*
Theo từ ngữ Hán-Việt: Quân là vua chỉ đấng quân vương, Tử là con cái. Nếu hiểu theo tập quán ngày xưa nó có ý nghĩa là rường mối gắn kết giữa đấng quân vương với thần dân trong một nước hay ý chỉ đạo vua-tôi! Nhiều quan niệm cho rằng Đức Khổng Tử đã sáng tạo ra cụm từ nầy nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đó là do hệ tư tưởng thời phong kiến tự đặt ra để nhằm thống trị một xã hội còn sơ khai! Dưới các triều đại phong kiến xa xưa vua là ông trời, là con trời hơn cả cha mẹ, tất cả thần dân trong nước đểu phải tùng phục và không biết từ bao giờ hai chữ quân tử đã trở thành sự so sánh giữa người tốt, kẻ xấu, giữa người chính trực với kẻ xu nịnh đê hèn: “bậc quân tử với kẻ tiểu nhân”. Vậy xin luận bàn hiểu theo nghĩa thứ hai: Bậc chính nhân quân tử, thường được đề cao trong nhiều tác phẩm thơ phú, văn chương của các bậc nho gia nước nhà mà điển hình là hai tác phẩm truyện Kiều của cụ Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu...và trong nhiều tác phẩm văn học, võ hiệp Trung Hoa.
Người quân tử thường: “trọng nghĩa, khinh tài” chữ tài ở đây có nghĩa là tiền bạc, danh lợi cho dù sống trong cảnh túng quẫn, bần hàn vẫn giữ phẩm chất đạo đức thanh cao, không màng đến danh lợi, không bán rẻ lương tâm, không làm điều càn quấy, thâm độc hại người. Do đó những bậc hiền triết, cao nhân ngày xưa khác hẳn với những loại cường hào, ác bá, xem việc ăn của đút lót, nhũng nhiểu là những việc làm xấu xa của kẻ tiểu nhân. Họ luôn bênh vực lẽ phải, bất mãn trước bạo lực, cường quyền, bênh vực kẻ thân cô, thế cô! Xuất phát từ tấm lòng thương người, thương yêu đồng loại, người quân tử luôn giữ lòng trung thực, hành động cẩn trọng, biết kiềm chế, luôn cân nhắc trước khi quyết định sự việc, người Quân tử luôn nghĩ đến việc nghĩa nhân, không vì lợi lộc mà quên nghĩa ân, khi được quyền lợi chính đáng biết nghĩ đến người khác! Nếu là giai cấp lãnh đạo thì những người Quân tử thường lấy quốc gia, xã tắc làm trọng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết thảy. Nói chung người quân tử không thể nào là những kẻ phàm phu tục tử, phản dân hại nước...
Vậy có thể nói người quân tử dù cách nầy hay cách khác và trong bất cứ hoàn cảnh nào ít nhiều gì cũng đều là những người trung kiên, yêu nước, thương dân không thể nói khác hơn!!! Sử sách còn ghi bao tấm gương tiết hạnh, trung nghĩa vẹn toàn: “Hai nữ vương Trưng Trắc-Trưng Nhị trầm mình xuống dòng sông Hát quyết không để cho giặc bắt, Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước nam chứ không thèm làm vương đất bắc, Nguyễn Tri Phương quyết không để giặc băng bó vết thương, nhịn ăn mà chết khi thành Đà Nẵng thất thủ....Thời chống Pháp, chống Mỹ nhiều nhân sĩ, trí thức cho dù được đào tạo từ một nền giáo dục thực dân, đế quốc nhưng vẫn mang tâm huyết, nung nấu ý chí bởi sự tồn vong và nền độc lập chủ quyền của dân tộc để suốt đời cống hiến. Nhiều tấm gương điển hình như: Giáo sư Trần Văn Giàu (dù có nhiều dư luận đánh giá, xét lại công trạng nhưng ông cũng do chế độ thực dân đào tạo), Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng, Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ... Khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thanh bình những bậc cao nhân ấy trở về cuộc sống đời thường không cậy công, không tận hưởng an nhàn mà đã trở lại là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, viết sử để suốt đời cống hiến sống một cuộc sống thanh cao, giản dị không đòi hỏi, công thần...không để con cháu ỷ thế, cậy quyền làm những điều càn bậy, xách nhiễu.
