Saturday 24 December 2011

Khóc thật hay khóc giả?

Lý Sự (bạn đọc danlambao) Không ngờ ông Kim Yong Il khi mất đi lại đặt một vấn đề lớn: Nhân dân Bắc Triều Tiên, cùng một số đồng chí bạn bè khắp năm châu, bốn bể khóc ông là khóc giả hay khóc thật? Có bốn khuynh hướng: (1) Khóc thật, (2) Khóc giả, (3) Khóc thật ít, khóc giả nhiều, (4) Khóc thật nhiều, khóc giả ít. Bốn đáp án này chỉ có một đúng và ba sai! Vậy chọn đáp án nào?
Đáp án (1), khóc thật ư? Không đúng vì ít nhất có anh con trai Kim Yong-Nam không khóc (ở quãng trường Hán Thành).
Phản thí dụ chứng minh đáp án (1) sai
Đáp án (2), khóc giả ư? Không đúng vì ít nhất có con gái Kim Jeo-Yong là khóc thật (con gái thương bố).
Phản thí dụ chứng minh đáp án (2) sai
Đáp án (3), khóc thật ít, khóc giả nhiều ư? Không đúng! Tại sao? Vì các tác giả theo xu hướng này không chứng minh bằng thực tế, có tính cảm xúc, tư biện. Bằng chứng bác Bùi Tín từng có kinh nghiệm thực tiễn, từng sống trong trạng huống ấy và đã sang tận Bắc Hàn để nắm tình hình và đã viết bài nghiêng về Đáp án (4).
Đàn “Garuda” đang khóc như mưa 
Bản thân người viết bài này chọn đáp án (4) như bác Bùi Tín, có tính khoa học hơn. Chỉ tiếc bác Bùi Tín chưa lý giải rõ ràng. Vậy xin mạo muội góp phần bảo vệ tư kiến vậy.
Từ cổ chí kim, khóc là thuộc tính của con người, “đã sinh ra thì đà khóc chóe”, đứa bé đã được lập trình “khóc” khi thay đổi các điều kiện nhiệt độ, áp suất,... là “chạy chương trình” liền. Gặp buồn thì khóc, hoặc “dư nước mắt” như “Thúy Kiều” thì sẵn sàng “giọt ngắn giọt dài” với “mả đất” ở bãi tha ma…Tất nhiên khóc như thế là khóc thật một trăm phần trăm. Vấn đề ở đây là hằng chục nhân viên “tấu khóc” ở văn phòng, hằng trăm công nhân “khóc gào” ở công trường. hằng ngàn thầy cô học trò “khóc húp mắt” ở trường học, hằng vạn cán bộ nhào ra quãng trường “góp nước mắt thành mưa” / Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa /...là một hiện tượng không thể giả nhiều thật ít. Khóc giả chỉ xảy ra đối với mấy cô đào anh kép trên sân khấu hay của đám khóc thuê lấy tiền. Theo tôi 5.000.000 dân Bắc Hàn cùng khóc như một dàn đại giao hưởng bi tráng là có thật. 
Ở đây phải dựa vào hai ông thánh xưa Mạnh Tử và Đác Uyn để làm cơ sở lý luận. Ngài Mạnh đả phá “Thuyết Kiêm Ái” của ngài Mặc. Ngài Mạnh viết câu để đời “Mặc tử vị cầm thú dã”. Chỉ loài cầm thú nghiêng về bản năng, một con “cạp cạp” cả bầy “cạp cạp”, con đầu đàn “be he” cả bầy “be he”, con đầu “ve ve ve” cả đàn “ve ve ve”… Điều này khác với con người phải sử dụng bộ não, một máy siêu vi tính, biết vi xử lý khi nào khóc khi nào cười, khóc ai ít khóc ai nhiều hoặc khi nào không nên khóc… 
Lại vận dụng thánh Đác Uyn như Mác vận dụng Hê-Ghen, biện chứng duy tâm chỉ cần một phép quay góc bù là thành biện chứng duy vật. Làm phép quay “thuyết tiến hóa” của Đác Uyn là có thuyết để lý giải hiện tượng “khóc tập thể Bắc Hàn”. Cha con họ nhà Kim, được các bậc thầy Lê Nin, Stalin, Mao,… dạy cho cách “giáo dục” và “lãnh đạo” dân Bắc Hàn thành một đàn “nhân điểu”, đàn “người-chim” (một biến thể của Garuda). Thật vậy sau hơn nửa thế kỷ, coi như ba thế hệ, họ Kim đã làm cuộc cách mạng thành công; làm cho dân Bắc Hàn mất dần những hoạt động của bộ não người, không còn nhập liệu và xử lý để có mọi hành vi của những con người. Bây giờ hoạt động sống của người dân Bắc Hàn đúng như đàn “nhân điểu”, hình dạng người nhưng não bộ chim. Hát là hát vạn người, múa là múa vạn người, đi lính là đi triệu người,... Thế thì khóc “Garuda-Kim Yong Il vĩ đại” của 5.000.000 “nhân điểu” là khóc thật nhiều giả ít. Điều cần quan tâm là nhóm đỡ đầu cho sự tiến hóa của Bắc Triều Tiên không phải người Triều Tiên! 
Rất mong sự chỉ giáo của những bậc cao minh.

No comments:

Post a Comment