Friday, 9 December 2011

Học Để Làm Gì?-Lê Tùng Châu

(Loạt bài Giáo Dục cho VN hậu CS-nhóm NVVDTV)
-Bài 2-


Trước khi vào bài:
Kính thưa bạn đọc,
Lịch sử, dù hiểu theo nghĩa nhỏ nhất là những việc vừa xảy ra, cũng rất có ích cho cuộc sống con người nếu chúng ta biết thành thực, chăm chú xem xét, phân tích những ý nghĩa, quy luật mà các sự kiện đã diễn trong cộng đồng người, sau đó rút ra những bài học quý giá cho bước đường sắp tới: tránh những sai lầm và thiết lập bước đi mới tối ưu nhất có thể!
Loạt bài này, vì thế, tôi muốn cùng các bạn tiếp cận vấn đề theo cách trực quan và ngắn gọn bằng cách rút tỉa, đối chiếu với những diễn biến đã xảy ra, qua những gì người cộng sản đã thực thi trên đất nước Việt nam. Chân lý sẽ xuất lộ sau những nhận định trung thực ấy.
Sở dĩ có những thao thức, băn khoăn này, là cũng bởi người cộng sản đã hoàn toàn thất bại sau hơn 60 năm độc chiếm vũ đài chính trị quốc gia. Những thất bại của họ ngoài tác động thương đau oan uổng cho xứ sở là đem lại một VN đói nghèo và tan nát về đạo đức như hiện nay, mặc khác, nó còn rất có ích cho chúng ta khi ta muốn thiết lập một đường hướng mới, thổi một luồng sinh khí mới mẻ thơm tho cho VN hậu CS. Những thất bại của CS chính là vết xe đổ to nhất, lời cảnh tỉnh lớn nhất, răn mình cho những ai muốn tìm một kế sách thành công sáng lạn cho quốc gia dân tộc trong mai hậu.



Học Để Làm Gì?
Lê Tùng Châu

Phần 1: Câu trả lời từ cộng sản

Một quốc gia sẽ không bao giờ có tương lai khi những người trẻ, tức là hạt giống của xứ sở đó, mà hư hoại gần hết ....như thanh thiếu niên VN hiện nay.
Do đó, nếu chúng ta còn tâm huyết, có thao thức, âu lo thực sự cho tương lai nước nhà, thì điều trước hết là chúng ta phải Nói Thật, Nghĩ Thật Không Tránh Né, đặng cùng nhau tìm đâu là nguyên nhân mà cùng nhau chung tay sửa đổi.

Tôi xin giới hạn chủ đề quanh việc văn hóa ứng xử, học làm người, hay nói cách khác, chỉ gói gọn ý chính trong phạm vi nhân văn của học sinh, sinh viên (rồi về sau họ sẽ là những công dân, thâm chí là quan chức to nhỏ, hay nguyên thủ quốc gia…) chứ chưa nói tới lĩnh vực kiến thức phổ quát bắt buộc khác phải có của một “trí thức” như khoa học Toán (Toán) và khoa học thực nghiệm (Vật lý, Hóa học), Information Technology.

Tôi cho rằng, bạn:

ĐỪNG:
A - Bạn đừng than vãn sao vào công sở hay nơi phố chợ, trên các nẻo đường, mà gặp quá nhiều người vô văn hóa (ứng xử)

B - Bạn đừng than vãn sao ngày càng nhiều sinh viên học sinh (SVHS) VN gần như chẳng có bao nhiêu trình độ học vấn mà lại quá nhiều hư hỏng đua đòi: bỏ học - mua bằng, ngồi cafe, chơi game, đua xe, thậm chí trai gái, đánh ghen, đánh nhau dành "gái", ngay từ cấp 2! Năm sau nhiều hơn năm trước! Đến nỗi tự những diễn biến xám đen này của lớp học trò nhỏ đã sản sinh ra cái "phrase" quái gở nhất: Bạo Lực Học Đường (nếu bạn bình tâm nghĩ kỹ thì bạn sẽ thấy không sao hiểu nổi cái lối nói vô nghĩa ấy), một tên gọi chưa từng có để chỉ nơi trường học có học trò đánh giết nhau tận tình!