Tinh thần Quân tử cách đây ba mươi sáu năm cũng khác! Ngày ấy nhiều người kỳ vọng rằng nếu không có công cuộc “giải phóng miền Nam”, Sài gòn sẽ tất loạn, người ta trông chờ ở một chế độ mới an bình, ấm no hạnh phúc và tốt đẹp hơn… nhưng sau chừng đó năm, thực tế lại hoàn toàn trái ngược! Suốt một thời gian dài tận mãi cho đến bây giờ người ta mới nhận thấy rõ nó loạn lạc hơn bao giờ hết? Đó là một sự đánh đổi về tư tưởng của cả một thế hệ tương lai, ở đó biết bao giá trị tinh thần, nhân văn; bao tấm gương tiết trung, phẩm hạnh bị bách hại, chà đạp thay vào đó là những lối sống thực dụng, vô cảm và hưởng thụ, mạnh ai nấy sống, chết ai nấy chịu. Vô vàn những câu chuyện pháp đình: con cháu chưởi mắng, đánh giết ông bà-cha mẹ, vợ giết-đốt chồng, chồng ngược đãi hành hạ giết vợ, cha giết con; học trò đánh thầy cô, thầy giáo dụ dỗ, ép trò vào nhà nghỉ, hiệu trưởng mua dâm học sinh, chốn học đường lan tràn bạo lực...Bên ngoài xã hội rộng lớn thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, hành xử bạo lực, giang hồ cát cứ còn dữ dằn hơn: chỉ một cái nhìn cho rằng đểu hay chỉ một lời nói vu vơ, vô tình lại có thể nhẫn tâm tước đi mạng sống đồng loại một cách ngang nhiên, vô cớ. Nhiều vụ va chạm bình thường lại dẫn đến, xô xát, ấu đả đánh giết nhau nhưng chẳng còn một ai dám can ngăn vì những vụ truy sát, trả thù tàn độc.
Trước ngày giải phóng: ma túy, mại dâm, băng đảng, giang hồ tụ tập chỉ có ở những tỉnh-thành, thị tứ sầm uất hoặc chỉ những nơi có lính Mỹ đồn trú... còn ngày nay tụ tập băng nhóm ở đâu cũng có từ những thành phố, thị xã, thị trấn cho đến những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh ở đâu cũng có băng nhóm cát cứ địa phương, nó giống như một xã hội sơ khai, bộ tộc thời xa xưa! Ma túy, mại dâm lan tràn được che giấu, núp bóng dưới nhiều hình thức, nhiều dạng...Và ở một khía cạnh khác: Công an lạm dụng quyền hành vô cớ đánh đập, hiếp đáp dân chúng, giết người dựng hiện trường giả, điều tra án chưa chắc chắn người dân có phạm tội hay không hầu hết là dùng nhục hình dẫn đến việc nhiều người từ đồn Công an ra về thường: “từ chết cho tới bị thương”. Bộ máy công quyền tham ô, tham nhũng; hành xử theo kiểu ban phát để sinh lợi, kiếm chác. Người nói thẳng, nói thật bị trù dập, bị bắt bớ, bị giam cầm, đó chính là những cách hành xử bạo lực mà giai cấp lãnh đạo dành cho thần dân của mình...
Trong giới giang hồ Sài Gòn ngày trước (trước 30/04/75), họ không thẳng tay với người ngã ngựa, không xuống tay với kẻ buông dao. Trộm cướp thường lấy của người giàu có, không đụng chạm đến người nghèo khó. Hiếm khi họ cố sát, giết người; chuyện xảy ra chết người là vô ý hoặc bất khả kháng khi trốn chạy. Những cô gái sa chân, lỡ bước có hoàn cảnh dấn thân vào cái nghề thấp hèn trong xã hội nhưng họ vẫn còn lòng nhân “ăn bánh trả tiền” sòng phẳng không lừa lọc khách qua đường, không đánh tráo, gây mê cướp đoạt tài sản của người mua vui, họ cố giúp đở bạn đồng cảnh ngộ và con cái quan chức ngày trước tuy ăn chơi, xài phí, bạt mạng nhưng họ sòng phẳng, ít khi càn gỡ quấy nhiễu, không dùng tiền của, vật chất dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài để gạ gẫm, dụ dỗ hại đời các cô gái trẻ nhiều như bây giờ... Còn ngày nay, các băng nhóm giang hồ chúng như những con thú dữ, chúng triệt hạ, truy sát đối thủ cho đến bằng chết mới thôi; trộm cướp, giật dọc không từ cả những người lượm ve chai, bán vé số; những cô gái sống bằng nghề bán thân nuôi miệng bị khống chế, bảo kê bởi mặt rô, lưu manh đã trở nên chai sạn, đanh đá. Bọn du thủ, du thực công tử, cậu ấm dáng vẻ sang trọng, hào nhoáng bên ngoài chuyên dụ dỗ bạn học, gạ gẫm tình ái hại đời bao cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin chỉ để lấy danh tiếng. Và như đã nói ở trên Công an họ chỉ giỏi đánh đập, đàn áp dân lành, ít khi nào xảy ra những vụ thanh toán lẫn nhau mà họ dám đến để ngăn chận hoặc khống chế vì trong thâm tâm của họ thường là: “để chúng nó thanh toán với nhau chết thằng nào đở thằng đó”, khi người dân bị bọn xã hội đen dọa dẫm truy sát dù nhận được tin báo khẩn cấp, trợ giúp họ vẫn không đến... công việc của họ luôn là: “bận họp hành, đi cơ sở hoặc chưa có gì nghiêm trọng” Nghiêm trọng theo họ thì người dân lương thiện đã đi chầu Diêm vương hoặc gặp quỷ sứ mất rồi.
