Wednesday 15 August 2012

Lập trường của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ về biển Đông

by Doi Thoai
Đoàn Hưng Quốc
Một số người Việt nghĩ rằng ít có sự khác biệt trong chính sách ngoại giao giữa hai đảng lớn tại Mỹ, hoạ chăng đảng Cộng Hoà thường theo đường lối cứng rắng trong lúc Dân Chủ thiên về nhân quyền. Tuy nhiên nhận xét này không chính xác ít nhất là đốI với lập trường của Hoa Kỳ tại biển Đông.

Từ thập niên 90 và nhất là dưới thời tổng thống George W. Bush ngành ngoại giao của Mỹ đã gần như quay mặt khỏi Đông Nam Á để tập trung vào Iraq và Afghanistan. Mãi đến năm 2010 người ta mới thấy có sự chuyển hướng của Hoa Kỳ từ sau lời phát biểu của Ngoại Trưởng Hillary tại Diễn Đàn Khu Vực Đông Á vào tháng 07-2010, và sau đó được Tổng Thống Obama xác nhận vào tháng 10-2010 rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện trong khu vực.
 
Dù vậy lập trường của Hoa Kỳ tại biển Đông vẫn còn rất mới và không là một mối quan tâm trong quần chúng và Quốc Hội, hoạ chăng chỉ có những chuyên viên nghiên cứu hay quân sự mới để ý đến. Tiêu biểu là trong 12 tháng vừa qua trên các báo lớn như New York Times, Los Angeles Times v.v… nhiều nhất là có 5 bài viết trang đầu về đề tài này, còn đăng tải về Trung Đông thì gần như ngày nào cũng có. Bộ Ngoại Giao cũng chưa được Quốc Hội mời lên điều trần về chính sách tại biển Đông cho các Dân Biểu và Nghj Sĩ thấu đáo.
 
Lập trường của Mỹ hiện cũng chưa thống nhất ngay chính trong Hành Pháp. Một tập hồ sơ được nhiều người Việt quan tâm mang tên “Cooperation From Strength” (Hợp Tác trên Sức Mạnh) do Center for a New American Security (Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược của Hoa Kỳ) ấn hành vào tháng 01-2012; bài đầu tiên do tác giả Patrick M. Cronin và Robert D. Kaplan viết trong đó tường thuật rằng khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton công khai tuyên bố tại Diễn Đãn Khu Vực Đông Á vào tháng 07-2010 là Hoa Kỳ sẽ trở lại biển Đông thì một chuyên viên ngoại giao kỳ cựu tại Hoa Thịnh Đốn đã than phiền đây không phải là lúc thách thức Trung Quốc.
Trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà cho đến nay không hề thảo luận về vai trò của Mỹ đối với cuộc tranh chấp. Tổng thống Obama đã công khai tuyên bố vùng biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ trong thế kỷ 21, còn về phần đảng Cộng Hoà thì người viết vẫn chưa ghi nhận lập trường của họ như thế nào về khu vực.
Có người sẽ cho rằng vì biển Đông là địa điểm chiến lược với tầm quan trọng toàn cầu vào thế kỷ thứ 21 với 30% số lượng hàng hải quốc tế và trử lượng dầu hoả khổng lồ nên Mỹ không thể quay mặt đi. Điều này có thể đúng, nhưng từ đó kết luận rằng chính sách của hai đảng lớn sẽ giống nhau thì còn quá sớm. Hoa Kỳ có hai chọn lựa hoặc thoả hiệp với Trung Quốc nhằm bảo đảm an ninh hàng hải và hợp tác khai thác, hay hổ trợ cho các nước nhỏ để ngăn chận tham vọng bành trướng của Hoa Lục. Chính quyền Obama đã thể hiện bằng lời nói và hành động lập trường thứ hai, trong lúc quan điểm của ứng cử viền Mitt Romney vốn đang dẫn đầu đảng Cộng Hoà vẫn chưa được tỏ bày.
 
Một khía cạnh liên hệ gián tiếp nhưng không kém phần quan trọng là nền an ninh của Do Thái hiện thời rất bấp bênh do các phong trào Hồi Giáo cực đoan, tình hình chính trị bất ổn ở Iraq – Ai Cập – Syria – Libya, chương trình nguyên tử tại Iran và bởi chính chủ trương lấn đất của cánh hữu . Thế lực vận động hành lang của Do Thái chắc hẳn sẽ không để Mỹ không bị chi phối ra những khu vực khác, và dựa vào bài học quá khứ thì Hoa Kỳ đã từng bỏ rơi Đông Nam Á để đặt trọng tâm chiến lược ở Trung Đông. Trung Quốc lại không là mối đe doạ cho nền an ninh của Do Thái nên vận động cho sự đổi chác này rất dễ đối với họ. Ngay cả khi áp lực của nhóm vận động hành lang sẽ đồng đều lên cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà nhưng chính quyền Obama đã tỏ rõ lập trường thì họ khó lòng thay đổi chính sách hơn.
 
Cho dù tình hình biển Đông hiện liên hệ đến an ninh của các đồng minh thiết yếu gồm Nhật – Úc – Hàn nên Hoa Kỳ không thể bỏ rơi, nhưng đốI với Việt Nam vốn không phải là một nước bạn thì quyền lợi có thể dễ dàng bị trao đổi. Người Việt lại có khuynh hướng thổi phồng về vị trí chiến lược của đất nước trong khi chúng ta không vận dụng được lợi thế này mà chỉ để ngoại bang dùng làm tiền đồn cho các tranh chấp quốc tế dẫn đến chiến tranh và phân hoá triền miên trong hơn ½ thế kỷ.
Khả năng của người Việt cả trong lẫn ngoài nước để tác động lên chính sách ngoại giao của Mỹ rất hạn hẹp. Chúng ta có những lá phiếu của cử tri người Mỹ gốc Việt thì cần nên sử dụng đúng đắn trong kỳ bầu cử tháng 11-2012, và theo thiển ý của người viết thì nên dồn về cho tổng thống Obama trong nhiệm kỳ hai.

No comments:

Post a Comment