C - Bạn đừng than vãn sao xã hội ngày càng tan nát về đạo đức, suy đồi tàn mạt về phong khí xã hội. Ở đâu cũng có trộm cắp cướp giật. Ngồi với bạn hay một mình, dù là trong quán café sang trọng chớ không phải ngoài công viên, vẫn bị giật điện thoại hay tài sản quý giá khác v.v…Hễ bước ra đường là hầu như không còn an toàn, hiểu theo nghĩa giản dị nhất, cũng khó có, nhất là nơi các thành phố lớn! Các tội phạm hình sự tầm thường man rợ nhất như từ thưở man di: chỉ quanh quẩn trong vòng tiền, của --> mạng người, bất chấp là người xa lạ cho đến người có cùng huyết thống máu mủ gia tộc. . .ngày càng nhiều và vô luân khủng khiếp!


HÃY:

A1 : --> Bạn hãy tự hỏi 10, 20 hoặc 30 năm về trước, những người ứng xử vô văn hóa kia HỌC cái gì? ở đâu?

B1 : --> Bạn hãy tự hỏi các em học sinh cấp 1, 2, 3 rồi là sinh viên, đã HỌC cái gì? ở đâu?

C1 : --> Bạn hãy tự hỏi những kẻ cướp giật, những tội phạm vô luân hiện nay 10, 20 hoặc 30 năm về trước HỌC cái gì? ở đâu?

Chắc hẳn bạn cũng như tôi không khó gì mà không trả lời được: tất cả đều học Mác Lenin, HCM; và học dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa”, do những đảng viên CS-cán bộ giáo dục (giáo viên) dạy.

Bạn kinh ngạc lắm hả? Chính thủ phạm là ở đó, là “lỗi hệ thống” đó đó!

Xin trích từ bài Học Sinh "Hư" Đi Đâu? của Như Thuần: “ . . . trường học là nơi ngoài gia đình chịu trách nhiệm về nhiều biến động cả tốt lẫn xấu về tinh thần và thể chất của học sinh, trong khi nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường được coi là giáo dục con người. 
Theo GS.TS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay cả khi các quy định cho phép việc xử lý học sinh đến mức cao nhất – có thể nói tận cùng và cần thiết - là đuổi học, ngay cả khi việc vi phạm các quy tắc đạo đức của học sinh trở nên thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn, thì các thiết chế của hệ thống, từ người thầy cho đến ngành giáo dục và cả xã hội, cần phải xem lại chương trình giảng dạy . . .” - hết trích

Không chỉ tôi mà Như Thuần hay cựu bộ trưởng giáo dục cũng quy về chỗ lỗi GỐC đó: chương trình dạy

Một chương trình dạy học, giáo dục, đào tạo cho thanh thiếu niên biết bao thế hệ đã qua, bốn, năm, sáu chục năm qua cho tới giờ này, đã không còn thể nào chối cãi, bào chữa gì được nữa: phá sản và hoàn toàn thất bại!

Vậy ta hãy thử xem xem cái chương trình ấy nó dạy cái gì mà trẻ con hư hết vậy?

Nó đã chính trị hóa học đường, dạy-bắt buộc-áp đặt cho trẻ em SVHS những gì không cần thiết cho chính các em, mà lại cần cho chính “những trò chơi” của người lớn: Chính trị.

Đã là Chính trị thì có phải có quấy, có đúng có sai, có chính có tà, có thật có dối …cốt sao thu đoạt được Quyền, Lợi về cho phe phái mình, cho nên dù mình có bậy có quấy cũng nói thành hay thành giỏi, dù mình có thua cũng bảo rằng thắng, dù mình có dốt nát u tối cũng tự phong là “đỉnh cao trí tuệ”, dù mình vô học bất tài chẳng sáng tạo được gì, chẳng làm ra được đồng nào, toàn ăn theo phát minh của nhân loại, toàn đi xin xỏ, vay mượn nương nhờ “thế cục” chính trị thế giới mà vẫn hô hào rêu rao đao to búa lớn nào là “phát triển” không ngừng, nào là gặt được những “kỳ tích kinh tế” mà thế giới phải công nhận v.v…Cái lối tự biên tự diễn, “tự vẽ bùa tự đeo” ấy chỉ có thể là “kế sách” trong một giai đoạn ngắn nhất thời nhằm ngụy biện, “nói lấy được” sặc mùi tuyên truyền một cách ấu trĩ đáng xấu hổ.