Có những chế độ phong kiến ngày xưa, từ bậc vua chúa, quan lại xuống cho đến thứ dân thấp hèn, tồn tại trong tiềm thức là một bản năng chính nhân quân tử. Vì thế mới giữ được tôn ti trật tự bảo đảm cho nền nếp văn hóa, truyền thống cùng với tinh thần tương thân, tương ái ở cộng đồng dân cư làng mạc thuở xưa được duy trì vì vậy mà không xảy ra một xã hội bần cùng tha hóa, đạo đức suy đồi như ngày nay... Nhiều triều đại ngày trước có những thời yên ổn thái bình, thịnh trị đúng nghĩa: “ngày ra khỏi nhà không cần canh giữ, đêm đi ngủ cửa nẻo không cần đóng cài; không xảy ra mất mát, trộm cắp, làng xóm yên ổn người nào việc đó không tranh chấp, gây gỗ, không ẩu đả gây mất trật tự xóm làng”. Văn hóa truyền thống tác động vào ý thức vào cộng đồng nên tự điều chỉnh lấy mối quan hệ trong xã hội mà không cần đến hệ thống pháp luật can thiệp do đó một nhà nước, một dân tộc thuần Việt dù trãi qua bao cuộc xâm lăng bởi giặc phương bắc, trãi qua bao thăng trầm lẫn biến cố của lịch sử vẫn tồn tại vững bền không bị đồng hóa, không bị nhầm lẫn với dân tộc lân bang đó là nhờ vào sự giữ gìn được nền nếp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tinh thần ba lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược cùng với Chi Lăng, Đống Đa mồ chôn giặc phương bắc thế mà ý chí ấy ngày nay đã không còn, chỉ còn lại những ý thức hạn hẹp bởi sự cố bám giữ lấy một hệ tư tưởng sáo mòn, cũ kỹ và giáo điều nhưng thực ra là khư khư bám giữ quyền hành, lợi ích riêng tư của một nhóm người để rồi đẩy cả một dân tộc gọi là anh hùng trở nên yếu hèn, khiếp nhược trước ngoại bang! Giai cấp lãnh đạo họ đang làm gì cho đất nước, cho dân tộc vậy? Ngoài việc đang tâm bán rẻ cả một dân tộc anh hùng bằng việc nhượng đất và mất cả biển đảo của tổ quốc, dửng dưng để bọn giặc bắc phương tác oai, tác oái chiếm lấy đảo, lấn át biển khơi, giết hại ngư dân vô tội, khai thác boxit nơi trục xương sống địa thế hiểm yếu, nơi gánh hai đầu của đất nước, một khi trục xương sống bị bẻ gãy thì họa mất nước hoặc bị chia cắt là điều khó tránh khỏi. Việc khai thác rừng đầu nguồn, nơi mà những nhà khoa học đều khuyến cáo gây mất cân bằng sinh thái, nhưng vì lợi ích trước mắt của một nhóm người và lợi ích cục bộ địa phương mà những người lãnh đạo địa phương, lãnh đạo đất nước nầy bất chấp những thiên tai, dịch họa luôn chực chờ giáng xuống đầu dân chúng. Những người cai trị đất nước nầy họ chẳng có một động thái phản kháng nào mà trái ngược họ lại bắt bớ, giam cầm chính những công dân nước mình, những nhà bất đồng chính kiến dám chống đối những dự án sai trái, dám nói lên sự thật vì lòng yêu nước, thương dân; họ đàn áp học sinh, sinh viên biểu tình chống bọn bành trướng bắc phương một bọn người chẳng đáng mặt đàn anh chí nhân quân tử.
