như chúa chổm, ai mà biết tiền của chúng tôi sẽ chạy đến đâu, liệu có được sử dụng để xây dựng căn nhà của chúng tôi đã đóng tiền khônng vv.... Hạ giá về giá trị thực, thậm chí phải chịu lỗ và ngân hàng bảo đảm, người mua thanh toán cho chủ đầu tư qua ngân hàng và ngân hàng phải đảm bảo việc giải ngân đúng tiến độ và mục đích để người mua chúng tôi được nhận nhà đúng hạn. Có như vậy thì chúng tôi mới yên tâm mua nhà tiếp (dù giá có hạ, dù nhu cầu rất lớn), và ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn thay chủ đầu tư nếu sai phạm hợp đồng. Kiến nghị nhỏ mong các nhà đầu tư đang tồn kho BĐS xem xét để giải phóng hàng, nhằm thu hồi vốn để chờ thời phát triển khi thị trường khởi sắc. Ý nhỏ nữa, các dự án đã phê duyệt giờ nếu các nhà quản lý cứu các DN bằng cách chia lại các căn hộ cho nhỏ hơn để dễ bán, cũng ít khả thi lắm vì người dân giờ cũng hiểu rằng sự quá tải dân số sẽ là thảm hoả cho cuộc sống của họ sau này nếu mua các căn nhà loại này (VD: các vấn đề về rác thải, nước, điện, giao thông, y tế, trường học, nới khám chữa bệnh vv,,,,).
mrbinh
Nếu không có giải pháp cứu doanh nghiệp thì chúng ta sẽ mất nhiều năm mới phục hồi được kinh tế. 
 
 
***

No comments:

Post a Comment