Trong khi việc giáo dục là việc lâu dài, ngay chính và bền bỉ với những đức tính kèm theo là:

- Chân thật, biết rõ về mình, không che đậy, không bưng bít, không ngụy tín.
- Luôn hoài nghi, tự hỏi, tỉnh táo, khách quan trong suy tư, nhận định.
- Luôn sáng tạo, không ngừng thích ứng với thời thế.
- Luôn ưu tư, tìm tòi những đường hướng hướng thượng dài lâu cho quốc gia dân tộc (Khai Phóng)

Lẽ ra phải dạy cho con trẻ biết Yêu thương, Chân thật, Ước mơ, Khám phá, thì toàn chương trình dạy kia làm ngược lại: Hận thù, Giả dối, Cầu an, Chấp nhận.

Lẽ ra phải làm gương cho con trẻ biết yêu thương thì Thầy cô trong trường học, người lớn nhan nhản trong xã hội lại hận thù, đấu đá tranh dành quyền, thu đoạt lợi.

Lẽ ra phải làm gương cho con trẻ biết Chân thật, Ước mơ, Khám phá thì Thầy cô trong trường học, người lớn nhan nhản trong xã hội lại Giả dối, Cầu an, Chấp nhận, bịt mắt bịt tai trước những bất công khi cần phải lên tiếng, cốt sao cho yên ổn phần mình là nhất!

Cái lỗi GỐC sờ sờ ra như thế, năm sau nguy cơ cao hơn năm trước, thời gian càng trôi mối họa càng đến gấp, sản sinh ra biết bao “học sinh hư” và là nguyên nhân gây nên một “cánh đồng chết” bao trùm toàn xứ sở như thế mà không chịu “hồi đầu thị ngạn-quay đầu là bờ” thì cái hiểm họa không bom đạn này sẽ còn kinh hoàng hơn trăm ngàn lần chiến tranh nữa.
 * *
*
Tóm lại, chúng ta có câu trả lời từ phía người cộng sản (qua những gì họ đã làm), đó là:

1 - Học để theo bác, đảng (chính trị hóa, tuyên truyền, nhồi sọ) .
2 - Học để kiếm cơm một cách an nhàn. 
3 - Học để có bằng cấp.

Và ta thấy gì?

1 - Hoàn toàn sai lầm: một đoàn thể chính trị chẳng qua chỉ là một tổ chức quy tụ những người có cùng chính kiến, quyền lợi, mưu cầu, trong một giai đoạn nhất định và tính nhất quán trong đoàn thể ấy còn tương đối hơn nữa: trong cùng một đảng vẫn có những tiểu dị, bất đồng. Đem màu cộng sản mà nhuộm chương trình giáo dục của cả một nước là một sai lầm tai hại và còn là một tội ác, vì đã làm lệnh lạc tâm trí của thanh thiếu niên.
2 - "Học để kiếm cơm"? Như thế, đã hạ thấp tè tác động của sự học, và phí phạm biết bao cái kho tàng của sự học?
3 - chính vì sự học bị hạ thấp xuống hàng kiếm cơm nên người ta chẳng cần học mà đi ngang về tắt bằng cách mua bằng là xong! chỉ cần trưng ra tờ giấy chứng nhận có đóng dấu gọi là bằng kia thì nghiễm nhiên được công nhận, vậy thôi còn phải nhẫn nại sớm hôm dùi mài sách vở tìm tòi học hỏi làm chi cho hao người?
* *
*