Người xưa có câu: “ thượng bất chính, hạ tất loạn” hiểu theo một nghĩa khác: trên chỉ lo thu vén, nhũng nhiễu, vơ vét cho đầy túi tham thì những gì còn sót lại trong lòng xã hội là của cấp dưới và của dân thường! Đó là một xã hội nhiễu loạn, đầy rẫy những bất công, bất an, bất nhân và bất nghĩa không thể nào kể ra hết và cũng không thể nào diễn tả hết những nỗi đau nếu là người việt Nam thường tự hào là một dân tộc anh hùng... Thử nghiền ngẫm lại những gì đã và đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp đất nước trong hơn ba mươi sáu năm qua? Đó là những mánh lới triệt hạ lẫn nhau trên thương trường; gian dối, bất minh trong giao thương, buôn bán, lừa dối bóp méo che giấu sự thật, gian dối trong cách làm, cách nghỉ nói một đường làm một nẽo, nói nhiều nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu! Người nói lên sự thật bị bách hại, người nói theo được trọng dụng...Với những bản án tù không thuyết lòng người nhưng đủ làm thui chột tài năng và làm cho những bậc chính nhân quân tử ngày càng hiếm hoi. Phân tích lại những diễn biến trong cuộc sống hàng ngày để chiêm nghiệm và lên án những xấu xa, tiêu cực trong xã hội chứ thực ra cứ nhìn đời, nhìn xã hội thấy toàn những chuyện bất công, bất nhân, bất nghĩa thì tâm trạng lúc nào cũng cảm thấy bất an, sợ sệt, luôn phải sống trong những nỗi ám ảnh, lo sợ vu vơ.
Người nông dân luôn nom nớp lo sợ rồi các dự án vô bổ sẽ ập tới nơi đất đai ông bà tổ tiên gầy dựng bao đời sẽ rơi vào các dự án vô bổ hoặc thiếu minh bạch là những dân oan, là những người mất nhà, mất đất, bởi do chế độ đã tiếp tay và dung dưỡng làm giàu cho bọn cường hào ác bá, bọn tư sản gian manh kiểu mới.... vì đủ thứ dự án, quy hoạch đều là một thứ công cụ hợp pháp để giai cấp thống trị ngang nhiên tước đoạt công sức bao đời của cha ông, tổ tiên gầy dựng và để lại cho con cháu giống như những kẻ cướp ngày mà một câu vè ngày xưa đã vạch mặt: “Con ơi hãy nhớ câu nầy-cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Còn giai cấp công nhân nhưng thực chất họ cũng chỉ do từ giai cấp nông dân mà ra và đã phải hao công, mòn sức trong những nhà máy, xí nghiệp với những đồng lương rẻ mạt mà không nhìn thấy một tương lai sáng sủa, hầu hết họ từ những vùng miền quê nghèo nàn, chán cảnh chân lấm tay bùn, quầng quật suốt ngày tháng trên ruộng đồng nhưng quanh năm cũng không đủ ăn, đủ mặc hoặc bị mất đất, mất nhà do những dự án và đủ kiểu quy hoạch như đã nói trên. Vì vậy họ phải rời bỏ làng quê tìm nơi thị tứ để bán sức lao động mong sao thoát khỏi đói nghèo và gửi tiền về để phụ giúp gia đình nhưng có mấy ai trong số họ gặp may để có cơ hội làm giàu hầu hết là phải làm cật lực tăng giờ, thêm ca ròng rã sức lao động trong những nhà máy, xí nghiệp với những đồng lương rẻ mạt so với công sức của họ bỏ ra và cái thiệt thòi vô hình trước tiên là sức khỏe, là tuổi trẻ so với thời gian bởi khi nhìn lại nó đã qua đi một cách nhanh chóng và khi nhìn lại chỉ thấy tuổi già đang tới và sức lực thì đã tiêu hao quá nhiều cho sự tranh đấu để sinh tồn...
