Sunday, 18 December 2011

Giáo dục duy vật biện chứng trong giờ giảng vật lý THPT và ĐH

Nguyễn Văn Khải (danlambao) Từ năm 2001 đến nay, kèm theo sách giáo khoa và sách bài tập vật lý, người ta có in thêm sách giáo viên. Trong những quyển sách này cho chương trình vật lý lớp 10, 11, 12 có rất nhiều điểm phải phê phán và thay đổi. Tôi không đề cập trong bài viết này mà tôi chỉ kinh ngạc tại sao họ lại không hướng dẫn giáo viên dạy dỗ nhân sinh quan cho học sinh. Học đi đôi với hành lý luận đi đôi với thực tiễn, tính đa dạng của cuộc sống và mọi hành động phải tuân theo các định luật, quy luật tự nhiên. Điều này tôi đã được học 50 năm về trước trong chương trình Giáo học pháp. Khi tôi đi giảng cho học sinh thì trong giáo án bao giờ có mục yêu cầu giáo dục tư tưởng.
Khi đi thực tập tại trường Yên Phong-Hà Bắc (nay trường này thuộc tỉnh Bắc Ninh) tôi được giao giảng bài Định luật Một Niuton. Trước buổi lên lớp 2 ngày, tôi dặn học sinh: "Mỗi tổ chuẩn bị 4 tờ giấy to, 4 quả nặng có thể là gạch, đá, sắt, cán búa và lưỡi búa, cán xẻng và lưỡi xẻng". Trước khi vào giờ tranh thủ lúc giải lao tôi kiểm tra xem học sinh có chuẩn bị đủ búa và xẻng hay không. Giáo viên chủ nhiệm lớp hỏi tôi: Hôm nay ta có phải đi đào hầm đâu, cũng chẳng phải đi đập phá tường ở đâu,s ao thầy lại bắt học trò của tôi mang búa với xẻng đến lớp thế? Tôi cười: “búa để gõ vào óc thông minh,còn xẻng để tự đắp thêm kiến thức”. 
Sau khi ôn tập bài cũ, tôi bảo học sinh đặt các vật nặng lên các tờ giấy đặt trên bàn, quan sát vị trí của vật nặng khi kéo giấy rất chậm, nhanh và rất nhanh. Cuối cùng là trao đổi quả nặng giữa hai học sinh và lặp lại thí nghiệm. Tất cả đều thấy khi kéo rất chậm các vật nặng chuyển động cùng vận tốc với giấy, khi kéo nhanh hơn thì vận tốc của vật nhỏ hơn vận tốc của giấy, còn khi kéo giấy rất nhanh thì vật vẫn nằm ở vị trí cũ so với bàn,hơn hết khi vật càng lớn thì sự biến đổi vận tốc càng ít. Tôi hướng dẫn học sinh tự bắt đầu xây dựng khái niệm quán tính xong, yêu cầu học sinh tra lưỡi búa vào cán búa, lưỡi xẻng vào cán xẻng. Cho học sinh giải thích dựa vào kiến thức mới có, tiếp theo cho làm hết bài tập trong SGK. Vẻn vẹn chỉ có 35 phút. Năm phút sau tôi kể chuyện về các tác dụng của ứng dụng khái niệm quán tính trong cuộc sống, năm phút cuối cho học sinh lấy ví dụ để minh họa bài giảng. Tôi dành hai phút để nói về sự thay đổi thói quen xấu hoặc không hợp lí cần phải có thời gian. Cho nên từ việc hay nói chuyện trong lớp hoặc thích gây gỗ trở thành người ít nói hơn, thuần tính hơn cũng cần phải có thời gian rèn luyện. Tương tự để vận động được nhiều người làm theo ý mình thì phải tốn nhiều công sức hơn hoặc cần thời gian dài hơn. 
Trong buổi nhận xét bài giảng giáo viên hướng dẫn tôi thực tập phê bình tôi kịch liệt vì đã không dạy theo SGK. Tôi phản đối. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chuyển động của vật thể là đa dạng nhưng tuân theo những quy luật. Việc tôi giảng mà học sinh hiểu được, ứng dụng được kiến thức mới vào cuộc sống đó mới là mục đích của giảng dạy. SGK chỉ do vài người soạn ra tại sao cả nước lại phải làm theo họ mà không thể làm cách khác. Hôm nay rất nhiều học sinh được làm thí nghiệm với các dụng cụ khác nhau nhưng đều ra kết quả như nhau. Đó là phương châm giáo dục của nhà nước ta. Kết quả là tôi bị nhận xét giảng dạy không đạt yêu cầu. May sao tin này bay về ban lãnh đạo khoa Vật Lý trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2. Thầy Phạm Thắng(cựu chiến sỹ trong Đội thiếu niên Bát Sát) trưởng phòng tổ chức khoa vội nhắn tin lên trường Yên Phong: “Đó là bài giảng tuyệt vời!”. Đấy là một ví dụ điển hình về việc áp dụng Duy vật biện chứng trong giảng dạy Vật Lý. 
Chín tháng sau tôi được phân công giảng bài Súng giật lúc bắn cho giáo viên của các trường Thái Ninh, Đông Thụy Anh,Tây Thụy Anh cùng cán bộ phụ trách môn Vật Lý của ty giáo dục Thái Bình. Vào bài tôi yêu cầu học sinh nhắc lại khái niệm về khối lượng và vận tốc - mỗi thầy giáo Vật Lý bình thường đều phải làm như vậy đối với bài này. Sau đó tôi đề nghị học sinh từng tổ mô tả nhưng điều họ đã làm theo lời tôi dặn. Học sinh tổ Một kể: “Khi thuyền chở đầy thóc đi tới gần bờ, người nhảy từ mũi lên bờ thì thuyền chạy lùi lại”. Học sinh tổ Hai kể: “hiện tượng tương tự xảy ra nhưng vì thuyền không chở gì nên thuyền lùi lại rất nhanh và người rơi tõm xuống nước”. Học sinh tổ Ba mô tả: “Đốt ba quả pháo thăng thiên, quả nào quấn thêm càng nhiều giấy thì bay lên càng thấp”. Tổ Bốn bê chậu nước đặt ba miếng gỗ nhỏ có hình đáy thuyền kích thước khác nhau và được gắn ở phía dưới một cục xà phòng nhỏ, cả lớp thấy gỗ càng nhỏ đi càng nhanh càng xa. Tôi hướng dẫn học sinh lâp mối quan hệ giữa khối lượng và vận tốc trước và sau khi tương tác vận tốc suy ra quy luật mà sách giáo khoa đã ghi rõ. Tất cả hết có 20 phút. Phần còn lại tôi kể về tên lửa, máy bay phản lực, khối lượng các súng đại bác và yêu cầu học sinh giải thích tác dụng của việc: tì vai, áp má, nín thở và bóp cò. Mặc dù tôi không giảng theo SGK nhưng được nhận xét là giáo viên dạy giỏi. Chắc hẳn các học trò trường Đông Thụy Anh của tôi còn nhớ bài giảng này.

No comments:

Post a Comment