Từ 1954 ở miền Bắc, sau khi nắm trọn quyền, người CS đã áp dụng trọn vẹn mục tiêu 1-  trong suốt 20 năm
Từ 1975 sau khi chiếm miền Nam, người CS nới rộng mục tiêu 1- thêm hơn 10 năm nữa.
Chỉ được hơn có 10 năm là bởi những chính sách hoang tưởng lên đồng của họ về một ảo giác "kinh tế XHCN", "Mac Lê vô địch" v.v...của họ đã hoàn toàn thất bại, từ 1986 - 1990 còn là những năm hấp hối của cộng sản thế giới. Tỉnh dậy sau cơn mê 10 năm, người CS đứng trước thực tế kinh hoàng là họ sẽ bị đào thải, do đó họ nhanh chóng thay áo. CS thế giới hoàn toàn sụp đổ sau biến cố cách mạng Ba Lan và rồi cả dải Đông Âu đã lật đổ cộng sản khiến tương quan thế giới đổi thay chóng mặt. Tiền kiều hối, hàng tiêu dùng do người Việt tịn nạn ở hải ngoại gởi về bắt đấu nhiều lên, tư bản châu Á mon men vào đầu tư...cho đến 1994 khi TT Mỹ Bill Clinton chấm dứt lệnh cấm vận VN, rồi 1996 quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ, (kéo theo tư bản Mỹ và Châu Âu vào VN ồ ạt để tìm nguồn nhân công và chi phí sản xuất rẻ), thì từ đây một luồng thay đổi hỗn tạp và chụp giựt xảy ra ngay trong hàng ngũ đảng: đua nhau làm giàu công khai, đua nhau cách sống thời thượng, mode, xái xe gắn máy, quần jean...là những thứ, mới mấy năm trước thôi, hễ nói tới là bị quy kết phản động, theo chân "đế quốc" liền!
Cũng từ đây, sự gian dối trong sự học bắt đầu lên ngôi cũng nhanh chóng không kém: 2-3- bắt đầu cũng từ mốc này: người ta cần kiếm tiền, làm giàu bằng mọi cách thì trong đó, cách nào nhanh gọn nhất càng hay. Càng là quan to, đảng viên gộc, càng kiếm khá bộn! muốn vậy, cần phải có bằng cấp để hợp lí hóa việc leo cao trong hàng ngũ "lãnh đạo" (tôi còn nhớ năm 2002 trên tờ Tuổi Trẻ, khi đăng tên Trương Tấn Sang trong mục "bầu cử đại biểu quốc hội", người ta ghi phần bằng cấp -trình độ học vấn- là: "Đại Học Luật". Thực khôi hài, chưa thấy ở xứ sở nào trên thế giới này có cách khai trình độ học vấn một cách mập mờ lấp lửng như vậy?). Câu phương ngôn: "Dốt như chuyên tu, Ngu như tại chức" nổi lên cũng trong thời kỳ này đây. Vì sao? Vì người ta cố mọi cách kiếm mảnh bằng để leo cao nghĩa là càng dễ kiếm bộn hơn!
Việc không học mà thay vào đó là mua bằng còn diễn ra tinh vi và kéo dài cho tới nay. Nhưng nó biến tướng qua nhiều hiện tượng phức tạp và hỗn loạn: việc mở trường Đại Học để kiếm lợi vô tội vạ, chồng chéo, trùng lắp và gian dối nữa, thu học phí tăng cao dần dần và cho tới nay đã rất "khủng", cho thấy cái sa đọa phát triển nơi con người thì vô cùng nhanh, mạnh và mất kiểm soát! Năm 2003, Nguyễn thiện Nhân làm "bộ trưởng Giáo dục', và nhanh chóng hô hoán "chống bệnh thành tích" trong hệ thống trường học. Nhưng cũng chính người này sau đó 2 năm, đã tuyên bố "phấn đấu đến 2020, VN sẽ có đại học lọt vào top 20 thế giới". Tại sao Nguyễn thiện Nhân biết rõ cái đà xuống dốc ngoài tầm kiểm soát của đảng của ông ta về sự học của đất nước mà lại hô hoán như thế? là để tiếp tục lừa dối dư luận, đánh vào tính háo danh của người Việt.
Nhưng dù sao chúng ta cũng có một trả lời nữa của "giáo dục cộng sản" là: Học để có thành tích (VN sẽ có đại học lọt vào top 20 thế giới, mà chả cần biết chả cần lo lắng học sinh sinh viên học cái gì? có thực học hay không, có khả dụng sau khi ra trường hay không?)