Và thử rà soát, điểm mặt hai ngành quốc kế an sinh là giáo dục - y tế: Trường học là nơi đào tạo nhân cách, là nơi ươm mầm cho một thế hệ tương lai, rường cột của đất nước! Thế nhưng trường học lại là nơi học trò đánh thầy cô, thầy ép học trò quan hệ, hiệu trưởng mua dâm, môi giới học sinh trẻ vị thành niên, là nơi trấn lột, hiếp đáp bạn học, là nơi nam sinh cổ vũ, khuyến khích các bạn nữ sinh đánh nhau lột trần bạn học rồi tung lên mạng để mọi người cùng xem. Việc thử nghiệm cải cách, cải tiến đủ kiểu nhưng kết quả chỉ gây tổn hại, lãng phí tiền của, công sức và thời gian; việc dạy thêm, học thêm tràn lan làm khổ sở cho học sinh lẫn phụ huynh. Đối với ngành y lại càng tệ hại không kém, những nơi nầy không còn là nơi khám chữa bệnh, là nơi cứu người nữa mà từ lâu nó đã trở thành là nơi kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân và gia đình người bệnh, là nơi để thí nghiệm, thử thuốc trên cơ thể sống! Khi thuốc nầy uống không khỏi bệnh lại chuyển sang thuốc khác, là những nơi dùng thân xác bệnh nhân để thí nghiệm vì một trăm ca mổ thì hết chín mươi chín ca nhiễm trùng; có những ca mổ lại bỏ quên bông băng, dao kéo trong bụng bệnh nhân, thật là không còn chỗ để nói hết.
Nói chung hai ngành quốc kế và an sinh xã hội đã và đang mục ruỗng, xuống cấp thì nó sẽ kéo theo cả một xã hội suy đồi là lẽ thường tình... Y đức ngày nay chỉ là nơi các điều dưỡng, y tá, y sỹ, bác sỹ kinh doanh, kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Khi cần khám chữa bệnh, người bệnh không đến được nơi mình cần muốn đến, muốn khám chữa bệnh trước tiên là mối quan hệ quen biết nhằm được quan tâm và khám chữa trị nhanh, là nơi những người giàu có, thu nhập ổn định mới dám tìm đến. Vì vậy mà đa số những người lao động nghèo thường hay tìm đến những hiện tượng siêu nhiên, thần bí để cầu xin ơn cứu chữa tật bệnh hoặc giải tỏa đi bao nỗi khó khăn, bế tắc trong đời sống hàng ngày như: “ngôi vườn phép lạ ở Long An trước đây, linh mục Bửu Diệp ở Cà Mau, Đức Mẹ Tà Pao ở Phan Thiết, Đức Mẹ La Vang ở Huế....”. Giáo dục không còn là nơi đào tạo nhân cách, mầm ươm nhân tài mà đang dần dần sản sinh, đào tạo nên một thế hệ nói theo, nói leo, một thế hệ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu; xử sự gian manh, ngỗ ngược đối với gia đình và xã hội như đã trình bày ở trên, một thế hệ vô cảm, vô nhân chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ và hèn nhát. Đó mới chỉ nói đến hai ngành chủ lực một nơi đào tạo nhân cách, mầm ươm cho thế hệ tương lai và một nơi cứu chữa giành giật sự sống cho con người.
Thực tế sinh mạng con người là một vốn quý không thể mua bán hay đánh đổi được! Thế nhưng một cơ thể sống bây giờ trở nên quá rẻ rúng trong xã hội đương đại mà bất cứ một thế lực hay một tác động vô ý cũng có thể tước đoạt đi một cách dễ dàng. Ví dụ chẩn đoán sai, điều trị không đúng cách gây chết người của ngành y tế, nhưng có rất nhiều lý do mù mờ để né tránh trách nhiệm và chạy tội, công an lạm dụng quyền hành đánh chết người rồi dựng hiện trường giả ngụy tạo nên một cái chết đột tử do bệnh lý hoặc tự sát, rồi bao nhiêu cái chết oan uổng xảy ra hàng ngày, hàng giờ do tai nạn giao thông, do rơi cống, té rãnh, điện giật, cây đè... Trong đời sống xã hội hàng ngày hơn thua nhau qua từng lời ăn, tiếng nói, trong từng hành động, khiến cho xã hội ngày càng tẻ nhạt và lạnh lùng luôn cảnh giác lẫn nhau; lo sợ bị giật dọc, lường gạt, đánh lầm, chém nhầm và vô vàn tai ương khác đang chực chờ giáng họa khó thể nào kể xiết.