* *
*
Học hẳn nhiên là không phải để theo bác nào đảng nào rồi, cũng chẳng phải chỉ để kiếm cơm, và càng không vì cái bằng cấp kia, vậy Học để làm gì? Đó là đề tài mà tôi mời bạn cùng suy nghĩ ở Phần 2: Câu trả lời từ chúng ta

Phần 2: Câu trả lời từ chúng ta

Qua Phần 1 của bài 2 này (HỌC ĐỂ LÀM GÌ?), hẳn chúng ta đã thấy từ cách nghĩ đến cách làm của người cộng sản chỉ là giả danh sự học chứ họ không hề "có học"  theo đúng nghĩa của chữ này. Tôi tin chắc nếu tôi hỏi Nguyễn thiện Nhân -chẳng hạn- HỌC ĐỂ LÀM GÌ? và chỉ được phép trả lời trong vẻn vẹn vài ba chữ thôi, thì ông ta sẽ không trả lời được. Vì y cứ trên những gì ông ta đã làm đã là câu trả lời hỏng rồi!

Nhân Chi Sơ: Con người từ khi sinh ra, để sống được, phải học hỏi rất nhiều từ đồng loại và thiên nhiên để sống. Huống gì là học để thành người?
Học ăn học nói học chữ học nghĩa...
Khi bắt đầu hòa nhập dòng đời, con người là một thực thể bất toàn. Nhơn chi sơ, bổn bất túc. Đó là một chân lý hiển nhiên.

Trí: Do đó, học là một nhu cầu thường trực của con người, ở mọi cấp độ, mọi lứa tuổi. Đó là tính hiếu tri chỉ loài người mới có. Vì không biết cho nên phải học để biết. Càng học, càng thấy lỗ hổng kiến thức của mình càng lớn, và càng nỗ lực để lấp đầy nó bao nhiêu, bao lâu có thể! Ở phương Tây từ lâu đã có người lớn tuổi (ngoài 5, 6 mươi...) mà vẫn còn đi học. Hẳn nhiên họ chẳng đi học vì kiếm cơm hay lấy bằng. Họ học vì nỗi khao khát hiểu biết.
Chính nhờ tính hiếu tri mà con người với vóc dáng nhỏ nhoi, lại có thể làm nên bao phát minh, là chủ nhân của chính mình và trở nên bá chủ muôn loài.
Hiểu biết và khống chế ngoại cảnh, thiên nhiên chính là phép mầu giúp con người tự định đoạt thân phận mình, vừa tự sinh tồn vừa giúp cho đồng loại vượt lên những hạn mức tầm thường của kiếp người. Gương của những A. Einstein, T. Edison, Marie & Piere Curie...cho đến gần đây như Bill Gate, Job Steven v.v...là một minh chứng chắc nịch.Những "vị thánh" này của nhân loại đã sống một cuộc đời với độ dài ngang bằng như bao người khác nhưng họ đã giúp ích con người biết bao mà không hề tự viết sách khen mình hay bắt ai phải "đời đời nhớ ơn" mình cả? Họ, như thể một nghệ sỹ, bay tạt qua cõi trần và nhanh lẹ thực hiện một nghệ phẩm để lại cho đời...rồi từ biệt.
Khám phá và thể nghiệm nội tâm đã làm con người trở nên thông thái và nhuốm vẻ đẹp lung linh bất diệt qua hình ảnh những giáo chủ lớn như Đức Phật, Đức Jesus, hay các triết gia như Socrates, Kant, Lão Tử. Họ đã đem minh triết vào đời sống và biến kiếp người phù du trở nên bất tử. Nhờ họ, con người đã ý thức về mình rõ hơn và với một nền triết học Đông Tây đồ sộ, đời người cát bụi bỗng trở nên long lanh huyền hoặc như một áng thơ siêu thực. (*)

Đức: Không chỉ học để thỏa trí tầm chân mà con người còn phải học hỏi và thực tập rất nhiều với đạo đức và luân lý nữa.
Nếu anh sống 1 mình trên hoang đảo thì thảy chẳng có vấn đề.
Nhưng anh sống giữa cộng đồng nhân loại rộng lớn thì vấn đề Đức-Lý quả là một vấn đề hệ trọng. Phải cư xử với người, với đời ra sao cho phải cách, cho vẹn tình, cho đẹp lòng nhau? sống ra sao để đáng mặt là con người văn minh? Lúc nào thì dành lấy, lúc nào thì cho đi, nhường nhịn?
Nếu thuở hồng hoang, con người chỉ biết tranh dành phần được phần thắng cho riêng mình bất chấp đồng loại thì thế kỷ 20 đã có những cảnh fair play (đá bóng ra biên trong soccer khi 1 cầu thủ đối phương bị thương tích hay té ngã...): con người văn minh chỉ muốn chiến thắng một cách công bằng và quang minh chính đại, họ không thèm thắng khi giao đấu với tư thế vượt trội hơn đối phương, dù vì bất cứ lẽ gì!
Hình ảnh "quân tử" đó là một bước dài của nhân loại trong chuỗi tiến hóa "thành người" của mình: Con người có nhân tính.
Chữ Nhân Bản, có khi là một tĩnh từ, có khi là một danh từ, là một tên gọi đẹp nhất dành cho con người. Và theo đó, Phi Nhân lại là một từ ngữ có tính miệt thị lớn nhất nặng nhất mà con người phải nhận lấy.

Học Trí làm ta bớt "ngu", và học Đức giúp ta thanh lọc những tính xấu muôn thuở của kiếp người như tham lam, ích kỷ, dối trá...


Mối tương liên: Trí giúp con người sáng tỏ về mình và vũ trụ, và Đức làm con người sống đẹp với nhau.
Trí rạng thì Đức sáng. Càng học, con người càng cao thượng, hòa đồng và dễ khoan thứ cho tha nhân. Chẳng cần phải đi đâu xa mới có thiên đường, ngay tại cõi trần nếu con người có học một cách đúng nghĩa thì thế gian chả khác gì thiên đàng trong sách vở.

Tạm một tóm lược hết sức cô đọng như thế, chúng ta đã có câu trả lời ngắn gọn và đúng đắn nhất: Học là để hoàn thiện mình

hẹn gặp các bạn ở bài 3

(*): trích Gitanjali, thơ R. Tagore (tựa Việt ngữ: Lời Dâng)- trích đoạn dưới đây do Lý Chánh Trung dịch (trong “Triết Học và Đạo Đức”- Lý Chánh Trung, xb tại Saigon 1969)

…sáng tinh sương, một tiếng động nhẹ cho ta hay rằng chúng ta sẽ cùng nhau xuống thuyền, chỉ mình anh và tôi, và trên đời này sẽ không ai biết gì về cuộc hành trình vô định vô hướng của đôi ta.
Trên đại dương không bờ bến, trước nụ cười im lặng âu yếm của anh, tiếng ca của tôi sẽ vang lên thành âm điệu, thoát khỏi giới hạn lời nói, tự do như làn sóng nhấp nhô…
Vẫn chưa đến giờ khởi hành ư? Ta còn ở đây làm gì nữa?
Này, anh xem, chiều đang xuống dần trên bãi cát và trong ánh hoàng hôn, con chim bể đang bay về tổ ấm…
Ta hãy nhổ neo đi, cho con thuyền lặng lẽ trôi theo ánh sáng cuối xùng của ngày tàn và biến hẳn trong đêm tối…”



(còn tiếp)
------------
bài tham khảo 1:  

Học Sinh "Hư" Đi Đâu? của Như Thuần (Yahoo News, Thứ hai, ngày 09 tháng năm năm 2011):

Chiều ngày 5.5, hội đồng kỷ luật của trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12, TP.HCM đã họp và ra quyết định với hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học một năm đối với nhóm nữ sinh tổ chức đánh bạn và quay vidéo clip rồi tung lên mạng. Đây không phải là lần đầu tiên có một trường học áp dụng biện pháp được coi là mạnh nhất đối với học sinh vi phạm kỉ luật.

Đuổi học làm chi?


Theo quan điểm của nhà trường và phòng GD-ĐT quận 12, đuổi học là cách để giúp các em không tái phạm việc đánh nhau và tạo điều kiện cho các em có thời gian sửa đổi, rèn luyện đạo đức để trở lại học tập một năm sau đó.

Nhưng ở một khía cạnh khá “thực tế” khác, đuổi học cũng là biện pháp nhằm không để học sinh bị kỷ luật gây ảnh hưởng xấu tới việc giảng dạy, tới các học sinh khác, ảnh hưởng cả quá trình giáo dục nói chung của nhà trường, hơn là tạo điều kiện cho bản thân học sinh đó được sửa đổi.

Trên các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, hàng loạt những câu hỏi đã được đặt ra: Những em học sinh bị đuổi học sẽ đi về đâu? Liệu năm sau các em trở lại trường hay bỏ học luôn? Liệu xã hội có phải gánh chịu mọi hậu quả vì tiếp nhận thêm một công dân xấu? 