Ngày nay, tìm kiếm những bậc chính nhân quân tử quả thật hiếm hoi! Nói hiếm có nghĩa là vẫn còn, may sao vẫn có những bậc trí gia thức giả không bị khuất phục bởi các thế lực của cường quyền; không sợ tra tấn, tù đày và khủng bố về mặt tinh thần. Đó là những: Linh mục Nguyễn Văn Lý, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ và các Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Kỹ sư Đỗ Nam Hải, Phạm Thanh Nghiên, Bác Sỹ Nguyễn Đan Quế, Cựu quân nhân Trần Anh Kim và những nhà dân chủ khác vẫn đang âm thầm đấu tranh cho dân chủ-tự do, cho công bằng xã hội và vì sự phát triển, tiến bộ của đất nước.... Nói theo văn phong thời xa xưa! Họ là những bậc chính nhân quân tử, là những anh hùng hảo hớn và ngày nay họ là những người trí dũng! Dám nói lên sự thật, dám công khai tố cáo những hành vi bán nước, hại dân; nói chung họ đã chọn cho mình một con đường chông gai để đi và một lý tưởng sống có hoài bảo. Có một thực tế thật đáng buồn! Con dân nước Việt không thiếu những người có học vị cao nhưng kiến thức lại bó hẹp, bởi mù điếc thông tin và không nắm bắt quy luật vận động của xã hội đang phát triển từng ngày, từng giờ họ không phân biệt được đâu là phải trái, đúng sai mà vẫn muôn thuở giáo điều khi họ cho rằng những người đang chịu hy sinh, khốn khổ nơi chốn tù đày để cổ vũ cho dân chủ, cho nhân quyền là những kẻ hoang tưởng, ngông cuồng.
Phác thảo về nền pháp trị hiện nay: Không thể dựa vào những điều luật mơ hồ vô căn cứ để triệt tiêu những tiếng nói lương tri nhằm phản tỉnh chế độ và cũng không thể dùng những phiên tòa rừng rú để bóp nghẹt dòng máu nóng, những trái tim nhiệt huyết của cả một thế hệ tương lai, của những người giàu lòng yêu nước, để biến họ trở nên thờ ơ, vô trách nhiệm và tàn ác đối với dân tộc, với đồng bào, với vận mệnh của tổ quốc nhưng lại thụ động, hèn yếu và khiếp nhược trước ngoại bang. Không thể vận dụng một điều luật trái với hiến pháp để áp đặt và triệt tiêu về lòng yêu nước của mỗi người con dân nước Việt. Không thể để nòi giống “Tiên Rồng” sản sinh và đào tạo nên cả một thế hệ bạc nhược, thờ ơ và vô trách nhiệm trước mỗi sự kiện lịch sử của dân tộc lẫn vô trách nhiệm trước thời đại, văn minh, tiến bộ của xã hội loài người.... Bởi vì luật là do con người tự đặt ra, luật không phải từ trời ban xuống theo quan niệm cổ xưa của thời đại phong kiến để mị dân nên luật không phải là bất di, bất dịch. Một xã hội văn minh đều có thể triệt tiêu nó hoặc sửa đổi, bổ sung nó sao cho phù hợp với xu thế của thời đại, thời cuộc và phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, một sự phát triển đồng bộ và bền vững cho đất nước và cho cả dân tộc. Một nhà nước pháp quyền dân chủ, nhân quyền thực sự ở đó không có sự áp đặt và can thiệp thô bạo vào quyền và ý chí tự do cá nhân.
Nếu nhìn đời, nhìn xã hội, nhìn mọi người chung quanh bằng những điều tốt đẹp và tích cực thì đời sống xã hội sẽ tốt đẹp biết dường nào! Ta đang sống ở một đời sống thực tại nếu mắt thấy, tai nghe toàn những điều tốt đẹp thì xã hội đó đã là nơi tiên cảnh, thiên đường chứ không còn là chốn trần gian ngự trị và ngược lại sống trong một xã hội luôn chất chồng những điều tệ hại, xấu xa, ác nhân, phi nghĩa và luôn phải đối mặt với những vất vả, lo toan với bao tai ương, tật bệnh thì ở đó là chốn hỏa hình, địa ngục chứ không còn là nơi trần gian thực tại nữa... “Quân tử” mong sao đất nước có đấng minh quân đức tài, có nhiều bậc cao minh, chính nhân quân tử đích thực giúp sức để đưa con tàu đất nước đổi mới trọn vẹn đi đến bờ bến an toàn đó là một xã hội phát triển toàn diện và thật sự công bằng, dân chủ, văn minh. Mong sao lời nói luôn đi đôi với việc làm và cách quản lý, điều hành đất nước không chỉ bằng khẩu hiệu và những lời nói suông.
Sàigon
http://danlambaovn.blogspot.com/2011/12/nguoi-quan-tu.html#more
No comments:
Post a Comment