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hình thức đuổi học đối với các học sinh hư đã xưa cũ và không còn phù hợp. Một phụ huynh có nick name vuvkhoi trên một diễn đàn thắc mắc: “Buộc thôi học một năm có làm các em thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn? Hay là khi không có sự quản lý, giáo dục của nhà trường các em càng dấn sâu vào hư hỏng?”

Đó quả thật là những câu hỏi rất khó trả lời!

Trường nên xem lại trường

Xử lý thì đã làm nhiều, nhưng ít khi nào sau những trường hợp như  vậy, ngành giáo dục và đơn vị cơ sở là trường học, tự tìm hiểu xem tại sao những mầm mống có khả năng phát triển thành tội ác như vậy lại nảy nở mà mình không hay biết và không thể nhăn chặn, trong khi trường học là nơi ngoài gia đình chịu trách nhiệm về nhiều biến động cả tốt lẫn xấu về tinh thần và thể chất của học sinh, trong khi nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường được coi là giáo dục con người.

Theo GS.TS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay cả khi các quy định cho phép việc xử lý học sinh đến mức cao nhất – có thể nói tận cùng và cần thiết - là đuổi học, ngay cả  khi việc vi phạm các quy tắc đạo  đức của học sinh trở nên thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn, thì các thiết chế của hệ thống, từ người thầy cho đến ngành giáo dục và cả xã hội, cần phải xem lại chương trình giảng dạy, cách thức và biện pháp sư phạm đang được áp dụng có chuẩn mực hay không.

"Đứa trẻ hư không biến mất; nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác".
Tất cả các nguyên lý giáo dục đều thừa nhận rằng những giá trị được tiếp thu và hình thành ở mỗi học sinh luôn luôn phụ thuộc vào việc các em được giáo dục, đồng thời tiếp nhận các tư tưởng và các chuẩn mực đạo đức của gia đình và xã hội.
Hãy khoan vội kết tội cho các “công cụ” khiến các em dễ dàng tiêm nhiễm với cái xấu, vì bản thân chuyện hấp thụ cái xấu trong lứa tuổi học sinh cũng rất nhanh, trong khi việc phân biệt rạch ròi giữa cái tốt và cái xấu lại đòi hỏi cả một quá trình.

Cho nên, cũng giống như việc cảnh sát giao thông nên giáo dục mọi công dân tôn trọng luật giao thông thay vì chỉ chăm chăm chờ xử phạt, nhà trường không thể trốn tránh trách nhiệm trong việc kết hợp cùng với gia đình để giáo dục học sinh từ bỏ thói quen dùng bạo lực để giải quyết các xung đột trong thế giới học trò.

Chỗ dựa cuối cùng

Ai cũng biết, một khi đã bị đẩy ra khỏi môi trường sư phạm, thì các em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn từ xã hội.  Chuyên viên tư vấn tâm lý Lý Thị  Mai chia sẻ bà từng tiếp xúc với rất nhiều trẻ vị thành niên hư hỏng, thậm chí phạm pháp chỉ vì bị trường học, thành trì cuối cùng nơi các em có thể nương tựa, đã từ chối các em, khi mà chính các em đã không còn chỗ dựa đáng tin cậy nhất của tuổi thơ là cha mẹ.

Còn với các bậc cha mẹ có con bị đuổi học, họ không còn cách nào khác là chấp nhận hình thức kỷ luật mà nhà trường đã đưa ra cho con mình. Nhưng rồi họ sẽ lại bằng mọi cách tìm một ngôi trường khác để tiếp tục gửi con. Áp dụng biện pháp đuổi học thành ra không có tác dụng.  Đứa trẻ hư không biến mất; nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Khi tâm hồn một đứa trẻ bị hỏng hóc, không thể chữa trị chỉ bản thân đứa trẻ đó mà phải chữa trị cả cha mẹ nó. “Trong khi Việt Nam chưa có những trường học đặc biệt dành để giáo dục học sinh hư hỏng, việc kỷ luật học sinh bằng hình thức đuổi học nên được xem xét cẩn thận từ mọi khía cạnh, bằng không chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn”, bà Mai phân tích.

NHƯ THUẦN
---------------------
bài tham khảo 2: 

Trẻ đánh nhau, người lớn đứng nhìn
, Trung Dũng, Yahoo News, Thứ sáu, ngày 20 tháng năm năm 2011

Khi những đứa trẻ tuổi thiếu niên chửi nhau, đánh nhau, lột áo nhau, rồi phát tán băng hình cuộc ẩu đã trên mạng, năm ba phần lỗi là của chúng. Nhưng để xảy ra những hành vi dã man ấy không chỉ có lỗi của những đứa trẻ ở cái tuổi được gọi là vị thành niên…

“Kịch bản” cũ, tăng mức độ dã man

Sau đoạn clip nữ sinh lớp 6, 7 ở TP.HCM đánh bạn được phát hiện thì tối 16.5 vừa qua, một đoạn phim nữ sinh “tra tấn”, lột áo bạn trong lớp lại xuất hiện trên website Youtube.com.  Dài hơn 6 phút, đoạn phim này quay cảnh ba nữ sinh thay nhau bạt tai, đấm, đá, đạp vào đầu, mặt, ngực và lột áo một sữ sinh khác, kèm theo tiếng cười đùa vô cảm: “Đạp đầu đi”, “đạp mặt đi” của những người chứng kiến. “Kịch bản” không có gì mới so với 9 băng hình của những học sinh khác được tung lên mạng trước đó. Nhưng, mức độ tàn nhẫn và dã man thì thì đã tăng lên.

Và sự bất an của mọi người trước diễn biến bất thường môi trường học đường cũng đang tăng lên. Bởi sau nhiều hội thảo, hội nghị để “mổ xẻ”, kêu gọi chống bạo lực học đường thì những clip nữ sinh đánh nhau liên tục xuất hiện trở thành một thách thức nhức nhối. Những nhận định, luận bàn từ nhiều góc độ tâm lý, đạo đức, giáo dục… trước đó, rõ ràng đã không thể ngăn bạo lực học đường phát triển.

Trong các clip được tung lên, rõ ràng những nữ sinh đánh bạn đã hành xử như nữ tặc. Họ gieo rắc nỗi kinh hoàng cho bạn bè cùng trường, và điều này chỉ chấm dứt khi có sự xuất hiện của công an và còng số tám. Những cá nhân còn trẻ người non dạ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng, những sự vụ ấy đặt ra nhiều câu hỏi: Trường học có phải là nơi tốt nhất không? Tại sao học sinh đánh nhau trong trường mà thầy cô không hề biết? Cha mẹ quan tâm như thế nào đến đời sống tinh thần của con?

Ngoài bọn “trẻ hư”, không ai có lỗi?

Có sự bất cân xứng về thông tin giữa ba phía: nhà trường, học sinh, và phụ huynh. Trong khi giữ kín nhiều thông tin với học sinh, thì nhà trường cũng không biết nhiều đến đời sống của học sinh, bởi nhà trường không đủ thân thiện để học sinh chia sẻ. Còn phụ huynh, phía thứ ba, lại phần nhiều khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường.

Sự hình thành hay việc học cái ác, cái bạo lực phải có cả một quá trình. Nếu như thông tin đa chiều giữa nhà trường - học sinh – phụ huynh được thông suốt, thì bạo lực đã không dễ dàng tràn lan như vậy.

Những học sinh đánh bạn thường sẽ bị đuổi học tạm thời, như là một cách buộc chúng phải chịu trách nhiệm cho những việc mà chúng đã làm. Nhưng các trường học ngoài việc hành xử theo cùng một cách giống nhau là đuổi học hay kỷ luật học sinh, thì chẳng nhận chút trách nhiệm gì khác. Còn hội phụ huynh, một định chế mờ nhạt, ngoài công việc thường xuyên là vận động đóng góp, cũng không hề có một ứng xử trách nhiệm gì.

Những nhà quản lí xã hội cũng không có một giải pháp khả thi nào ngoài tổ chức hội thảo và phát động nói “không” với bạo lực học đường. Kết quả hành động sau một thời gian dài không có tiến triển, cũng chẳng thấy ai công bố rằng mình là người trách nhiệm quản lí và đã thất bại, xin từ chức.

Những đứa trẻ “hư” vẫn cứ đánh bạn, và người lớn vẫn tiếp tục đứng nhìn.

Trung Dũng

No comments:

Post a Comment